Nước Mỹ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng:

Cơ hội cho ông Obama

Thứ Hai, 16/06/2008, 14:20
Ngày 4/6, cuộc đua dai dẳng, quyết liệt của hai thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ để giành quyền được đề cử là ứng cử viên của đảng tranh cử chức Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã kết thúc. Ông Barack Obama đã đánh bại cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và sẽ bước vào cuộc đấu mới với John McCain tranh chức ông chủ Nhà Trắng. Nước Mỹ đang có cơ hội lựa chọn một vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của mình.

Còn sự phân biệt chủng tộc

Theo số liệu của Ủy ban Dân số Hoa Kỳ, năm 2006 tại Mỹ có 40,2  triệu người da đen, chiếm 13,4% dân số toàn quốc. Một phần ba số người Mỹ gốc Phi đang ở độ tuổi dưới 18. Tới năm 2050, tỉ lệ những người Mỹ da đen sẽ tăng lên 14.6%. 81% số người Mỹ gốc Phi có ít nhất là bằng trung học hoàn chỉnh. Cứ 19 người Mỹ gốc Phi thì có 1 người có học vị.

Trong những năm 2002 tới 2006 có khoảng 24% thanh niên Mỹ da đen bỏ học khi còn chưa tốt nghiệp phổ thông (tỉ lệ này ở thành niên da trắng là 16%). 26% người Mỹ da đen ở độ tuổi lao động làm việc ở những vị  trí được trả lương cao. Tại Mỹ hiện nay có 44,9 nghìn bác sĩ da đen, 80 nghìn giảng viên da đen, 48,3 nghìn luật sư da đen và 52,4 nghìn nhà quản lý cao cấp.

Cứ một thí sinh da đen thi đỗ đại học thì có 100 người Mỹ gốc Phi bị kết án, đó là số liệu của Cục Thống kê Tòa án. Có khoảng 9% thanh niên da đen hiện đang phải ở các nhà tù hay đang bị các cơ quan bảo vệ luật pháp theo dõi.

Dù các đại diện chính thức của Washington có lớn tiếng tự ca ngợi nền dân chủ Mỹ đến đâu thì trong thực tế, vẫn không thể nào không nhìn thấy tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục ăn sâu vào nếp sống và tư duy của người dân quốc gia này.

Các nghiên cứu của Viện Gallup cho thấy, khi nói tới sự phân biệt chủng tộc mà các công dân Mỹ có thể trực tiếp va chạm ở nơi họ cư trú, chỉ 10% số người được hỏi ý kiến khẳng định rằng, sự phân biệt đó là rất rõ và 25% cho rằng, cũng có thấy sự phân biệt đó.

Tuy nhiên, khi nói tới tình hình tổng thể trên quy mô cả nước thì tỉ lệ những người cho rằng sự phân biệt chủng tộc rất mạnh hay cũng tồn tại ở chỗ này chỗ khác đã tăng lên 25 và 50%. Trong suốt cả  thập niên cuối cùng của thế kỷ XX và suốt bảy tám năm đầu tiên của thế kỷ XXI, những tỉ lệ này trong thực tế hầu như không thay đổi.

Quyền lực thuộc về ai?

Hiệp hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ cho rằng, các cộng đồng sắc tộc thiểu số ở Mỹ có quá ít đại diện ở các cơ quan lập pháp. Để có căn cứ cho các phân tích, người ta đã lấy các số liệu của năm 2000 bởi khi đó đã tiến hành thống kê lại dân số ở Mỹ.

Theo đó, trong các cơ cấu chính quyền ở tầm cỡ liên bang, đa số tuyệt đối thuộc về người da trắng. Thí dụ, 31% dân số ở Mỹ không thuộc về chủng tộc da trắng nhưng họ chỉ được đại diện ở hạ viện Mỹ bằng 12% số nghị sĩ da màu. Kết cục là, số lượng người da trắng ở Hạ viện cao hơn tỉ lệ người da trắng trong thành phần dân số Mỹ 1,3 lần. Đối với người da đen, tỉ lệ này là  0,7; đối với người gốc châu Mỹ Latinh - 0,5; đối với người gốc châu Á - 0,2; đối với người da đỏ - 0,1 (tức là tại Hạ viện, số nghị sĩ da đỏ ít hơn 10 lần so với cần có nếu các cử tri da đỏ chỉ bỏ phiếu cho các ứng cử viên cùng màu da với mình).

Ở tầm nghị viện các bang tình hình cũng tương tự như thế. Trong số 7.382 nghị sĩ bang chỉ có 891 người là  thuộc các sắc tộc thiểu số - tức là cũng chỉ chiếm khoảng 12%. Cơ cấu thành phần cũng tương tự ở tầm liên bang: giữa những cộng đồng thiểu số thì người da đen đông hơn cả  (530); người gốc Mỹ Latinh: 9; người gốc châu Á: 85 và người da đỏ: 47. Chỉ ở tầm địa phương, tình hình mới đổi khác: Tại đó các cộng đồng thiểu số giữ ảnh hưởng lớn hơn cả.

