Bà Vi Nguyệt Hồ, vợ Giáo sư Tôn Thất Tùng: Nỗi buồn lặng lẽ

Thứ Ba, 05/06/2012, 10:35
Hàng tuần, vào ngày chủ nhật, ở nghĩa trang Mai Dịch người ta vẫn nhìn thấy một bà cụ, đã ngoài 80 tuổi, mái tóc bạc trắng, ngồi một mình rất lâu trước bia mộ của GS Tôn Thất Tùng và PGS Tôn Thất Bách. Hơn 20 năm qua, bà vẫn không thay đổi thói quen của mình. Bởi đó là cách, bà được gần hai người đàn ông của đời bà, một người chồng rất mực yêu thương, và một người con trai, là niềm tự hào và hãnh diện của dòng họ Tôn Thất… Người phụ nữ đó là bà Vi Nguyệt Hồ.

1. Tôi đã có may mắn được gặp nhiều bà vợ của những trí thức nổi tiếng, được lắng nghe câu chuyện cuộc đời của họ. Những mạch ký ức về một thời đoạn mà số phận của con người gắn liền với những biến động của đời sống. Nhưng với bà Vi Nguyệt Hồ, bà không kể nhiều về những chuyện đã qua. Bà bảo, đó là một góc riêng, bà muốn giữ lại cho mình và gia đình.

Lâu nay, bà Hồ vẫn sống cùng hai con gái ở số 9 Lê Thánh Tông. Đó là một gia đình lớn. Gian chính của toà nhà, xưa là phòng làm việc và phòng ngủ của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Căn phòng chỉ hơn 12 mét vuông, chất đầy sách, tài liệu và những kỷ vật của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Nhiều người đến thăm căn phòng này, không tin rằng, Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh thời sống và làm việc trong một điều kiện giản dị đến vậy.

Hơn 20 năm trôi qua, bà Hồ vẫn giữ nguyên mọi đồ đạc trong phòng khách. Như sự hiện diện hàng ngày của ông trong đời sống của bà. Phía bên phải bàn làm việc, treo hai bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái tặng ông thời còn sống. Bức tranh đã phủ màu thời gian. Một phần lớn những tài liệu, sổ tay ghi chép và ảnh gia đình bị mối xông, nên bà Hồ quyết định trao tặng cho Trung tâm Di sản ký ức của các nhà khoa học, để họ có điều kiện bảo quản. Bà bảo, được sống trên đời, được làm vợ Giáo sư Tôn Thất Tùng là một điều may mắn. Bà không nghĩ đến gốc gác, danh phận của mình. Cuộc đời bà cũng bình dị, giản đơn như nhiều phụ nữ bình thường khác mà thôi.

Bà Hồ ngồi đối diện với tôi, trước mặt là một góc bàn thờ rất đặc biệt, gần như một bảo tàng sống về gia đình bà Hồ. Đó không phải là bàn thờ thông thường của các gia đình Việt, được treo trang trọng và nghiêm cẩn trên một góc nhà mà mỗi khi thắp hương người ta thường phải ngước lên nhìn. Mà là một góc riêng, gần gụi, như là kỷ niệm, như là sự tưởng nhớ mà thôi. Bà để những di ảnh và kỷ vật quý giá nhất của những người thân trong gia đình, cụ Hồ Đắc Di, Giáo sư Tôn Thất Tùng và Giáo sư Tôn Thất Bách. Bà bảo, có thể gọi đó là bàn thờ cũng được, nhưng bà không muốn nó quá trang trọng. “Bàn thờ của tôi nó không long trọng như người ta vẫn nghĩ, bởi như thế nó xa cách quá. Đây chỉ là một người thành kính tưởng niệm những người thân yêu đã mất, để thấy họ vẫn đang ở đâu đó, rất gần”.

