Chuyên gia thời trang Tôn Hiếu Anh, con trai của PGS Tôn Thất Bách:

Bố từng nói, con chỉ trưởng thành sau khi bố mất!

Thứ Tư, 17/04/2013, 09:14

Câu chuyện bắt đầu từ một sự tình cờ trên Facebook. Khi vào FB của tôi, Tôn Hiếu Anh đã gửi thư cho tôi và hỏi: “Đó có phải là chú nhà thơ Hồng Thanh Quang không? Tôi đã rất cảm động khi đọc bài nhà thơ phỏng vấn bố tôi…”. Và thế là tôi đã liên lạc với Tôn Hiếu Anh, người con trai độc nhất của PGS Tôn Thất Bách, cháu nội của GS Tôn Thất Tùng. Và kết quả là bài báo này đã ra đời…

- Hồng Thanh Quang: Có thể là hơi đường đột nhưng câu đầu tiên tôi muốn hỏi bạn là: bạn có biết gì về cụ nội của bạn không? Nói thật là tôi cũng đã tương đối mất công tra cứu nhưng tôi chỉ tìm thấy rất ít thông tin về cụ Tổng đốc Thanh Hóa Tôn Thất Niên, thân sinh của GS Tôn Thất Tùng và cũng là ông nội của bố bạn, PGS Tôn Thất Bách. Có lẽ vì là cháu chắt trong nhà nên bạn có nhiều thông tin hơn tôi chăng?

- Tôn Hiếu Anh: Tuy tôi thuộc týp thanh niên “dân chơi” nhưng cũng phải nói là, về gốc gác tổ tiên của mình thì tôi nắm rất rõ. Lớn lên, đi làm Festival Huế mấy lần rồi nên thành ra cũng được biết thêm nhiều  chuyện về gia tộc mình…

- Thật hay, tôi cảm thấy thú vị rồi đấy

- Có lần tôi hỏi bà nội: “Sao con không được gặp nhiều người họ hàng của ông từ Huế ra hả bà?”. Bà trả lời: “Chuyện khá buồn, vì ông đã từ mặt toàn bộ gia đình mình từ khi còn chiến tranh, bởi vì rất nhiều người theo địch con ạ…”. Tôi lại hỏi: “Tại sao lại theo địch được ạ?”. Bà đáp: “Bởi vì lúc đó Huế bị địch chiếm đóng, không theo địch thì cũng khó tồn tại hay sao ấy! Bà không biết rõ nhưng ông nói rằng, ông cắt đứt quan hệ với ai theo địch, bởi vậy mình mới ít họ hàng, con ạ…”.

- Rất đúng với tính cách quyết liệt và rõ ràng minh bạch của GS Tôn Thất Tùng!

- Tôi còn biết một giai thoại mà trước kia có thể chỉ được “lưu hành nội bộ”  trong gia đình. Ông nội tôi có kể về nguyên nhân dẫn tới cái chết của cụ nội tôi. Ông nói: “Ông già tau lần đâu tiên nhìn thấy ông Tây nên sợ quá lăn ra chết…”.

- ???

- Đấy là lời kể của ông nội. Tuy nhiên, theo sự thực mà tôi đọc được thì: cụ Tôn Thất Niên khi làm ở Thanh Hoá có hẹn với viên công sứ Pháp tới nhà ăn tối. Sau khi ăn tối và ông công sứ về thì cụ lên cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) và đột tử. Dường như cái định mệnh đột quị nhồi máu cơ tim này ám ảnh dòng họ Tôn chúng tôi quá. Cụ nội, ông nội và bố Tôn Thất Bách đều chung một kết cục. Hy vọng tôi là Tôn Hiếu thì sẽ thoát (cười)…

- Quê gốc của gia tộc mình ở đâu?

- Ở thôn Dương  Xuân Thượng,  nay thuộc phường Đúc, thành phố Huế.

- Giờ đó là con đường mang tên GS Tôn Thất Tùng.