Nghiên cứu của Đại học Brown cho thấy, các nghị sĩ da đen hoạt động tích cực hơn các đồng nghiệp da trắng trong mọi hoạt động lập pháp. Họ không chỉ tập trung vào các dự luật có thể ảnh hưởng tới người da đen mà còn rất tích cực bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng thiểu số khác. Điều này cho phép đi tới kết luận: Một nghị viện đa dạng về chủng tộc và sắc tộc có thể làm việc hiệu quả hơn các nghị viện mà thành phần đơn độc màu da. Đó chính là kết luận được đưa ra trên cơ sở phân tích tình hình ở Quốc hội khoá 107 (nhiệm kỳ 2001-2002).

Đại học Wisconsin - Milwaukee năm 2007 đã tiến hành phân tích: các chính trị gia da đen đã  làm gì để cải thiện đời sống những người cùng màu da với mình? Kết quả thu được rất bất ngờ: Việc số lượng những người gốc Phi tăng lên tại các cơ quan lập pháp và hành pháp không hề ảnh hưởng gì tới chuyện các cử tri da đen được nhận nhiều trợ cấp hay đầu tư hơn. Rất ít khi các nghị sĩ da đen hành động chỉ vì quyền lợi của một nhóm sắc tộc riêng rẽ.

Trong giai đoạn từ năm 1870 tới năm 2004, tại Hạ viện Mỹ chỉ có tổng số 120 nghị sĩ da đen được bầu. Hiện nay tại đó đang có 41 người gốc Phi: 39 nghị sĩ đầy đủ quyền hạn và 2 nghị sĩ dự thính (từ Washington và từ quần đảo Virginia), tạo thành nhóm "Black Caucus" đầy quyền lực.

Bắt đầu từ năm 1990 những người Mỹ gốc Phi được bầu làm thống đốc bang và hiện nay họ đang đứng đầu bộ máy quản lý Massachusetts và New York (tại New York, ông David Paterson thoạt tiên được bầu vào chức Phó thống đốc và mới đây mặc nhiên trở thành Thống đốc sau vụ tai tiếng tình dục của người tiền nhiệm là ông Eliot Spitzer). Người Mỹ gốc Phi hiện đang làm thị trưởng ở nhiều thành phố lớn, trong đó có Washington, Philadelphia, Detroit, New Orlean và Atlanta.

Cơ hội dành cho ông Obama

Theo kết quả của cuộc điều tra xã hội do hãng truyền hình CBS và báo "New York Times" tiến hành gần đây, đại đa số cử tri Mỹ sẵn sàng tự họ chọn một ứng cử viên da đen làm Tổng thống. Tuy nhiên, họ vẫn đang hoài nghi về việc những cử tri khác ngoài họ có làm như thế hay không. 90% số người Mỹ được hỏi ý kiến tuyên bố rằng họ sẵn sàng bỏ phiếu cho một ứng cử viên là người gốc Phi. --PageBreak--

Tuy nhiên, trong số này chỉ có 65% cho rằng, đại đa số những người quen của họ cũng sẽ có sự lựa chọn như thế. 54% đoan chắc rằng, đã tới lúc nước Mỹ có thể thích hợp với một vị Tổng thống da đen (năm 2000, tỉ lệ này chỉ ở mức 37%).

Theo các chuyên gia, các chính trị gia da đen trong quá trình vận động tranh cử thường dựa vào một trong hai chiến lược chính. Hoặc là họ cố gắng trước hết tranh thủ sự ủng hộ của người da đen và các đại diện tư duy tự do thuộc các nhóm sắc tộc khác, hoặc ra sức lôi kéo thành phần trung gian trong đội ngũ cử tri. Trong trường hợp thứ nhất, các yếu tố sắc tộc ít hay nhiều đều thể hiện rõ nhưng trong trường hợp thứ hai, thì yếu tố này lại bị làm lu mờ đi.

Thành công đáng kinh ngạc hiện nay của ứng cử viên Obama tại bầu cử Thượng viện và những tiến triển khả quan tại cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở mức độ không ít được lý giải bằng việc, chính ông Obama đã khéo léo kết hợp cả hai chiến lược trên.

Cụ thể, ông Obama không lảng tránh các vấn đề sắc tộc nhưng lại không quá nhấn mạnh vào điều này. Chính vì thế nên ông không chỉ giành được sự ủng hộ của tuyệt đại bộ phận người gốc Phi mà còn tìm thấy hàng triệu người có cảm tình với ông trong số các cử tri da trắng và các nhóm sắc tộc khác.

