Cay đắng tình yêu

Thứ Hai, 18/11/2013, 14:40

Rốt cuộc tới đầu tháng 11 này,  người vợ góa Suha của nhà lãnh đạo quá cố Palestine, ông Yasser Arafat, đã nhận được từ các nhà khoa học pháp y Thụy Sĩ xác nhận về việc chồng bà đã nuốt phải chất polonium phóng xạ gây chết người trước khi ông qua đời cách đây 9 năm. Lượng phóng xạ đó cao đến mức rất khó có thể coi cái chết của ông là một tai nạn.

Ngay sau khi ông Arafat rơi vào hôn mê và mất ngày 11/11/2004 ở tuổi 75 tại Paris, đã vang lên những hồ nghi về việc đó không phải là cái chết tự nhiên. Tuy thế, phải tới bây giờ thì mối nghi ngờ đó mới có được những chứng cứ khoa học. Phòng thí nghiệm Thụy Sĩ đã giảo nghiệm hài cốt, đồ lót và túi du lịch mà ông Arafat sử dụng trong những ngày trước khi ông qua đời. Và các nhà khoa học kết luận nguyên tố phóng xạ tập trung ở mức không thể nào xuất hiện trong tự nhiên.

Hay tin này, bà góa phụ Suha của ông Arafat đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Palestine đòi lại công lý cho chồng mình. Phát biểu từ thủ đô Doha của Qatar ngày 7/11, bà Suha mặc dù không nêu đích danh Israel nhưng đã nói với phóng viên hãng tin AP rằng chỉ có những nước có khả năng hạt nhân mới có thể tiếp cận được polonium…

Bà Suha vốn là một nhà báo, đã tiếp cận người chồng tương lai của mình khi đi thực hiện một bài phỏng vấn ở Paris năm 1985. Câu chuyện tình yêu giữa bà với nhà lãnh đạo kiệt xuất Palestine từng là chủ đề hấp dẫn cho các phương tiện truyền thông.

Vạn sự khởi đầu nan

Năm 1985, Paris. “Con sẽ đi phỏng vấn chính ông Arafat! Mẹ đã thỏa thuận với ông ấy rồi. Con hãy cố gắng, đừng để mẹ phải xấu mặt!” - Raymonda Tawil dặn dò Suha, cô con gái mặt còn búng ra sữa của mình. Lãnh tụ Palestine Yasser Arafat là người quen lâu năm của nữ bình luận viên chính trị lão thành Raymonda. Còn đối với nữ phóng viên 23 tuổi (Suha sinh năm 1963) vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sorbonne và mới bước vào nghề báo, bài phỏng vấn một nhân vật tầm cỡ như Arafat có thể trở thành bước khởi đầu hoành tráng. Không có mẹ, hẳn Suha khó có thể nào được lãnh tụ Palestine trả lời phỏng vấn.

 Bà mẹ dặn dò Suha rất kỹ trước khi để cho con gái đi sang Amman, thủ đô Jordan, phỏng vấn Arafat. Raymonda mắng con mình đã nhuộm tóc vàng. Màu tóc này, theo bà, không hợp với Suha, hơn nữa, đối với một người đàn ông Hồi giáo, những phụ nữ nhuộm tóc luôn gây nên những cảm giác không dễ chịu, nếu không muốn nói nặng hơn... Raymonda cũng dặn con, khi phỏng vấn không được liếm môi hay đánh mắt, không được ỏn à ỏn ẻn như khi trò chuyện với mấy ngôi sao xinê mà những cô gái trẻ như Suha hay õng ẹo... Bà nhấn mạnh, khi đi phỏng vấn, Suha cần ăn mặc đơn giản thôi vì Arafat là một người sống theo nếp khổ hạnh, điều này ai cũng biết. Ông lúc nào cũng độc thân, mặc dù không ít những thủ lĩnh Palestine khác, tận dụng uy quyền của mình, không quá khiêm nhường trong việc thâu nhận mỹ nữ. Suha từ lâu đã từng nghe câu danh ngôn nổi tiếng của Arafat: “Vợ tôi là cách mạng Palestine!”.

Lời mẹ dặn thì như vậy nhưng Suha, giống như nhiều cô gái trẻ khác muốn sớm khẳng định mình, làm gần như ngược lại tất cả những điều đó. Đứng trước tấm gương trong căn phòng khá sang mà tờ báo Pháp đã thuê cho cô trong thời gian tới Amman công tác, cô đánh bồng mái tóc nhuộm vàng hoe lên, tô mắt kỹ lưỡng  rồi mặc vào bộ váy đỏ rực như ráng chiều...

Vừa thấy viên cảnh vệ đưa Suha vào văn phòng, Arafat đã lập tức đứng dậy niềm nở đón cô. Suha với sự tò mò gần như rất trẻ con lặng lẽ quan sát ông. Trông ông quá giống như bức chân dung được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Thiên hạ đã nói đúng, lúc nào Arafat cũng mặc những bộ đồ y hệt nhau. Cô cảm thấy mình đang bị hút vào một từ trường vô cùng thâm hậu. Suha đã biết trước rằng vị thủ lĩnh này có sức mê hoặc ngay cả đối với kẻ thù của mình.

