Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy: Về với nghề nông

Thứ Ba, 10/05/2011, 16:30
Tôi đã gặp thần tượng anh hùng của mình trong bộ dạng một ông già nông dân thô ráp tại Bảo tàng Không quân trên con đường xưa mang tên đường Chiến thắng B52, khi ông đang trò chuyện cùng một "cố nhân" là viên tướng phi công Mỹ từng bị bắn rơi ở Việt Nam. Trong ký ức tuổi trẻ của mình, tôi đinh ninh Đại tá Nguyễn Văn Bảy, người anh hùng phi công nổi tiếng bên cạnh Nguyễn Văn Cốc, Trần Hanh năm nào... phải là một cựu sĩ quan đạo mạo, an nhàn giữa lòng thành phố nào đó. Ai ngờ...

Đi tìm người anh hùng phi công từng bảy lần hạ máy bay Mỹ, người một đời ân hận vì không còn thực hiện lời hứa ngày Thống nhất đất nước, chở Bác Hồ về thăm miền Nam năm nào, chúng tôi gặp ông ở một trang trại ở tận Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp... Người anh hùng phi công ấy giờ là một lão nông thứ thiệt, quanh năm sống vui giữa miệt vườn với vườn cây, ao cá...

Người anh hùng trưởng thành từ chân đất        

Điều bất ngờ là người anh hùng lừng lẫy chiến công năm nào giờ khá...hom hem với dáng cao gày, chân không dép, đen nhẻm bùn đất, đầu quấn khăn rằn vừa lội ruộng trở về. Câu đầu tiên, không kể quen lạ: "Mầy thấy tao giống lão nông Nam Bộ không? Tao nổi tiếng lắm nghe, là vừa rồi đào được củ khoai mỳ nặng 22 ký, báo chí đưa rần rần đó... Tao là Bảy, nhưng là chín lần bảy...".

Rồi ông kể: Tao toàn gặp số bảy: Tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay MiG 17, được phong Anh hùng năm 1967... Câu chuyện tếu táo của ông Bảy phi công như dân vẫn gọi làm chúng tôi cảm thấy dường như cuộc đời người anh hùng nào cũng đáng yêu như vậy.

Tên ông là Nguyễn Văn Hoa nhưng người Nam Bộ thường gọi theo thứ tự, riết rồi cái tên con gái kia biến mất chỉ còn là Nguyễn Văn Bảy. 17 tuổi bị ép lấy vợ, Bảy bỏ trốn vào bộ đội. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Một thời gian, thấy dáng cao lớn khỏe mạnh, Bảy được chọn đi học lái máy bay. Văn hóa chưa qua trường lớp nào, chỉ biết đọc biết viết, nên lên Lạng Sơn phải học cấp tốc bảy ngày bảy lớp. Nhờ nhanh trí mà tiếp thu đủ định lý, định nghĩa, công thức...Nhớ lời Bác Hồ dặn trước khi lên đường: "Các cháu là những học sinh chiến sĩ miền Nam, phải học tập rèn luyện thật tốt để trở thành những phi công giỏi chiến đấu giải phóng đất nước. Và còn để chở Bác về thăm đồng bào, đồng chí miền Nam nữa...".

Nguyễn Văn Bảy luôn đinh ninh lời Người, ra sức học tập, rèn luyện và đến năm 1965, ông là một trong số những phi công đầu tiên của Việt Nam lái máy bay trở về Việt Nam và đáp xuống sân bay Gia Lâm, chuẩn bị lực lượng cho không quân Việt Nam bắt đầu cuộc chiến mới với không lực Hoa Kỳ...

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và phi công Mỹ Steve Richie.

Nguyễn Văn Bảy kể: Tham chiến có mười ba trận thì bảy lần bóp cò hạ bảy máy bay Mỹ. Đặc biệt là chưa một lần nào bị bắn, chưa bao giờ phải sử dụng đến...dù. Với bản tính ngang tàng, có lần nghe "bụp" một cái sau khi bóp cò, ông làm một vòng lượn máy bay để quan sát mục tiêu bị cháy thành bó lửa, may mà kịp ngóc đầu lên không thì trượt vào núi. Đáng nhớ nhất trong đời lái máy bay của ông là lần chiến đấu với giặc lái Mỹ trên bầu trời Yên Thế, Hà Bắc, vào ngày 7/10/1965. Máy bay của ông bị trúng đạn, buồng lái bị thủng hơn 80 lỗ, ông đã dùng chính bàn tay mình bịt lỗ thủng để máy bay hạ cánh an toàn mà lẽ ra phải xin chỉ thị để nhảy dù...

