Có một Quang Dũng vẽ tranh

Thứ Bảy, 10/10/2020, 11:21
LTS: Chị Bùi Phương Thảo, con gái thi sĩ Quang Dũng gửi tới ANTG GT - CT bài viết hé lộ một thế giới khác của tác giả “Tây Tiến”: thế giới hội họa. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!


Tặng bạn những bức tranh quý

Năm 1962, gia đình tôi đổi nhà từ 91 Lý Thường Kiệt về 296 phố Bà Triệu. Căn phòng trên gác 3 ấy in đậm trong kí ức của tôi nhiều kỉ niệm về gia đình.

Hai mươi năm sống ở căn gác 3 đó cũng là giai đoạn cả gia đình tôi gặp nhiều khó khăn nhất. Mợ tôi cặm cụi đan móc áo len thuê, công việc do một người bạn của cha tôi xin cho, còn ông tranh thủ viết và đi thực tế về những vùng nông thôn hay lên miền núi xa xôi... Nhiều bức vẽ của cha tôi ra đời trên căn nhà gác ấy. 

Tôi hay mê mải xem cha vẽ, nhà chật lại đông con, ông trải giấy xuống khoảng sàn nhà còn trống hoặc dựa vào tấm gỗ dán trên sân thượng để vẽ. Tranh vẽ xong cũng không có chỗ để treo, hai bức lớn nhất là “Công viên Thống nhất” và “Cây bàng” được ưu tiên dựng nghiêng trên nóc lò sưởi (căn nhà từ thời Pháp có lò sưởi trong nhà). Vài tranh nhỏ được buộc dây thép vào khung cửa sổ bằng gỗ và số còn lại cha tôi cuộn bằng giấy báo, dựng trong nhà.

Thi sĩ Quang Dũng.

Tranh vẽ xong, có bạn thích là cha tôi tặng luôn hoặc cho mượn. Bác Nguyễn Ngọc Chương, người bạn học thân thiết với cha tôi được tặng 3 bức tranh nhưng kèm theo bức thư: “Anh Ngọc Chương, tôi mang ba bức tranh biếu anh. Ba bức ấy có tên là: 1/ Cây bàng. 2/ Đường ven làng Tây Hồ (có cây gạo và xe ngựa). 3/ Vườn Nhật Tân (có hoa đào vẽ tháng Chạp năm 1960). Bức Cây bàng tôi rất quý và chắc anh cũng vừa ý. Chỉ xin phép anh tới năm 1985 thì anh lại cho tôi được giữ, chắc lúc đó tôi cũng có một cuộc họp mặt vào quãng 65 tuổi, giống như anh ngày nay. Tôi có tí việc, hôm mồng 6 này không xuống uống chén rượu vui tuổi lên lão của anh kịp. Xin hẹn đến 1985. Quang Dũng, mồng 3 tết 1980”. 

Bức “Cây bàng” cha tôi đã “đòi” lại sau đó vài năm cũng vì mẹ tôi rất nhớ bức tranh này. “Cây bàng” đã gắn bó trên nóc lò sưởi như một thành viên trong gia đình tôi gần hai mươi năm. Bức “Bến Ngọc” phải đến năm 2011, khi bác Chương mất, tôi được anh Tân, con trai bác “tặng” lại, “Bến Ngọc” và “Vườn đào Nhật Tân” đã có số phận mới khi giờ đây được trưng bày ở Bảo tàng Văn học cùng với những bút tích, kỉ vật ít ỏi nhưng vô cùng quý giá của cha tôi (ông đã để thất lạc rất nhiều tác phẩm văn chương và hội họa cũng do không lưu tâm giữ lại...). Bức tranh “Ông già say”, tay cầm vò rượu, chân chệnh choạng với gương mặt hồng hào, được để ở nhà một thời gian rồi không biết ông đã tặng (hay cho ai mượn và từ bao giờ không biết). 

Cha tôi còn vẽ 5-6 bức tranh sơn dầu phong cảnh núi non chùa Thầy (tôi nhớ nội dung do mái thủy đình đặc biệt của núi Thầy), tranh bị bụi bám rất nhiều, thỉnh thoảng dọn nhà, tôi lại rửa tranh cho sạch. Mấy bức sơn mài vẽ hình cô gái bên suối, mái nhà trên phố và hoa đào... người anh trai thứ ba của tôi từng nhiều lần phụ giúp ông ở công đoạn mài tranh. Sau nhiều năm cùng sự đổi dời, những bức tranh này gia đình cũng không biết lưu lạc ở đâu.

