Chuyện tình cảm động và cuốn nhật ký của người liệt sỹ tài hoa
Vẻn vẹn 2 năm bên nhau
Câu chuyện tình yêu cảm động của liệt sĩ Trần Đại Phong (Mỹ Xá, Nam Định) và cô giáo dạy văn Phạm Thị Ngọc Hạnh (sinh năm 1958), trường PTTH Chuyên Lê Hồng Phong của đất học Thành Nam khiến bất cứ ai nghe thấy cũng đều rơi nước mắt. Tình yêu của họ chỉ được tính bằng những lần gặp gỡ ngắn ngủi, bằng những dòng thư tay, những dòng nhật ký viết vội gửi về từ chiến trường Hà Giang khốc liệt.
Liệt sĩ Trần Đại Phong và cô giáo Phạm Thị Ngọc Hạnh |
Những ngày nghỉ phép ngắn ngủi của năm 1980, ông Phong được một người bạn dẫn đến chơi nhà cô giáo trẻ Phạm Thị Ngọc Hạnh. Khi ấy, cô Hạnh cũng vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và đang chờ quyết định phân công công tác. Sau mấy ngày phép quen nhau, ông Phong lên đường về đơn vị ở Hoàng Liên Sơn. Trước khi đi, ông cũng không quên gửi lại cho bà tờ giấy ghi rõ hòm thư, địa chỉ với lời dặn, "Nhớ viết thư cho anh, em nhé". Và thế rồi như duyên trời định, cô giáo trẻ Ngọc Hạnh được phân công công tác về Hoàng Liên Sơn và giảng dạy ở một trường PTTH của thị xã Lào Cai. Những ngày đầu tiên đến với mảnh đất xa xôi, hiểm trở, lại từng là chiến tuyến ác liệt của quân dân ta chống quân xâm lược từ biên giới tràn qua, cô giáo trẻ hoang mang, lo lắng lắm. Gửi thư về cho gia đình dốc bầu tâm sự, cô giáo cũng không quên gửi thư cho anh lính trẻ cùng quê.
Chỉ 3 ngày sau, cô giáo Hạnh nhận được thư hồi âm. Trong lá thư tay chữ viết bay bổng và đẹp đẽ ấy, anh lính hẹn: "Thứ bảy tuần này, anh sẽ đến thăm em". Lúc ấy bà chưa tin lắm vì đường sá xa xôi cách trở, có thể đó chỉ là lời động viên, an ủi ông dành cho bà nơi đất khách quê người.
Nhưng thật bất ngờ, sáng sớm thứ 7, khi bà còn chưa tỉnh giấc thì đã nghe thấy tiếng gọi cửa. Mở cửa ra, bà không tin vào mắt mình khi thấy ông đứng trước cửa phòng. Niềm vui không thể nào nói hết thành lời. Hai người đồng hương ríu rít, trò chuyện không ngớt. Cứ thế, cuối tuần nào ông cũng lặn lội đến thăm bà và tình yêu của hai người bắt đầu từ lúc nào không biết. Tròn một năm sau (năm 1982), ông Phong và bà Hạnh nên duyên vợ chồng.
Cuộc sống của cô giáo và anh sĩ quan trẻ trong khu tập thể nhà tranh, vách nứa nơi núi rừng biên cương rất đơn sơ, nhưng vô cùng ấm áp. Hạnh phúc càng viên mãn hơn khi năm sau, họ sinh được một cô con gái nhỏ xinh xắn, đáng yêu.
Tưởng rằng cuộc sống bình yên cứ thế trôi qua nhưng cuối tháng 5-1984, ông Phong từ đơn vị trở về nhà thông báo đơn vị ông được điều động đi tăng cường bảo vệ biên giới Vị Xuyên - Hà Giang. Ông bảo bà thu dọn đồ đạc để ông nghỉ phép đưa hai mẹ con về quê nghỉ hè trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới. Lúc đầu, bà Hạnh không tin đó là sự thật nhưng khi thấy ông nhanh tay thu dọn đồ đạc, bà mới thực sự hoảng hốt.
