Chuyện của NSND Hồng Vân

Thứ Sáu, 18/07/2014, 14:00

Ngẫm lại, tôi thấy mình may mắn và suôn sẻ trong nghề. Những lúc tưởng chừng như bế tắc nhất, tôi luôn có được sự giúp đỡ của mọi người, không gia đình thì chính quyền, không chính quyền thì bạn bè, đồng nghiệp. Vậy nên, lúc nào tôi còn sức thì cứ gắng mà làm những việc mình cảm thấy có lợi cho mọi người, cho cộng đồng.

1. Bố mẹ tôi là cán bộ ngành sinh học thực nghiệm. Ngày đất nước thống nhất, do phân viện ở miền Nam thiếu người nên bố tôi được điều động vào. Một năm sau, mẹ tôi cũng được luân chuyển công tác vào cùng bố, gia đình tôi nhờ đó mà sum họp. Trên chuyến tàu thủy Bắc Nam, có đứa con gái hiếu động, háo hức được nhìn, được thấy, được chạm vào một miền Nam mà trí óc non nớt của nó vẽ lên những con sông ken đầy ghe, xuồng có những bà má miền Nam rất hiền như lời kể của người lớn. Quả thật, đập vào mắt nó là con sông Sài Gòn nước đỏ au màu gạch, lợn cợn phù sa theo dòng đổ về. Hàng dừa nước ken đặc những buồng nâu, đen như chùm quả mọc ngược, đám lá mướt rượt khua xào xạc dưới cái nắng ấm áp, chan hòa. Mấy chiếc ráng lẫn đâu đó chẳng trông rõ chỉ còn tiếng tành tạch lan theo sóng nước. Tiếng các bà các mẹ các chị vẳng từ ghe xuồng xen lẫn tiếng tàu thủy nghe sao chân chất mà ngọt lịm như đường thốt nốt. Miền Nam tươi đẹp, thân thương và gần gũi đón tôi như vậy đó. Rồi cũng chính nơi đây đã bồi đắp, vun xới cho tâm hồn tôi thêm đằm thắm, trưởng thành và nặng tình yêu với sân khấu. Như nước con sông hiền hòa cứ thế tràn chảy vào những cánh đồng mùa nước nổi. Như món cá linh bông điên điển, ăn không quen thì thôi chớ động đũa được thì nhớ nhứt mình.

Tôi vốn nghịch như con trai. Hồi còn ở khu tập thể tại Hà Nội, do mê tít cái phim trinh thám, hình sự Trên từng cây số có anh chàng Đi-a-nốp nên tôi hay lấy áo vest của bố mặc rồi kiếm thêm bất cứ vật gì thon thon dài dài nhét vô túi làm súng, đầu têu một đám con nít bày lắm trò tinh quái, nghịch ngợm. Mọi người trong khu tập thể thường gọi tôi là “xác cô hồn cậu” do chịu không thấu mấy trò quậy của tôi. Nói vậy chớ nhờ lành tính lại hay tếu táo nên ai cũng thương tôi hết. Vô Sài Gòn, nhà ở gần rạp hát Cao Hồng Hưng nên tôi thường có dịp đi coi cải lương. Lần đầu tiên coi ngay vở cô Thanh Nga đóng, tôi đâm mê tít cô. Tuồng nào cô đóng tôi cũng ráng nhịn tiền ăn sáng, lén bố mẹ mua vé đi coi, khi thì đi với nhỏ bạn cũng mê cô Thanh Nga chẳng kém, khi thì đi một mình. Hai đứa mê cô tới nỗi hay giành nhau chí chóe, “cô Nga của tao chứ không phải cô Nga của mày”. Sau này học ở trường sân khấu, Quốc Thảo biết tôi mê cô Nga cũng hay đem ra chọc lắm. Thiếu điều muốn đánh nhau và không thèm diễn tiểu phẩm của nhau luôn.

2. Tôi vốn khéo tay, lại có khiếu với môn sinh học nên bố mẹ hướng tôi thi vào Đại học Y khoa. Tôi đồng ý nhưng cũng lén nộp thêm hồ sơ vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Năm đó, trường chỉ mở duy nhất một lớp đạo diễn chứ không có lớp diễn viên. Nghe đâu có tới hai trăm người dự thi nhưng chỉ lấy có hai mươi sinh viên thôi. May là ngày thi năng khiếu của trường sân khấu không trùng với ngày thi của đợt tuyển sinh nên tôi tham dự được. Nhưng đến hôm thi văn hóa thì lại trùng với bên Y khoa. Cô Ca Lê Hồng – lúc đó đang là hiệu trưởng của trường sân khấu – đến gặp bố mẹ tôi thuyết phục, do tôi đỗ thủ khoa lại có cơ hội đi du học, tôi thực sự có năng lực ở nghề này, nếu bỏ thì tiếc cho tôi. May sao, bố mẹ tôi đồng ý.

