Câu chuyện thứ 62

Chuyện của diễn viên Tiết Cương

Chủ Nhật, 24/08/2014, 09:00

Luật sư Trọng là vai chánh đầu tiên và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Tiết Cương. Nhờ nó mà khán giả biết Tiết Cương nhiều hơn. Mười năm có lẻ rồi, vậy mà gặp Tiết Cương người ta vẫn nhắc thằng cha luật sư đểu cáng, mưu mô đáng ghét đó!

1. Không hiểu sao người ta lại có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Chắc để dành cho mấy đứa siêu quậy như tôi. Nhát nhát vậy nhưng tôi nghịch dữ thần. Hồi còn đi học, theo nội quy của trường, học sinh phải may thẳng phù hiệu vô áo sơ-mi. Tôi khoái khác người, không thèm may, chỉ kiếm cây kim băng đính vào. Bụng bảo dạ, miễn dính là được. Năm đó cuối cấp 2, cô chủ nhiệm của tôi rất nghiêm. Mấy lần nói không được, bữa đó giận quá cô bảo: “Lúc nào em chịu may phù hiệu, cô mới cho em vô lớp”. Quê quá, tôi chạy một mạch xuống phòng giám thị mượn kim chỉ, cởi trần may ngay tại chỗ rồi trở ngược lên lớp. Khỏi phải nói, tin tức lan nhanh như điện, trở thành “siêu phẩm” truyền tai của cả trường. Bây giờ, mỗi lần tôi về thăm, cô giáo vẫn nhắc nhớ. Song, “oách xà lách” và tưng bừng nhất phải kể lúc tôi học ở trường sân khấu. Có lần, tôi rủ hết đám con trai trong lớp đi xỏ lỗ tai, đeo bông chơi khiến thầy Minh Nhí muốn té ngửa. Bị thầy rầy một trận nên thân, bữa trước, bữa sau tôi lại khều nguyên đám đi hớt đầu đinh. Vừa bước vô lớp, thấy mấy cái đầu chôm chôm nhoi nhoi, thầy vừa la vừa mắc cười. Tội nhất là Cao Minh Đạt, gương mặt nó không hợp, nhìn ngố vô cùng. Mà rầy thì rầy (mà không rầy sao chịu nổi cái lũ quỷ này) chớ thầy thương và tận lực với học trò lắm.

Tôi có nhiều tài lẻ, hay chọc cười mọi người, bị cái nhát hít hà, không như nhiều bạn diễn từ nhỏ đã mạnh dạn đứng trên sân khấu học đường. Thành ra, học xong 12, tôi thi vô Đại học Kiến trúc và Đại học Giao thông vận tải. Do không đủ điểm bên kiến trúc nên tôi theo học bên trường giao thông. Nghĩ ráng học cho xong ra đi làm như bao người thôi. Run rủi thế nào không biết chỗ tôi trọ ở gần trường sân khấu. Thời điểm đó sân khấu kịch phát triển dữ lắm, chương trình “Trong nhà ngoài phố” khiến khán giả màn ảnh nhỏ say mê, diễn viên kịch được yêu mến và quý trọng lắm. Bao nhiêu người muốn ngắm diễn viên ở ngoài đời mà đâu có được. Còn tôi chỉ cần ló cổ ra khỏi nhà dòm qua trường là thấy liền. Ta nói, thấy anh Hữu Châu, Minh Nhí, Hữu Nghĩa rồi chị Hồng Vân, Hồng Đào nè, mê muốn chết. Mê riết đâm dạn, học đâu được chừng hai năm rưỡi bên trường Giao thông vận tải, tôi quyết định thi vô sân khấu. Đợt đó tôi đỗ thứ hai. Tiếc và buồn nhất là chưa kịp báo cho ba tôi hay thành quả của cái quyết định đột ngột ấy thì ba tôi mất sau một vụ tai nạn…

Diễn viên Tiết Cương.

2.Trước, nhà tôi ở gần chợ trong thị xã. Lâu lâu được ba chở về quê nội chơi, tôi mừng quíu, quăng dép chạy trên bờ ruộng như chim sổ lồng. Có lẽ tại thương ruộng đồng xanh ngắt, thương con cá rô don đầu mùa, nhớ đám ốc quắn đu lá hẹ, thèm mùi khói đốt đồng cay cay mũi nên lúc ba má mỗi người mỗi hướng, tôi chọn theo ba về quê. Ấn tượng của trẻ thơ về những đổ vỡ thường trở thành vết rạn, không đau ngay tức khắc mà thấm từ từ, rồi ăn dần vào da thịt. Âm ỉ, ngọ nguậy. Tôi vẫn nghịch ngợm, ương bướng, chọc phá hết người này đến người kia nhưng trong tôi có khoảng trống lớn dần. Tôi thu mình lại, chuyện này kia ít sẻ chia với bạn bè và dần ít bạn. Bù lại, tôi thả sức nguệch ngoạc suy nghĩ của mình theo những vệt màu trên giấy. Ba thương thằng con nghịch nhưng tính hiền như hột cơm cục đất, lại ủ nhiều tài vặt nên đi đâu cũng đèo tôi theo. Có lẽ ba muốn bù đắp phần khiếm khuyết của bàn tay má cũng như má thương anh hai với em gái để bù ký ức trống bàn tay vững chãi của ba…

