Nhạc sĩ Quốc Trung: Lập dị, lạc lõng và mơ mộng
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Chi tiền "khủng" để quốc tế hóa âm nhạc Việt Nam
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Làm Monsoon để tạo cảm hứng sáng tạo cho nghệ sĩ
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Sống mà phải “diễn” thì thật là bất hạnh
Trong thế giới nhiều thị phi của showbiz Việt, nơi người ta chỉ quen nghe những lời muốn nghe và sự tán tụng được mặc nhiên như những bộ cánh thời trang xa hoa mà người gia nhập vào không thể không có thì Quốc Trung là trường hợp… không giống ai.
Khi những "đặc sản" nghệ thuật xưa cũ của trong nước và nước ngoài được nhà nhà, người người tìm mua, những cặp vé nhiều triệu đồng được người ta sở hữu như món trang sức thời thượng thì Quốc Trung lại lao vào những cuộc chơi âm nhạc khó toan tính cho danh tiếng và tiền bạc.
Có vẻ như bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, Quốc Trung vẫn đang mải mê với các dự án âm nhạc, mà như chính anh chia sẻ là nhiều khi vô cùng mệt mỏi.
Sau phát ngôn "gây sốc" về bolero - dòng nhạc đang được số đông yêu thích trở lại và những chia sẻ kiểu như: Tôi không chiều chuộng khán giả, trong con mắt của đám đông, Quốc Trung hôm nay là kẻ… đáng ghét.
Dù rằng, trong những cuộc "ném đá" tập thể, trong số đám đông như đang trong cơn lên đồng tập thể ấy, có không ít tên tuổi của làng giải trí cũng bày tỏ bất bình khi mới chỉ tiếp cận thông tin qua tóm tắt của người hỏi, hoặc mới ngó qua cái tít của bài báo.
Những phát ngôn gây tranh cãi của Quốc Trung còn là cơ hội hiếm có để những tên tuổi bị lãng quên hoặc sợ bị lãng quên tận dụng như một chiêu trò để gây chú ý trở lại. Sự tức giận mang danh số đông khiến không nhiều người nhớ đến một Quốc Trung - thủ lĩnh của ban nhạc Phương Đông - một trong những ban nhạc lớn nhất cả nước những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Một Quốc Trung đã từng góp phần làm nên khá nhiều tên tuổi trong làng nhạc nhẹ Việt, trong đó, không thể không kể đến các gương mặt được công chúng yêu mến gọi là diva của Việt Nam. Ca sĩ Thanh Lam là điển hình…
Với thái độ đón nhận bình thản, không nói thêm, không thanh minh, thậm chí như không cần đếm xỉa, bất kể kẻ nói xuôi, người nói ngược, Quốc Trung càng khiến đám đông nổi giận. Không khó hiểu khi anh được mặc định bằng hình ảnh của một gã ngông cuồng và kẻ cả trong sự hả hê của các "anh hùng bàn phím".
Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Moon Soon Fesstival 2017 là trong những dịp hiếm hoi mà Quốc Trung không giấu mình sau vỏ bọc bất cần. Cũng ít có chương trình nào đặc biệt như Moon Soon. Khi Tổng đạo diễn, nhà sản xuất "chiếm sóng" một thời lượng dài bởi "những lời gan ruột", đôi lúc hơi lập bập, nhưng vẫn nhận được sự cổ vũ nhiệt thành và sự đồng cảm của số đông nhiều như Quốc Trung trong đêm cuối cùng của Moon Soon 2017.
Bởi lẽ, những gì Quốc Trung và ê kíp của anh mang lại đã làm hài lòng khán giả. Quốc Trung thực hiện thành công những gì anh từng hứa hẹn. Dù rằng, lời hứa ấy là khát vọng của chính anh về một festival âm nhạc thực sự tại Việt Nam. Một lễ hội đưa được những thành tựu âm nhạc mới nhất, để mọi người hiểu, cảm nhận được không khí của một lễ hội âm nhạc đích thực dành cho cộng đồng.
Một lễ hội không chỉ có những show biểu diễn của những nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới mà còn tạo nên một không gian âm nhạc tràn đầy niềm vui và sự hạnh phúc. Một lễ hội đủ sức đưa thông điệp "nghe có ý thức" được lan tỏa trong cộng đồng, có thể góp phần thay đổi sự đón nhận của khán giả với những sáng tạo âm nhạc của nghệ sĩ và chứng minh rằng âm nhạc góp phần thay đổi nhận thức của con người chứ không chỉ giải trí đơn thuần.