- Đúng thế ạ. Bố kể là thôn Dương Xuân Thượng, còn khi tôi cùng chị gái vào tìm thì đó là thôn Nguyệt Biều. Tôi đến thăm mộ của cụ bà thân sinh ra ông nội. Cụ bà là đệ nhất phu nhân của cụ nội. Mộ cụ bà nằm tại ngay phố Bùi Thị Xuân trong TP Huế thôi. Ông nội yêu mẹ lắm nên chỉ nói về mẹ. Tôi được biết là khi tổ chức đám cưới ông và bà nội thì cụ bà có ra tham dự và sau đó lại trở về Huế. Lần đầu tiên và cuối cùng, chắc hồi đó di chuyển quá khó khăn. Và cụ ông ngày xưa có nhiều vợ, tuy nhiên nhất phẩm hay đệ nhất phu nhân thì chỉ có một. Hiện giờ ở Huế vẫn còn mộ cụ bà nằm bên dòng sông Hương, còn mộ của cụ ông thì nằm trên núi gối vào rừng thông.

- Những nhân vật nổi tiếng trong gia tộc của bạn, cả nội và ngoại, mà mỗi khi nghĩ tới bạn cảm thấy tự hào?

- Dạ, có lẽ tự hào chỉ là cái sự chung của mọi người không riêng ai đâu ạ. Tôi thực ra không theo quan điểm tự hào vì nổi tiếng, thành ra rất khó trả lời câu hỏi này của nhà thơ. Tôi cũng không thể nói dối cảm xúc của mình được ạ

- Bà nội của bạn, vợ của GS Tôn Thất Tùng, là con gái nhà họ Vi. Bạn biết gì về họ Vi, về cụ Vi Văn Định?

- Tôi được đọc và được nghe cũng nhiều về cụ Vi Văn Định. Xin diễn giải nôm na thế này: Cụ Định giống như chúng ta thời nay vẫn gọi là Vua Mèo - tuy cụ là người dân tộc Tày ở Lạng Sơn (bản Chu). Cụ có hơn 100 người vợ. 4 cô con gái của chính thất thì là những công chúa xinh đẹp và lấy những nhà trí thức yêu nước. Nổi bật nhất là Vi Kim Ngọc, là hôn thê của ông Nguyễn Văn Huyên (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục) và Vi Kim Phú là hôn thê của ông Hồ Đắc Di (nguyên Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội). Về sau, cụ Phú có giới thiệu cho học trò ông Di là Tôn Thất Tùng với cháu gái của mình. Bà Vi Nguyệt Hồ là con gái của anh trai cả của cụ Vi Kim Phú. Lúc làm đám cưới, ông 36 tuổi và bà 16 tuổi. Hay nhất là bố kể về truyền thuyết gia đình là: chính ông  nội là người khuyên cụ Vi Văn Định theo Bác Hồ và theo cách mạng. Có thể cuộc hôn nhân của các trí thức yêu nước đã tạo ra mối thâm tình cho đồng bào xuôi ngược nên cụ Vi Văn Định đã theo cách mạng. Nếu tôi không nhầm thì cụ Vi Văn Định từng làm Tổng đốc Hà Đông hay sao ấy…

- Cụ Vi Văn Định làm Tổng đốc Hà Đông từ năm 1937 tới năm 1942.

- Dạ, đúng thế ạ…

Cha và con.

- Tất nhiên tôi hiểu, dù ta có mang tước hiệu quý tộc gì, dù ta có xuất thân dòng dõi đến mấy đi chăng nữa nhưng nếu ta không tự mình lập ra được sự nghiệp của riêng mình thì mọi sự tự hào gia thế cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tôi không có ý hạ thấp những người lái xe ôm nhưng nếu cha ta là cự phú mà ta không còn kế sinh nhai nào khác ngoài nghề lái xe ôm thì đó chính là lỗi ở ta. Với Tôn Hiếu Anh thì sao, bạn nghĩ thế nào về những yếu tố gia đình trong việc bạn cố gắng gây dựng nên sự nghiệp riêng của mình?