Tranh được nhà sưu tầm hỏi mua

Gia đình tôi một lần nữa chuyển nhà về khu tập thể Nguyễn Công Trứ cuối năm 1981. Năm 1984 cha tôi bị tai biến nặng sau chuyến vào Lâm Đồng viết bài. Ông trở ra Hà Nội và mất năm 1988 tại nhà. Tài sản cha tôi để lại chỉ còn bó tranh, mấy bức tranh trên tường và ít tài liệu sách vở.

Tác phẩm “Cây bàng”.

Vẽ tranh đối với cha tôi được ông xem như sự thư giãn, nạp thêm chút năng lượng để vượt qua sự khó khăn, chật vật của cơm áo đời thường. Có những giai đoạn ông gặp nỗi buồn lớn về tinh thần nhưng tranh vẽ của ông vẫn thể hiện sự trong trẻo, hồn nhiên, yêu đời. Sau này, tôi hiểu chính những lúc cầm cọ vẽ như vậy, cha tôi đã rèn luyện cho mình thêm nghị lực để vượt qua những gian nan ấy. Ông vẽ tranh trên mọi chất liệu giấy: từ giấy nháp bài học của con, bìa lịch, bìa vở, giấy báo và sổ tay công tác... 

Sau khi cha tôi mất được 5 năm, biết cha tôi để lại nhiều tranh, trong đó có bức “Cây bàng” đã tham gia Triển lãm Mĩ thuật toàn quốc, nhà thơ Lữ Giang, một trong số những người bạn của cha tôi đã giới thiệu cho gia đình một người sưu tầm tranh là chú Trần Văn Lâm, (trong giới sưu tầm thường gọi là Trần Lâm). 

Quán café số 74 phố Tô Hiến Thành của chú Lâm treo tranh của nhiều họa sĩ tên tuổi như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Điềm Phùng Thị... chú Lâm đã hẹn với gia đình tôi ngày qua xem tranh của cha tôi. Những bức tranh màu sắc tươi sáng, gây ấn tượng với nhà sưu tầm. 

Chú Lâm xem xong ngỏ ý muốn mua tất cả và nói có ý định tự xuất bản một tập thơ, tranh Quang Dũng vì theo chú một nhà thơ - họa sĩ là rất hiếm. Nếu sách bán được, sẽ chia cho mẹ tôi một phần tiền. Hai anh em tôi không tránh khỏi tâm trạng không vui, riêng tôi cảm thấy như sắp mất cha thêm lần nữa. Ba mẹ con tôi sau đó đã từ chối bán tranh và tặng chú 2 bức tranh nhỏ làm kỉ niệm. Chú Lâm ngỏ ý tiếc nuối và cũng hiểu giá trị tinh thần mà cha tôi để lại cho gia đình. 2 bức tranh hiện đang được trưng bày ở quán café 42 Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội, là nơi gia đình chú Lâm chuyển về từ nhiều năm nay. 

Quyết định của ba mẹ con tôi lúc đó có thể đã bỏ lỡ một cơ hội bán được tranh của cha tôi nhưng tôi chắc nếu còn sống, cha tôi cũng đồng tình. Trước đó, bức tranh “Mùa gặt” được treo ở lan can gác xép căn phòng đã được cha tôi tặng cho một người Việt kiều Pháp khi về thăm ông lúc đã mang bệnh, bức tranh hiện nay do một người sưu tầm tranh tại Pháp giữ (thông tin của nhà phê bình Đặng Tiến).

Tác phẩm “Công viên Thống nhất”.

Anh tôi đã mang bó tranh của cha lên nhà anh ở Thái Nguyên để giữ gìn và bảo quản, lúc đó gia đình tôi mỗi người ở một nơi, kẻ Nam người Bắc. Sau này, khi tôi ở riêng, anh đã giao lại cho tôi giữ cùng tất cả tư liệu, sách vở còn lại của cha tôi. Mợ tôi hay nói “giàu con út, khó con út”, đến bây giờ thì tôi đang giữ cả gia tài chữ nghĩa của cha, tôi thật sự giàu!