Từ ngày ba mất, anh hai có gia đình ra riêng, em gái lấy chồng rồi định cư nước ngoài, bao nhiêu tình thương má vun vén lại dồn hết cho tôi. Má ở hẳn lại Sài Gòn chăm tôi đi học. Để trang trải cuộc sống, má bán tạp hóa. Xóm trọ nghèo, hàng hóa cũng ít ỏi, co cụm cho vừa túi người mua. Má bán từ trái chuối, cái trứng gà cho tới điếu thuốc, kim chỉ, dầu hôi, bánh trái, bịch xà bông gội đầu,… Cái nghề lời lóm hổng bao nhiêu mà cõng cực như “cõng núi”. Tờ mờ sáng má đã phải dậy đi lấy ít rau củ tươi rồi tranh thủ về mở cửa. Trưa thì vừa gật gà ngủ vừa canh hàng. Có hôm mệt, má đóng cửa xíu thì có người gõ ầm ầm mua 2 điếu thuốc, mà tiền thì xin… mai trả! Có người bữa chiều tiệc tùng mua đồ xả láng, nhưng sáng hôm sau dọn nhà trọ đi mất tiêu, đem theo cả vốn lẫn lời của quán… 10 năm ròng má con tôi ở trọ với hơn 30 lần chuyển nhà, tới mức tôi bị ám ảnh. Tài sản của hai má con có gì nhiều nhặn đâu. Hai cái tủ, hai cái giường với một số đồ gia dụng linh tinh chất chưa tới nửa xe tải nhỏ, nhưng lần nào dọn cũng lỉnh kỉnh vác theo, bỏ thì lấy cái gì mà xài. Cực vậy nhưng chưa bao giờ tôi nghe má than câu nào. Trái lại, sự tảo tần, vất vả của má càng tiếp thêm cho tôi nghị lực phấn đấu vươn lên.

3. Diễn viên thời đó ai cũng ấp ủ giấc mơ được đóng kịch dài. Khốn nỗi, đâu có nhiều sân khấu, phim truyền hình như bây giờ. Hai địa chỉ đỏ của sân khấu là 5B với 135 Hai Bà Trưng. 5B thì khó về, vì toàn tên tuổi gạo cội, 135 thì có Tuổi Đôi Mươi của Phước Sang, Hoàng Sơn, Nhật Cường, rồi thêm chị Hồng Vân, anh Hữu Châu, thầy Minh Nhí,… Loay hoay mãi không biết làm cách nào, tôi đi học cắt tóc, tính lấy ngắn nuôi dài. Khoảng một năm, anh Hữu Châu thấy thương quá, ngoắc vô nhóm hài của ảnh, cho diễn mấy vai lót nho nhỏ để rèn nghề và có chút thu nhập. Được đâu chừng năm mấy thì anh Châu về sân khấu Idecaf. Tôi lại thất nghiệp. Tính tới tính lui mãi, tôi liều lập nhóm hài Tiết Cương với Quốc Thuận và Phương Quyên. 3 anh em non nớt dắt nhau đi làm nghề. Cũng may, thời đó bùng nổ quán bar làm chương trình ca nhạc, xen tấu hài nên tụi tôi sống cũng được. Nếu không có tấu hài, chắc tôi không trụ được với nghề tới hôm nay.