Chờ cho cô nhà báo trẻ thỏa mãn cơn tò mò, Arafat mới bật cười to đầy phấn khích. Rồi ông giơ tay ra vỗ lên vai Suha - mạnh và nhanh như một thanh niên. Trong phong cách của vị thủ lĩnh ngoại lục thập này có nét duyên dáng lẹ làng nào đó rất trẻ trung. Bỗng nhiên Suha cảm thấy khó ở trong bộ váy thắm đỏ của mình. Có lẽ mẹ cô nói đúng, không nên ăn vận chói chang như thế khi tới phỏng vấn Arafat.

Hồi tâm lại chút ít, Suha cố gắng kiềm chế cơn xúc động và bắt đầu trình bày những câu hỏi mà trước đó cô đã học thuộc lòng.

- Chính sách của ông đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo?

Suha không còn nhận ra giọng mình nữa. Tiếng cô vang lên như từ một băng ghi âm nào đó.

- Tôi tôn trọng các tín đồ Thiên Chúa giáo - Arafat vừa trả lời vừa mỉm cười. Cô cũng là tín đồ Thiên Chúa giáo phải không?

- Dạ, đúng ạ! - Suha hổn hển đáp.

May mà mẹ cô đang ở xa nên không nhìn thấy cảnh này. “Điều chính yếu trong nghề của chúng ta, đó là những câu hỏi mang tính khiêu khích, Suha nhớ lại lời mẹ dặn - Đừng sợ ra đòn phủ đầu!”. Thiếu chút nữa thì Suha đã hỏi tiếp: ‘Vậy thì tại sao năm 1973 thuộc hạ của ông đã giết gần như sạch những tín đồ Thiên Chúa giáo ở Lebanon?”. Tuy nhiên, mãi mà cô vẫn không dám đưa ra câu hỏi đó. Cô không thể “chọc ngoáy” con người khả kính đầy sức cuốn hút và có vẻ giống  một ông bác tốt bụng này bằng những câu hỏi như thế. À, mà Arafat có lẽ cũng không phải đạo mạo chú bác gì đâu. Hình như ông ấy vừa nháy mắt trêu cô thì phải? Hay là cô nhìn lầm?

Khi thời gian dành cho cuộc phỏng vấn đã kết thúc, Arafat bất ngờ ôm choàng lấy cô phóng viên trẻ trung xinh đẹp. Suha vừa kinh ngạc vừa cảm thấy thú vị - có phải nữ nhà báo nào cũng được một nhân vật huyền thoại tầm cỡ như thế ôm vào lòng sau khi phỏng vấn đâu. Cô không biết mình nên nghĩ thế nào về việc này nhưng trong lòng cô âm ỉ vui. Cô quyết định sẽ không tiết lộ với ai về vòng ôm ấy.

Tiểu thư không khuê các

Suha sinh ra ở Jerusalem trong một gia đình Arab theo đạo Thiên Chúa. Khi cô tròn 13 tuổi, cả nhà cô chuyển sang sống ở Ramallah. Cha cô, Daoud Tawil, là một ông chủ nhà băng ăn nên làm ra. Mẹ cô là Raymonda, trong tâm trí người Palestine, chỉ cần nói ra cái tên này là đủ ngả mũ chào - nữ bình luận viên sắc sảo, uyên thâm, mệnh danh là “hổ nữ”, liên tục tạo nên được những vụ thu hút sự chú ý của dư luận. Tận tụy với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của người Palestine, Raymonda luôn luôn tìm ra được những tư liệu vạch trần mưu ma chước quỷ của kẻ thù. Trong nhà Raymonda, mọi người luôn tranh luận với nhau về chính trị và trao đổi với nhau những tin tức nóng bỏng nhất. Ông chồng làm nghề ngân hàng hơn vợ nhiều tuổi và luôn cảm thấy mình lạc lõng trong môi trường quen thuộc của vợ. Vì thế Daoud luôn ngồi lì ở công sở và tối muộn mới về nhà, mệt mỏi, gật gù đi lên phòng riêng. Đám khách mê chính trị của vợ có thể ngồi chuyện trò với nhau tới sáng, còn ông thì 7 giờ sáng đã phải tới công sở rồi. Daoud đối với vợ như đối với một đứa trẻ ương bướng và không quá can thiệp vào chuyện riêng của vợ.

Daoud giấu vợ mua cho con gái nhiều bộ đồ đẹp mắt. Một lần, Raymonda phát hiện ra việc này, đã bắt Suha phải gói tất cả những đồ dùng xa xỉ ấy mang tới trạm thu nhận giúp đỡ người tị nạn, bất chấp con gái khóc hết nước mắt.

 Khi Suha 15 tuổi,  “hổ nữ” sau một vụ mạo hiểm viết báo bị chính quyền Israel dọa bỏ tù nên cả nhà buộc phải chuyển sang Paris sinh sống. Theo yêu cầu của mẹ, Suha thi vào Sorbonne. Khi cô tốt nghiệp, Raymonda sử dụng mọi mối quan hệ sẵn có để đưa con gái vào làm việc ở một tờ báo có uy tín của Pháp. Và chính bà đã thu xếp cho con gái có được buổi phỏng vấn Arafat mà không ngờ là mình đã đưa con vào một cuộc chơi định mệnh.