Riêng việc ấy đã làm đồng đội ông và các chuyên gia nước ngoài vô cùng thán phục. Hay như trận đánh trên bầu trời khu vực Cầu Giẽ - Phủ Lý giáp ranh giữa Hà Tây và Hà Nam, ông cùng đồng đội truy kích đến cùng mấy chiếc máy bay tiêm kích F8 của Mỹ khi chúng phát hiện có máy bay ta truy đuổi và lạng lách bỏ chạy. Trận ấy ông bắn cháy một chiếc và đồng đội ông là phi công Võ Huy Mẫn bắn hạ một chiếc chỉ trong chưa đầy một phút. Hai người đã được Bác Hồ khen và gửi tặng Huy hiệu của Người.

Trong trận ngày 29/6/1966, đơn vị Nguyễn Văn Bảy đánh nhau với tốp Thần sấm F105D của Mỹ khi chúng đánh vào kho xăng Đức Giang (Hà Nội) đã hạ gục một chiếc. Viên phi công bị bắn hạ chính là viên chỉ huy, Thiếu tá Murphy Neal Jones bị bắt làm tù binh... Và trận sôi nổi nhất của Nguyễn Văn Bảy phải kể đến trận ngày 24-4-1967, từ sân bay dã chiến Kiến An, đơn vị ông đã chiến đấu với tốp máy bay Mỹ đánh cảng Hải Phòng.

Chiếc MiG 17 của ông tiếp cận và bắn tan chiếc F8C do viên Thiếu tá hải quân E. J Tucker lái. Khi những máy bay hộ tống quay lại định trả thù máy bay của Bảy, thì bất ngờ ông bay ngoặt tránh đòn, đồng thời lao máy bay của mình về phía một chiếc F 4H Con ma và hạ gục bằng pháo. Với những chiến công lẫy lừng ấy, năm 1967, ông là một trong ba phi công đầu tiên được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc, năm 1972 đơn vị ông được lệnh tấn công hạm đội Mỹ trên biển khi chúng đang pháo kích vào thành phố Vinh. Biết hạm đội Mỹ tối tân có đủ không quân và pháo binh trên tàu yểm hộ, chỉ có bay thấp và đột ngột tấn công mới đạt kết quả. Và lần đầu tiên trong lịch sử, máy bay chiến đấu của họ bay sát mặt nước biển nhằm tránh phát hiện và tạo thế bất ngờ với đối phương. Sau loạt bắn trọng thương một chiếc khu trục hạm, đồng đội ông là Lê Xuân Di đã ném quả bom 500 bảng trúng tháp chỉ huy con tàu thứ hai. Lần đầu tiên người Mỹ kinh hoàng khi không quân Việt Nam đánh trúng Hạm đội Bảy Hải quân Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ II...

Nguyễn Văn Bảy đã đi qua cuộc đời chiến đấu bằng ý chí và nghị lực của một người lính trưởng thành từ chiến tranh. Bản lĩnh gan dạ, ý chí anh hùng và quyết tâm chiến đấu giải phóng quê hương thống nhất Tổ quốc đã tiếp cho ông sức mạnh để xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân và của quân đội anh hùng. Ông từng giữ các chức vụ quan trọng trong lực lượng Quân chủng PKKQ: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937; Phó Tư lệnh Sư đoàn 372; Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay miền Nam Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ quốc tế...

Và là lão nông chân đất sau khi trở thành... Anh hùng

Trong ký ức tuổi trẻ của mình, tôi cứ đinh ninh Nguyễn Văn Bảy - người anh hùng phi công nổi tiếng năm nào bên cạnh Nguyễn Văn Cốc, Trần Hanh... bây giờ là một cựu sĩ quan đạo mạo an nhàn giữa một thành phố nào đó. Ai ngờ... Đi tìm người anh hùng phi công từng bảy lần hạ máy bay Mỹ, người một đời ân hận vì không kịp thực hiện lời hứa ngày thống nhất đất nước, chở Bác Hồ về thăm miền Nam, chúng tôi gặp ông tại một trang trại ở tận Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp... Người Anh hùng phi công ấy giờ là một lão nông thứ thiệt, quanh năm sống vui giữa miệt vườn với vườn cây ao cá... Có đôi khi các trường học mời đi kể chuyện đánh giặc, ông cũng không chối từ dịp tốt để "truyền lửa" cho các thế hệ.

