Cát Phượng: Bán máu ủ mộng cô đào

Thứ Năm, 21/06/2007, 08:00

Những năm tháng cơ cực nhất, Phượng thường xuyên có mặt tại bệnh viện để bán đi những giọt máu của mình. Khi những giọt máu được rút ra khỏi cơ thể, khi cầm những đồng tiền ít ỏi trong tay, cô gái ấy gần như muốn hét lên, rằng mình phải thành công. Thành công không dễ đến và mọi thứ không dễ kiếm. Với Cát Phượng, nghệ thuật thực sự là máu và nước mắt.

Người đàn bà này có lẽ đang ở vào những ngày rực rỡ nhất của nhan sắc. Gái một con. Cát Phượng và tôi và cuộc hẹn dời đi dời lại tới hai năm, cuối cùng thì cũng nhìn thấy mặt nhau. Quán Grammy và một buổi chiều cạn nắng. Phượng đến, mang theo cậu nhóc Bom 3 tuổi, hiếu động nhưng lễ phép.

Chị em mình ngồi đây, hôm nay chị nghỉ, không show, không quay, không kịch. Ngồi nói chuyện chơi. Cát Phượng tửng từng tưng, kể cả những chuyện không tửng chút nào. Thế nên cái nỗi buồn đang đè lên đời chị nó cứ lặn đi đâu mất...

Phượng không còn trẻ nữa. Ngoài ba mươi, với một nữ diễn viên, người cả nghĩ đã toan về già. Nhưng Phượng vẫn là nữ nghệ sỹ đắt show bậc nhất Sài Gòn. Chạy show mệt nghỉ. Kịch Phú Nhuận là sàn diễn chính, diễn vở lớn, kịch dài. Còn các tụ điểm cũng là sàn diễn... gần chính, vì hầu như đêm nào cũng chạy show, đêm nào cũng làm khán giả cười rung ghế. Rồi đi show tỉnh, đi quay video, quay kịch truyền hình, thi thoảng quay mấy phim lẻ. Lại đang đẹp ác liệt, lại đang thời kỳ "hậu ly hôn", ra đường đàn ông chắc chắn lác con mắt.

Thế mà đàn ông đâu phải ai cũng dám quen. Ngoài đời, Phượng là người lạnh lùng, mắt nhìn thẳng quyết liệt, công việc chạy phăm phăm trên đường, không ai dám làm phiền nữ danh hài trong bộ dạng nghiêm trọng như vậy.

Ai cũng nghĩ mấy cô đào sân khấu, diễn thì hay chứ sống chán chết, yêu đương tụm bạ liên miên. Nhưng với Cát Phượng thì không. Xù lông đến mức đám con trai trường điện ảnh cũng chẳng dám yêu, dù vo ve xung quanh quá nhiều. Xù lông tới mức có thời giang hồ đồn "Phượng đợi chờ" là một "con ô môi", thấy toàn thân với con gái, bảo vệ đám con gái như đại ca bảo vệ đàn em nhỏ. Không ai nhìn thấy Phượng khóc. Phượng thề đã không có nước mắt cho những chuyện chán nản hay buồn bã ở Sài Gòn.

Nhưng nhìn cho kỹ, nói cho cùng, Phượng vẫn là người phụ nữ yếu đuối và nhút nhát. Đến mức, hơn ba chục tuổi, bạn bè nghệ sỹ vẫn đùa "Phượng đợi chờ". Phượng đợi chờ cả chục năm lăn lộn sân khấu, yêu qua hai mối tình và bị người ta phụ bạc. Rồi lòng lạnh băng, làm việc quần quật, trả nợ tiền nhà, trả tiền học cho em, trả tiền cơm cho mình, mua cái nhà nhỏ ở Thị Nghè, quần quật kiếm liên tiếp 3 giải Mai Vàng của Báo Người lao động. Đến giờ đó, ngoảnh lại thấy mình không còn trẻ nữa, nhưng không buồn. Mọi thứ là thiên ý.

Không nghe thiên ý sao được, khi mà cô con gái nhỏ miệt cùng xứ Bạc Liêu bỗng nảy nòi mê nghề hát. Nhà năm chị em, nghèo xơ xác, chục tuổi đầu đã phải đi buôn thúng bán bưng phụ mẹ lấy tiền mua gạo nấu cơm. Và khi ấy, cô gái nhỏ môi cong mà quê mùa nữa, vẫn nghĩ một ngày mình thành nghệ sỹ trên màn bạc. Người cha, vốn từng một thời làm ký giả kịch trường, thương con gái và thấm đời nghệ sỹ, đã cản con quyết liệt đến nghiệt ngã.

