Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: Hai mảng màu, một chân dung...

Thứ Bảy, 13/04/2013, 11:26
Chưa bao giờ tôi thấy việc “vẽ” lại một chân dung – một con người bóng đá trong làng bóng đá Việt Nam lại khó như lúc này. Khó vì vẽ về ông – Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, những hình khối tương phản, những mảng màu tương phản, những xúc cảm tương phản cùng lúc choán ngập đầu óc, tâm hồn tôi. Biết bắt đầu từ đâu nhỉ: Một màu xanh trong hiền hoà hay một màu nâu thẫm khó nắm bắt? Một hình khối tròn vo dày dặn, hay một khối tam giác sắc nhọn, biến ảo khôn lường?

Nếu không phải là cái anh phóng viên thể thao – nghĩa là đối tượng phải nhìn nhận, phản ánh các sự kiện thể thao bằng con mắt khách quan nhất có thể, mà chỉ là một “người cháu xã hội” của ông thì chắc chắn tôi sẽ vẽ về ông bằng những xúc cảm yêu quí lớn nhất của mình. Tôi yêu quí những buổi nói chuyện đầu tiên với ông, khi ông vẫn hay xưng hô theo kiểu “cậu – tớ” cực kỳ gần gũi.

Hồi ấy, khi mới làm Chủ tịch VFF khoá V, và khi vẫn mang hàm Thứ trưởng ngành thể thao, ông Hỷ rất hay đi một đôi dép quai hậu nhựa, màu nâu, chứ không đi giày tây bóng loáng như nhiều quan chức khác – một chi tiết dù rất nhỏ nhưng lại gợi cho người đối diện những ấn tượng rất lớn về sự giản dị.

Mà có lẽ cũng bởi sự giản dị, gần gũi ấy mà ông không ngại trải lòng với tôi – một thằng oắt con chỉ đáng tuổi con cháu ông tất cả những câu chuyện đời nhất, thật nhất, cảm động nhất về người mẹ yêu quí của ông. Người mẹ đã phải mồ côi từ năm 12 tuổi, phải đi ở cho một người chú, phải trải qua rất nhiều sự  vất vả, cay cực khác nhau.

Và từ chính cuộc đời vất vả, cay cực của mình, người mẹ ấy đã dạy ông một bài học quan trọng: phải biết sống tự lập, phải đủ bản lĩnh để tồn tại trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Có lần ông Hỷ cho biết: “Thi thoảng tôi vẫn vào bếp nấu ăn, và tôi tự tin là mình nấu ăn ngon. Đấy là do hồi còn sống, mẹ tôi thường dạy anh chị em chúng tôi phải biết tự lập ngay từ cái ăn cái uống”.

Rồi ông bùi ngùi: “Năm 1983, mẹ tôi qua đời. Đấy là khi tôi chưa thành đạt trong cuộc sống, chưa báo đáp mẹ được gì. Và đấy là một trong những tiếc nuối lớn nhất đời tôi”. Ông Hỷ nói rằng ngày hay tin mẹ mất, mọi thứ hoàn toàn sụp đổ, với ông, và ông đã khóc nấc lên như một đứa trẻ - khóc những giọt nước mắt đau đớn nhất, dằn vặt nhất, quằn quại nhất của cuộc đời mình. Quằn quại tới mức phải mất một khoảng thời gian dài sau đó, ông mới có thể lấy lại được cân bằng để tiếp tục sống và làm việc.

Tự hào, xót xa, bùi ngùi, sâu lắng khi kể về mẹ, rồi ông Hỷ lại bâng khuâng, hóm hỉnh khi kể về người vợ yêu dấu của ông – người con gái mà ông đã vô tình nhìn thấy tại bếp ăn tập thể của Trường Tuyên giáo trung ương (giờ là Học viện Báo chí &Tuyên truyền), rồi trầm trồ với nhan sắc của một cô gái mà lúc đó đang là hoa khôi của trường.