- Ngay từ bé, tôi đã được bà nội và bố giáo dục theo tư duy mở nên tôi luôn có khuynh hướng tư duy tích cực và luôn tìm ra giải pháp không để mình rơi vào trạng thái chán nản. Bản thân tôi làm việc gì cũng dựa vào cảm xúc và cảm hứng là chính, sau này trưởng thành hơn thì bắt đầu cũng gò mình vào kỷ luật. Bao nhiêu năm tôi sống phải chịu đựng với áp lực từ phía bên ngoài xã hội. Xuất phát từ dán nhãn đến định kiến: Họ dán nhãn tôi là phải theo nghiệp của cha ông để lại để rồi định kiến tôi là không ra sao khi tôi không theo được nghiệp cha ông. Tôi đã cố gắng sống trên áp lực và làm ra vẻ bất cần hoặc vô cảm, thực chất trong lòng đau đớn và dằn vặt vô cùng. Tôi tập cho mình cách bỏ qua lời đàm tiếu, tuy có đau cũng cắn răng chịu đựng, đóng vai đứa “ngu dốt” phá hoại(?!). Chính vì vậy mà tôi đã không xem quá nặng sự nghiệp hay tự hào gia thế. Tôi tin ở thiên thời - địa lợi - nhân hoà. Tôi  tin là hiện tại như tôi đang sống cũng đủ nuôi mình tôi nhưng vẫn hạnh phúc, dù mẹ tôi khá lo lắng. Tôi chia sẻ với mẹ là do con không cố gắng thôi và con nhận xứng đáng những thứ thực lực con làm. Hồi xưa, mọi người khổ thì con đã được sướng đủ rồi và bây giờ nếu là ngược lại thì con cũng không buồn, vì của ngon vật lạ trên đời con đã được nếm trải. Hoặc giả, đó có thể có chỉ là một cách biện hộ cho cái lười của tôi thôi. Tuy nhiên, tôi cũng đã từng cố gắng thi vào Đại học Y nhưng tôi không đủ điều kiện học môn Toán hay Hoá…

- Và có lẽ đã làm bố buồn vì thế?

- Lúc sinh thời, bố tôi chỉ mong ước  con trai mình sống có trách nhiệm với bản thân mình. Tôi cảm thấy tôi  đang làm được điều đó và như thế tôi thấy bố tôi mãn nguyện rồi. Ai chẳng muốn mình giàu có nhưng tôi nhận thấy thiên thời - địa lợi - nhân hoà không có, hay phước phận may mắn đó không dành cho mình, thì cũng phải vui vẻ sống cách khác. Theo tôi nhìn nhận dù có trong người máu Rồng hay máu Phượng thì cũng chỉ cần sống sao cho đáng sống. Sống có lý tưởng, có ước mơ là điều tôi quan tâm. Gia đình là nơi yên ấm nhất của mình dù mình có là ai. Đã là  trong gia đình thì mọi người sẽ hiểu nhau nhất. Vì lẽ đó, tôi chưa bao giờ miễn cưỡng buộc mình làm việc gì mà mình không thích. Sống cho mình và chăm sóc bố mẹ mới là phận sự của kẻ làm con. Bố mẹ không thể sống hộ tương lai của mình nên bố mẹ luôn ủng hộ các quyết định của tôi. Chính vì vậy nhiệm vụ mà gia đình tôi đặt ra cho tôi chỉ là: Không vi phạm pháp luật và có trách nhiệm với bản thân, và điều đó còn hơn là công thành danh toại.

- Cha bạn, PGS Tôn Thất Bách, trong một lần trò chuyện với tôi cũng nói rằng, ông thoạt tiên cũng không muốn đi theo nghề y. Tại sao bạn hoàn toàn không muốn đi theo nghề y?

- Vâng, đầu tiên bố tôi đã miễn cưỡng theo ngành Y, vì hồi đó bố mê môn vô tuyến điện ở Trường Bách Khoa. Mãi tới năm thứ 3 của Đại học Y, phải thực tập ở viện và sau khi cọ xát thực tế thì mới đánh thức khả năng của bố tôi, từ ngày ấy, bố tôi đã tìm ra bản thân trong nghề y. Tôi cũng có bước đi tương tự nhưng hồi kết lại khác. Tôi từng thi Y trượt rồi rẽ ngang sang thời trang. Năm 2000, tôi  tốt nghiệp cử nhân thời trang Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, rồi năm 2002 đi Anh học bằng trên đại học về giáo viên giảng dạy thời trang. Và rồi một cú shock đã quật ngã tôi. Đó là sự ra đi bất ngờ của bố. Tôi về sống trong mặc cảm thương nhớ và cho rằng mình có lỗi với bố. Điều đó đè nặng trong tim tôi khiến tôi buông xuôi và khép sự nghiệp kinh doanh của mình để rồi năm 2007 bước vào Đài Truyền hình Việt Nam với chương trình Thời trang cuộc sống trên VTV3. Từ năm 2008, tôi “định cư” tại VTV6 cho đến nay.