Những trang nhật ký viết vội của liệt sĩ Trần Đại Phong |
Suốt trên quãng đường xuôi tàu từ Lào Cai về Nam Định, bà Hạnh cứ lan man suy nghĩ, cảm giác thực sự lo lắng. Lưu lại một đêm ở nhà nội và ngoại, hôm sau ông Phong bắt chuyến tàu sớm lên đơn vị, nhưng vì tàu đi chậm, không kịp đến nơi thì đơn vị đã hành quân, ông Phong lại bắt xe khách đuổi theo, đến Tuyên Quang mới nhập được vào đoàn. Ngày chia ly trong một buổi sớm bình minh trong vắt, nhìn thấy màu xanh ngút ngàn của cánh đồng lúa đang thì con gái, bà Hạnh tràn đầy một niềm tin yêu và hi vọng ngày chiến thắng ông Phong trở về, gia đình đoàn tụ.
Những dòng nhật ký viết vội
Những ngày đầu đi làm nhiệm vụ, ông Phong vẫn dành những phút nghỉ ngơi hiếm hoi để biên thư về cho vợ con. Trong những lá thư tay và cả những dòng nhật ký viết vội, ông đã kể lại hành trình đi vào trận địa như thế nào, cuộc sống ở trận địa ra làm sao, hàng ngày phải đi bộ 10km băng rừng, vượt thác để tải đạn và lương thực vào trận địa mà kinh khủng là chỉ được đi ban đêm vì nếu ban ngày di chuyển trên mặt đất là sẽ bị dính đạn quân thù. Có lần đang đi thì trong đoàn có người bị trượt chân xuống thác nước và bị nước cuốn đi mất. Lần khác lại có chiến sỹ bị lạc khiến anh em phải tìm kiếm khắp khu rừng,… Xuyên suốt cuốn Nhật ký là những câu chuyện về trận địa tại điểm cao 1509 và đôi khi có cả những giấc mơ về người vợ trẻ và cô con gái rượu ở quê. Khi viết Nhật ký này, ông đã phải ngồi trong hầm rất chật và kê sổ lên đùi viết, có lần chỉ còn cách giờ hành quân 10 phút, ông vẫn tranh thủ mang ra viết mấy dòng.
Trong ký ức của bà Hạnh, ông Phong ngày ấy tài hoa lắm. Ông chơi đàn ghita điệu nghệ, thích làm đồ handmade từ gỗ, thích trang trí nhà cửa, có thói quen ghi nhật kí, thích sắm váy cho con gái ngay cả khi con mới biết bò, tặng bưu thiếp cho con với những lời âu yếm "Tặng Mai Phương, con gái yêu bé nhỏ tròn 1 tuổi! Chiều chân cao điểm…".
Suốt những ngày tháng 6, thư ông gửi về cho vợ con đều đặn. Nhưng từ đầu tháng 7, không nhận được thư ông, bà Hạnh đã dự cảm điều chẳng lành. Chỉ sau khi ông hy sinh, nhận được cuốn nhật ký của ông và nghe đồng đội kể lại, bà mới biết đó là những tháng ngày ác liệt nhất. Ngày 12-7-1984, đơn vị ông nhận nhiệm vụ chiến đấu giành giật lại cao điểm 1509. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, lúc đầu quân ta lấy lại cao điểm, nhưng sau quân địch phản pháo, tấn công lại… khiến nhiều bộ đội hi sinh anh dũng, trong đó có ông. Ngày 12-7 năm đó được lấy làm ngày giỗ trận của Sư đoàn 356 với 600 người lính hy sinh anh dũng.
