Chỉ đạo Khắc Huề: Quá khứ nằm yên

Thứ Năm, 12/01/2012, 13:15
Chiều đông se lạnh. Âm nhạc bao trùm, dặt dìu khỏa lấp căn phòng nhỏ trên gác 2 ngôi biệt thự Pháp cổ, nơi trước đây vốn là chốn trú ngụ của cựu hoàng Bảo Đại và người trong quãng ngày lưu lại Hà Nội. Người đàn ông cao lớn, đứng tuổi đang kéo vĩ cầm, thanh âm níu bước, giai điệu nồng ấm hạnh phúc của Schubert, bản Ave Maria quen thuộc.

Thực tại bị đẩy lùi, không gian chỉ còn tiếng nhạc, Schubert và những nỗi xốn xang thanh bình, dịu mát. Thoải mái vì đã ở cái tuổi chênh vênh đoạn bên kia sườn dốc, lại níu giữ cho đời mình đầy ký ức, hoài niệm cùng sự từng trải, NSƯT Khắc Huề luôn biết tự giới thiệu bản thân một cách tưởng như xuề xòa, nhưng lại ấn tượng và hiệu quả…

1. Hỏi Khắc Huề cái kiểu kéo đàn chiêu đãi người lạ, trông còn phong lưu và lãng mạn thế này, năm mười mười lăm hay vài mươi năm trước, các quý bà quý cô chắc mê phải biết. Khắc Huề tủm tỉm lắc đầu, coi đó là chuyện vặt thường ngày. Đến tận giờ ông vẫn tập luyện, vẫn đều đặn rèn ngón đàn để lấy sức dạy học và biểu diễn. Nói rồi lảng ngay sang chuyện khác, chuyện trước sau gì cũng trở về sân khấu Khúc hát trữ  51 Trần Hưng Đạo, tụ điểm ca nhạc thính phòng được tiếng sang trọng nhưng bảo thủ, đã làm nên danh xưng "chỉ đạo Khắc Huề" đi vào đời sống cư dân Hà Nội hơn hai thập niên qua.

Thoáng chút thấy bóng học trò đến, lễ phép "chào thầy" rồi cầm cuốn truyện tranh, đọc nghiến ngấu. Tuổi đã xêm xêm, danh tiếng đã nhiều, thăng trầm cũng lắm, Khắc Huề vui vì được dạy, được chơi, được nắn chân nắn tay truyền thụ cho đám trẻ tuổi cháu nội cháu ngoại mình những nốt nhạc đầu tiên, bài học đầu tiên khi tiếp cận cây đàn violon. Ông mua một đống sách truyện, toàn tựa "hot" với lũ trẻ, sắp xếp ngăn nắp trong phòng, cốt tranh thủ làm quen, nựng nịu những buổi tụi nhóc chưa chịu vào khuôn phép. Học violon vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại gấp nhiều lần học piano, chơi vĩ cầm cũng chưa trở thành trào lưu phổ biến trong cư dân thành thị như với cây dương cầm, nên Khắc Huề trân trọng cảm mến từng học trò của mình, dẫu đám trẻ và bố mẹ chúng cũng chỉ coi đó là một cách chơi, thêm một kỹ năng trong không gian sống ngày càng đòi hỏi nhiều tài lẻ.

Chỉ về phía người đàn ông nhang nhác giống mình, đang ôm đàn so dây bên cậu trò nhỏ, Khắc Huề hãnh diện: "Em trai tôi đấy, violinist Khắc Hoan. Nói Khắc Hoan mọi người có thể ngơ nhác, nhưng nhắc đến Vi Cầm, cô diễn viên xinh đẹp thường xuất hiện trong các bộ phim dài tập trên truyền hình, nhiều người ấn tượng ngay. Vi Cầm là con gái Khắc Hoan, cả họ nhà tôi đều làm nghệ thuật".

Thường ngày, Khắc Huề túi khoác vai, sóng đôi cùng vợ, ca sỹ Thúy Nga trên chiếc xe máy lâu năm, ra vào sân 51 đánh bóng bàn, dạy nhạc, buôn chuyện với người này, cười với người khác hoặc lên tiết mục cho chương trình biểu diễn Khúc hát trữ  các tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Khác hẳn vẻ ngoài kiệm lời, ít vồ vập, nhác trông tưởng lơ đãng hờ hững với xung quanh, người đàn ông trẻ hơn nhiều so với tuổi đời, Khắc Huề ẩn chứa trong thẳm sâu tâm hồn mình vô vàn những bí mật chưa có cơ bày tỏ.