Thời điểm đó đi du học xét duyệt dữ lắm nên cuối cùng tôi phải ở lại. Coi xui vậy mà hên, vì nhờ học ở đây nên tôi mới tiếp cận được khán giả và nghề diễn viên. Theo quy định của trường, trong 3 năm đầu tụi tôi học diễn xuất rồi mới bắt đầu đi thực tế về các đoàn. Tốt nghiệp xuất sắc khóa diễn viên, tôi được ba Văn Thành (NSƯT Văn Thành) giới thiệu về đoàn kịch nói Bông Hồng thực tập tốt nghiệp đạo diễn bằng vở Đứa con mang họ mẹ của cố tác giả Ngọc Linh với các diễn viên: Hồng Đào, Hữu Nghĩa, Quang Minh, Phi Phụng, Công Hậu, Phương Dung... Nhờ dàn diễn viên hùng hậu đó mà vở tốt nghiệp tôi lời được 2 chỉ vàng. Lúc ấy dựng vở tốt nghiệp, trung bình mỗi đứa tụi tôi phải tốn ít nhất 2 chỉ vàng. Riêng tôi thì được lời 2 chỉ. Chuyện là đoàn để tôi thoải mái dựng, cái gì cần thiết cho vở thì tôi tự bỏ tiền túi ra mua, sau khi doanh thu thì đoàn chiết khấu lại cho tôi nên tôi vừa lấy lại vốn vừa được tiền lời. Tôi vô cùng biết ơn thầy Trần Ngọc Giàu, thầy Trần Minh Ngọc, cô Ca Lê Hồng, cô Mai Thanh Dung, thầy Huy Thống – những người thầy đã dìu dắt trực tiếp tôi ở trường; đặc biệt là ba Văn Thành, chú Huỳnh Minh Nhị, anh Lê Duy Hạnh đã tạo điều kiện cho tôi đến với nghề.

NSND Hồng Vân hạnh phúc bên gia đình.

Ra trường, tôi về diễn ở sân khấu 5B suốt cho đến khi về sân khấu Phú Nhuận. Trong những vở diễn tại 5B, tôi nhớ nhất vai Thị Bình trong vở Lôi Vũ. Một đứa con gái 22 tuổi đóng vai bà lão 65 tuổi có hai đời chồng, hai dòng con là một thách thức vô cùng lớn. Tôi không hiểu được nỗi đau của bà mẹ đó như thế nào vì mình chưa đủ trải nghiệm. Tôi chỉ biết đong cảm xúc cho nhân vật bằng cách xâu chuỗi hình ảnh của bà nội, của mẹ - hai người phụ nữ yêu thương nhất đời tôi. Tôi nhớ khi mẹ sinh em trai tôi thiếu tháng, em khó nuôi lắm, có những lúc tưởng em không sống được. Lúc đó bố tôi học thạc sĩ ở Đức, gia đình ngoại ở xa, chỉ còn mẹ và bà nội đêm hôm túc trực chăm em. Có những đêm giật mình thức giấc, tôi thấy mẹ, thấy nội ngồi đó, nước mắt lưng tròng. Và tôi mang tình thương đó vào vai diễn. Còn phần hình ảnh thì hóa trang cũng bó tay do mặt tôi non choẹt, làm kiểu nào cũng không ra được nhân vật già như Chu Phác Viên của anh Việt Anh. Vai diễn đó, anh Thành Lộc chỉ cho tôi nhiều lắm, từ cách khóc vai run run ra sao cho đến cách hóa trang sao cho ổn nhất. Một phần nhờ trời cho tôi giỏi bắt chước nên tôi tạo được nhiều cảm xúc cho khán giả. Sau này, khi bắt đầu làm mẹ, tôi từng nghĩ nếu bây giờ được đóng vai Thị Bình một lần nữa chắc tôi sẽ đóng hay hơn. Tuy nhiên, nếu để so sánh mức độ hiệu quả tổng thể của vở diễn thì chưa chắc được như hồi xưa. Bởi ngày ấy, tôi được làm việc với một ekip quá hoàn hảo. Tìm đâu ra một Chu Phác Viên như anh Việt Anh, một Chu Xung như anh Thành Lộc, một Chu Bình như Quốc Thảo, một Phồn Y như Minh Trang, Lỗ Quý như Hữu Châu, Lỗ Tứ Phượng như Thanh Thuý và Lỗ Đại Hải như Minh Hải trong những xử lý xuất sắc của đạo diễn Hoa Hạ?