Trót theo nghiệp diễn ai không mong được khán giả biết mặt, nhớ tên. Trong khi bạn bè cùng lớp như Việt Hương, Thúy Nga, Cao Minh Đạt bắt đầu tỏa sáng, mình thì lẹt đẹt hoài, nghĩ cũng tủi. Lần nọ, tình cờ cô bạn tôi ở Hà Nội vô Sài Gòn thử vai trong phim Hướng nghiệp của đạo diễn Châu Huế (kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn), nhờ tôi chở đi dùm. Ban đầu tôi nghĩ, mình cũng là diễn viên, bạn đi thử vai mình đi theo, khác nào đi xin vai nên tôi ngại. Sau, thương bạn lạ nước lạ cái tôi đồng ý. Đang ngó nghiêng trong phòng thử thì chú Châu Huế kêu tôi lại hỏi chuyện. Hồi sinh viên, mấy lần tôi thấy chú vô trường tuyển diễn viên, cũng coi phim chú làm, có điều chú lúc nào cũng đăm đăm nên tôi sợ, không dám tiếp xúc. Tôi run run, gãi đầu: “Dạ, con cũng là diễn viên, con chở bạn đi thử vai”. Bữa đó tôi mặc áo thun, quần jeans rách bụi, đội nón lưỡi trai hất ra phía sau. Có lẽ trông tôi hay hay, chú hẹn tôi hôm sau lên thử vai Sơn giang hồ. Cả đêm đó, tôi mừng không ngủ được. Hôm sau lên, tôi lại mặc áo sơ-mi, vì nghĩ đi thử vai thì phải ăn mặc cho đàng hoàng một chút. Chú nhìn nhìn sao đó rồi bảo: “Vai này không hợp với con đâu. Con thử vai Trọng đi.”. Đóng thử điệu bộ, chú gật đầu, đưa luôn cho tôi 30 tập kịch bản, kêu về nhà đọc, rồi chọn đoạn nào ưng ý nhất diễn chú xem. Tôi lâng lâng như đi trên mây vậy vì ngày đó có một vai thứ trên truyền hình thôi đâu phải dễ, huống chi tôi được vai chính. Nói không biết có ai tin không, trong vòng 2 ngày, tôi đọc hết trơn kịch bản. Rồi mượn 2 em học cùng trường thoại phụ vai các nhân vật khác đoạn luật sư Trọng bào chữa trước tòa. Hôm diễn thử, có cả máy quay đặt phía trước để quan sát biểu hiện của ánh mắt, cơ mặt. Lúc đạo diễn kêu ngưng, bảo: “Được!”, tôi nhảy cẫng lên sung sướng. Không biết bữa đó, tôi về nhà như thế nào nữa.

Nhóm hài Tiết Cương ngày mới thành lập.

4. Luật sư Trọng là vai chánh đầu tiên và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi. Nhờ nó mà khán giả biết tôi nhiều hơn. Mười năm có lẻ rồi, vậy mà gặp tôi người ta vẫn nhắc thằng cha luật sư đểu cáng, mưu mô đáng ghét đó! Về sau nghe đâu, trước tôi đã có cỡ chục diễn viên thử vai Trọng rồi mà chú Châu Huế vẫn không ưng. Ngẫm lại, tôi thấy dường như mọi thứ đã được một bàn tay vô hình nào đó sắp đặt. Gọi là số phận, có lẽ cũng chẳng sai.

Như một cú khơi mạch, đồng thời là hạn chế, sau vai Trọng, tôi bị khuôn vào những vai đểu đểu không hà. (Mãi sau này, tôi mới có một vai khá đặc biệt và hoàn toàn mới mẻ - chàng bóng Thảo Phương – trong phim Vật chứng mong manh). Tôi không sợ tính cách nhân vật vận vào mình. Song cũng phải thừa nhận, nó ảnh tới cuộc sống của tôi ngoài đời nhiều lắm. Bởi người xem thường nghĩ, mình đóng đạt vậy chắc chắn mình cũng có nét nào tương tự nên đạo diễn mới chọn. Tôi lận đận chuyện hôn nhân một phần cũng vì đó. Thoáng đầu cũng hơi buồn. Riết quen, tôi coi là chuyện bình thường. Muốn sống cho đam mê, mình phải biết hy sinh. Cuộc đời mà, được cái này mất cái kia, hiếm ai trọn vẹn cả. Chỉ thương má tôi mong có dâu, có cháu ẵm bồng mà đợi hoài hổng thấy. Thấy tôi suốt ngày chỉ lo chăm chút mấy con xe, má xót, lâu lâu nhắc: “Bộ con tính ở vậy hoài sao?”.

Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân khiến tôi ít nhận lời đóng phim như nhiều người vẫn tưởng. Bạn bè thường bảo tôi dại, nhất là trong thời buổi phim truyền hình trăm hoa đua nở. Thiệt ra, mấy lúc quỡn, ngồi coi tivi, bắt ngang phim Việt, thấy không có mình trong đó, tôi cũng buồn lắm. Rồi nghĩ ngợi lung tung, mình ít xuất hiện, khán giả quên mình sao ta? Còn tiền thì ai chẳng cần. Nhưng mà thôi kệ. Mỗi người có suy nghĩ, quan niệm làm nghề và cách sống riêng. Biết làm sao bây giờ khi phim truyền hình ồ ạt số lượng, chất lượng cũng đại trà theo. Mà mình thì không thể và không cho phép bản thân chạy theo đám đông, buộc phải chấp nhận thôi. Với lại, tôi cảm nhận mấy năm trở lại đây, cả sân khấu, truyền hình lẫn điện ảnh đang rẽ sang một hướng khác. Khán giả cũng đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ. Tuổi teen nhiều hơn, thị hiếu và cách tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật cũng khác trước. Tôi nghĩ không chỉ tôi mà nhiều cô chú, anh chị tâm huyết với nghề đều cảm nhận được sự thay đổi đó nhưng cũng đành bất lực. Thôi thì cứ hy vọng và cố gắng làm những gì trong khả năng. Tôi lúc nào cũng kiếm tìm cơ hội và mong mỏi góp chút sức mình

Hoàng Linh Lan
.
.
.