Áo trắng Đoàn Thạch Biền

Thứ Tư, 20/07/2016, 11:38
Có những con người, khi đến với họ, "hắc bạch giang hồ" đều bỏ gươm đao, tị hiềm, ganh ghét ở ngoài cửa. Lúc đó, không có đen và trắng, chỉ có tình bạn. Chơi với nhau được hay không. Còn lại đều tiểu tiết, không đáng bận tâm.


Có những người, viết văn nhưng không màng đến văn chương, không xem đó là mục đích cuối cùng, duy nhất của đời sống. Do đó, đến một lúc cảm thấy nguồn cảm hứng đã cạn ráo, đã nhẹ tênh, lập tức không viết thêm một dòng nào nữa. Mà lòng vẫn thanh thản, thơ thới như không. 

Không dằn vặt, níu kéo, thở than - nói như nhà văn Trang Thế Hy là không thèm "bẹo hình, bẹo dạng". Có những người một khi đã thành danh, có tiếng tăm thì luôn quan tâm đến những người viết trẻ. Nâng đỡ những cây bút mới. Có những người khi chơi với bạn, chỉ nhìn thấy tính tốt của bạn, không "nhiều chuyện", "đâm bị thóc, chọc bị gạo". Vì thế, họ dễ gần gũi, thân mật một cách thủy chung cùng bạn bè viết lách.

Một trong những người như thế, với tôi là nhà văn Đoàn Thạch Biền. Nói đến tác giả Tôi thương mà em đâu có hay ắt nhớ đến tập san Áo trắng. Mối duyên "tiền định" này đã làm nên diện mạo của anh. Một diện mạo của "bà đỡ" văn chương luôn đau đáu với mùa gặt ngày sau, từ những người viết trẻ, từ thế hệ tiếp nối.

Sực nghĩ, chuyện viết lách của giới cầm bút, về sau, người ta có thể quên đi. Hoặc có thể nhớ nhớ quên quên, nhưng những gì họ đã làm cho văn chương thì lại khác. 

Nay, dù không nhớ rõ Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam… đã viết những gì, chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của họ là gì nhưng không thể quên vai trò của Tự lực văn đoàn mà họ là chủ soái. 

Bây giờ, hầu như ít ai còn nhớ đến Vũ Đình Long với tư cách tác giả, người tiên phong với thể loại kịch ở Việt Nam qua vở diễn Chén thuốc độc. "Vở kịch đã đi vào văn học sử và sân khấu Việt Nam với tư cách một sự mở đầu cho kịch nói dân tộc" (Tạp chí Xưa - Nay số 1/2000). 

Vở kịch này công diễn vào ngày 22/10/1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội do Bắc Kỳ Công thương Đồng nghiệp ái hữu tổ chức. Sau đó, Vũ Đình Long còn viết nhiều vở kịch khác nữa nhưng chẳng mấy ai nhớ.

Thế nhưng, mãi bây giờ và sau này nữa, người ta không thể quên vai trò của Vũ Đình Long trong lãnh vực xuất bản khi đứng ra tổ chức, thực hiện những tập san văn nghệ lừng danh một thời, thậm chí còn bao trùm cả thời "Tiền chiến" như Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Tao đàn, Phổ thông bán nguyệt san… Những tập san này đóng vai trò thúc đẩy sự tiến hóa của cả nền văn học hiện đại thế kỷ XX, bên cạnh Phong hóa, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm v.v…

Thời gian như một nháy mắt. Thoáng đó, tập san Áo trắng với vai trò trụ cột của nhà văn Đoàn Thạch Biền đã bước qua tuổi 25. Dám mạnh miệng mà rằng, nếu không là tác giả Ví dụ ta yêu nhau đóng vai trò "chủ xị", mọi việc đã khác. Rất khác. 

Có thể ghi nhận đây là một trong những sự kiện của giới xuất bản, báo chí sau năm 1975. Lần đầu tiên, một ấn phẩm dành cho tuổi mới lớn, nuôi dưỡng tình yêu văn chương của các cây bút trẻ đã tồn tại đến bây giờ. Và cả sau này nữa chứ. Chắc chắn thế. Sân chơi này, chỉ có "đặc sản": thơ, truyện ngắn, tùy bút… 

Sáng kiến thực hiện tờ Áo trắng thuộc về anh Lê Hoàng, bấy giờ là Giám đốc NXB Trẻ; "linh hồn" của nó là nhà văn Đoàn Thạch Biền, người trực tiếp tuyển chọn, biên tập từng số báo. Hơn 25 năm nhiều thăng trầm, thay đổi và đến nay, Áo trắng vẫn tinh khôi như thuở ban đầu. Không đi chệch hướng.