Ông thường buông câu: "Trồng trầu trồng lộn dây tiêu, con mê hát bội mẹ liều con hư" và tuyên bố từ con nếu Phượng vẫn quyết liệt với nghề diễn. Nhưng nghệ thuật giống như tình yêu, càng cấm cản càng quyết liệt, càng ngăn trở càng bùng cháy. Nên giờ người ta mới có một Cát Phượng, cứ xuất hiện là tưng bừng.

Phượng ở trọ cùng với Việt Trinh, quen Lê Tuấn Anh rồi đi học làm diễn viên. Học khơi khơi, học cho vui và không nghĩ xa xôi. Được làm diễn viên là vui. Ngày đó, Cát Phượng, Phương Thanh đi đâu cũng có nhau, đi thi diễn viên triển vọng, đi thi hát năm kỳ bảy lượt, rồi cùng nhau đến tụ điểm xin hát hàng đêm. Hai người bạn này gắn với nhau biết bao nhiêu năm, từ ngày cơ cực nhất đến khi vinh quang nhất. Họ thẳng băng trong cuộc sống nhưng đường tình duyên thì lại vòng vèo.

Phượng che chở và chia sẻ cho Thanh những ngày trốn dư luận, sinh con một mình. Thanh bay qua Mỹ chia sẻ cho bạn trước cú sốc gia đình tan vỡ. Giờ thì hai bà mẹ độc thân ấy hàng đêm vẫn ôm điện thoại để chia sẻ với nhau từ chuyện con cái đến hậu trường sân khấu Sài Gòn. Chỉ có niềm đam mê sống chết với nghề mới đưa họ đến với vinh quang và đến với nhau sau nhường ấy năm với biết bao thăng trầm, biến đổi của đời sống.

Không nghe thiên ý sao được, khi trong sân khấu kịch, chị không phải là mẫu đào chính. Phượng dáng loắt choắt, nói lanh chanh, nghe là muốn cà tưng. Vậy mà vẫn cứ vào vai chính. Diễn ngọt như thường. Vai Thị Mầu của Cát Phượng như một bầu máu nóng, cuồng nhiệt, khờ dại và mê đắm, đánh đổi mọi thứ cho tình yêu. Không giống Mầu trên chiếu chèo, Thị Mầu của Phượng gần với đời sống hôm nay hơn, mạnh mẽ và dữ dội hơn.

Hay như vai Thị Nở chẳng hạn. Kịch bản làm cho Nở quậy tưng bừng, muốn là vai để khán giả cười bể bụng, nhưng đến khi Phượng nhận vai thì được biến thành vai bi. Người ta muốn nhìn Nở trong một tư thế khác. Muốn khóc. Một vai gần như câm lặng. Hơn một tháng để tìm mình trong Nở. Rồi khán giả đã khóc vì bi kịch của Thị Nở. Rồi hàng loạt vai hài. Bật lên nhanh từ hài.

Ngày trước, từ thời "Mưa bụi", "Tình đã bay xa", thấy Cát Phượng đóng minh họa cho Lam Trường bài "Tình thôi xót xa", chỉ minh họa thôi, mà làm người ta nhớ lâu, vì đó là một câu chuyện hoàn chỉnh, hài hước và diễn viên đóng thật xuất sắc. Và sau đó là hàng loạt các tiểu phẩm hài, những vở hài kịch trên sân khấu Phú Nhuận. Thời buổi ở đâu cũng thấy tấu hài, thì ở đâu cũng thấy Cát Phượng. Đêm nào cũng thế, khán giả thích được nhìn thấy người nghệ sỹ ấy, nghe những câu chuyện giải trí, cười hết cỡ rồi về đi ngủ, ngày mai lại tiếp tục cuộc sống của mình. --PageBreak--

Nhưng khi khán giả đi ngủ, thì Phượng mới thực sự được sống làm một người phụ nữ của gia đình. Mỗi đêm chạy show mấy điểm, diễn hết mình, lắm khi tung micro diễn tay bo trên sân khấu, vẫn phải diễn. Diễn xong rồi cùng bạn chạy xe tới điểm diễn mới, không kịp thay quần áo hoá trang. Hối hả đến mức không quen được cảm giác ngồi không.

Ngày Tết bạn bè ai cũng có vai, mà mình không được nhận thì buồn da diết. Lại nhớ những ngày chưa nổi tiếng, chỉ mong nhận được vai là quên hết mọi thứ. Đã có thời gian, chỉ cần nhận được vai là Phượng ngay lập tức lên đường.