- Mẹ bạn nghĩ thế nào khi bạn chọn con đường thời trang?

- Mẹ tôi ủng hộ vì mẹ sợ ngành y vất vả như bố, như mẹ. Mẹ nhận ra tôi có con mắt mỹ thuật và khéo tay. Tôi làm gì cũng luôn thông báo với mẹ và mẹ cũng ủng hộ tôi hết mình, miễn là tôi quyết tâm làm.

Vợ chồng PGS Tôn Thất Bách cùng bè bạn.

- Chị gái của bạn có theo nghề y không?

- Chị gái tôi được bố dạy tiếng Pháp vì một đoạn gen đẹp của gia đình đó là năng khiếu ngoại ngữ. Chị tôi đa tài, viết văn hay, vẽ đẹp và rồi với hai ngoại ngữ Anh - Pháp, chị đã thi đỗ rất nhiều nơi danh tiếng và chị chọn Hãng Hàng không Pháp.

- Tôi muốn được nghe bạn kể về ông nội của bạn? Trong gia đình của bạn thường hay nói gì nhất khi nhớ về GS Tôn Thất Tùng? Những kỷ niệm sâu sắc nhất của bạn về ông nội?

- Người trong nhà thì chỉ nhắc về ông qua vài điều:

- Uyên thâm.

- Nóng nảy.

- Nói bậy.

- Hài hước.

- Nhân ái.

- Nghiêm khắc.

Mọi người chỉ luôn nhắc về những vụ ông nói bậy để rồi cười ha hả. Một nhà khoa học đại tài như ông lại rất bình dân khi nói bậy. Có lẽ đó là điều tai tôi thích nghe nên tôi ghi nhớ..

Kỷ niệm của tôi về ông khá mong manh, tôi có trí nhớ cực tốt nên tôi nhớ khi còn bé, nhà có 1 cái tivi Neptune và cứ thời sự là tôi gọi ông nội sang xem. Khi đó tôi gọi chương trình đó là Hoa Sen vì cái biểu tượng ăng ten chảo nó giống hoa sen: “Ông ơi, Hoa Sen ạ!”. Thế là một lát sau, ông sang phòng cả nhà tôi ở - đó cũng là nơi duy nhất có tivi. Tôi còn nhớ như in là khi ông vui vẻ, ông sẽ đem cả mặt nạ sang dọa cháu để cháu sợ hay cháu cười khanh khách. Tôi nhớ những đoạn ru của ông bằng giọng Huế mà sau này bố tôi luôn ngâm nga lại:

Rung rinh nước chảy qua đèo,
Thuyền ai một lái dặm chèo quanh non.
Đá trơ trơ mãi thì mòn,
Mối tình bóp bẹp vo tròn lại nguyên.

Những câu hát ru này nó có ẩn chứa một thông điệp gì đó mà đến giờ tôi vẫn không giải nghĩa được hết. Nhưng hễ ai từng ở nhà số 9 Lê Thánh Tông thì đều thuộc đoạn hát ru này.

- Trong đời sống gia đình thường ngày, GS Tôn Thất Tùng có nóng nảy như trong công việc không?

- Tôi rất sợ khi ông cáu, ông có hai cách đánh là cốc vào đầu thật đau và cách hai là “tra tấn” theo kiểu vừa buồn vừa đau. Cách hai rất khó gọi tên và tôi mô tả như sau: Ông sẽ dùng một tay nắm chặt cổ tay tôi, sau đó tay kia chỉ dùng ngón trỏ và lồng vào như tra khoá vào ổ của bàn tay đang nắm chặt cổ tay của cháu. Sau đó ngoáy ngoáy... Vì nắm chặt cổ tay cộng thêm siết mạnh của ngón tay như mũi khoan nó vừa đau vừa buồn. Tôi sợ lắm. Đến giờ nhắc lại vẫn cảm thấy kinh hãi. Có lẽ tôi không chịu được đau. Nhưng ông chỉ làm thế khi tôi sai…

- Bạn thấy cha bạn có những nét gì giống và khác ông nội bạn?

