Câu chuyện thứ 26:

Chuyện của nghệ sĩ Diệu Hiền: Tơ tình giăng giăng (Kỳ cuối)

Thứ Tư, 30/10/2013, 13:19

1. Năm ấy tôi bị bệnh đậu mùa, ngỡ như là sắp chết. Nốt ban nổi đầy người, đau đớn không thể tả. Mọi người sợ lây bệnh, không ai dám lại gần. Chỉ có mỗi anh Hoàng Nô, chạy tới chạy lui, ngày mấy bận thuốc thang, cơm cháo. Có hôm anh đi đâu cả ngày trời, rồi xấp xải bước về vai vác theo cái giường xếp, nói: “Con Hiền để anh bồng nằm lên đây, chớ bây bị nổi đậu khắp người, nằm dưới đất cứng, đậu nó bể ra đau sao mà thấu”.

Tôi nghe anh nói mà nước mắt rớt xuống nóng hổi. Mỗi lần lên cơn sốt, tôi lại nói mê về một vùng sông nước, có mái nhà nhỏ nhoi ra sông, có những buổi chiều lặn ngụp đến rã rời, người ướt rượt, đu ở góc cột mé nhà tần ngần nhìn hoàng hôn loang loáng đắp lên sông. Anh Hoàng Nô thường buồn hiu ngồi hỏi: “Quê Hiền ở đâu, anh đưa về”. Tôi thều thào: “Em sắp chết rồi phải không anh Hai”.

Anh Hoàng Nô thương tôi, nên nói tới đó thì xua ngay câu chuyện. Bệnh tôi càng ngày càng trầm trọng, ban trên mặt đã bắt đầu dày hơn, tôi không còn sợ chết nữa, chỉ sợ sống mà khuôn mặt bị tàn phá thì thôi thà chết cho rồi. Ông bầu nhắm tình hình tôi không ổn, liền tới nói thiệt cho tôi nghe, rằng: “Hiền à, chẳng lẽ con không có bà con thân thích gì sao, lỡ gì có… chuyện, anh em đưa con về”. Từ lúc đi, tôi đã có lời thề, không hát được, có chết cũng không về, lời thề đó tôi quên rồi, chỉ sợ má thấy tôi nằm đó, thân tàn ma dại, đếm ngược ngày về với đất, má sẽ đau đến mức muốn chết theo.

Tôi sợ nhiêu đó thôi, nên ông bầu nói tới đâu, tôi lắc đầu đến đó, tôi van: “Chú ơi, con chết ở đâu thì chú chôn con ở đó, con bây giờ không biết ba má con đang ở đâu nữa”. Và cứ mỗi đêm, trong cơn đau sảng, tôi lại thấy nấm mồ cô của mình nằm vất vưởng đâu đó trên những con đường vắng ngắt. Tôi đâu có sợ chết, mà sao cái chết cứ ám ảnh ghê gớm trong những giấc mơ tôi.

Một ngày, anh Hoàng Nô mang về mấy thứ lá, anh nhai rồi đắp lên từng nốt ban trên khuôn mặt tôi. Anh Hoàng Nô cười cười nói: “Qua cơn rồi, không chết đâu, chỉ sợ để lại thẹo tùm lum thì khó làm đào lắm”. Tôi không chết, thẹo trên mặt tự nhiên cũng từ từ lành. Anh Hoàng Nô hay ghẹo: “Tưởng nó sắp chết, ai ngờ lột xác ghê ta, nó đẹp vầy, giờ ai dám gọi nó là “chà cái” nữa không”. Mà tôi đẹp thiệt. Nằm bệnh cả tháng trời, tôi chỉ được ở trong bóng tối, không tiếp xúc ánh sáng nên da trắng lên thấy rõ, tâm tính cũng dịu dàng hơn.

Tôi bắt đầu được giao những vai lớn hơn trong vở. Có lần đi Đà Lạt lưu diễn, tôi được vào vai ni cô Diệu Hiền trong tuồng Hoa tàn trong am vắng. Ca đến đâu, khán giả vỗ tay đến đó. Tôi lấy nghệ danh Minh Hiền mà mọi người cứ gọi chết tên Diệu Hiền. Thấy vậy, chú họa sĩ Mười Rang bôi luôn chữ Minh trên bảng rao, sửa thành chữ Diệu. Từ đó tôi mới có nghệ danh là Diệu Hiền.