Ngày là sinh viên, bị đuổi học cũng vì mê diễn. Ngày đó cúp cua học quá nhiều để đi đóng kịch, đóng phim, nên nhà trường buộc không cho Phượng học tiếp. Không học tiếp nghĩa là phải rời khỏi ký túc xá. Đi về đâu? Và đêm đêm, cô gái nhỏ xứ Bạc Liêu vẫn trèo rào vào ký túc xá, ở trộm phòng cũ của mình. Và buổi sáng, cứ lấp ló sau cửa lớp để học lỏm về nghề.

Những năm tháng ấy, Phượng thường xuyên có mặt tại bệnh viện để bán đi những giọt máu của mình. Khi những giọt máu được rút ra khỏi cơ thể, khi cầm những đồng tiền ít ỏi trong tay, cô gái ấy gần như muốn hét lên, rằng mình phải thành công. Thành công không dễ đến và mọi thứ không dễ kiếm. Với Cát Phượng, nghệ thuật thực sự là máu và nước mắt.

Cát Phượng lúc này đã đi qua kỳ mỏi mệt. Chị ngồi kể chuyện tình yêu của hai người thoải mái lắm. Ngày đó chị hơn Thái Hoà 4 tuổi, đóng vai lớn rồi, còn Hoà vẫn chỉ chạy cờ. Nhưng sau đó thì thấy Hoà yêu nghề lắm, suốt ngày nghĩ viết kịch bản, làm sân khấu mà không say nghề thì coi như bỏ, lại nghĩ chuyện ăn chơi cũng khó thành công. Phượng nhớ, có đêm khuya chở Phượng về nhà, thấy Thái Hoà nhìn trước nhìn sau, rồi hồi hộp nói: Em yêu chị. Phượng suýt bật cười, cảm ơn nha. Chị cảm ơn cái gì? Cảm ơn vì em yêu chị! Em nói thật, em yêu chị. Sau này lấy vợ em cũng lấy người như chị đó, thẳng thắn, không lọc lừa. Lần này thì cười lớn. Thì em cưới chị đi, già rồi, đâu còn ai nữa đâu! Chuyện như cổ tích, thế mà rồi họ cưới nhau. Ngày đó tin tức về họ toàn chuyện gia đình con cái, hùn hạp làm ăn. Còn bây giờ thì ngôi nhà của hai người chẳng ai muốn ở. Phượng yêu con trai mình và lo sợ con sẽ bị trầm cảm do bố mẹ bỏ nhau. Họ ly thân một năm rồi chia tay. Cũng may, ngày đó, chị nhận show liên miên, đi Mỹ diễn 4 tháng, diễn xong rồi lại gọi điện về nhà cho con, thấy mọi thứ nhẹ lòng nhiều.

Phượng nói chị không bao giờ trách Thái Hoà. Chỉ là cá tính quá, đụng nhau hoài, chia tay nhau để còn nghĩ đến tương lai của nhau. Giờ họ ở chung một mái nhà, mỗi người một căn phòng. Ngôi nhà ấy đang rao bán. Thái Hoà chắc cũng có bạn gái mới. Còn Phượng thì im lặng với mọi tiếng ngỏ lời. Phượng không còn vội nữa. Cuối năm lại đi Mỹ, diễn một chặp rồi về diễn kịch Tết. Rồi làm DVD, rồi làm live show, một live show nhỏ xinh mang tên Cát Phượng, kịch bản và đạo diễn sẽ là Thái Hoà. Họ không còn yêu nhau nữa, nhưng vẫn là một cặp đôi ăn ý trong nghề. Có thể, với Cát Phượng, nghệ thuật là tối thượng, không có gì làm mờ nhoè được đi điều ấy. Và chị tìm đến với người hiểu mình, biết được sở trường của mình, để chinh phục khán giả.

Giờ thấy Phượng trở lại giản dị là biết sóng gió qua rồi. Ngày nào chị thấy dông bão là ngày đó chưng diện, phấn son loè loẹt, tung tăng nghêu ngao. Còn ngày thường giản dị, cực ít khi mua đồ, vì phải xài đồ trót mua trong những lúc bốc đồng xả stress. Rồi chăm con, rồi dạy con học hành, cứ như thế mọi thứ xoay kín ngày. Chị nói chị không buồn. Vì nỗi buồn khiến chị thui chột cả những sinh lực cuối cùng trong người sau mỗi đêm diễn. Nếu buồn bực thì trốn vào vai diễn, khóc cho thỏa, rồi về lại với đời, quên mọi nỗi đau, sống bình thản. "Phượng đợi chờ" đến giờ lại tiếp tục những ngày chờ đợi. Nhưng rõ ràng không còn đánh bạc với đời, không còn ăn may hay mang nỗi chờ mong vô vọng nữa...

Toàn Nguyễn
.
.
.