Vận may không thể lỡ

Một tháng sau khi bài phỏng vấn được công bố, Suha bất ngờ nhận được lời mời làm chuyên viên báo chí cho Văn phòng Chính phủ Palestine lưu vong, lúc này đang đóng ở Tunis, thủ đô Tunisia. Raymonda vô cùng mừng rỡ trước vận may hiếm có dành cho con gái. Nhưng Suha thì phân vân vì dẫu sao sống ở Paris vẫn có nhiều điều vui thú hơn ở một quốc gia Bắc Phi. Tuy nhiên, rồi cô cũng hiểu ra rằng, thực uổng nếu để lỡ một cơ hội  như thế.

Arafat lịch thiệp cấp cho Suha một căn hộ ở ngay sát dinh thự của ông. Và chỉ vài ba tháng trôi qua, ông đã đưa cô lên một chức vụ quan trọng hơn là cố vấn kinh tế. Suha đã không uổng công khi theo học Sorbonne: cô xử lý các tài liệu rất chuẩn... Nói cho cùng, điều này cũng không quá quan trọng vì cô đã chiếm được trái tim của nhà lãnh tụ khổ hạnh rất nhanh ngay sau khi tới Tunis. Công bằng mà nhận xét, thì không phải cô chọn ông mà chính ông chọn cô - Arafat trong mọi chuyện đã quen tự lựa chọn cho mình. Ánh mắt mà ông dùng để ra lệnh cho cô ở lại trong phòng làm việc của ông có sức mạnh không gì cưỡng nổi và tính hiếu thắng cũng như mơ màng danh vọng của Suha đã phải chịu thua khát vọng trẻ trung của ông lão lục tuần. Trở thành đệ nhất phu nhân của dân tộc Palestine là mơ ước của không chỉ riêng Suha. Nhưng chỉ mình cô được chọn cho vị trí này, mặc dù trong đời mình, Arafat đã từng bị - thôi thì, thế nhân đó cũng là chuyện thường tình - không chỉ một bóng hồng quyến rũ. Khi Arafat cất giọng khô khan như thể đang bàn về việc quốc gia đại sự: “Em có muốn làm vợ của tôi không?”, thì Suha cảm thấy như đất dưới chân mình chao đảo. Ông không tiếc lời ca tụng cô: non tơ, xinh đẹp, hợp gu của ông, có thể sinh cho ông một cậu bé nối dõi và cách mạng Palestine sẽ không bị tuyệt tự. Ông cũng đánh bài “khổ nhục kế”: “Anh già rồi, em ạ, chúng ta phải vội thôi!”.

Trở thành phu nhân của Arafat, Suha phải từ bỏ Thiên Chúa giáo để theo đạo Hồi. Đám cưới của cô gái 27 tuổi với nhà lãnh đạo Palestine 61 tuổi diễn ra vào mùa thu năm 1990. Không có những nghi lễ quốc gia rầm rộ. Mọi việc diễn ra lặng lẽ, kín đáo vì Arafat không muốn những tin tức về việc ông lập gia đình lan rộng. Cuộc đấu tranh của người Palestine vì quyền  được có Tổ quốc còn nhiều khó khăn, gian khổ và hình ảnh một vị lãnh tụ khổ hạnh, hy sinh tất cả cho dân tộc vẫn quyến rũ trí tưởng tượng của thiên hạ hơn là hình ảnh một ông chủ gia đình êm ấm, vợ đẹp con ngoan...

Hạnh phúc không ngọt ngào

Năm tháng của hạnh phúc trôi qua như khoảnh khắc. Khi hai người mới thành thân, ít ai có thể nghĩ rằng Suha sẽ đi cùng chồng mình được tới cuối con đường tuẫn nạn của ông. Nhưng bà đã đứng vững trước mọi thử thách và gian truân, mọi đàm tiếu và oan khiên. Dẫu bà không sinh được cho Arafat một “thái tử” nhưng cô con gái của hai người vẫn là một trong những niềm vui lớn lao nhất đối với Arafat trên cõi đời này.

Làm vợ một lãnh tụ thường đau đớn nhiều hơn vui sướng bởi vì một biểu tượng dân tộc như Arafat không có nhiều điều kiện để sống cho riêng mình. Lắm khi vì những công việc to lớn hơn, ông phải hy sinh những niềm vui đời thường và vợ con ông là những người phải chịu thiệt thòi nhất. Hơn ai hết, Suha đã thấm thía nỗi niềm cay đắng đó. Arafat qua đời ngày 11/11/2004. Lễ mai táng Arafat ở Ramallah không có mặt vợ ông, vì nhiều lý do đã bị tách ra khỏi bộ máy quyền lực mới của người Palestine. Khi đó, bà buộc phải ngồi ở Tunis và xem mọi sự qua màn hình vô tuyến...

Một số phận như thế, có lẽ Suha không mong muốn cho con gái mình sau này

Nguyên Hương
.
.
.