Trong những kỷ vật được để ngổn ngang trên đó, có rất nhiều bức tượng Phật mà những học trò của Giáo sư Tôn Thất Tùng lượm được khi đi công tác đến một vùng quê nào đó. Những bức tượng Phật ngự trên đài sen, hay bức tượng Phật trăm tay nghìn mắt… Bà Hồ bảo, cả đời bà làm điều thiện, cứu người, nên Phật cũng theo về nhà. Thế nên, bà luôn có cảm giác an lành, nhẹ nhõm. Vào những ngày rằm và mồng một, bà cắm trên từng bức tượng và di ảnh những người thân một nén hương tưởng niệm… Giản dị vậy thôi. Nhưng ở đó chứa đựng tất cả sự thành kính của bà. Có lẽ, ai bước vào ngôi nhà này, nhìn lên góc bàn linh thiêng đó, cũng hiểu được, thâm ý sâu xa của những chủ nhân từng sống trong ngôi nhà này. Họ sinh ra, chỉ để làm một việc thiện, cứu người. Bà chỉ vào bức ảnh của Giáo sư Tôn Thất Bách mà bà để dưới bóng của một bức tượng Phật rất lớn. Bà nói, để Phật luôn che chở cho con trai bà được an lành… Nói chuyện về Giáo sư Bách, giọng bà nghẹn lại, chực khóc…

Hơn 20 năm qua, bà Vi Nguyệt Hồ vẫn sống một mình trong căn phòng này. Hai cô con gái bà quây quần xung quanh. Đến giờ bà vẫn thích sống một mình, không làm phiền ai. Chị Tôn Nữ Ngọc Trâm, con gái đầu của ông bà kể rằng, bà rất ít khi kể chuyện ngày xưa và cũng không làm phiền con cái. Chị cũng hiểu nỗi đau của mẹ mình, những nỗi buồn không dễ sẻ chia.

2. Bà Vi Nguyệt Hồ là cháu nội của quan Tổng đốc Vi Văn Định, một dòng họ lớn có công trong việc trấn giữ miền biên ải Lạng Sơn. Dòng họ Vi có ba người phụ nữ, là phu nhân của ba trí thức lớn. Bà Vi Kim Ngọc, vợ của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Phú, vợ của ông Hồ Đắc Di đều là cô ruột của bà Vi Nguyệt Hồ. Thuở nhỏ, Vi Nguyệt Hồ sống trong phủ của ông nội. Khi Lạng Sơn, khi Thái Bình. Đến tuổi đi học, bà được theo ông về Hà Nội, sống ở 59 Nguyễn Du. Bà là cựu nữ sinh Trường Trung học Felix Faure, một trường danh tiếng thời Pháp thuộc, chỉ dành cho con em những gia đình danh giá. Bà chịu ảnh hưởng những tư tưởng phong kiến từ ông, nhưng bà cũng sớm tiếp thu những luồng tư tưởng mới từ phương Tây.

Bà Hồ không kể về mối tình lớn nhất cuộc đời mình với Giáo sư Tôn Thất Tùng. Bà bảo, đó là một góc riêng tư, bà muốn được giữ lại cho riêng mình. Tôi được nghe câu chuyện của bà từ một người thân trong gia đình. Mối lương duyên của bà với Giáo sư Tôn Thất Tùng bắt đầu từ cụ Hồ Đắc Di. Lần đầu tiên họ gặp nhau ở lễ đầy tháng của con cụ Di ở 75 Hàng Bông. Bà Hồ đi học về đó chơi. Rồi nhiều lần, Giáo sư Tôn Thất Tùng, học trò cưng của cụ Di, theo ông đến 59 Nguyễn Du. Rồi cụ Hồ Đắc Di cố ý tác thành cho hai người. Ngày đó, tiểu thư Vi Nguyệt Hồ mới chỉ 15 tuổi, còn Tôn Thất Tùng đã ở tuổi 34. Đám cưới giản dị diễn ra ngay tại 59 Nguyễn Du vào năm 1944. Và rước dâu bằng xe hoa của cụ Vi Văn Định về 75 Hàng Bông. Tiểu thư Vi Nguyệt Hồ mặc áo dài, vấn khăn theo phong tục của người Hà Nội.