Bà Hạnh kể, trong trang nhật ký cuối cùng của mình, ông Phong đã dự liệu những điều chẳng lành. "Tối 9-7-1984, từ trưa đến giờ mình cứ nghĩ mãi không biết có điềm gì đây mà sáng nay nằm ngủ sau khi mơ gặp vợ con, lại mơ tiếp đến cảnh chiến địa, thấy mình đi với Trung đoàn trưởng và Tham mưu phó sang nhận nhiệm vụ ở 772, rồi mình lại cùng đơn vị xông vào chiến đấu. Cảnh tượng thật là ác liệt nhưng sao vui thế, lửa đạn rợp trời và quân ta cứ xông lên như vào chỗ không người vậy… Giá trận tới diễn ra cũng như thế nhỉ? Hãy cầu mong mọi sự tốt lành và cùng nhau chiến thắng… Có lẽ mình nghĩ ngợi và lo lắng nhiều quá về cả trận này và gia đình chăng, nghĩ như thế có vẻ khoa học hơn hay là duy tâm điềm báo? Hãy đợi xem sao!…". Đúng ba ngày sau, ông Phong hy sinh.
Hành trình đi tìm chồng
Kết thúc kì nghỉ hè, bà Hạnh gửi con lại cho ông bà để tiếp tục lên Lào Cai công tác. Không có chồng con bên cạnh, lại nhận được tin ông Phong bị thương đang nằm ở viện này, viện kia… khiến lòng bà như lửa đốt.
Bà cùng người em trai đi khắp các bệnh viện, trạm xá ở Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… để tìm chồng. Mãi sau này khi những người đồng đội của ông kể lại, bà mới biết là đơn vị giấu bà và gia đình, chỉ nói ông bị thương nặng và phải về tuyến sau điều trị rồi mất. Nhưng sự thực ông bị thương nặng và mất ngay trên đường về trạm xá trong ngày 12-7.
Suốt những ngày đi tìm chồng, người gầy rộc rạc, mệt mỏi, bà Hạnh vẫn nghĩ do mình lo lắng, đi lại quá nhiều. Chỉ đến khi đứa con nhỏ máy trong bụng, bà mới giật mình biết mình mang thai. Chính cái ngày ông Phong đưa hai mẹ con bà về quê nghỉ hè để bước vào trận chiến khốc liệt ấy, ông đã để lại giọt máu cuối cùng cho bà.
Bà Hạnh tâm sự, suốt ba tháng liền bà chỉ biết khóc, không làm được việc gì. Ngày đó cuộc sống của giáo viên vô cùng nghèo khổ, cơm không có mà ăn. Bà và những đồng nghiệp khác ở khu tập thể cứ cành cạch giã sắn khô làm bánh ăn thay cơm… Vì khó khăn chung, nên nhà trường, công đoàn cũng chẳng có gì giúp đỡ ngoài những lời động viên, thăm hỏi.
Ngày đón hài cốt ông Phong trở về, bà Hạnh bị sốt xuất huyết nặng, bác sĩ không cho xuất viện, nhưng bà đã nài nỉ được đi đón ông lần cuối với lời cam kết nếu bị làm sao gia đình sẽ tự chịu trách nhiệm. Chỉ kịp đón ông ít phút, bà lại phải nhập viện cấp cứu.
26 tuổi, trở thành góa phụ với 2 đứa con thơ, đã có những lúc bà Hạnh muốn buông xuôi tất cả nhưng chính tình yêu với ông đã tiếp thêm sức mạnh cho bà. Giờ đây, hai người con của bà đã khôn lớn, trưởng thành. Được sự động viên của các con, được người bạn mai mối, bà Hạnh đã đồng ý đi bước nữa để có người nương tựa lúc tuổi già. Người chồng thứ hai cũng từng là một người lính may mắn trở về từ chiến trường rất thấu hiểu và trân trọng tình cảm mà bà dành cho ông Phong cũng như yêu thương, quý trọng các con riêng của bà. Giờ đây bà đang được hưởng trọn vẹn những giây phút bình yên sau những tháng ngày giông bão.