- Tôi thấy bố tôi giống ông tôi ở tính nghiêm khắc và khác ở sự thay đổi về sau. Khi bố dạy hai chị em tôi thì theo cách của ông là vô cùng nghiêm khắc, để rồi sau đó hai chị em thành lập phản xạ tránh né và ít gần bố. Tuy nhiên, chị gái tôi ngoan hơn tôi nhiều nên bố rất yêu quí. Sau này chị tôi sinh hai đứa nhóc kháu khỉnh thì bố thay đổi từ đó. Bố buồn rầu nói với tôi là: “Chính bố làm cho con sợ, đó là điều bố ân hận nhất. Bây giờ con không bao giờ ngồi gần bố hơn 2 phút…”. Tôi nhìn thấy sự thay đổi của bố tôi khi giáo dục các cháu ngoại. Hồi đó, có lúc tôi ước ao mình được sinh chậm lại một thế hệ để được hưởng tình thương yêu của bố…

- “Xung đột” nào giữa hai cha con mà bạn cho là đến hôm nay vẫn làm bạn phải suy nghĩ nhất?

- Tuổi thơ tôi đã phải chứng kiến áp lực của công việc “giết chết” bố. Bình thường bố là người cực hài hước, tình cảm và vui vẻ. Nhưng công việc nhiều đến mức bữa cơm vẫn là lúc bà, bố mẹ nói chuyện chuyên môn. Bố mệt và bị áp lực. Tôi lại là đứa con trai ngỗ nghịch nên việc tôi ăn mắng là điều tất nhiên. Tuy vậy, tôi thấy tôi bị mắng là đúng nên không bao giờ tôi ghi nhớ bị mắng vì cái gì. Tôi cũng chưa bao giờ cãi lại bố nửa lời, tuy ông có cho phép khi ông đánh tôi thì tôi có quyền đánh lại. Nhưng tôi chả dại mà làm thế. Ông nói vậy chỉ để thử lòng con trai thôi. Sau này khi lớn lên, tôi vẫn hay đùa chuyện đó. Bố nói rằng, đó là cách mà bố xem con có hiếu với bố hay không. Tôi đã hiểu và thương bố nhiều hơn nhưng cũng không xích lại gần được vì quá nhiều năm rồi, nó dường như một phản xạ có điều kiện từ cơ thể tạo ra… Bố vẫn hay đùa là tôi giống bố ở tất cả những tính xấu. Tôi và bố giống nhau nhất ở chuyện chơi: Chơi với bạn theo kiểu anh em giang hồ. Thời bố tôi còn trẻ thì đánh nhau tay bo và sòng phẳng, hay đá bóng lông nhông, hoặc vá xe đạp kiếm tiền. Còn thời của tôi là tự kiếm tiền bằng nghề người mẫu hay nhảy nhót để rồi đi chơi với bạn từ bar nọ sang vũ trường kia thâu đêm suốt sáng. Bố chỉ dặn là đừng đánh nhau vì thời của bố là tay không và 1 chọi 1, còn thời của con là có dao có súng và đánh hội đồng…

- Tôi phải nói thật là, khi tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn với cha bạn cách đây gần chục năm và đặt ra câu hỏi về bạn, cha bạn đã có vẻ như không thích trả lời. Bạn có thể lý giải được thái độ đó của cha bạn không?

- Bởi vì bố yêu tôi lắm! Nếu bố bênh tôi thì cũng không được, người ta sẽ nói là ông không biết dạy con. Còn nếu nói không tốt về con trai thì bố không bao giờ làm. Giải pháp im lặng là tốt nhất. Nhờ câu hỏi của nhà thơ mà tôi giải mã được thêm một điều nữa về tình yêu thương của bố. Lúc thấy  tôi còn trong giai đoạn chưa ổn định, bố tôi từng nói: “Con chỉ trưởng thành sau khi bố mất…”. Đó là câu nói ám ảnh tôi đến tận hôm nay…

- Theo những gì tôi biết, cha bạn đã phải trải qua một cuộc sống không hề dễ dàng và đơn giản như không ít người ở bên ngoài nghi. Liệu tôi nói thế có gì sai không?

