Chuyện của diễn viên Trung Dũng

Thứ Tư, 17/09/2014, 10:00

Sài Gòn đang mùa gió. Gió quăng quật từng chùm trên đại lộ thưa thớt người. Gió thông thống chui tọt qua hàng cổ thụ ven đường. Mùi xon xót của bụi, mùi ngai ngái của đám cỏ ven đường, mùi hăng hăng tạp nham bốc lên từ mớ đất mới lấp mấy mương sen. Chao ôi, người ta thực tế và nghiệt ngã quá! Đến cả chút níu giữ thứ hương mát lành để ký ức được chòng chành, sóng sánh cũng tằn tiện, từ từ, rồi lặng lẽ cướp mất.

1. Lâu lâu nhớ, tự dưng lòng đâm thẫn thờ, bần thần. Như gã trai lần đầu thất tình, chân đi hoang mà hồn muốn ở lại. Không biết vì thương mấy vạt hương ngùi ngùi hay tiếc đám cây được tỉa tót gọn gàng, bỏ mặc những mái nhà liêu xiêu, ơ hờ tới độ trần trụi. Gió tha hồ tung hoành ngang dọc, gào thét điên loạn. Nhà líu ríu nép vào nhau. Mái tôn rỉ sét vênh lên, lắc lư như một cái bánh tráng nướng sắp bạt mất. Ký ức của tôi về gió, lúc nào cũng đậm sâu và dữ dội như vậy. Mỗi lần gió nhao nhao quằn quại trên đọt dừa thì dưới này, tôi đã ngồi yên trong thúng của má, lẫn vào dòng người gánh gồng trĩu nặng đi như chạy. Người áo nâu, áo đen, quần ống thấp ống cao, hớt hải túa ra khắp. Ai cũng cố bắt cho kịp hàng người đen đặc cắm cúi đi trên thân đê. Tiếng bước chân thình thịch, tiếng người lạc gọi nhau xao xác. Tiếng xoong nồi lẻng xẻng. Từ đằng xa, tiếng trực thăng đang tiến lại. Gió táp vào mặt, phả tung lồng ngực, như muốn xé hàng người lô nhô, xô ngay xuống đám ruộng hai bên. Mùi của khói, mùi lửa cháy cô đọng không gian. Trẻ con nín bặt, không dám khóc. Mấy con bò lủi thủi đi. Thi thoảng, mắt tôi bắt gặp mắt của mấy nhỏ cũng ngồi trong gánh lắc lư. Trong veo mà man mác. Dường như, đứa nào sinh ra trong chiến tranh cũng mang ánh mắt ấy. Ánh mắt của thời cuộc.

Tôi còn nghe trong gió mùi mặn chát mồ hôi và nước mắt của má. Thảng thốt rơi. Mấy chị tôi lớn hơn, lạch bạch theo chân má. Cũng mang, vác, cầm nắm đủ thứ thiết thân. Má tôi giỏi dữ lắm. Hồi con gái, má là tiểu thư con nhà danh giá, đẹp nức tiếng trong vùng, chẳng phải động việc gì. Rồi cưới ba, mọi chuyện má đều xắn tay làm ngon ơ. Ba đi bộ đội, một mình má với 7 đứa con nheo nhóc, cáng đáng luôn chuyện nhà, chuyện cửa, ruộng vườn, vậy mà chưa bao giờ má than vãn hay bỏ sót đứa nào. Má làm nhiều tới nỗi, móng tay móng chân không kịp mọc. Cỏ bờ không kịp lú chân. Ngày hòa bình, ba về, giữ chức cũng có tiếng trong vùng và được đãi ngộ ít nhiều. Nhưng nếp sống của má vẫn không có gì thay đổi. Vẫn quần quật từ sớm sương chưa tan tới lúc mặt trời lặn mất tăm sau rặng tre hồi nảo hồi nào. Giấc trưa tôi thiêm thiếp sau hè, chập chờn bóng rặng trâm bầu. Gió đong đưa lời ru của má, lẫn tiếng chổi xoèn xoẹt vun mớ tro bếp trên nền đất khô nẻ. Nhờ sự tảo tần của má mà chị em tôi có được cuộc sống đỡ phải lo nghĩ sau này. Nhưng không vì vậy mà tụi tôi đâm dựa dẫm, biếng lười. Trái lại, cái tính hay lam hay làm của má lây qua mấy chị em từ lúc nhỏ xíu. Xong giờ học là tôi ù chạy về băm bèo, cắt rau muống cho heo ăn. Nấu cơm, trông mấy đứa cháu cho các chị đi làm. Cơm nước, rau cá,… tôi đều có thể nấu được hết. Nấu riết đâm nghiện. Tôi mê nấu ăn cũng từ đấy.