Nhìn từ góc độ nào đó, ông Obama là chính trị gia "liên sắc tộc" đầu tiên ở tầm liên bang, mặc dầu bản thân ông không đồng tình với thuật ngữ này. Ông Obama là một chính trị gia rất tiến bộ ở Illinois và vẫn giữ đúng phong độ này ở Washington.

Nếu phân tích việc ông bỏ phiếu ở Thượng viện Hoa Kỳ thì có thể thấy, ông thuộc thành phần tự do nhất trong đội ngũ các thượng nghị sĩ. Cũng như ở Chicago, ông luôn bày tỏ mình như một người ủng hộ nhiệt thành và cương quyết việc cải cách hệ thống bảo vệ sức khoẻ và bảo vệ môi trường.

Ông đã không chỉ một lần bày tỏ năng lực thương thảo một cách đầy tính xây dựng với ngay cả những đối thủ chính trị cương quyết nhất. Ông rất nhiều lần và thường là rất gay gắt phê phán nếp sống chính trị ở Washington nhưng lại luôn luôn chống lại những phủ nhận phũ phàng đối với năng lực làm việc của các định chế chủ yếu trong nền chính trị Mỹ. Trong thời gian làm việc ở Thượng viện, ông Obama cũng đã kịp cho mọi người thấy rõ hiểu biết đáng kính nể của ông trong các vấn đề quốc tế. Và mặc dầu vị thượng nghĩ sĩ trẻ từ bang Illinois tới đầu năm 2007 mới chỉ có thâm niên hai năm làm việc ở Washington nhưng đã được chuẩn bị hoàn chỉnh cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Trong các bài phát biểu trước công chúng, cũng như các ứng cử viên khác trong cuộc chạy đua vào những chức vụ cao cấp ở Mỹ, ông Obama nói rất nhiều tới cái gọi là giấc mơ Mỹ. Ông không chỉ giới hạn việc biến giấc mơ này thành hiện thực bằng những thành công cá nhân và sự giàu có vật chất.

Ông luôn luôn nhấn mạnh (đặc biệt trước cử tọa là giới trẻ) tới nhu cầu phục vụ xã hội và lo lắng cho lợi quyền chung của dân tộc. Ông cũng thường nói rằng, trung thành với giấc mơ Mỹ đồng nghĩa với việc trung thành với ý tưởng bình đẳng, bác ái và các cơ hội ngang nhau, không phụ thuộc vào hoàn cảnh ra đời hay gia cảnh giàu nghèo.

Ông ủng hộ việc tất cả các công dân Mỹ đều được có quyền như nhau để nhận một sự giáo dục có chất lượng, cơ sở căn bản để giành lấy thành công trong cuộc sống. Ông hay nhắc lại câu nói của Thomas Jeffersons: "Cần phải dạy các tài năng và đức hạnh mà xã hội tự do rất cần, không phụ thuộc vào của cải, gia cảnh hay những yếu tố tình cờ khác".

Ông Obama cũng nhấn mạnh rằng, để làm chủ được giấc mơ Mỹ cần không chỉ những nỗ lực cá nhân mà cả những nỗ lực tập thể. Trong vấn đề này, ông cố gắng tìm mối liên kết hợp lý của các cơ sở văn hoá chủ yếu theo nghĩa rộng nhất của từ này ở Mỹ. Đó là mối liên kết của chủ nghĩa cá nhân truyền thống Mỹ với tính cộng đồng, vốn cũng là truyền thống nhưng thời gian gần đây ít được nêu ra ở Mỹ.

Nhìn chung, ông Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang thách thức lòng tin gần như đã thâm căn cố đế vào tính tuyệt đối của chủ nghĩa cá nhân và ham muốn càng hạn chế nhiều càng tốt vai trò của  chính quyền trung ương, đã ăn sâu vào tư duy xã hội Mỹ trong suốt mấy chục năm qua.

Tuy nhiên, ông xây dựng các ý tưởng của mình một cách cẩn trọng, tránh những diễn giải cực đoan có thể làm cử tri hiểu lầm. Ông rất nâng niu danh tiếng của một nhà cải cách tiến bộ, nhưng không muốn bị liên lụy bởi những câu chuyện quá khích.

Trong mọi việc, thượng nghị sĩ Obama luôn muốn là người thực tế, không nghiêng ngả theo những xu hướng cực đoan nhưng ông cũng hiểu rất rõ sự vô ích của thói trung dung vô nguyên tắc, chỉ muốn hòa giải mọi mâu thuẫn bằng bất cứ giá nào và nhọc công vô ích tìm kiếm một phương án "cừu no mà cỏ vẫn nguyên". Dù biết rõ là rất cần các thỏa hiệp, nhưng ông Obama không bao giờ muốn đạt mục tiêu bằng cái giá chối bỏ những nguyên tắc mà ông cho là căn bản của chính mình

Phạm Lừng
.
.
.