Có một gia đình họ Hồ ở Huế

Thứ Tư, 03/03/2010, 10:43
Ở Huế, họ Hồ Đắc nổi tiếng từ lâu, nổi tiếng đến mức có người đã "đổi họ" để được chú trọng. Đó là chuyện xảy ra gần một trăm năm trước...

Một thí sinh họ Hồ (không phải Hồ Đắc), nghe người trong làng xui dại, khi nạp đơn thi vào Trường Quốc Tử Giám đã đổi chữ lót thành "Đắc". Khi bị phát hiện, Tế Tửu nhà trường là cụ Lê Văn Miến gọi anh ta vào và bảo: "Anh vào học được Quốc Tử Giám là nhờ VĂN, chứ không nhờ ĐẮC mà được. Việc khai man không thể che đậy được mãi. Anh nên suy nghĩ lại, kẻo bị thiệt hại." Có thể gọi đó là sự may mắn vì "bài học" ấy đã tác động đến việc xây dựng lòng tự trọng của anh, nên sau Cách mạng Tháng Tám, anh được bầu làm Chủ tịch một huyện của Thừa Thiên.

Nhắc chuyện "người đổi họ" để thấy là dù "anh" mang họ nào, nhưng nếu quyết chí học tập, rèn luyện cũng thành công.

Riêng gia đình cụ Hồ Đắc Trung (1861-1941) thì quả là đặc biệt. Chỉ riêng việc bốn anh em một nhà cùng tham dự Đại hội Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất tổ chức năm 1977 đã là sự kiện "độc nhất vô nhị" trong lịch sử xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Bốn người đến từ ba thành phố kết nghĩa, ba vùng đất có thể nói là tiểu biểu cho đất nước Việt Nam: Từ Hà Nội có luật sư Hồ Đắc Điềm, Giáo sư-bác sĩ Hồ Đắc Di; từ TP. Hồ Chí Minh có tiến sĩ dược khoa Hồ Đắc Ân và từ Huế có Sư bà Diệu Không (tức quận chúa Hồ Thị Hạnh).

Cả bốn vị trí thức tên tuổi ấy đều là con cụ Hồ Đắc Trung, một đại thần triều Nguyễn. Ông Hồ Đắc Điềm (1899-1986), sau khi tốt nghiệp tiến sĩ luật tại Paris, trở về nước làm ở Toà Thượng thẩm Hà Nội rồi chuyển làm quan Bố Chánh tỉnh Bắc Ninh, Tổng đốc Hà Đông. Khi Nhật đảo chính Pháp, người ta hai, ba lần mời ông làm Khâm sai Bắc Bộ phủ, nhưng ông đều từ chối. Và ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã đứng về phía Việt Minh và đi theo Chính phủ Cụ Hồ. Ông từng được cử làm Chánh án Toà án nhân dân Hà Nội, là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội…Trân trọng một gia đình "đại trí thức" (chữ Cụ Hồ dùng) đã hết lòng phụng sự cách mạng và nhân dân, Tết năm Quý Mão 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm gia đình cụ Hồ Đắc Điềm.

Gia đình cụ Hồ Đắc Trung - hàng trước ngồi: Cụ Hồ Đắc Trung và cụ bà Châu Thị Ngọc Lương. Hàng sau (từ trái qua): Các con gái Hồ Thị Chi, Hồ Thị Hạnh, Hồ Thị Phương, Hồ Thị Huyên, con dâu Tôn nữ Thị Khâm;  Các con trai Hồ Đắc Khải, Hồ Đắc Ân, Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Liên, Hồ Đắc Điềm và Ưng Uý (con rể cụ Hồ Đắc Trung).

Cũng như ông anh Hồ Đắc Điềm, hai người em là Hồ Đắc Di và Hồ Đắc Ân cũng đều được sang Pháp học - một người ngành Y, một người ngành Dược. Từ Pháp, bác sĩ Hồ Đắc Di (1900-1984) về làm việc tại Bệnh viện Huế rồi chuyển ra Hà Nội, vừa dạy Trường Đại học Y Dược, vừa làm tại Bệnh viện Phủ Doãn. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được cử làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hà Nội và khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cũng như ông anh Hồ Đắc Điềm, ông theo Chính phủ Cụ Hồ lên Việt Bắc, góp công xây dựng nền y tế của đất nước cho đến lúc qua đời. Còn ông Hồ Đắc Ân, từ Paris trở về Sài Gòn làm việc rồi tham gia kháng chiến cùng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Trong một trận càn, ông bị giặc Pháp bắt đưa về Sài Gòn. Dù vậy, ông vẫn bí mật ủng hộ kháng chiến bằng việc bào chế các thứ thuốc cung cấp cho các chiến khu.