2. Ngày má tiễn tôi lên Sài Gòn học đại học, gió từ miệt biển ùa vào, nồng nã lắm. Giấc mơ tôi khi đó, giản dị vô cùng. Học bếp, nấu thêm nhiều món ngon, về tiếp quản nhà hàng của ba má ở quê vậy thôi. Thế nhưng, cuộc đời là những ngã rẽ đầy bất ngờ, mấy ai dự tính được hết? Tôi để ý thấy, hình như đa phần người ta theo nghiệp diễn đều từ sự đưa đẩy, run rủi của duyên số chớ có mấy ai định hình sẽ trở thành người nổi tiếng đâu. Có lẽ, Tổ thương cái tâm tính hồn nhiên khi đến với nghề mà chọn vậy. Bởi chỉ có hồn nhiên, người ta mới tận tâm, tận lực. Cũng chỉ có hồn nhiên mới giúp người ta kiên trì đi qua bao trầy trật, sóng gió mà bám nghề. Mấy lúc rệu rã, tôi tin ai ít nhất cũng từng đôi lần nhen nhóm ý định kiếm chuyện khác làm. Để rồi nhận ra, vắng nghề, mình như một đứa trẻ bỏ mặc hoang tàn dẫn lối.

Lúc hay tin tôi thi đậu vô trường sân khấu, má nhẹ nhàng: “Nếu con thích, cứ mạnh dạn mà đi”. Và tôi đã mạnh dạn đi một cách đàng hoàng, thẳng thóm nhất. Má chỉ lo cái tính thẳng thắn, bộc trực quá mức của tôi khó lòng trụ được với nghề. Hôm Đất trắng – phim truyền hình đầu tiên của tôi lên sóng – má coi rồi cười cười: “Cái thằng coi vậy mà đóng phim cũng được quá hả bây?”. Thương má một đời tảo tần cộng với cái tính thích tự lập từ nhỏ nên ngoài giờ học, tôi lại tất bật chạy cho kịp giờ phục vụ ở nhà hàng. Thành ra, tôi ít bạn và cũng ít mối quan hệ lắm. Để trụ được với nghề diễn, sau này bắt đầu đi phim rồi, tôi vẫn giữ chân phục vụ, mãi tới lúc đóng Dưới cờ đại nghĩa (đạo diễn Nguyễn Tường Phương – NV) tôi mới thôi.

Diễn viên Trung Dũng trong vai Cường “tốc độ”, phim Bên lề tội ác.

Mới đó đã ngót hai mươi năm tôi theo nghiệp diễn. Nhưng không hiểu sao, mỗi lần nghe ai đó gọi mình là nghệ sĩ, tự dưng tôi giật mình, thấy ngài ngại quá chừng. Ngay cái định danh diễn viên cũng khiến tôi lạ lẫm. Với tôi, nghề diễn là niềm yêu thích, là sáng tạo không ngừng, là nghề nuôi sống bản thân như bao nghề bình thường khác. May mắn là mình được nhiều người biết tới và yêu mến thôi. Tôi quan niệm đã là nghề thì phải trân trọng. Một tôn trọng thiết yếu, không chỉ cho bản thân mà còn với Tổ nghiệp, với cả khán giả. Nghề đã chọn tôi, từ một lối rẽ tình cờ hết sức. Nghề cũng đã thử thách tôi, với những gian nan, tráo trở, hả hê của một vài cá nhân coi thói bắt nạt, ức hiếp người khác làm thú vui. Để rồi, nghề biệt đãi tôi, sau những khổ luyện, mồ hôi, nước mắt và cả máu. Tôi, cho đến giờ phút này, luôn ngẩng cao đầu và tự hào rằng, đã dũng cảm bước đi trên chính đôi chân của mình. Như chính cái tên ba má đặt cho tôi vậy.