Năm 16 tuổi, đoàn rong ngược về Sài Gòn. Lúc này, tôi đã thành đào hát có tên. Ngồi trên chuyến ghe trở về mà hai chân tôi ríu vào nhau, muốn nhảy xuống sông, bơi một hơi rồi đu ngay mé nhà, gọi má ra để hù má hết hồn chơi. Tôi nhớ má quá, buổi nắng này, má bưng đồ ra hàng rào chắn cát phơi, nắng xiên nheo mắt; buổi chạng vạng này, má gom củi mục, un khói đuổi muỗi, khói lên cay xè, tôi quẹt cùi tay dụi mắt; má gắt: “Khói quá thì chun ra đi, ngồi đó hửi khói làm gì”. Nhưng mà khói thơm lắm má, dại gì con lại chun ra…

Về tới nhà, tôi lại chẳng dám vô. Con bạn thân ngày nào cũng đã thành thiếu nữ. Tôi lấp ló bên mé nhà nó, nhỏ nhỏ gọi tên ơi hời. Nó nghe giọng thì nhận ra, mà giáp mặt toàn “í trời” với “í cha, sao bây lạ dữ”. Tôi nhờ nó chạy vào nhà báo tin giúp, nó xắn quần ống thấp ống cao, đi như chạy. Được một lúc, thì má tôi xách roi chạy ra: “Con Hiền đâu, vô đây tao biểu coi. Bà con ơi, con Hiền nó về rồi, chờ nó vô đây, tui đánh cái tội mới bây lớn mà bỏ nhà đi biền biệt. Con Hiền đâu”, tôi nghe trong giọng má ướt rượt nước mắt. Tôi núp ngay gốc trứng cá, nói váng lên, “Con đây, từ từ con vô, má đừng có đánh con nha”.

Nói rồi tôi chạy đến ôm chầm má, hai má con cùng khóc. Như nhìn thôi chưa rõ, má cầm tay cầm chân, hết quay sau lưng, lại dòm trước mặt, tôi cười cười: “Thôi, đừng nắn xương con nữa, không có cái nào lòi ra đâu”. Má cười, môi run, tay run: “Cha mầy, để má coi. Cha, bây ăn cái giống gì mà lớn dữ. Coi ra thiên hạ nuôi hay hơn má rồi ta”. Má chẳng nói gì, toàn là chọc ghẹo để đứa con lạc lòng đỡ tủi. Má chẳng nói gì, mà tôi biết, hai năm qua má mỏi mòn tìm tôi, xơ xác tóc mai, rạc ráo ánh nhìn.

2. Tôi về, má khóc là thật, nhưng cười thì rất gượng. Trưa, má mắc võng đu đưa ngó ra sông, tôi ngồi dựa cột, nghe gió đuổi nhau từng lớp trên mái nhà. Biết má muốn nói gì đó, nhưng còn sợ gì nên má không có nói, cứ cười cười rồi thôi. Gió sông đầm đìa hơi nước, cơn ngủ mơn man trên những lọn tóc lòa xòa.

Má vẫn đu đưa trên võng, vẫn ngó ra sông mà nói chắc nịch: “Con Hiền khoan ngủ, lại má hỏi cái này”. Tôi ngóc lên, có cảm giác sờ sợ, mấy hôm nay cứ ngờ ngợ má khúc mắc chuyện gì. Ai ngờ, má hỏi: “Bây nói thiệt đi, mấy năm qua bây làm cái giống gì mà về nhà ăn mặc như… là như vợ Tây”.

Trời đất ơi, hóa ra má sợ tôi làm mấy cái chuyện bậy bạ, sợ mà không có dám hỏi, lại sợ luôn cái điều má nghĩ là sự thật. “Má ơi, con làm đào hát, nổi tiếng rồi, con không có làm cái gì bậy bạ đâu, trời đất ơi”. Má bật dậy: “Bây làm đào hát hồi nào, bây mà biết hát hò gì mà làm đào, nói thiệt hông, nói thiệt hông để má mừng”… Trưa hút gió qua vai, tôi đưa võng, kể má nghe bao nhiêu vui buồn của hai năm lưu lạc. Má cười, mắt ướt hơn xưa.

Nghệ sĩ Diệu Hiền và cố soạn giả Viễn Châu.

Tôi về Sài Gòn, hát tuồng Người thám tử già, đóng vai nữ điệp viên. Đêm nào cũng cháy vé, má cười nói xênh xang: “Ai còn trách tui đuổi con Hiền đi nữa không, nhờ tui đuổi nó đi, nó mới hát hay vầy nè”. Má ơi, hồi đó má đâu có đuổi con, tự con cuốn gói đi mà má. Có chút tiếng tăm, đoàn này, đoàn kia mời tôi về nhiều lắm. Giá tiền giao kèo cứ cao ngất ngưởng, tính ra mua được mấy căn nhà. Tôi đắn đo lắm, bên này hoàn cảnh gia đình cũng đang rất khó, mà bên kia thì ơn sâu nghĩa nặng của đoàn hát còn oằn vai. Biết tôi phân vân, anh Hoàng Nô lại gần nói: “Thôi, em đi đoàn khác đi. Ai cũng phải lo cơm áo cho gia đình. Đi đoàn lớn hơn, vừa có tiền, vừa có tiếng, em trả nghĩa cho đoàn nhiêu đó, anh nghĩ cũng đủ rồi. Mai mốt, có nhớ tới đoàn thì về hát vài đêm, vậy cũng được rồi”.

