Mai Khắc Ứng: Người say vua Minh Mạng

Chủ Nhật, 17/09/2017, 15:45
Ở Huế, người ta gọi nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Mai Khắc Ứng là "Nhà Minh Mạng học". Ông thường xuyên lui tới lăng Minh Mạng. Mỗi lần người Nhật Bản sang giúp Huế trùng tu di tích lăng, ông đều được mời làm cố vấn.  

Dường như sự nghiệp nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế của ông gắn liền với Minh Mạng, vị vua sáng  giá nhất trong 13 vua triều Nguyễn, với hai cuốn sách xôn xao giới sử học cách đây hơn 10 năm: Lăng của Hoàng đế Minh Mạng (1993) và Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng (1996). 

Có lẽ nhờ thế mà hương hồn vua Minh Mạng đã "ban" cho ông nhiều "lộc" trong công việc và đời sống.

Ông sống giản dị, vui tính, luôn cười nói với mọi người. Mời tôi đến nhà uống rượu, ông làm thơ gửi qua bưu điện hướng dẫn đường đi lên nhà ông ở cạnh chùa Thiên Mụ:

"Mời lên tịnh xá mà chơi/ Có con mái ghẹ ham "thời" nhà thơ/ Một thằng" chống gậy" lơ mơ/  Cùng bầy tướng tá "Hu đơ" (bia Hu-da) lỡ thì/ Vượt cầu Bạch Hổ mà đi/ Qua Kim Long miết đến khi đụng Chùa/ Hỏi thằng râu trắng nơi mô/ Thêm ba chục bước là vô thấu nhà…".

Từ sau 1954 cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước,  ở miền Bắc, cũng như cả nước sau này, thầy giáo lịch sử nào cũng dạy học tro làâ Triều Nguyễn là "bán nước", "cõng rắn cắn gà nhà", phải tỏ lòng căm thù đối với  "bọn" vua chúa Nguyễn; mà quên mất rằng chính tên Nước Việt Nam thân yêu mà ta đang gọi hôm nay và  một nửa non sông hình chữ S đều do công lao của vua chúa Nguyễn mà có.  

Những năm tháng ấy, mà nhà sử học Mai Khắc Ứng đã lặng lẽ đi tìm lại  lịch sử để đánh giá lại công lao triều Nguyễn quả là  vô cùng trách nhiệm trước lịch sử và dũng cảm. Ông khẳng định: "Các vương triều đi qua, nhưng văn hóa còn lại. Qua tất cả bể dâu lịch sử, Minh Mạng vẫn còn lại với chúng ta ngày nay  như một nhà văn hóa lớn". 

Mai Khắc Ứng đã nhận ra tầm cao kiến văn của vua Minh Mạng, kiến trúc sư có tư duy văn hóa hùng mạnh, đã tạo dựng nên Trung tâm Huế, chính là Di sản Văn hóa thế giới ngày nay. Dường như lịch sử đã chọn Mai Khắc Ứng để bày tỏ. 

Đọc hai cuốn nghiên cứu vua Minh Mạng của Mai Khắc Ứng, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thốt lên: "Mai Khắc Ứng đã đặt bàn tay đúng chỗ: Đánh giá lại vị trí lịch sử của nhà Nguyễn. Đây là một công bằng lịch sử không thể không làm, là "trả lại cho Xê-da những gì là của Xê-da".

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Mai Khắc Ứng (bên phải) và tác giả.

Đã 15 năm sau khi các tập nghiên cứu về vua Minh Mạng của Mai Khắc Ứng ra đời, giới sử học và người đọc ngày càng hiểu chính kiến và tấm lòng của ông, càng quý ông. Mai Khắc Ứng cũng đã  cho xuất bản nhiều tập khảo cứu quan trọng về triều Nguyễn như "Khiêm Lăng và Vua Tự Đức" (2004), Tư liệu về Nguyễn Công Trứ (2001). 