Mà cuộc “tấn công” cô hoa khôi cũng diễn ra đầy lãng mạn khi vào một ngày nọ, ông viết tất cả nỗi lòng của mình vào một lá thư, rồi âm thầm tới ký túc xá, để lá thư dưới gối cô gái. Có lần tôi chọc ông Hỷ: “Cháu đoán là hồi trẻ, bác không phải người đẹp trai. Thế thì tại sao lại yêu và cưới được cô hoa khôi đẹp nhất trường?”.

Ông Hỷ cười phá lên rồi bảo: “Phan Đăng nói đúng đấy. Hồi ấy mình mới ở chiến trường về, trông gầy gò, đen nhẻm, lại hay ăn mặc kiểu bộ đội – khó mà so sánh với những chàng trai Hà Nội khác. Thế nên khi yêu và cưới nhau rồi, mình đã hỏi vợ: “Sao em lại dại dột lấy người như anh?”. Ai dè vợ bảo: “Có khi anh mới dại dột khi lấy người như em!”.

Tôi không nhớ đã gặp và nói chuyện với ông Hỷ bao nhiêu lần, nhưng tôi nhớ chắc rằng trong tất cả những lần nói chuyện, phía sau chuyện công việc, chuyện bóng đá – tất nhiên rồi, thì những chuyện đời tư, chuyện cuộc sống của ông đều ít nhiều hiển hiện. Và từ những sự hiển hiện ấy, tôi hiểu ông Hỷ là người sống tình cảm và rất trọng…cái tình.

Viết tới chỗ này chợt nhớ, có một lần ông Hỷ điện thoại “nổi đoá” với tôi, khi một chương trình truyền hình do tôi phụ trách đã đặt hình ảnh của ông bên cạnh hình ảnh của một nhân vật mà lúc đó ông rất, rất…không ưa. Đấy là lần hiếm hoi tôi nghe giọng ông đanh lại: “Sao lại so sánh bác với hắn chứ! So sánh kiểu thiếu hiểu biết thế à. Cháu bảo tụi nó gỡ xuống ngay đi…”.

Sau vụ này những tưởng ông Hỷ sẽ giận tôi lắm, vậy mà ít bữa sau, khi gặp tôi ở SVĐ, ông vẫn bắt tay, vẫn tâm tình như chưa từng có gì xảy ra. Nếu không phải là ông, mà là nhân vật khác, hẳn tôi sẽ nghĩ: “Nhân vật này…làm chính trị giỏi đây”. Nhưng ở ông, tôi tuyệt đối không nghĩ vậy, mà chỉ nghĩ ông là người rất…thật. Thật với suy nghĩ, thật với cảm xúc, thật với từng phát ngôn – thật tới mức có nhiều phát ngôn sau đó còn bị báo chí đánh giá là hớ hênh.

Nói tới chuyện phát ngôn của ông Hỷ, công tâm mà suy xét, có những lúc ông đã tạo những ấn tượng mạnh mẽ, chẳng hạn như khi ông bảo: “Làm Chủ tịch VFF, tôi như ngồi trên ghế lửa”, hay khi ông dõng dạc tuyên bố: “Không thể bảo V.League sạch”, bất chấp cấp dưới của ông cứ liên tục cho biết: “Giải sạch! Giải về đích an toàn”.

Vào thời gian cuối nhiệm kỳ V, ông Hỷ còn hay bảo: “Tôi rất tự hào với những chọn lựa của mình”, ám chỉ việc ông đã có tiếng nói quyết định trong việc chọn HLV Calisto làm thuyền trưởng ĐT nam Việt Nam và HLV Trần Vân Phát làm thuyền trưởng ĐT nữ Việt Nam – những ông thầy đã giúp BĐVN hân hoan chạm đỉnh vàng khu vực. Nhưng lạ là sang đến nhiệm kỳ VI thì chính cái chỗ làm ông tự hào lại là chỗ khiến ông…mất điểm.

Ít người biết rằng khi HLV Calisto ra đi, và khi hồ sơ của một loạt những ông thầy Đức được gửi về VFF thì TTK VFF Trần Quốc Tuấn khi đó đã “kết” một cái tên được đánh giá là rất phù hợp với BĐVN, nhưng ông Hỷ lại gạt cái tên này để chọn Falko Goetz, rồi tuyên bố: “Falko Goetz là thầy ngoại tốt nhất mà ĐTVN có được từ trước đến nay”. Hậu SEA Games 26, khi ĐT U.23 Việt Nam của Falko Goetz thất bại thảm hại thì cũng lại là ông Hỷ cho biết: “Không vì một thất bại đầu tiên mà sa thải HLV này”.