Người ta có thể nói tôi khó tính, cầu toàn, có thể không ưa tôi vì sự thẳng tính quá mức nhưng chưa ai dám nói tôi lười biếng hoặc coi thường tôi cả. Hơn nữa, tôi nghĩ cái khó tính ấy là để đảm bảo tiến độ chung cho rất nhiều con người trong một e-kip. Đóng phim cũng giống như một đội bóng đang thi đấu trên sân vậy. Muốn đạt kết quả tốt cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên. Tôi chưa thấy đội bóng nào giành danh hiệu vô địch chỉ nhờ một vài cá nhân xuất sắc cả. Đó là lý do tôi luôn nghiêm khắc với chính bản thân mình. Và với cả bạn diễn. Bạn thử nghĩ xem, ra tới phim trường rồi mà thoại thì chưa thuộc, xài đồng hồ dây thun bắt cả mấy chục con người ngồi nắng nôi chờ đợi, tâm trí thì để tận đâu đâu,… làm sao có thể nhập tâm hóa thân vào nhân vật cho được? Tôi không biết “đòi hỏi” đó có khắt khe quá không nhưng tôi nghĩ, trót theo nghiệp diễn, muốn khán giả biết mặt, nhớ tên thì phải cần mẫn từ những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất. Như trẻ nhỏ leo một cái thang 10 bậc vậy, không có nấc đầu tiên, làm sao bước được tới nấc thứ 2, thứ 3 và lên cao hơn nữa?

Mà, hãy khoan nói tới chuyện để khán giả biết mặt, nhớ tên đi. Mình chọn nghiệp diễn làm nghề mưu sinh, không phải vì mình yêu, mình thích, được hạnh phúc vẫy vùng với mơ ước nung nấu bấy lâu đó sao? Vậy tại sao không diễn hết mình, không cháy hết năng lượng có thể? Để một lúc nào đó nhìn lại, ít nhất mình còn dám xem. Tôi tuyệt không phải kiểu hay nhìn xưa rồi nhấm nhẳng hiện tại. Bởi mỗi thời, mỗi khác. Mỗi người, mỗi cơ hội, mỗi số phận. Có điều sao tôi thấy bây giờ người ta trở thành diễn viên dễ quá chừng. Lại có không ít bạn trẻ nuôi suy nghĩ, phim này không được thì đóng phim kia, thiếu gì phim để đóng. Mà, cái gì dễ thì đâm ra nhạt, chẳng cần cố gắng, nâng niu nữa, phải thế không? Cơ hội càng nhiều, đào thải càng lớn. Sự miệt mài, cần cù để trụ được và tỏa sáng với nghề, về bản chất, chưa bao giờ thay đổi. Tôi tin vậy!

3. Tôi vẫn thích nấu ăn, đãi bạn bè và chăm sóc bản thân. Cuộc vui có cần gì nhiều nhặn lắm đâu. Lâu lâu, có người hỏi, kén gì dữ mà tới giờ chưa chịu lập gia đình? Tôi cười cười: “Kén đâu mà kén, chắc tại cái số phải ở một mình thiệt”. Là đàn ông, ai chẳng muốn khi đi xa có yêu thương thôi thúc để trở về nhà, có bàn tay tươm tất, có nụ cười hồn nhiên đứng đợi? Nhưng yêu thương là chuyện khó nói lắm. Mấy lúc tưởng đã có thể đi cùng nhau đến cuối đường, vậy mà lại bật ra, thành hai đường thẳng, sao điểm giao nhau càng ngóng càng xa. Diệu vợi. Mười mấy năm, yêu thương đẩy dồn, chất chồng nỗi nhớ. Bao đắng cay, bao nước mắt, tiếng cười đã chia sớt cùng nhau từ ngày tôi còn là một gã vô danh. Phút chốc, gió về, xóa dấu sạch trơn. Ngày người con gái đi lấy chồng, gió tràn tứ bề. Lồng lộng. Lồng ngực muốn vỡ bung. Gã đàn ông thất tình, đi lững thững. Sá gì tuổi tác. Tự dưng thấy mọi thứ bỗng mong manh quá đỗi. Tình yêu mong manh, như gió lọt qua kẽ tay, sao gió dữ thần vậy mà chẳng thể cuốn nổi cơn đau trong lòng? Má hiểu nên cũng chẳng hối. Song, thương thằng con đi về lẻ bóng hoài nên má hay nhắc chừng: “Mày hổng lo cưới vợ, mốt má chết thì ở với ai?”.

Vết thương nào cũng đến lúc lành miệng. Nhớ nhung chất đầy quá vãng. Nỗi buồn cũng đành hanh, trái nết như gió quăng quật từng hồi ngoài kia chăng? Hay tại, có hẹn cùng cô đơn, riết đâm quen và bằng lòng với hiện tại? Cuộc đời mà, đến độ tuổi của tôi, hình như ngắn lại. Chuyện gì cũng nếm, cũng trải. Thời gian vui không đủ, lấy đâu nữa mà buồn?

Năm nay gió đượm. Nụ cười của người con gái ấy, chắc cũng hanh hao ít nhiều…

Hoàng Linh Lan
.
.
.