Mơ ước tổ chức một lễ hội âm nhạc quốc tế thực sự tại Việt Nam của Quốc Trung bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, khi anh có cơ hội tham dự một festival nhạc Jazz lớn, do các nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều người trong số họ đã trở thành huyền thoại của nhạc Jazz của thế giới. Ý tưởng này được 2 người bạn nhiệt tình ủng hộ: đạo điễn Phan Hoàng Nam, Doãn Chí Nghĩa.
Bằng nhiều nỗ lực, 8 năm sau, lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa - Moon Soon Festival "trình làng" lần đầu tiên. Được tổ chức với chủ đích để mọi người đến xem và biết âm nhạc thế giới đã có cái này hay cái khác, mới mẻ, tuyệt vời đến như thế nào, nhưng lễ hội cũng là khởi đầu cho ước mơ của Quốc Trung và những người bạn về việc đưa âm nhạc đất nước phát triển, giao lưu và hòa nhập bình đẳng với đời sống âm nhạc thế giới.
Địa điểm tổ chức lễ hội là khu vực di tích Hoàng Thành Thăng Long vì chỉ có khu di tích với không gian rộng lớn này mới đáp ứng được yêu cầu. Người Việt vốn dĩ quen với quan niệm về tính thiêng của di tích, sự trang nghiêm cần thiết ở một nơi in dấu của tiền nhân.
Thế nên, tổ chức Moon Soon tại Hoàng Thành găp nhiều khó khăn. Sau 3 mùa tổ chức thành công, đến năm 2017, vì nhiều lý do, giấy phép tổ chức lễ hội có rất muộn so với kế hoạch. Bị dời lại đến tận đầu tháng 11, một số nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng không thay đổi kịp lịch đã từ chối tham gia.
Moon Soon 2017 là một phép thử mang theo nhiều đoán định, sự hồi hộp không chỉ với riêng Quốc Trung và ê kíp sản xuất. Bởi lẽ, hầu hết các tên tuổi nghệ sĩ biểu diễn đều "mới toanh" với số đông người Việt. Họ là những nghệ sĩ, nhóm nhạc độc lập. Lâu nay, người Việt chưa quen với khái niệm này. Trừ Lost Frequencies đã rất nổi tiếng, các "gương mặt" còn lại, từ nhóm Ngọt của Việt Nam cho đến Biuret của Hàn Quốc hay Lowly của Đan Mạch… còn rất lạ với khán giả trong nước.
Về "sự lạ" này, nhạc sĩ Quốc Trung còn kể rằng, năm 2016, nghệ sĩ Đan Mạch gốc Việt là Chris Minh từng bày tỏ mong muốn về Việt Nam biểu diễn và sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để thực hiện mong muốn này. Quốc Trung đã hỏi bạn: Chris có biết hát bolero không mà muốn về Việt Nam?
Tất nhiên là Quốc Trung hỏi vui vì anh biết chắc, Chris là nghệ sĩ guitar bass nổi tiếng, có hàng trăm buổi biểu diễn trên khắp thế giới mỗi năm. Việc đưa một giọng ca nhạc trữ tình giữa thời điểm bolero đang "phủ sóng" từ nhà ra ngõ, hay đưa những gương mặt từng được yêu thích của nhiều thập niên trước về Việt Nam biểu diễn không quá khó khi cơn khát thần tượng của một thế hệ chỉ được tiếp cận âm nhạc thế giới qua băng đĩa vẫn chưa thỏa.
Nhưng việc đưa một nghệ sĩ chơi guitar bass, nhạc Jazz về Việt Nam, dù đã được thế giới thẩm định rằng có nhiều cống hiến, sáng tạo như Chris thì Quốc Trung thừa nhận, anh không biết nhờ công ty nào. Mời Chris và ban nhạc của anh về Việt Nam, không nơi nào phù hợp hơn Moon Soon Festival.
Những lời xúc động trong đêm chia tay Hoàng Thành của nhạc sĩ Quốc Trung. Ảnh: M.Nguyễn. |
Người tham gia lễ hội Gió Mùa 2017 đã thật sự kinh ngạc khi sức hấp dẫn của lễ hội với khán giả không đến từ những gương mặt trẻ, đẹp như thường thấy mà là những Set nhạc rất mới, lạ nhưng thú vị.
Đêm cuối cùng của lễ hội, cảm giác, hồi hộp, lo lắng còn dai dẳng khi show diễn đầu tiên của nhóm nhạc trẻ đến từ Hàn Quốc - Biuret, khu vực trước sân khấu chỉ loáng thoáng người xem. Mật độ khán giả chỉ tăng dần theo các show diễn muộn. Đến Chris Minh và nhóm nhạc của anh thì sân khấu bắt đầu "bùng nổ".