3. Nhiều người bảo tôi có “tay”, có “máu” làm bầu. Do lúc còn là sinh viên trường sân khấu, tôi được đi ké theo cơ quan bố mẹ lên Đà Lạt. Tình cờ sao đợt đó, có chị phóng viên Thu Hà cùng đi với anh người yêu bên cơ quan mẹ tôi. Vậy là tôi bắt kèo xin cho Phước Sang, Quốc Thảo và vài bạn nữa đi theo. Lên Đà Lạt, anh người yêu của chị Hà giới thiệu tụi tôi tới các hội trường văn hóa, quán café,… Tôi đứng ra dàn dựng mấy tiểu phẩm học được ở trường cho các bạn diễn kiếm tiền ăn cải thiện. Tiền diễn cho cả nhóm mua được chỉ vài bó rau mà vui gì đâu.

Trở lại thời gian vừa diễn ở 5B, vừa diễn sân khấu kịch Sài Gòn của Phước Sang, tôi thấy có quá nhiều tài năng trẻ mà nếu mình bỏ qua thì tiếc lắm. Ở 5B có Anh Vũ, Ngọc Trinh; kịch Sài Gòn có Cát Phượng, Thái Hòa, Kiều Oanh, Thuý Nga… Tôi có nói với Phước Sang: “Trời ơi, mấy đứa này nó diễn hay lắm nghen. Giờ làm sao, thứ nhất là phải lên lương cho tụi nó. Thứ hai là phải tạo điều kiện cho tụi nó đóng. Mà hồi đó, kịch Sài Gòn toàn nhân tài: má Giàu, má Nga, anh Bảo Quốc, anh Hữu Châu, Minh Nhí, Hồng Tơ, Bảo Chung,… thì làm sao các bạn trẻ có cơ hội được?

Nghĩ mãi, tôi xin anh Ba Hạnh tách về sân khấu Phú Nhuận, chi nhánh của 5B, hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Ngoài tôi còn có Minh Hoàng, Minh Nhí, Quốc Thảo, ba Thành, má Lệ, lực lượng có thể nói là khá chênh lệch với các sân khấu khác. Rất may là ngoài những cái tên trẻ đã kể ở trên, tôi có thêm Trịnh Kim Chi từ nhà hát kịch Thành phố và Đức Hải mới từ Hà Nội vào,… Phương châm của tôi, người lớn chỉ làm dàn bao cho mấy đứa nhỏ thôi. Vai nặng ký đẩy vô cho tụi trẻ hết. Nói chung là phân đúng vai đúng người, các em bật lên liền. Do sân khấu còn mới, để hút khán giả, chiêu của tôi là phải mời người nổi tiếng. Ví dụ như vở đầu tiên Giải oan Thị Mầu, tôi mời ca sĩ Bằng Kiều đóng vai Lý trưởng. Tới vở Bản chúc thư, tôi mời Việt Trinh. Lúc đó lực lượng diễn viên trẻ từ nhiều nguồn khác nhau rất nhiều về cộng tác với sân khấu như: Trương Minh Quốc Thái, Huy Khánh, Đức Thịnh, Thanh Thuý,…

Được hai năm ổn ổn thì khó khăn bắt đầu ập xuống. Phần do mưa bão liên tục, phần do World cup, rồi cạnh tranh khốc liệt giữa các sân khấu, thu không đủ chi, sân khấu Phú Nhuận chới với. May sao UBND quận Phú Nhuận thành lập các chương trình khuyến học, mua suất diễn định kỳ hằng tháng để tôi có tiền nuôi sân khấu. Thứ hai nữa là nhờ sự hỗ trợ và sát cánh từ nhà hàng Ngã ba sông của ông xã. Vợ chồng tôi đã cùng nhau trải qua quá nhiều thăng trầm, cảm xúc nên thật khó để nói về anh trong một cụm từ cụ thể, một vài câu. Chỉ biết cảm ơn anh đã hy sinh rất nhiều cho tình yêu sân khấu của tôi. Nếu không anh, không có nhà hàng hỗ trợ, có lẽ sân khấu Phú Nhuận đã không thể trụ được tới hôm nay.

Ngẫm lại, tôi thấy mình may mắn và suôn sẻ trong nghề. Những lúc tưởng chừng như bế tắc nhất, tôi luôn có được sự giúp đỡ của mọi người, không gia đình thì chính quyền, không chính quyền thì bạn bè, đồng nghiệp. Vậy nên, lúc nào tôi còn sức thì cứ gắng mà làm những việc mình cảm thấy có lợi cho mọi người, cho cộng đồng

Dung Hoàng
.
.
.