Sư bà Diệu Không (thế danh là Hồ Thị Hạnh) là cô gái út trong gia đình, tuy chỉ học tại Trường Đồng Khánh (Huế) nhưng do chịu khó tự học, ham đọc sách, nên tinh thông chữ Pháp, chữ Hán, có vốn văn hoá phong phú cả Tây và Đông. Thời trẻ, bà rất ngưỡng mộ các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, tham gia Hội Từ thiện, Hội Nữ công… và dần trở thành vị chân tu bậc thầy đứng đầu giới nữ tu Việt Nam, có đóng góp to lớn vào việc xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong gia đình cụ Hồ Đắc Trung không chỉ có 4 người con ấy làm nên sự nghiệp lớn. Trong 10 người con của cụ (6 trai, 4 gái), còn có ông Hồ Đắc Khải - người anh cả, đậu cử nhân Hán học, là anh rể của bác sĩ Tôn Thất Tùng; ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ, sung Cơ Mật viện. Ông Hồ Đắc Liên ít người biết hơn, tuy "tiểu sử" cũng khá đặc biệt: sau khi tốt nghiệp kỹ sư mỏ-địa chất tại Pháp, ông về làm việc tại Đà Nẵng, được Hồ Chủ tịch mời tham gia đoàn dự Hội nghị Fontainbleaux (năm 1946); ông cũng là một trong những người được Cụ Hồ bí mật cử sang Hồng Kông, đem tiền, vàng "tiếp tế" cho "Cố vấn Vĩnh Thụy", sau đó, ông lên chiến khu Việt Bắc chủ yếu lo việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, từ năm 1951-1954 giảng dạy tại Trường Dự bị Đại học tại Thanh Hoá cùng các trí thức nổi tiếng như Trâng Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy; từ năm 1955, ông được cử làm Giám đốc Nha Địa chất (tiền thân của Tổng cục Địa chất) cho đến lúc qua đời (1957). 

Bốn chị em gái cũng là những nhân vật đặc biệt. Cô út - quận chúa Hồ Thị Hạnh - thì chúng ta đã biết. Người chị cả Hồ Thị Huyên là phu nhân của cụ Ưng Úy, Thượng thư Bộ Lễ, thân sinh nhà bác học Bửu Hội; cụ Ưng Úy là một trong những quan lại triều Nguyễn đã sớm đứng về phía chính phủ Cụ Hồ sau Cách mạng Tháng Tám; trong khi cô Hồ Thị Phương về làm dâu cụ Phó bảng Lê Trinh, Thượng thư Bộ Lễ dưới triều Thành Thái và Duy Tân thì cô Hồ Thị Chỉ trở thành Ân phi của vua Khải Định…

Theo tiểu sử của cụ Đông Các Đại học sĩ Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung do Lê Ngân và Hồ Đắc Hoài biên soạn thì cụ Hồ Đắc Trung quê làng An Truyền (còn gọi là làng Chuồn), một làng cổ, trước thuộc tổng Vĩ Dạ, nay thuộc huyện Phú Vang. Kể về nòi giống thì Hồ Đắc Trung cũng có chút hơn người. Thân mẫu là quận chúa Công Nữ Thức Huấn, con gái Tùng Thiện Vương Miên Thẩm - hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng và là nhà thơ nổi tiếng đất thần kinh; còn thân phụ là cử nhân Hồ Đắc Tuấn, từng làm quan đến chức tri phủ. Mang danh nhà quan, lại là hầu tước và quận chúa, nhưng họ vẫn giữ được cuộc sống thanh đạm. Hồ Đắc Trung đã lớn lên từ cái nôi trong sạch và có văn hoá như thế. Nhân cách Hồ Đắc Trung cũng đã nảy mầm từ đây. Có lẽ đó là may mắn đầu tiên của ông, một quận công không bị tha hoá vì cuộc sống xa hoa nơi trướng rủ màn che, lầu son gác tía.