- Đúng! Tôi cũng đã phải sống trong áp lực nhân đôi từ ông xuống bố và từ bố xuống tôi. Còn bố chịu áp lực trực tiếp từ ông. Tôi “may mắn” không theo ngành Y nên không bị so sánh nhiều quá vì thiên hạ đã cho là kẻ vứt đi rồi. Bố tôi làm bác sỹ thì chắc chắn áp lực giỏi đè nặng lên bố hằng ngày hằng giờ. Bố vất vả học và bỏ vợ con ở nhà để tu nghiệp bên Pháp từ lúc tôi còn bé tí. Bố chăm chỉ và cần mẫn. Bệnh nhân nặng khi đồng nghiệp từ chối thì bố tôi nhận. Mỗi bệnh nhân mất đi là tóc bố lại bạc thêm… Bố rất ít khi ốm và khi ốm là luôn trầm trọng.

- Cha bạn có bao giờ tâm sự với bạn về những nỗi niềm riêng của mình không? Và nếu có, đó là những nỗi niềm gì?

- Không bao giờ chia sẻ nỗi niềm riêng. Có lẽ bố và tôi đều là đàn ông nên không chia sẻ chuyện riêng của mình. Bởi lẽ tôi và bố có cùng quan điểm, đó là người đàn ông thì phải tự giải quyết những nỗi niềm riêng của mình!

- Xin lỗi nếu tôi hơi quá tò mò, bạn cảm nhận thế nào về hạnh phúc của cha mẹ bạn? Họ đã rất hạnh phúc bên nhau?

- Tôi thần tượng tình yêu của bố và mẹ. Trong mắt tôi thì họ hạnh phúc trọn vẹn. Bố và mẹ yêu nhau quá tròn nên ông trời rút bớt ngày tháng hạnh phúc của bố mẹ! Cô sinh viên á hậu của ĐH Y và anh SV Y 6 nên duyên từ mối tình sét đánh. Bố yêu mẹ bởi sự hiền hoà hay vẻ đẹp mặn mà. Mẹ yêu bố bởi sự vững chãi bao bọc. Chưa bao giờ bố để mẹ vất vả. Có người nói là bố sợ mẹ, còn tôi thì thấy bố yêu mẹ nên nhường nhịn mẹ vô cùng. Tôi thấy bố nói với tôi, như thế mới ra dáng đàn ông. Có lẽ do tủ truyện chưởng của ông nội để lại, nên tư tưởng anh hùng là phải phiêu bạt giang hồ và sau đó che chở cho một yểu điệu thục nữ đã ảnh hưởng tới quan điểm sống của hai bố con tôi!

Sự yêu thương của bố là con dao hai lưỡi: Làm cho mẹ không biết nấu ăn và rồi khi bố mất thì mẹ là người khó lấy lại cân bằng nhất. Nhìn mẹ lủi thủi tập nấu nướng, tôi thương mẹ vô cùng, nhưng tôi đã không  giúp. Vì như vậy mẹ tôi mới vượt qua được nỗi đau. Mẹ tập làm những việc mà không có bố.

- Đã có rất nhiều người viết về PGS Tôn Thất Bách, nhưng về người vợ của ông thì rất ít thông tin được công bố. Có vẻ như mẹ của bạn là một người rất kín tiếng. Bạn có nghĩ thế không?

- Đúng ạ! Sống trong tình yêu của bố nên mẹ sau này bỏ công danh sự nghiệp để trở về làm hậu phương cho bố. Thời trẻ mẹ được ông nội hướng cho học cận lâm sàng về sinh hoá, xét nghiệm và truyền máu. Mẹ tôi cũng đi học nước ngoài ở Pháp và Hà Lan để nâng cao trình độ chuyên môn. Mẹ là người rất có ý chí tiến thủ, bởi lẽ mẹ tôi là con nhà lính. Ông ngoại tôi đã từng là chỉ huy bộ đội Việt giúp Lào. Mẹ tôi sinh ra ở Noongkhai, Thái Lan và sau đó đi bộ về Việt Nam. Bây giờ bệnh đau khớp luôn hành hạ mẹ tôi khi trái gió trở trời. Bố mẹ đã động viên lẫn nhau để thi các học hàm. Để rồi cơ hội đều đến với cả hai. Đỉnh điểm là khi bố làm Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, Phó giám đốc Bệnh viện Việt - Đức và đại biểu Quốc hội, thì mẹ làm Chủ nhiệm Khoa Huyết học truyền máu Bệnh viện Việt - Đức. Từng có một cơ hội thăng tiến đến với mẹ và mẹ đã từ chối, để rồi trở thành hậu phương cho bố yên tâm công tác. Tôi biết đó là sự hy sinh của mẹ bởi tôi hiểu và gần mẹ hơn ai hết. Bố hiểu điều đó nên đã chiều lại càng chiều hơn. Mẹ tôi như một bông hoa pha lê của hai bố con tôi.