Những tiếng trầm trồ, ngạc nhiên, đầy thú vị lan tỏa hầu khắp các khu vực. Sau khoảng lặng bởi những tự sự nhiều xúc động của ê kíp sản xuất, di tích Hoàng Thành Thăng Long "nóng rẫy" bởi sự hứng khởi của hàng vạn trái tim đón chờ Lost Frequencies - tên tuổi được chờ đợi nhiều nhất trong mùa lễ hội 2017.
Với đêm diễn cuối này, Quốc Trung và ê kíp thực hiện lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa cũng đã lập nên một kỷ lục phòng vé khi 22h30’, bên ngoài di tích Hoàng Thành Thăng Long, đội ngũ phe vé vẫn hoạt động nhộn nhịp.
4 mùa lễ hội Gió Mùa thành công cũng là lúc Quốc Trung hoàn toàn có thể tự hào anh và các cộng sự đã biến ước mơ, lời hứa chung thành hiện thực. Bởi như chính anh chia sẻ thì mỗi khán giả có thể đến với Gió Mùa vì rất nhiều nghệ sĩ khác nhau nhưng cái tên duy nhất để mang khán giả đến với lễ hội chính là âm nhạc.
Mà thật sự, anh và ê kip chỉ có âm nhạc cho khán giả. Anh yêu khán giả của mình nhưng không nuông chiều theo những ý muốn dễ dãi của họ về âm nhạc mà là bằng nỗ lực mang đến cho họ những điều mới mẻ, tốt đẹp nhất. Đó là những gương mặt mới nhất, những nghệ sĩ có nhiều cống hiến sáng tạo đến từ khắp các nơi trên thế giới. Kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất, anh và các cộng sự vẫn luôn cố gắng vì điều đó.
Như năm 2017, anh và ê kíp của mình biết rất rõ, đây là lần cuối Moon Soon Festival tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long. Thời gian tổ chức gấp gáp song Quốc Trung và những người bạn vẫn mang tới một sân khấu đẹp đẽ, những trang thiết bị âm thanh ánh sáng tốt nhất trong phạm vi khả năng, và rất nhiều nghệ sĩ mà anh tin khán giả sẽ hài lòng. Đây chính là sự chiều chuộng của Quốc Trung với khán giả của mình và anh tin tưởng những cố gắng ấy sẽ được đền đáp.
Thực tế, 4 năm gắn bó với Moon Soon, Quốc Trung đã có được rất nhiều. Trên facebook của anh có hơn 70.000 bạn mà 90% trong số đó anh không biết họ là ai. Trong 4 năm, Quốc Trung có hơn 100.000 khán giả, 100.000 người bạn và hơn 90% trong số này anh không biết họ nhưng lại có thể chia sẻ cùng họ rất nhiều điều, rất nhiều niềm vui.
100.000 khán giả này là 100.000 người bạn tin tưởng ở anh. Moon Soon còn mang lại cho Quốc Trung nhiều cộng sự đắc lực và không ít tri kỷ. Họ là những người bạn không quản ngại khó khăn sát cánh cùng anh ròng rã nhiều tháng trời mỗi mùa lễ hội, là cả những người ẩn danh gửi tiền cho anh thực hiện Moon Soon mà không để lại danh tính, là cán bộ công nhân viên của di tích Hoàng Thành Thăng Long đã ra sức bảo vệ lễ hội trước nhiều luồng ý kiến phản đối.
Những tình cảm, tấm lòng ấy với Quốc Trung vô cùng lớn. Sự hưởng ứng của khán giả với chương trình giúp anh hiểu hơn, tin tưởng hơn rằng, giá trị lớn nhất trong đời sống không phải là những giá trị vật chất mà là sự trải nghiệm về tinh thần. Những trải nghiệm tinh thần mới mẻ cũng là điều đáng quý nhất của Moon Soon và Quốc Trung tặng các nghệ sĩ và người xem…
Quốc Trung tâm sự, kết thúc mùa lễ hội 2017, anh không biết Moon Soon năm sau sẽ tiếp tục vào lúc nào, ở đâu, nhưng anh hứa, lễ hội sẽ tiếp tục được duy trì.
Quốc Trung vẫn mong ước được mệt mỏi để sản xuất Moon Soon, đưa lễ hội trở lại với khán giả, dù rằng, anh biết chắc chắn, để tiếp tục tổ chức lễ hội, anh và ê kíp của mình sẽ còn cần thêm nhiều điều kiện khác. Đó không chỉ là sự ủng hộ từ cơ quan quản lý, nhà tài trợ mà còn là địa điểm đủ rộng để phục vụ cho một lễ hội âm nhạc, không quá xa trung tâm, cũng không quá gần các khu dân cư. Điều kiện này mới vô cùng khó với Hà Nội hiện nay.