Nhưng không chỉ có vậy. An Truyền cũng là quê hương của Đoàn Trưng (1844-1866), lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Chày Vôi - cuộc nổi dậy nhằm chống lại các hoà ước mà Triều đình Huế đã ký với Pháp đã diễn ra cũng vào một năm Bính Dần (1866), cách đây 144 năm. Tuy Hồ Đắc Trung ra đời sau Đoàn Trưng 17 năm, nhưng hai người lại có mối quan hệ đặc biệt do Đoàn Trưng cũng làm rể nhà thơ hoàng tộc Tùng Thiện Vương Miên Thẩm; nói cách khác, Hồ Đắc Trung gọi Đoàn Trưng bằng dượng, mặc dù để tránh liên lụy cho gia đình thông gia, ông đã "trả" con gái nhà thơ về phủ Tùng Thiện Vương trước khi khởi sự. Khi khởi nghĩa Đoàn Trưng thất bại (1866). Hồ Đắc Trung mới là cậu bé 5-6 tuổi, nhưng dư âm cuộc nổi dậy và nhất là những hình phạt tàn nhẫn mà triều đình thi hành đối với đội quân khởi nghĩa thì còn lay động tâm can dân chúng Huế nhiều thập kỷ về sau, huống chi với Hồ Đắc Trung.--PageBreak--

Một buổi sáng trước thềm năm mới Bính Dần (2010), tôi ghé thăm phủ Tùng Thiện Vương bên bờ sông An Cựu. Trong làn sương khói mờ ảo, trên khoảng sân rộng dưới bóng cây đại xoà cành tứ phía và hàng cau thẳng tắp dẫn vào những ngôi nhà in đậm dấu ấn cổ xưa, tôi bỗng tưởng thấy công tử Hồ Đắc Trung thận trọng theo chân mẹ là quận chúa Thức Huấn về thăm ngoại. Sống giữa lòng đất Huế, câu chuyện bi thảm về dượng Đoàn Trưng bị xẻo từng miếng thịt cho đến chết (tội lăng trì) rồi bị bêu đầu sau khi khởi nghĩa thất bại chắc hẳn đã làm Hồ Đắc Trung đau lòng. Và hẳn là cậu đã nghe mẹ và ông ngoại nhỏ to về số phận đau khổ của bà dì Thể Cúc khi bị Đoàn Trưng trả về, rồi chính nhà thơ hoàng tộc lừng danh đã buộc phải trói cả mẹ con Thể Cúc quỳ nhận tội khi "giặc" Chày Vôi bị dẹp tan. Đau đớn hơn, chính thân mẫu của Hồ Đắc Trung - bà quận chúa Thức Huấn đã bị giặc Pháp giết trong đêm Thất thủ kinh đô (1885).

Quả là không phải ngẫu nhiên, khi làm quan, cụ Hồ Đắc Trung đã nhiều lần tỏ cảm tình và có những động thái ủng hộ các lực lượng yêu nước chống Tây. Theo hồi ký của Sư bà Diệu Không, lúc làm Tổng đốc Nam-Ngãi, khi Trần Cao Vân và Thái Phiên bị bắt trong phong trào chống thuế, bọn Pháp định xử án tử hình, nhưng cụ đã bảo lãnh xin cho hai người khỏi phải chết chém. Cụ Hồ Đắc Trung còn có mối quan hệ thân thiết và có cảm tình đặc biệt với vua Duy Tân, vị vua tuổi rất trẻ nhưng có tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp quyết liệt. Bọn chúng rất muốn hướng vị vua còn nhỏ tuổi vào lối sống hưởng lạc, hàng tuần đưa vua ra chơi tại nhà nghỉ ở Cửa Tùng (Quảng Trị); mỗi lần như thế, cụ Hồ Đắc Trung lúc này là Thượng thư Bộ Học, thường là người hộ giá nhà vua; đặc biệt là cụ đã khôn khéo đem theo các con cùng lứa tuổi với nhà vua như Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Hồ Thị Chỉ, Hồ Thị Hạnh để nhà vua có bạn tâm tình và chơi đùa một cách lành mạnh…