Vua Nguyễn  "quý" ông đến mức, một lần có đoàn làm phim Hà Nội vào Điện Thái Hoà để quay chiếc ngai vàng vua ngồi thiết triều trong điện. Họ mặc quần soọc, áo may ô, nói cười ồn ào. Trong nhà điện vẫn sáng, nhưng họ cắm đèn để quay đến chục lần đèn vẫn không sáng. 

Họ ngạc nhiên hỏi chuyên gia Mai Khắc Ứng, ông hiểu ra sự thiêng liêng của "chốn ngai vàng", liền ra phố mua hương hoa về khấn vái. Khấn xong cắm vào đèn bật sáng liền! Từ đó đoàn làm phim  mỗi lần  vô chốn linh thiêng như chùa chiền, lăng tẩm  Huế  đều phải áo quần tử tế.

Mai Khắc Ứng là người đã phát hiện ra cách giải mã những ô thơ khắc ở Hiếu Lăng (Lăng Minh Mạng). Vua Minh Mạng rất giỏi thơ, sành thơ và say thơ. Tại viện Hán Nôm hiện còn lưu giữ 36 tập thơ văn Minh Mạng, khoảng 12.000 trang A4 với hàng chục ngàn bài thơ  viết bằng chữ Hán. 

Thời Minh Mạng là thời  sinh ra thế hệ thơ "thất thịnh Đường" với nhiều tên tuổi lừng danh như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương... Vua Minh Mạng làm thơ về giang sơn gấm vóc, về ruộng đồng, về nghề nông… Thơ Minh Mạng được khắc vẽ ở điện Thái Hòa, lầu Ngọ Môn, đặc biệt là ở Hiếu Lăng. 

Có thể nói Lăng Minh Mạng là một bảo tàng thơ, bảo tàng tâm hồn của nhà vua! Thơ được khắc thành từng ô chữ trong từng dải liên ba, cổ diềm trên bốn công trình kiến trúc chính của lăng là Bi Đình, Hiển Đức Môn, Sùng Ân Điện, Minh Lâu! Số thơ ở Hiếu Lăng lên đến trên 120 bài tứ tuyệt được khắc từng câu thành 500 ô chữ tách biệt.

Hàng trăm năm nay, các nhà nghiên cứu đã rất băn khoăn mỗi khi đọc những câu thơ chữ Hán riêng biệt, vì nó chỉ một câu riêng biệt, bí ẩn, không hiểu ý nói gì. Mai Khắc Ứng qua thời gian dài nghiên cứu, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đã tìm ra được mối liên hệ và cách xếp các ô chữ đó thành những bài thơ tứ tuyệt theo đúng luật lệ của cấu trúc và ngôn ngữ thơ Đường. Việc tìm ra quy luật giải mã thơ Minh Mạng khắc ở Hiếu Lăng thật tình cờ. 

Ông kể: "Một hôm tôi bắt gặp ở lầu Minh Lâu bốn câu thơ nằm rải rác ở 4 ô chữ. Đối chiếu với bài thơ tôi chụp ở Viện Hán Nôm thì 4 câu thơ này chính là bài thơ tứ tuyệt của vua Minh Mạng khắc ở nóc lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn)". 

Thế là chìa khóa giải mã được tìm ra! Tuy nhiên hiện có rất nhiều câu thơ ô pháp làm trang trí trên cổ diềm Nhà Bia ở lăng, ông bảo rằng chưa "dịch" được. Có thể do sự thất truyền rơi vỡ do trùng tu lăng qua các thời kỳ! Điều lạ là Vua Minh Mạng đã khắc thơ về nghề nông lên nơi yên nghỉ ngàn đời của mình. 

Ở Điện Sùng Ân có bài thơ tả xóm thôn giàu có sung túc:  Vụ thu thóc đã đầy kho/ Ngoài đồng mùa hạ lúa ngô bời bời/ Không lo lính thú nên vui/ Say sưa đập đất hát bài nhà nông.