Lấy chồng được một năm, Vi Nguyệt Hồ giã từ cuộc sống giàu sang của một tiểu thư khuê các theo chồng lên Việt Bắc. Sống những ngày gian khó cùng chồng. Tiểu thư Vi Nguyệt Hô không ngại ngần thu xếp việc gia đình, tham gia vào phong trào của phụ nữ, vào các bệnh viện cứu thương cho bộ đội. Sau những ngày đi tản cư gian khổ, cả gia đình bà về Hà Nội và sống ở khu biệt thự ở số 9 Lê Thánh Tông này. Ngày xưa, trên tầng 2 là gia đình nhà cụ Di, cả đại gia đình cùng ăn cơm ở nhà dưới cùng nhau.

Bà Vi Nguyệt Hồ, cũng như nhiều phụ nữ cùng thời đã hy sinh những ước vọng của mình để thu vén gia đình, chăm sóc các con. Sau này, khi các con đã lớn, bà tự nguyện ra làm y tá, phụ mổ cho ông. Bà chọn làm một người lặng lẽ đứng sau cái bóng to lớn của chồng. Và bình an với điều đó. Nhưng bà là một mẫu người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ. Và tự khẳng định mình bằng chính những công việc mà bà lựa chọn, để người ta nhớ về bà, là một Vi Nguyệt Hồ chứ không chỉ là vợ của Giáo sư Tôn Thất Tùng.

Thời bà gắn bó với Bệnh viện Việt Đức là một quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời bà. Là vợ của một giáo sư đầu ngành, bà rất được trọng vọng. Nhưng bà vẫn có cuộc sống độc lập của riêng mình, không dựa dẫm, núp dưới cái bóng quá lớn của chồng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà đến Bệnh viện làm việc bằng chiếc xe đạp cũ. Dù ông lúc nào cũng có xe đón xe đưa. Bà Hồ chỉ đi xe cùng ông trong những dịp họ mời cả hai vợ chồng đi họp. Chăm chút cuộc sống gia đình và hỗ trợ ông trong công việc, bà không đòi hỏi cho riêng mình một điều gì. Bà bảo, bà tự hài lòng với cuộc sống của mình, bởi trên cuộc đời còn có bao cảnh ngô bất hạnh, thương tâm, kém may mắn. Dù cuộc đời bà cũng trải qua những biến cố trước cái chết đột ngột của hai người đàn ông lớn trong cuộc đời.

Giáo sư Tôn Thất Tùng mất năm 1982 rồi 20 năm sau, năm 2004, người con trai tài giỏi của ông bà, người đã kế nghiệp bố xuất sắc, Tôn Thất Bách cũng mất vì nhồi máu cơ tim trong một chuyến đi công tác xa. Lần đó, tưởng như bà Hồ ngã quị. Sức khỏe bà suy sụp hẳn đi. Bà nén nỗi đau vào trong, sống lặng lẽ và ít giao du với mọi người. Đúng là dao sắc không gọt được chuôi, cả gia đình bà, luôn sống với tâm niệm cứu người, thế nhưng, họ đã không cứu được chính mình, không cứu được người thân của mình…

Thế nhưng trong tâm bà Hồ lúc nào cũng nghĩ, gia đình phải có một người trong ngành Y, làm việc cứu người. Sau này, có một người cháu của ông bà, con trai của chị Tôn Nữ Ngọc Trân cũng theo nghề của ông, nhưng, có lẽ, thật khó để nối tiếp những gì Giáo sư Tôn Thất Tùng và Giáo sư Tôn Thất Bách để lại…

Lại một ngày chủ nhật nữa, bà Hồ gọi “lái xe riêng”, một anh lái taxi quen ở đầu ngõ, chở bà vào nghĩa trang Mai Dịch. Những lúc đó, bà thấy lòng mình được ấm lại sau những mất mát đã qua…

Khánh Linh
.
.
.