Câu chuyện thứ hai: Nghệ sĩ Cát Tường
1. Nhà tôi gốc Huế, đời sống hồi xưa khổ cực quá nên phải dắt díu nhau vào Vĩnh Long kiếm sống, khi đó tôi mới 4 tháng tuổi. Nhà không giàu có gì, nhưng ba má chiều tôi lắm. Tôi thích gì được đó. Nhớ năm học lớp 11, tôi muốn lên Sài Gòn tham dự cuộc thi Tiếng hát Sinh viên – học sinh toàn quốc, ba má đã gác công việc, bao xe hơi chở cả bà con lên phố xem tôi thi hát hò. Lần đó, tôi được giải Khuyến khích.
Tôi tốt nghiệp lớp 12, cả gia đình bán nhà ở Vĩnh Long để theo tôi lên Sài Gòn thi vô Nhạc viện. Khi tôi lấy chồng thì ba mẹ tiếp tục bán nhà ở Sài Gòn để theo con gái lên Biên Hòa sinh sống, sau khi tôi ly dị thì ba mẹ lại bán nhà ở Biên Hòa để theo tôi trở lại Sài Gòn.
Vậy đó, đi đâu mình cũng được gia đình hỗ trợ và tự hào. Bản thân tôi cũng muốn được như thế, luôn được sống trong sự quan sát và bao bọc của gia đình. Tôi làm gì mà mẹ không cho phép thì tôi cũng không làm, đi đâu làm gì cũng phải trình báo, thấy gì không được là bàn bạc, mổ xẻ, vừa là ruột thịt, vừa là bạn bè.
Trở lại nghiệp ca hát, hồi đó tôi lên Sài Gòn tính thi vô Nhạc viện nhưng ngặt nỗi muốn thi vào hệ đại học thì phải học qua hệ trung cấp trong đó 6 năm thì mới lên được, thấy lâu quá nên tôi không thi nữa. Tình cờ thấy bên Trường Điện ảnh Việt
Ngày còn con gái, tôi đi hát nhiều nơi lắm. Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc, Quang Dũng là cùng thời với tôi, nói thiệt ra chớ nguyên một băng chưa biết cát-sê ai cao hơn ai đâu. Hồi đó, tôi được cái mác “ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh” nữa (năm 1998 tôi có vai để được nhớ đến trong phim truyền hình Đồng tiền xương máu) nên nếu người ta được cát-sê 60 nghìn thì tôi phải được 80 nghìn đồng, người ta 80 nghìn thì tôi được 100 nghìn đồng, mỗi đêm hát 4-5 chỗ là được 400-500.000 đồng rồi, dư sống lắm.
Thời kỳ hoàng kim nhất, tôi chạy show như cái máy. Ngày nào cũng 2 – 3 giờ sáng mới về. 100 ngày là đủ 100 ngày tôi đi sớm về trễ. Về đến nhà, là thấy mẹ đang thắp 3 cây nhang trước bàn thờ, nói: “Con về rồi mẹ mới dám an tâm đi ngủ”.
Ngoài ca hát, tôi còn chạy tấu hài với nhóm Thanh Long Trẻ. Tôi thuộc biên chế của Nhà hát kịch TP của thầy Trần Ngọc Giàu.
Thế nhưng, lúc mình đang hừng hực lửa nghề, hát vô tư diễn sảng khoái thì lại gặp một sự cố khiến tôi cảm thấy vô cùng chán nản, hụt hẫng, lý tưởng nghề nghiệp bị méo mó.
2. Nhiều năm trước, muốn nổi tiếng thì phải xuất hiện trên sóng truyền hình. Đó là con đường duy nhất, nhưng để lên truyền hình không phải dễ, mình phải chung đụng, đánh đổi nhiều thứ, mà tôi chỉ mới 19 tuổi. Còn trong sáng và lì lợm.
Có lần, tôi không chịu đánh đổi để được lên sóng. Vậy là, những clip đã thu chuẩn bị phát lên truyền hình bị cắt hết. Bạn bè nói: “Ai biểu tướng mày bốc quá làm chi”. Tôi mới trả chớ: “Ủa, bốc đâu phải cái tội. Tao có chủ động mời gọi gì ai đâu”. Có lần vì quá uất ức, tôi đã kêu đích danh một người cứ đòi hỏi này kia để nói chuyện phải trái. Nhưng giờ thì người ta đã mất rồi nên mình cũng không muốn lôi lại chuyện cũ.