Sư bà Diệu Không đã kể lại trong hồi ký của mình: "…Ban đầu chúng tôi không dám đi theo Ngài, nhưng sau đó, cứ mỗi sáng đã lại thấy Ngài gọi cùng đi. Chúng tôi nhận thấy những khi Ngài ngự du Xuân, ngồi trên kiệu vàng thì rất uy nghi, nghiêm chỉnh mà sao khi ra chơi Ngài lại rất bình dân, vui đùa hồn nhiên, vô sự… Hôm Ngài trở về Huế, lần nào cuộc chia tay cũng thật bịn rịn. Các anh tôi đến chào Ngài thật sớm, và đưa ra tận xe, còn hai chị em tôi đứng ở xa, chỉ vái chào Ngài. Ngài đưa tay chào lại, còn ngoái đầu ngó lại. Tình vua tôi, thầy trò thân mật lạ lùng!".

Điều trớ trêu là chính vào lúc nhà vua trẻ dự tính chấm quận chúa Hồ Thị Chỉ làm hoàng hậu thì Trần Cao Vân và Thái Phiên chuẩn bị khởi nghĩa và vua Duy Tân bỗng đổi ý, xin cụ Mai Khắc Đôn cho con gái là Mai Thị Vàng vào cung. Hồi ấy chưa mấy ai biết vì sao vua Duy Tân lại đổi ý đột ngột như thế. Gần đây, trong hồi ký vừa xuất bản, Sư bà Diệu Không (tức Hồ Thị Hạnh, em ruột Hồ Thị Chỉ) khi nhắc đến việc cụ Hồ Đắc Trung bị mật thám Pháp gọi lên xét hỏi sau khởi nghĩa Duy Tân, đã viết: "…Chính Ngài đã cứu gia đình ta…".

Trước đó, khi từ hôn với Hồ Thị Chỉ, chính vua Duy Tân đã nói với cụ Hồ Đắc Trung: "…Tôi chắc thầy sẽ rõ lòng tôi hơn ai hết …". Tấm lòng của vị vua trẻ đối với cụ Hồ Đắc Trung mà Ngài kính nể gọi là "thầy" sau đó đã được chính vua Duy Tân nói ra khi bị bọn Pháp bắt hỏi cung: "…Ngài thì khai vì thương nhà mình đông con, sợ bị liên lụy nên tự từ hôn, chứ không cho biết vì sao cả". Nhờ đó, cụ Hồ Đắc Trung thành vô can, mặc dù hai người bị án tử hình là Trần Cao Vân và Thái Phiên là người mà cụ đã bảo lãnh trong vụ án chống thuế trước đây.

Kể lại việc cụ Hồ Đắc Trung phải thảo tờ trình về cái án của vua Duy Tân theo lệnh Toà Khâm, Sư bà Diệu Không viết: "Ông cụ tôi về nhà, dở khóc dở cười. Chiều hôm ấy cụ chỉ nằm khóc, bỏ cả cơm nước, mẹ tôi phải an ủi, động viên mãi, ông cụ mới ngồi dậy và suốt đêm hôm đó, cụ ngồi viết mãi, viết hoài… Đại thể bản án hay ở chỗ là khen vua có lòng ái quốc, chỉ vì tuổi còn nhỏ, nên đã làm sai đường lối mà nước Pháp muốn mở mang cho Việt Nam…". Với bản án có tình có lý ấy, vua Duy Tân thoát tội chết, nhưng bị đày ở đảo Réunion trên Ấn Độ Dương.

Cụ Hồ Đắc Trung còn có cảm tình đặc biệt với gia đình cụ Nguyễn Sinh Huy. Năm 1910, khi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy làm tri huyện Bình Khê (Bình Định), do "thẳng tay trừng trị bọn cường hào sâu mọt vốn là thủ hạ của một số thế lực trong Triều, quan tri huyện lại có lần "sơ ý" để một số chính trị phạm trốn thoát… đã bị bãi chức kèm theo án "phạt tiền 10 nén bạc và bị đánh đòn 100 trượng, đuổi về Nghệ An"… cụ Hồ Đắc Trung đã cùng cụ Cao Xuân Dục đứng ra xin cho ông Phó bảng khỏi bị phạt đòn và được phép cư trú tự do ngoài kinh thành Huế…"

Nguyễn Khắc Phê
.
.
.