Từ những trang viết ở đây, đã có nhiều thế hệ cầm bút trưởng thành. Có người nói đùa rằng, nếu Đoàn Thạch Biền mà công tác tại Mặt trận Tổ quốc thì "hợp gu" lắm. 

Cứ xem cách anh đi Đông về Tây, lên Bắc xuôi Nam thì rõ. Duy nhất hiện nay, chỉ có người viết trẻ tại địa phương có "Gia đình Áo trắng". Công sức tạo dựng của anh đấy thôi. Anh đi đến từng địa phương gặp gỡ, phát hiện, trao đổi nghề văn cùng những "mầm non văn nghệ" từ những trang viết đầu tay của họ. Do đó, không phải ngẫu nhiên, nhiều người đã thành danh, đã là những cây bút sáng giá, họ vẫn tự hào đã trở thành từ "lò" Áo trắng. 

Trước đây, có lần Đoàn Thạch Biền tâm sự, đôi khi nhà văn như cầu thủ, một khi không ra sân bóng nữa thì hãy làm huấn luyện viên, thậm chí cổ động viên cho cuộc chơi đẹp. Anh đã thực hiện đúng như điều đã tâm niệm. Fair-play. 

Thế là vui quá rồi. Mãn nguyện. Trong bài thơ mừng sinh nhật lần thứ 25 của Áo trắng, anh bộc bạch tâm tình: Yêu người thật tim mình/ Chẳng lo gì thua thiệt/ Hạnh phúc vốn vô hình/ Làm sao ta phân biệt.

Vậy thôi. Cứ làm hết sức mình. Nhẹ nhàng. Thong dong. Mà đời người, sống trên đời, ai lại không mong muốn làm một việc gì đó cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Dù làm được việc bé tẹo tèo teo như góp một hạt cát vào sa mạc; hoặc lớn lao như đội đá vá trời thì cũng đều trân trọng như nhau.

Sáng nay, ngồi đọc lại một hai bài báo đã viết nhân sinh nhật Áo trắng của nhiều năm trước. Lần sinh nhật tròn 1 tuổi, năm 1991, tôi đã viết Một ngọn nến hồng cho Áo trắng: Một buổi sáng. Vòm trời Sài Gòn mươn mướt như đôi mắt tiểu thư sắp khóc. Mưa rất nhẹ và nắng rất mỏng. 

Tình cờ gặp nhau trước cổng NXB Trẻ, anh Lê Hoàng bảo tôi: "Viết gì cho Áo trắng chưa? Áo trắng sắp thôi nôi. Một tuổi rồi". Ba trăm sáu mươi lăm ngày đã trôi qua rồi sao? Bất chợt tôi lại nhớ đến câu thơ của Baudelaire: Nhớ lại đi, thời gian là con bạc tham lam/ Thắng mọi ván mà chẳng thèm gian giảo.

Nhớ lại đi. Ôi chao! Kỷ niệm như tơ chùng. Trong tâm tưởng. Trong đời sống. Một lúc nào đó sợi tơ sẽ căng lên và rung những âm thanh và bật lên tiếng nói. Về một ngày đã qua. Ngày sinh nhật Áo trắng. Lúc đó, NXB Trẻ còn nằm trên đường Thái Văn Lung (nay là đường Alexandre de Rhodes, Q1). 

Bạn bè gặp nhau là sà vào quán nước dừa. Nói đủ thứ chuyện. Từ địa ngục đến thiên đường. Từ cây kim đến người ngoài vũ trụ. Những câu chuyện lếu láo đậm đặc màu sắc văn nghệ. Nhưng có một lần, nhà văn Đoàn Thạch Biền nói với tôi một cách nghiêm chỉnh: "NXB Trẻ sắp ra tờ Áo trắng. Tuyển tập thơ văn dành cho tuổi học trò, cậu viết bài đi".

Và tôi viết.

Truyện ngắn Bắt trộm tại ký túc xá in số 1 bên cạnh những sáng tác ưng ý nhất của bạn bè. Cũng tại quán nước dừa này, tôi dẫn Đoàn Vị Thượng đến gặp anh Lê Hoàng để đăng ký bản thảo viết cho Áo trắng. Sự hào phóng ứng với tiền nhuận bút đã trở thành một động lực để Thượng viết truyện dài đầu tay Chuyện tình áo trắng cũng có nghĩa là mở cho tôi một hướng đi mới. 

Sau khi ra được vài số thì NXB Trẻ chuyển về đường Lý Chính Thắng. Chỗ gặp gỡ của anh em bấy giờ là quán cà phê Chiều tím. Tại đây, tôi đã gặp những cậu học trò "Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong" như bước ra từ thơ Huy Cận tìm đến Áo trắng để gửi bài vở.