Minh họa và mong muốn chưa thực hiện

Cha tôi khi viết xong một truyện kí hay thơ đều tự minh họa cho những cuốn sách của mình như “Nhà đồi” (truyện kí), hồi kí “Đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào - Việt”, “Mùa quả cọ” (truyện thiếu nhi)... Trong cuốn hồi kí bản thảo gốc được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2019 lấy tên là “Đoàn binh Tây Tiến”, có rất nhiều minh họa. Đọc hồi kí và xem những minh họa còn tươi màu mực dù đã qua gần 70 năm của ông, thật dễ hình dung về trang phục, tập tục người vùng cao Tây Bắc, nơi đoàn quân Tây Tiến hoạt động trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. 

Có một chuyện tôi không thể quên khi biên soạn tập thơ “Mắt người Sơn Tây” (Nhà xuất bản Nhã Nam, năm 2012), trong sổ tay của ông có bài “Mưa rừng”, phía góc phải đầu bài thơ có vẽ một lồng chim, trong có một con chim nhỏ được chú thích là: Hoàng Yến. Vì chữ viết và nét vẽ của cha tôi nên tôi không có chút thắc mắc nào và đưa vào tập dù giọng điệu thơ không quen lắm. Sách ra và có hồi âm của gia đình bác Hoàng Yến, tôi xem lại và hiểu chú thích Hoàng Yến là tên tác giả. Bức thư tôi phản hồi tới gia đình bác Hoàng Yến bày tỏ tình bạn của hai ông, giản dị, hồn nhiên là nét tính cách sâu đậm trong tâm hồn cha tôi.

Trong tranh vẽ của cha tôi hiếm khi vắng bóng cây xanh, ông là người có tình yêu rừng sâu sắc. Truyện kí có những: “Đồi trọc”, “Hội cánh kiến”, “Mùa quả cọ”, “Có cây có người”, “Quê trung du”, “Quỳ Châu”, “Rừng về xuôi”... Trong một sổ tay còn lại, ông dự định vẽ một bức tranh sơn dầu về cây chò nâu, ông ghi: “Cây chò nâu, 10m3, chiều cao 22m, giá ước 500đ. Một bức sơn dầu về cây chò nâu dưới bóng có nữ công nhân của lâm trường đeo bi đông nước” và không thể thiếu phác thảo của bức tranh trong sổ tay.

“Người mang trong trắng đi tìm thanh cao”

Cùng ý tưởng với nhà sưu tầm tranh Trần Lâm, tôi luôn mong mỏi đến lúc có điều kiện sẽ giới thiệu những tranh vẽ của cha tôi, in ra và làm thành một tập. Hoặc làm kiểu như bưu thiếp để lưu lại cho gia đình những giá trị tinh thần của ông nhưng thích nhất vẫn là làm cuốn sách gồm thơ và tranh vẽ. Tôi nghĩ tới điều đó từ khi cha tôi mất được 10 năm, cuộc sống bận rộn và những mất mát liên tục trong gia đình làm chững lại những ý tưởng làm cuốn sách. Chắc hẳn cha coi tôi là tri kỉ nên bằng thức nào đó kết nối tôi với những người bạn đặc biệt: họa sĩ Tô Chiêm. 

Chúng tôi đã cùng trao đổi về nội dung cuốn sách với dự định ra vào dịp 30 năm mất của nhà thơ (2018), song do tình hình khách quan, cuốn sách ra chậm hơn dự tính. Điều đó không làm giảm hạnh phúc của tôi khi có trên tay: “Người mang trong trắng đi tìm thanh cao”, đứa con tinh thần được mong mỏi có dịp đồng hành với những trang thơ của ông.

Những ngày cuối tháng 7 âm lịch, tháng tri ân đấng sinh thành, tiết trời mưa nắng thất thường. Ngoài phố, những gánh thị đầu mùa, mùi thơm tan loãng cùng hương hoàng lan thật khéo níu cảm xúc của những người nhiều trắc ẩn. Cuốn sách chắc còn có thiếu sót vì vắng đi một vài bức tranh và hi vọng sẽ có dịp bổ sung khi tái bản nhưng mong mỏi khắc họa chân dung đủ đầy của một thi nhân xứ Đoài, “Nhà thơ Quang Dũng - người mang trong trắng đi tìm thanh cao” sẽ làm hài lòng những độc giả mến mộ ông.

7-9-2020

Bùi Phương Thảo
.
.
.