Hoặc bài thơ viết về thôn quê trù phú thanh bình như một ước vọng ngàn đời: Màu mỡ đất thêm mùa/ Thuế nhường, dân khá giả/ Làng xóm ít mưu ma/ Ruộng đồng dân hể hả.

Nhà sử học Mai Khắc Ứng người Hà Tĩnh. Ông đẹp lão. Tóc râu trắng dài như cước. Đôi mắt ông sáng thông minh lanh lợi và nụ cười  luôn nở trên môi. 

Ngồi nâng rượu với ông trong căn nhà cấp 4 lợp ngói mới tậu ở cạnh chùa Thiên Mụ, tôi hỏi: "Nghe nói bác có căn nhà rường cột lim to đùng của quan lớn  xưa trong Thành Nội to rộng lắm, sao lên ở đây?".

Ông bảo: "Nhà ấy cho chuyên gia nước ngoài thuê, đủ tiền cho các cháu đi  du học mấy năm nay. Vợ chồng tôi vừa mua căn nhà này để dưỡng già. "Lộc" vua cả đấy! Hai cháu học ra trường, có công việc làm và định cư ở Canada bảo bố mẹ sang Tây ở, nhưng tôi không chịu. Sang đó thì sướng đấy, nhưng lấy đâu ra vua Việt, sử Việt để mà đọc, mà ngẫm nghĩ, mà tu thân?. Nói thật là nhờ về làm con dân Huế, nhờ vua Minh Mạng, tôi mới được đổi đời".

Rồi ông kể cho tôi nghe quãng thời gian quá lận đận và nghèo khổ của ông.

Khi còn chưa học chưa xong cấp hai, chàng trai Mai Khắc Ứng đã nhập ngũ. Đơn vị hành quân lên Điện Biên, khí thế lắm. Nhưng vừa tới Mường Thanh thì Pháp đầu hàng. Về Hà Nội, được chuyển ngành về Bộ Thủy Lợi, làm việc được mấy ngày thì họ không cho làm nữa vì "con địa chủ".

Mới hay ở làng bố ông, ông Mai Đinh bị quy địa chủ trong CCRĐ. Thế là lang bạt đi làm công nhân đắp đê quai cả năm trời. May nhờ sửa sai cải cách lại được làm cán bộ thuỷ lợi mấy năm. Mãi đến 1960, ông mới đi học cấp 3  rồi vào học Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường vào làm việc tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Tết Bính Thìn (1976) theo nhà văn Sơn Tùng  đến thăm bà Hoàng Thị Thế (con gái cụ Hoàng Hoa Thám - khởi nghĩa Yên Thế). Bà Thế xem tướng người phán: "Ra khỏi Hà Nội, vào Huế ngay. Vào Huế mới có nhà cửa khang trang!". 

Lời phán như một định mệnh.  Năm 1980, ông được ngành văn hóa tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) mời về công tác. Nghĩ lời bà Thế đã thành sự thật, ông nhận lời ngay. Thế là vô Huế với hai bàn tay trắng. Căn nhà 10m² ở số 9-Lê Văn Hưu, Hà Nội vì thương bạn, cho bạn mượn để chăm vợ ốm không đòi lại được, coi như bỏ luôn.  Vô Huế ông chỉ xin làm chân nghiệp vụ. 

Ông được phân cho căn phòng ở số 3-Lê Trực là hai phần ba cái nhà bếp, nhà tắm công cộng. Đó là những năm ăn bo bo, cuốc đất trồng rau, nuôi lợn và nuôi con vô cùng cơ cực. Nhưng đó cũng là những năm ông say mê lịch sử triều Nguyễn, say mê vua Minh Mạng. 

Một lần Công chúa Nguyễn Phước Lương Linh (gọi là mệ Sen, con vua Thành Thái) nghe nói có ông Ứng đang viết sử về Triều Nguyễn, công chúa đến thăm. Công chúa đọc bản thảo, rồi xúc động thấy gia đình Mai Khắc Ứng ở chỗ tồi tàn quá, lại chung với nhà tắm tập thể và ngay trước cửa ra vào nhà xí thùng thật bất tiện, liền gọi đến cho một căn nhà phụ còn bỏ trống. Đó là  ngôi nhà 97- Mai Thúc Loan, Huế.