Trọn đời sống và làm nghệ thuật tại Hà Nội, nhưng Khắc Huề bảo, ông không phải dân Thủ đô gốc. Bố người Hưng Yên, nguyên là một nhà văn, nhà báo, tham gia viết lách từ thời Phong hóa, Ngày nay; mẹ dân Ninh Bình, hai cụ gặp nhau, nên duyên cũng vì đam mê chữ nghĩa. Chàng nhà báo Thường Quân về xóm đạo Ninh Bình, đến chơi nhà người bạn vong niên, sững người khi thấy trên tường treo một bức chân dung thiếu nữ xinh đẹp và kiêu sa, đằm thắm. Tức cảnh sinh , chàng tuổi trẻ lẩy ngay tứ thơ, đề lên ảnh. Cô gái 16 đọc thơ, động lòng, ngẩn ngơ phụ họa. Thơ đi thơ lại, trai thanh gái lịch phải lòng nhau, nên chồng nên vợ, sinh ra đàn con nhất loạt đều trở thành nghệ sỹ violon. Khắc Huề luôn tri ân người mẹ đảm đang, cả đời chỉ biết đề cao những giá trị tinh thần vô hình vô ảnh, không màng lợi danh, tiền bạc, không bao giờ dạy con cái mải mê đeo đòi vật chất. Bố mẹ ở bên nhau, tháng ngày chỉ lấy xướng họa thơ phú làm vui, cảnh nhà thanh bần, thành ra con cái nhiễm tính nghệ sỹ, đương nhiên coi cây vĩ cầm là tri âm tri kỷ duy nhất trong đời mình.

Violinist Khắc Quân (ngoài cùng bên trái) và đồng nghiệp tại Việt Nam.

Được nuôi dưỡng trong nếp nhà ngập tràn giai điệu hạnh phúc, sự ấm êm cùng một triết lý sống chậm từ thơ bé, nên Khắc Huề trưởng thành và cả lúc tóc đã hoa râm, luôn bình bình một kiểu, ung dung nhàn tản, chả mấy khi lao theo tiếng gọi của danh vọng, tiền tài hay quyền lực. Tiếng là "bầu sô" mát tay, thành danh từ những năm khái niệm ông bầu ca nhạc chưa khai sinh trong đời sống nghệ thuật ở miền Bắc, duy trì Khúc hát trữ  xấp xỉ 25 năm, là bệ đỡ cho nhiều ca sỹ trẻ sau này thành "sao", thành người của công chúng, nhưng Khắc Huề không bao giờ đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Khắc Huề, khác những "bầu sô" cùng thời cùng thế hệ, dù kinh nghiệm nhiều, cơ hội lắm, nhưng nhất quyết chối từ chuyện làm "sếp", để được rong chơi theo cách thức của riêng mình.

2. Khắc Huề ít khi trải lòng về gia đình, về những dấu ấn ngoài âm nhạc của cuộc đời. Ông thậm chí còn giẫy nảy lên, e dè ngần ngại nếu đôi ba cái gạch đầu dòng nào đó trong "trích ngang lí lịch" cá nhân được đem ra chiếu rọi dưới máy soi dư luận: "Có những bài báo làm tan nát cả một gia đình đấy", Khắc Huề cảnh giác. Một vài khúc quanh cuộc đời, Khắc Huề chôn kỹ tận đáy sâu tâm khảm, ru cho hoài niệm ngủ yên. Tính ông lo xa, chứ gia đình nhỏ ấm êm hiện tại của Khắc Huề, đã có nền móng vững chắc, tự tin vượt qua những bão dông biến động bao mùa. Gặp ca sỹ Thúy Nga khi chị còn quá trẻ, bản thân ông ngày hôm qua đã đổ vỡ nhiều, và Khúc hát trữ  đang làm mưa làm gió ở Hà Nội, Khắc Huề may mắn tìm được bến đỗ bình yên làm dấu chấm hết cho những năm tháng phiêu du lãng tử của người nghệ sỹ đa . Thúy Nga có giọng nữ cao mảnh mai, trong sáng, từng là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, thành vợ Khắc Huề bắt đầu từ sân khấu Khúc hát trữ.

Nhiều năm ròng, chị vẫn trung thành cất giọng lảnh lót ở 51 Trần Hưng Đạo, gắn bó với những khúc nhạc xưa, những bài hát tiền chiến đi cùng năm tháng. Đệm đàn cho Thúy Nga, hầu hết là Khắc Huề. Chỉ Khắc Huề mới cặn kẽ chỉn chu hiểu được giọng hát của vợ, nâng giấc tiếng hát Thúy Nga và làm thành món "đặc sản" gợi nhắc nhất ở Khúc hát trữ. Y như cha mẹ ông, hai vợ chồng Khắc Huề sống bên nhau trong căn nhà nhỏ bé, được chủ nhân hào phóng dành ra phân nửa diện tích vốn đã ít ỏi làm sân.