Mới đó thôi. Vậy mà đã một năm. Bây giờ lật lại những tờ báo cũ tôi vẫn như còn thấy mới tinh khôi. Mới nhất, nhiều nhất vẫn là những sáng tác của lứa tuổi học trò chập chững lần đầu đến với văn chương. Họ đến từ nhiều nơi. Có lần nhận được lá thư độc giả từ Đông Hà (Quảng Trị), tôi thấy anh Hoàng Phủ Ngọc Phan cười rất hồn nhiên: "Rứa là Áo trắng đã đến quê tôi". Nụ cười ngây thơ chứ không khinh bạc như khi ký tên Hoàng Thiếu Phủ.

Trong những lần họp mặt bạn đọc Áo trắng, tôi nhớ bao giờ Đoàn Thạch Biền cũng nói nửa đùa nửa thật: "Nhà xuất bản quy định đến dự là phải mặc áo trắng. Cấm mặc áo sọc dưa"… 

Nói đùa thôi. Đùa mà thật. Lứa tuổi học trò trắng như một tờ giấy mới để những người làm văn chương mộng mị viết những gì thật nhất của mình. Nơi đó không có sự sọc dưa. Và phản trắc.

Mới đó thôi. Đã một năm rồi.

Ông Cao Bá Quát đã từng kêu lên: "Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy". Chứ huống hồ gì một năm. Nhưng một năm qua Áo trắng vẫn giữ được màu áo trắng. Đó là điều đáng quý nhất để tự động viên nhau. Đi tới nắng ấm chói chang lực lưỡng của những người viết về lứa tuổi thơ mộng nhất một đời người. Đi tới và thắp lên một ngọn nến. Một lời chúc mừng. Bây giờ và mãi mãi". 

Bài viết của hơn 24 năm về trước, đọc lại và cảm thấy thời gian đi qua nhanh thật. Những lúc ngồi với nhà văn Đoàn Thạch Biền, tôi thường nhắc lại một hai kỷ niệm cũ. 

Đại khái, lần đầu tiên trao đổi về việc thực hiện tờ Áo trắng số đầu tiên, vài ba anh em cùng ngồi trên những ghế bố của quán dừa xiêm trước cổng NXB Trẻ, nhà văn Tình nhỏ làm sao quên cao hứng đọc hai câu thơ lục bát của Nguyễn Đức Sơn: Tôi về lắng cả buổi chiều/ Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh.

Nhà thơ Bụi phấn Đoàn Vị Thượng chăm chú lắng nghe, gật gù khen hay rồi khẽ khàng ngâm câu thơ của Hoàng Thị Minh Khanh: Tôi không buồn những buổi chiều/ Vì tôi đã có rất nhiều ban mai.

Những lúc ấy, sờ thấy râu ria đã mọc đầy cằm, tự dưng rưng rưng nhớ lại những "buổi chiều", những "ban mai" trong sáng và vô tư lự ấy. Chỉ một cái nháy mắt, thời gian đã trượt dài khỏi tầm tay. 

Ơ hay, tuổi trẻ đã bỏ y ra đi từ lúc nào vậy? Bây giờ, ít nghe ai nhắc đến một nhân vật có cái tên du dương, thơ mộng Tóc Mây mà đã có không ít tu mi nam tử gửi thư về Áo trắng tán tỉnh, đã có bao nhiêu văn nhân tài tử đến tìm xem mặt, nhưng rồi ai nấy đều... thất vọng! 

Bởi lẽ đó là bút danh của nhà thơ Phạm Thanh Chương, lúc đó anh làm công tác trị sự với tinh thần cù mì củ mỉ, thận trọng, chu đáo như một ông giáo. Không chê vào đâu được. Mà chỉ có Đoàn Thạch Biền với phong cách chơi "điệu nghệ giang hồ" của anh mới có thể quy tụ lâu dài nhiều anh em bồ tèo thủy chung cùng Áo trắng.

Trong cuộc đời, ai cũng có nhiều cuộc cuộc lai rai cùng bè bạn, nhưng tôi quả quyết rằng, nếu ngồi với Đoàn Thạch Biền: Dù rời khỏi quán lúc đã khuya, đã lai rai dạt dào đến thế nhưng bước ra phố vắng, chạm phải những cơn gió mát, tự dưng lại thấy tỉnh táo, khỏe khoắn và yêu đời lạ thường. Bởi lẽ rất đơn giản, ở con người ấy, ngoài văn chương chữ nghĩa còn là một tâm hồn đáng yêu như Áo trắng.

Tâm hồn ấy, dù năm tháng trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi nhưng đến nay vẫn Áo trắng, vẫn tinh khôi như thuở ban đầu. Không đi chệch hướng. Một hướng đi hết lòng với mùa gặt ngày sau, từ những người viết trẻ, từ thế hệ tiếp nối… 

Lê Văn Nghệ
.
.
.