Lần đầu tiên trong đời Mai Khắc Ứng được ở một ngôi nhà tươm tất 2 tầng, có bếp và tiện nghi sinh hoạt khép kín hoàn hảo. Nghe chuyện, Hoàng Phủ Ngọc Tường bảo,  "lộc vua đấy!". 

Sau  khi hai cuốn sách về vua Minh Mạng ra đời, Mai Khắc Ứng còn được vua ban cho nhiều "lộc" nữa, như việc hai đứa con đi du học, vợ chồng thường xuyên được ngao du  Âu, Mỹ…

Mai Khắc Ứng còn mua được một khu đất 15.000 mét vuông ở Hương Hồ, bên bờ Sông Hương, cách Huế 10 cây số phía thượng nguồn để đầu tư xây dựng Làng Văn hóa về nguồn. Ông sưu tầm vô cùng nhiều hiện vật văn hóa các dân tộc Đông Trường Sơn đưa về đây trưng bày như cồng chiêng, gùi, nỏ, tượng mồ, ché rượu... Ông xây dựng ở đây thành một làng Cờ-Tu nguyên mẫu: có nhà Gươl, có tượng mồ, cối chày giã gạo, nấu cơm lam, có các điệu múa Cơ Tu thân thuộc. 

Ở đây năm 2004 , Mai Khắc Ứng đã tổ chức một trại sáng tác điêu khắc dân gian tập hợp gần 20 nhà điêu khắc của các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều về sáng tác. Các nghệ nhân này đã tạo nên một không gian tượng dân gian xúc động. Ông định  xây dựng  một địa chỉ du lịch cho du khách đến thêm yêu Huế. 

Nhưng do quá nhiều ngáng trở, làng Văn hóa về nguồn chỉ tồn tại được hai năm, vì không xin được giấy phép hoạt động… buộc ông phải nhượng lại cho một doanh nhân du lịch. Sau hai tác phẩm về vua Minh Mạng, ông vừa ra mắt hai cuốn sách "Khiêm lăng và vua Tự Đức", "Nguyễn Công Trứ", chứng tỏ sức nghiên cứu của ông còn dồi dào lắm…

Bây giờ  thì ông  ngao du với bạn bè và chén rượu, cười vuốt râu rồi ngâm thơ  vua Minh Mạng:… Trung thần và chí sĩ/ Vừa ý cùng cao ngâm.   Nhưng với ông, việc khẳng định vị trí lịch sử của Triều Nguyễn và vua Minh Mạng mãi mãi là tấm gương sáng cho những người viết sử đất nước này… 

Những cuộc đi  nước ngoài, dù được gần con cái, mở rộng tầm nhìn ra thiên hạ, nhưng dường như không hợp với tâm trạng của ông. Nên ông  dành nhiều thời gian để nghĩ về "sự đời" mà mình từng trải. Sểnh nhà làm cuộc lênh đênh/ Tha phương trôi giữa bồng bềnh tháng năm

Những nghĩ ngợi đó của ông dồn vào một tập thơ dày mà ông gọi là "ký sự vần" được đặt tên là Dọc thời tôi gồm những phần thơ tập trung vào những chủ đề nhất định như Đèo Ngang, "Thằng nhỏ"… 

Đó là những suy tư mang tính trào lộng, vui đùa với thế sự: Đèo ngang vừa trắng lại vừa đen/ Mạch nước trong luôn chảy giữa lèn/ Một thảm rêu nhàu sau cuộc vật/ Đôi bờ cỏ rối dấu người chen...

Âu cũng là một lối chơi khi nhàn tản xưa nay của các thầy đồ Nghệ.

Ngô Minh
.
.
.