Có anh Hoàng Nô khuyên giải, tôi phần nào nhẹ lòng, liền xin ông chủ gánh Hoa Sen cho đi. Ngại ngần đến ríu cả lời, nào ngờ, ông chủ gánh chỉ nói nhẹ như không: “Ờ, tao biết trước sau gì bây cũng đi. Tao tính biểu bây đi đi, chớ người ta kêu giá cao quá, không đi nó uổng cho cái tài của bây. Mà tao chờ chừng nào bây thấy được rồi, bây tự đi, khỏi mắc công mang ơn tao này nọ”. Tôi khóc, tới lạy bàn tổ một lúc lâu rồi đi.

Tôi về đoàn Thống Nhất, tiền giao kèo đoàn trả tôi đủ mua được hai căn nhà, một cái cho anh, một cái đưa má về ở, phần tôi rong ruổi theo đoàn. Cũng tại đây tôi gặp ông Viễn Châu. Ngày đó, ông lớn hơn tôi cũng nhiều. Tôi thường lén nhìn ông nhè nhẹ vuốt mồ hôi trán, mắt không rời bàn viết, sửa một đoạn ca, thêm vài lời hát. Tôi thấy ông đẹp trai, đẹp cái kiểu rất hiền, phảng phất buồn, phảng phất vui. Tôi không có cái kiểu sét đánh cái đùng yêu luôn, mà tình cảm đối với ông nhẹ nhàng như từng sợi tơ, mỗi ngày một sợi vướng vít vào lòng tôi. Tôi yêu ông, mà tôi không có nói, nên ông cũng không có biết. Nhưng tình đơn phương, nó thường nhoi nhói. Khó chịu lắm khi thương đứt ruột mà gặp phải giả bộ ngó lơ, khi quan tâm mà cũng lén lút, tìm mọi cách để hỏi về người ta mà cứ phải viện cớ này, cớ kia để thiên hạ khỏi nghi ngờ.

Tôi cứ không thèm nói chuyện với ông, làm ông tưởng tôi ghét ông rồi. Trời ơi, người ta đâu có ghét ông làm gì, chỉ tại đối mặt tôi run quá, cất tiếng không thành lời nên thôi, tìm cách tránh luôn cho rồi. Rồi một ngày, căng thẳng lên tới đỉnh điểm, tôi quyết định nói ra… Mà biết đâu, nói ra rồi ông cũng để ý đến mình. Tôi lấy hết can đảm, thổ lộ lòng mình.

Viễn Châu cầm tay tôi rất nhẹ, cười phảng phất, nói: “Chú có vợ rồi, con ơi”. Trời đất ơi, tôi nửa cười, nửa mếu, tưởng người ta cầm tay là sắp có gì hay, ai dè… Ừ thì người có vợ rồi thì thôi, tôi cũng đi theo chồng. Ừ thì tôi có cuộc sống riêng, và chẳng bao giờ muốn làm vọng động đời nhau. Người có vợ rồi, mà tôi đâu có biết, biết rồi thì thôi chứ giờ phải làm sao.

Hôn nhân của tôi tan vỡ, chẳng phải vì ai, mà vì cái nghiệp nghệ sĩ, bản ngã nặng nề cứ đeo mang. Chuyện đời tôi, có lẽ hơi dài. À mà chuyện đời ai chẳng dài. Có điều, tôi có cái tính, chuyện gì về tình, về nghĩa tôi nhớ suốt một đời. Tôi nhớ anh Hoàng Nô, buổi chạng vạng, cầm roi men theo bờ sông, vừa gào tên tôi vừa khóc vì sợ tôi chết đuối. Tôi nhớ má tôi, buông tay thõng thượt nhìn tôi ngụp vào đám lục bình. Tôi nhớ chị Cúc tóc dài, chú hài Khả Năng, nhớ con nhỏ hàng xóm, lấp ló bụng bầu mà vẫn chen chân đi coi hát rồi hét váng lên, “con nhỏ trên sân khấu, là bạn của tui…”. Và tôi cũng nhớ người, cái người tôi yêu từ năm 16 tuổi, chuyện ngỡ là của con nít thôi mà váng vất đến cả một đời…

Hồ Ngọc Giàu
.
.
.