Không chỉ ca nhạc mà phim ảnh cũng vậy, cũng phải đánh đổi mới được tuổi tên. Tôi không thích điều đó, nên đành chịu. Nhớ năm ngoái, tôi cũng hơi sung sung trở lại, tích góp được chút tiền đổ vào làm album Cho nhau lần nữa, cũng tâm huyết lắm, nhưng người tôi tin tưởng nhờ sản xuất album thì lại vẽ vời nhiều quá, làm tốn gần 200 triệu đồng mà kết quả không đâu tới đâu. Lần đó vì quá mệt mỏi nên tôi ra đại album cho xong, chớ bài hát trong album tôi thực sự không tâm đắc lắm. Vì bài hát chủ đề là Hạnh phúc mong manh (và cũng là tên album lúc đầu) được viết riêng cho tôi, thu xong đã đời thì nhạc sĩ lại bị bán cho người khác, giận điên người mà không thể làm gì. Ai cũng nói tôi đã bị tư vấn sai, đúng ra khi quay trở lại ca hát thì mình nên chọn những ca khúc quen thuộc thì dễ đi vào lòng người hơn, lại ít tốn kém hơn những ca khúc mới mà nội tiền mua bản quyền thôi cũng đã tốn 3/4 ngân sách rồi.
Nói chung là tôi thất bại, sống chi tình cảm quá để rồi bị mây mù che lối, không biết khi nào mình đang bị lợi dụng, cứ nghĩ ai cũng hết lòng hết dạ với mình. Cuộc đời mình nhiều rồi mà sao cứ dại hoài, quả là không có cái dại nào giống cái dại nào. Năm 2011, tôi còn nghĩ sẽ đi hát chuyên nghiệp trở lại, không hoành tráng như người ta nhưng cũng phải là phòng trà sang trọng. Tôi còn mướn thầy về tập vũ đạo bài bản lắm, lý ra còn làm thêm cả album tiền chiến nữa, nhưng rốt cuộc bị ăn bánh vẽ nhiều quá nên chán nản bỏ luôn.
Bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng có đi coi hát, mấy show của Ý Lan, Thanh Lam, tôi đi coi đều hết. Tôi còn đi coi show của mấy lứa trẻ trẻ sau này, như Ngân Khánh, Bảo Thy, chủ yếu để xem vũ đạo và sự tươi trẻ của họ, chứ tuyệt nhiên không bao giờ đi coi sô của người cùng trang lứa. Tôi rút kinh nghiệm điều này vì có lần đi coi Thu Minh, Hồng Ngọc, Đàm Vĩnh Hưng hát ở phòng trà Tiếng Tơ Đồng, tôi khóc như mưa không phải vì mình ganh tị mà vì thấy sao Thu Minh hát hay quá, nổi da gà quá. Nếu duyên nghề mình không bạc thì tới giờ này tôi đã làm con quỷ trong làng ca nhạc rồi. Mình thi Tiếng hát Truyền hình đoạt luôn giải Ba, còn người ta thì rớt lên rớt xuống. Vậy mà giờ đây thời thế đổi thay, người ta đã lên hàng đẳng cấp, hát một đêm 5.000-6.000 USD, còn mình một đêm diễn đào chánh ở 5B, thay 6 bộ đồ, khóc cười như bà điên mà để nhận 550.000 đồng tiền cát-sê.
3. Năm 2001 tôi lấy chồng. Nói thiệt, mình còn trẻ, bồng bột, ham chơi, nên lúc đang chán nản với nghiệp ca hát thì gặp chồng tôi, là Việt kiều về thăm quê hương. Hai đứa mới gặp là thích nhau liền, quen nhau bốn tháng là cưới luôn.
Lúc đó nghĩ ôi thôi lấy chồng sướng quá, đi hát chi nữa, cực muốn chết luôn, chẳng thà mình có thành tựu gì đáng kể thì còn ráng theo đuổi, với lúc đó cũng đang bất mãn nên bỏ ca hát luôn. Thêm nữa, thành công từ vai Yến trong Đồng tiền xương máu cũng mang lại cho tôi không ít phiền toái. Có lần, đi hát ở công viên Lê Thị Riêng tôi bị mấy đứa con nít chọi đá quá trời, biểu “cái bà này ác lắm nè”. Đó, vai diễn cứ đóng khung vậy hoài, không giật chồng, giật hụi thì cũng trùm xã hội đen, riết đâm ra bất mãn, không muốn theo nghệ thuật nữa.
Lầy chồng, tôi cùng gia đình mở trường dạy nghề thẩm mỹ ở Đồng Nai, lúc đang làm ăn khấm khá thì bất hạnh thay, vợ chồng chúng tôi chia tay nhau. Khi bé Na Uy mới đầy tháng thì ảnh lăng nhăng bên ngoài, tôi vì thương con nên cố gắng khuyên nhủ, nhưng cũng chỉ gượng được 2 năm thì chính thức ly dị. Đó là trên giấy tờ, chứ thực tế thì chúng tôi chỉ sống chung với nhau được 8 tháng, gồm 4 tháng tìm hiểu và 4 tháng tôi mang bầu, 5 tháng còn lại của thai kỳ thì tôi thui thủi vượt cạn một mình, anh bỏ mẹ con tôi đi tìm hạnh phúc mới. Tôi giận lắm, ra phường chứng giấy “tôi chửa hoang” và đổi họ con theo họ mẹ, xem như không có cha
Thời gian cũng dần chữa được vết thương lòng nên bây giờ tôi không còn giận chồng cũ nữa. Anh đang ở Thủ Đức, có vợ con đề huề rồi, muốn làm thủ tục nhận con thì tôi vẫn vui vẻ, bé Na Uy nay đã 10 tuổi, vô lớp 5, được cái hiểu mẹ và cũng thương ba. Anh vẫn đều đặn hỏi thăm, tôi nói: “Anh làm sao miễn tốt cho con là được, em làm khó thì con em thiệt thòi thôi”.