Nhưng sau đó, khi những sức ép đổ dồn lên ông và ông TTK VFF Trần Quốc Tuấn, khiến cho cái ghế của cả hai lung lay dữ dội thì ông lại “bật đèn xanh” cho Hội đồng HLVQG “đánh” Falko Goetz, và sau đó thì Goetz đã âm thầm, cay đắng ra đi. Khi ông Goetz đi, và khi ông TTK VFF Trần Quốc Tuấn cũng đi thì người hiểu việc nói rằng đấy là những sự ra đi mang hình hài “tốt thí” để giữ lại những cái ghế ở cấp cao hơn.

Sau vụ Falko Goetz thì uy tín của ông Hỷ giảm đi trông thấy. Giảm tới độ mà nhiều ý kiến công khai đòi ông từ chức, còn nhiều ý kiến thì đánh giá vai trò lãnh đạo, quyết sách ở VFF đã không hoàn toàn thuộc về ông, mà thuộc về một cấp phó quyền lực cho ông – người gánh vác nhiệm vụ cơm áo, gạo tiền. Thế nên trước cuộc bầu bán ở nhiệm kỳ VII sắp diễn ra, không ai bất ngờ khi ông tuyên bố sẽ không ra tranh cử nữa.

Sự bất ngờ có chăng nằm ở một tuyên bố của: “Nếu thua thêm 1,2 trận, sẽ có đội bỏ V.League giữa chừng” – cái tuyên bố mà có người bảo là sẽ khiến cho cuộc chơi V.League trở nên hoang mang, rối loạn. Lại có người “độc mồm” phán thẳng: “Dẫu biết chắc là sẽ “hạ cánh an toàn” thì ông Hỷ cũng không nên đưa ra một tuyên bố có thể làm khó những người đang và sẽ làm việc như bây giờ…”.

Nhìn lại 2 nhiệm kỳ ông Hỷ lãnh đạo VFF, dễ thấy là vai trò và tính hiệu quả công việc của ông ở nhiệm kỳ V lớn hơn hẳn so với nhiệm kỳ VI. Còn nếu phải so sánh với những người tiền nhiệm của mình như các cựu Chủ tịch Mai Văn Muôn, Mai Liêm Trực, dễ thấy ông Hỷ mềm mại hơn, hay nghe lời cấp dưới hơn, hay có những tuyên bố hớ hênh hơn nhưng lại son hơn và đỏ hơn rất nhiều.

Cái son và cái đỏ không chỉ gắn với chuyện vi mô của một con người, một cái ghế, mà còn gắn với những chuyện rất vĩ mô như việc BĐVN đã được AFC, FIFA quan tâm rót tiền tới mức kỷ lục, hay việc ĐTVN đã có được một chiến tích kỷ lục khi lần đầu tiên lên đỉnh vàng khu vực.

Mà nói về cái đêm chung kết  giúp ĐTVN lên đỉnh vàng khu vực trên sân Mỹ Đình năm 2008 ấy, có lần ông Hỷ tâm sự: “Với suy nghĩ, thôi thì “có kiêng có lành”, trước trận đó, chúng tôi đã thắp hương, cầu cho ĐT gặp may. Khi ĐT bị Thái Lan dẫn 1-0, và trận đấu trôi đến những phút 89 - 90 thì có người bảo tôi là: “Chúng ta thắp hương, nhưng quên chưa hoá vàng”, thế là tôi bảo một người đi hoá vàng. Thật lạ là khi tôi được thông báo “đã hoá vàng xong” thì cũng là khi ở trên sân, Công Vinh đánh đầu, ghi bàn lịch sử..!”.

Tôi hỏi: “Có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?”. Ông Hỷ bảo: “Đúng rồi, có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”. Rồi tôi lại hỏi: “Nhưng cũng có thể không phải ngẫu nhiên?”

Ông Hỷ chỉ cười...!

Phan Đăng
.
.
.