- Cha bạn thời trẻ rất thích đá bóng. Và khi sang Italia sau này, cha bạn đã tìm gặp bằng được danh thủ Maradona ở đó. Cha bạn có kể cho bạn nghe về cuộc gặp gỡ này không? Bạn có thích đá bóng không?

- Tôi là dân bóng chuyền nên ghét bóng đá vô cùng. Bởi vậy việc bố tôi và bác Vân A gặp Maradona  thì tôi cho là chuyện bình thường. Khéo bố gặp Madonna (ca sĩ) thì tôi mới cho là sự kiện đáng tự hào (cười).

- Bây giờ nhìn lại, bạn thấy mình hồi bé có được cha mẹ chiều chuộng không? Và điều đó đã ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực thế nào tới quá trình trưởng thành của bạn?

- Tôi khó có thể trả lời câu hỏi này một cách khách quan. Bởi vậy hãy để những độc giả giúp tôi có câu trả lời đúng nhất.

- Bạn có tự nhận thấy mình đã từng là một “công tử bướng bỉnh không”? Hay đó chỉ là đồn thổi của những người ác ý đối với bạn?

- Tôi không nghĩ mình là công tử. Tôi chỉ thấy mình giống Peter Pan, một cậu bé không chịu lớn…

- Dự định về tương lai của bạn như thế nào? Bạn có cảm nhận được trách nhiệm của một người thừa kế danh tiếng của những bậc tiền bối danh giá không?

- Câu cuối cùng xin phép không trả lời nữa ạ, mà thay vào đó bằng chia sẻ của tôi: Đầu tiên cho phép tôi cảm ơn nhà thơ vì nhờ nhà thơ đã chứng minh được cho tôi những quan điểm sau: “Quan điểm không có câu trả lời dở, chỉ có câu hỏi không hay”. Thực sự những câu hỏi của nhà thơ hay đến mức nó đã làm tôi sống lại cùng hồi ức mà tôi đã cất giữ trong tim bấy lâu. Nhờ những câu hỏi mà tôi đã nhìn lại gia đình mình toàn cảnh. Sự ích kỷ trong tim  tôi vốn che lấp góc nhìn của mình và tôi đã nhận ra sự áp lực của mọi người khác trong gia đình mình. Cảm ơn nhà thơ!

- Tôi cũng xin cảm ơn bạn!

- Hình như ai cũng có áp lực chứ không riêng gì tôi. Từ trước đến giờ, tôi biết tất cả những câu chuyện mà chưa bao giờ tôi suy nghĩ và móc nối vào nhau hay suy luận được ra. Nó giống như mỗi khi làm kịch bản cho truyền hình,  đến khúc kết hoặc nâng tầm thì tôi đều chưa bao giờ làm được. Có thể toàn bộ quá trình rất hay rất sáng tạo... Có phải là do tôi thiếu tầm nhìn, hay tôi quá ích kỷ không ạ? Nhà thơ có thể trả lời giúp tôi được không?

- Đơn giản là vì bạn còn trẻ, bạn còn thời gian…

- Điều thứ hai là, sau khi tôi trả lời tất cả những câu hỏi của nhà thơ, bỗng nhiên tôi nhận thấy gia đình tôi có quá nhiều thứ áp lực… Do dư luận tạo ra hay do chính những người sống cạnh mình tạo ra… Bố tôi thời trai trẻ cũng bị đàm tiếu áp lực bởi là con trai của một giáo sư nổi tiếng. Bố tôi cũng vượt qua bằng cách lờ đi những câu nói ác ý từ thiên hạ giống như cách mà tôi vẫn thực hiện…

H.T.Q.
.
.
.