Có thời gian tưởng chừng như trái tim mình được vun đắp trở lại, nhưng cũng vì hoàn cảnh của riêng tôi nên gia đình người ta không chấp nhận, mình đành phải đi đi về về một mình tới giờ này thôi. Cái dở nữa là tôi “nam tính” quá, tính cách tạo nên số phận, nếu mình yếu đuối hơn một chút là đỡ khổ rồi, được nương tựa vào đàn ông.
Còn tình cảm, có thời gian mấy năm trời tôi đặt nặng vấn đề đi tìm người đàn ông của mình, nhưng càng tìm càng thấy hỗn độn, phức tạp, gặp ma quỷ gì đâu không. Con mình bắt đầu chớm dậy thì, bắt đầu hiểu chuyện và đặt câu hỏi “mẹ đi đâu, mấy giờ mẹ về, mẹ đi với ai?”, tự dưng mình sựng lại.
Mốc thời gian khiến tôi thay đổi nhận thức lớn nhất là Tết năm ngoái khi tôi về Vĩnh Long, lần đó là dịp bảy bảy bốn chín ngày mất của bà, thấy ba mẹ ngày nào cũng tụng kinh gõ mõ, riết nó nhập vào người. Tự nhiên mình thấy sao mà nhẹ nhàng và thanh bình quá, hạnh phúc đang ở ngay trước mình chớ có đâu xa, là gia đình mình, luôn dõi theo từng bước đi của mình. Thôi thì làm gì thì làm, miễn sao đừng tổn hại tới ai, có tiền là làm, hôm nào đi diễn mệt mà không có xe thì cứ ngoắc xe ôm, ai muốn cười hở mười cái răng thì kệ họ, miễn tôi có tiền nuôi con, có ai cho tôi đồng xu cắc bạc nào đâu.
Cho nên tôi đã hết cay cú với cuộc đời rồi, thích đi chơi thì đi, không thích thì ở nhà. Hồi xưa mà ở nhà là cái chân nó giật giật “phải đi, phải đi”, đêm nào cũng say xỉn, khuya lắc mới về, bơ phờ, hốc hác. Giờ đỡ rồi, bắt đầu có khái niệm làm đẹp, giữ gìn nhan sắc, bởi nhan sắc giúp tôi tạo ra đồng tiền nuôi con. Ai mà gặp tôi 3 năm trước chắc sẽ nói hồi đó tôi già hơn bây giờ.
Bây giờ thì ngộ ra, biết thương ba mẹ nhiều hơn. Lâu lâu cũng sắm quà cáp, gởi tiền cho ba mẹ. Tôi lớn rồi, nhưng 15-20 năm sau vẫn vậy, mẹ tôi vẫn theo con gái từng bước một, bổn cũ soạn lại thôi, cứ cuối tuần là mẹ lên Sài Gòn trông nom con cháu.
Chỉ tiếc nuối một điều rằng, nếu tuổi 19 ấy không phải xảy ra vào thập niên 90 của thế kỷ trước mà vào thời đại bây giờ thì mọi thứ sẽ khác nhiều, vì công nghệ lăng-xê quá phát triển. Thời mình không có môi trường nào để phát huy ngoài con đường duy nhất là lên đài truyền hình. Ước nữa, là mong được trẻ lại 5 tuổi, 5 năm thôi là đủ làm được nhiều thứ lắm…
Tiếc là, không thể...
Lời tòa soan Chị nói, ngày ba mẹ chị đặt cho chị cái tên Nguyễn Trí Cát Tường, họ đã dồn hết sự yêu thương vào cái tên ấy. Họ muốn cuộc đời chị được viên mãn, an nhiên. Thế mà, tên tuổi có liên quan gì đến thân phận, như nhiều người vẫn hy vọng đâu. Đời chị buồn hiu, chị gặp hết bất trắc này đến lận đận khác. Có lúc tưởng hạnh phúc nhất, hóa ra, họa phúc gần nhau. Bởi muốn tên tuổi vang dội phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng chị lại không chấp nhận cái giá của cuộc chơi. Nên thôi. Có một Cát Tường rất khác, khác nhiều những vai diễn trên phim ảnh, sàn diễn... Dẫu cho, trong giới giải trí, chị đã là người có danh phận từ những năm 1998. |