Có chuyện trớ trêu đối với Anh hùng Nguyễn Văn Bảy là, qua bao lần xung trận, nhào lộn trên không với chiếc máy bay MiG 17 để chiến đấu với những Con ma, Thần sấm hiện đại của Hoa Kỳ không sao, nhưng ông lại bị nạn bởi chính máy bay trực thăng của mình. Ông kể: Tết năm 1986 trong khi đi tặng hoa đào chở từ miền Bắc vào cho các đơn vị không quân phía Nam thì trực thăng chở ông bị tai nạn do phi công bất cẩn quệt phải ngọn cây gần sân vận động Bạc Liêu.

Năm 1990, nghỉ hưu, ông về thị xã Sa Đéc sống cảnh điền viên cùng gia đình. Năm 2009, ông chuyển về nơi sinh ra và trưởng thành là ấp Hậu Thành, huyện Lai Vung để lập ấp nuôi cá trồng cây sống giữa bà con xóm ấp. Đất miền Nam xưa nay ra ngõ gặp anh hùng và bây giờ có thêm một người anh hùng thực sự giữa đời thường... Vợ ông, bà Trần Thị Niên, vốn là cô học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, người cùng quê Lai Vung với ông.

Ông kể hồi đó bà là học sinh Trường miền Nam; còn ông là phi công sân bay Cát Bi - Hải Phòng. Lần đi tìm đồng hương ấy họ đã gặp nhau và kết tóc se tơ. Hôn lễ được tổ chức theo phong cách thời chiến vào năm 1966, khi cô dâu từ Hà Nội xuống đến đơn vị thì ông chỉ còn mấy chục phút để nghe tổ chức... tuyên bố lý do, để rồi trở về phiên trực chiến khi có báo động. Họ đã đi cùng nhau qua cuộc chiến tranh gian khổ và anh dũng như vậy và bây giờ khi về hưu, phu nhân của anh hùng phi công ấy vẫn tận tụy bên người chồng chân chất, thật thà...

Bà không thấy đâu cái bóng người anh hùng nơi ông. Đất nước này xưa nay vẫn thế chăng? Vinh quang nào cũng thuộc về Tổ quốc. Và bây giờ họ cùng nhau cuốc đất trồng rau nuôi cá tần tảo giữa miệt vườn quê hương. Lâu lâu nhớ đồng đội, nhớ miền Bắc thân yêu, họ lại cùng nhau làm một chuyến tham quan du lịch gặp gỡ bạn bè.

Lần ông ra Bắc gặp gỡ với đồng đội cũ gần đây, năm 2009, tôi không gặp phu nhân ông vì bà đang đi thăm Lạng Sơn. Lão phi công Anh hùng gặp lại "đối thủ trên không" của mình là tướng phi công Mỹ Steve Richie. Hai cựu phi công từng là đối phương của nhau, giờ đang bên nhau chia sẻ những bài học về đời thường, cạnh những chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi đang được trưng bày. Viên tướng phi công Mỹ đã trở lại Việt Nam để nói lời cảm phục những người anh hùng Việt Nam đã cứu sống mình trong cuộc chiến ấy...

Nguyễn Văn Bảy kể, có lần chính Steve Richie đã đi tìm ông tận Sa Đéc. Ngoài việc đi xác minh chiếc máy bay bắn hạ mình, viên tướng phi công Mỹ như muốn tìm lại những người anh hùng thực sự của Việt Nam. Họ đã gặp lại nhau, họ xin kết bạn bè. Ông bảo: Hôm đó tao mần con gà bóp nước mắm với mấy con cá lóc nhậu... đã luôn. Tay phi công Mỹ luôn miệng khen ngon...

Vậy là sau khi làm người Anh hùng, làm một sĩ quan cap cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nguyễn Văn Bảy lại trở về nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Đó là xứ sở của miệt vườn, sông nước quê hương ông. Bỏ lại danh lợi và tiếng tăm quá khứ, giờ ông thành một lão nông Nam Bộ sống đời dân dã. Tôi gọi đó cũng là một phẩm chất của người anh hùng đất Việt

Tân Linh
.
.
.