Ở khoảng không gian đầy cây xanh vắng tiếng phố phường, vợ chồng ông kê sẵn bàn ghế, dăm ba ngày lại tụ tập bạn bè, người thân, hay hàng xóm láng giềng sang uống nước, ăn ngô khoai tự luộc và nghe nhạc. Chồng đàn, vợ hát, những suất diễn ngẫu hứng không tiền cát sê, không sắp đặt lịch trước như thế đã thành niềm vui vô giá được ông nâng giấc, trọng thị, coi như nguồn dưỡng khí hiếm hoi chăm chút cho cuộc đời.

Khắc Huề quen với cụm từ "Chỉ đạo nghệ thuật" đi kèm tên mình hơn là cách gọi Nghệ sỹ ưu tú, dù ông là nhạc công violon đầu tiên được phong tặng danh hiệu này ngay đợt đầu tiên, năm 1984. Khắc Huề ngại đụng chạm quá khứ riêng ông, nhưng ông, như hầu hết những người đàn ông khác, lại hào hứng khoe gia đình lớn của mình, đại gia đình toàn những người thành danh trên dặm dài nghệ thuật.

Cả nhà Khắc Huề, anh em cháu chắt, tính cả cậu con trai Khắc Quân có với người vợ đầu, một vũ công Nhà hát Nhạc vũ kịch và cô cháu nội Trúc Cầm hơn 10 tuổi, đã làm dậy sóng cộng đồng mạng, tính ra tới 11 người theo đuổi âm nhạc, chọn âm nhạc làm nghề và nghiệp. Khắc Quân giống cha, cũng là violinst, du học Mỹ rồi định cư bên đó, được coi như cây vĩ cầm xuất sắc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Mùa hè vừa rồi, Khắc Quân về nước, cùng nghệ sỹ đàn t'rưng Vân Ánh và Tùng Dương, có buổi trình diễn ngoạn mục trong đêm nhạc mê đắm mang tên Quê nhà của cao thủ nhạc Jazz người Pháp gốc Việt Nguyên Lê. Đúng truyền thống gia đình, Khắc Huề cho Khắc Quân học violon ngay từ khi bập bẹ, tập để làm quen với sân khấu Khúc hát trữ  lúc còn đương tuổi học sinh. Căn cốt được cha mẹ đắp bồi trong những năm tháng ấu thơ giúp Khắc Quân dễ dàng tìm được ngôn ngữ chung để hòa nhập với một môi trường rộng lớn, và lắm biến động, thách thức. Bé Trúc Cầm, con trai Khắc Quân, giọng hát họa mi khiến cư dân mạng phấn chấn, cuồng nhiệt vì những clip đầy hồn cốt quê hương được tải lên Youtube. Trúc Cầm xúng xính áo dài gấm xanh, tóc đuôi gà lúc lỉu, hát Bèo dạt mây trôi trên nền nhạc violon của bố Khắc Quân, trông không có vẻ gì là đứa trẻ được sinh ra và nuôi dưỡng bên trời tây.

Cùng học và hành nghề tại Mỹ, đại gia đình Khắc Huề còn nhạc sỹ Nguyễn Xinh Xô, cháu gọi ông là bác ruột, đã giành giải Bài hát Việt của VTV3, một hiện tượng được săn đón, kỳ vọng, cũng đầy hoài bão tích lũy kiến thức nơi biển lớn để trở về, làm một điều gì đó cho âm nhạc nước nhà. Còn cái tên Khắc Uyên nhạc trưởng ở Anh, Sầm Thi ở Mỹ đều là con em trai Khắc Huề, các giảng viên violon Nhạc viện Hà Nội.

Những người trẻ giàu kiến thức và tài năng, hăm hở một ngày được hội tụ tại quê nhà, được đứng chung trên một sân khấu, được báo cáo với tổ tiên, gia đình, những người ruột thịt thành quả mà mình đạt được trong bao năm tháng qua. Với Khắc Huề, bên cạnh cái nhàn tản nhạt nhẽo thường ngày, ông có thêm niềm hạnh phúc, được nhìn thấy cháu con mình lớn lên, giữ nếp nhà, đắp xây được tên tuổi dù ở bất kỳ nơi chốn nào trên trái đất vô biên rộng lớn

Ngô Hương Sen
.
.
.