Nhà thơ Vương Tâm: Khi chùm hoa nắng bồi hồi gọi xuân

Thứ Sáu, 19/01/2018, 07:47
Có lẽ ít người ở tuổi ngoài 70 lại có niềm đam mê công việc như nhà thơ Vương Tâm. Ông vẫn lướt xe máy trên những nẻo đường để tìm kiếm tư liệu viết bài cho các báo. 

Với ông, làm việc một phần là kiếm thêm thu nhập, nhưng phần lớn hơn, là được đi lại, được gặp gỡ với nhiều bạn bè, đến nhiều vùng miền và được trải nghiệm thêm nhiều trạng huống của cuộc sống.

Nhà thơ Vương Tâm tuổi Bính Tuất. Bởi thế, ông là người luôn đam mê công việc, nhiệt tình với bạn bè. Nhân sinh thất thập cổ lai hy, nghỉ hưu đã nhiều năm, nhưng dường như ông chưa một ngày nào ngừng nghỉ làm việc. Nếu không ngồi viết lách, có nghĩa là ông đang bôn ba trên những nẻo đường để lấy đề tài cho các bài báo đầy tính khám phá và trải nghiệm. Mới đây nhất, ông vào Đà Lạt tìm người đàn ông chuyên đóng yên ngựa mấy chục năm để viết bài. 

Chưa xong, gọi điện thoại lại đã thấy ông về vùng đất Năm Căn rong ruổi. Các tỉnh miền núi phía Bắc hay ngoại thành Hà Nội cũng đã dày đặc bước chân ông tìm đến các làng nghề, các vùng thủ công mỹ nghệ, lưu giữ lại những nét văn hóa nguyên sơ nhất của dân tộc Việt Nam.

Nhà thơ Vương Tâm với bộ sưu tập ấm trà.

Nhà thơ Vương Tâm vẫn tin rằng, cuộc đời ông luôn có những đường đi bất ngờ. Từ thời học sinh, ông đã mê văn học, đặc biệt là các sáng tác văn học Nga. 

Khi đang học lớp 5, ông đã có thơ in trên báo Thiếu niên tiền phong. Ông còn viết cả kịch bản cho đội kịch thiếu nhi địa phương dàn dựng biểu diễn để dự Hội diễn toàn thành phố. Thơ văn đã là một phần không thể thiếu trong con người ông. Những tưởng ông sẽ thi vào một trường liên quan đến văn chương, nhưng ông lại học Bách khoa và làm công tác khí tượng. 

Năm 1974, ông được cử đi học lớp sáng tác do Hội Nhà văn mở (khóa 7). Sau khi kết thúc khóa học, trở về cơ quan cũ một thời gian, sau đó ông chuyển sang báo Hà Nội Mới và làm việc ở đây cho đến ngày nghỉ hưu.

Ông bảo, phải cảm ơn số phận bởi đã dẫn ông đến với con đường văn chương, báo chí. Nhớ cái ngày đầu tiên bước chân ra khỏi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trở thành một cán bộ kỹ thuật tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Đôi khi nhìn cuộc đời qua lăng kính của bầu trời và những vì sao, nhìn cả những đám mây rõ rệt trong bàn tay với, ông vẫn luôn nghĩ rằng, cuộc sống của mình không thể giản đơn chỉ là những bài học về khí tượng hay vật lý địa cầu mà sẽ phải thoát ra ngoài kia, nơi cuộc sống là bầu khí quyển trong lành và những vì sao, ánh trăng như bay vào giấc mộng. 

Ngày đó, khi truyện ngắn Lặng lẽ Sapa của nhà văn Nguyễn Thành Long đi vào sách giáo khoa, ông đã nghĩ đến cuộc đời mình, ắt hẳn sẽ phải có một bầu trời và vì sao trong trang viết, sẽ có cả một cuộc sống khác, ngoài cuộc sống thực, như định mệnh của ông đã an bài.

Nhà thơ Vương Tâm đi vào văn chương như cá gặp nước. Ông thăng hoa trong cảm xúc và sáng tác. Ông là một trong ba người đoạt giải A thơ báo Văn nghệ (2006-2007). Rồi sau đó ông thử sức với đủ các thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, thơ ca, ký chân dung, giới thiệu tập sách. 

Ông làm việc miệt mài và cho đến nay, trong gia tài của ông đã có tới hàng chục tập sách riêng chung. Ở tuổi của ông, người ta có quyền nghỉ ngơi, nhưng ông luôn đi và viết. Ông tới tận những vùng đất nhiều người chưa đến để viết phóng sự về những con người, những làng nghề. Ông cưỡi chiếc xe máy từ sáng tới đêm để có thể đi tìm tư liệu. 

Có nhiều lần, ông bị tai nạn dọc đường, may nhờ người qua đường tốt bụng đưa vào viện cấp cứu kịp thời. Có những chuyến đi ông kết hợp viết bài làm từ thiện. Mới đây (10-2017) tại Cao Bằng, ông cùng một số nhà văn tại Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội đã xuống một bản nghèo biên giới Cao Bằng (Bản Lý Vạn) phát quà, gạo, chăn ấm và cả tiền cho những gia đình nghèo ăn tết. 

Trước cảnh vật và con người, ông lại có xúc cảm để viết bút ký Ngắm trăng Cao Bằng và những câu thơ lay động lòng người: "Tôi nhớ em vằng vặc/ Tròn đầy như cung hằng/ Một màu vàng sóng sánh/ Điệp trùng những đồi trăng/ Tôi lên rừng lên núi/ Cùng nỗi nhớ ngày đêm/ Và tôi nhào trên sóng/ Cánh thuyền như mũi tên...".

Nhà thơ  Vương Tâm trong chuyến đi thực tế Tây Nguyên.

Những ngày xuân đối ông là một thời khắc giao hòa nhiều đổi thay và ông luôn muốn mình chuyển dịch theo từng sự đổi thay ấy. Ông chia sẻ rằng, hai mươi năm nay, từ ngày mồng 4 Tết, mỗi năm ông thường đến một tỉnh thành nào đó và coi như đó là một ngày khai bút và kỷ niệm ngày sinh nhật của mình. Lúc thì ở Huế, lúc lại Sài Gòn, rồi Đà Lạt, Cần Thơ... 

Năm nay ông sẽ tới Quảng Nam vì đây là vùng đất có nhiều di tích văn hóa như Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà, Cù Lao Chàm... là những vùng đất hứa hẹn sẽ có những bài bút ký ghi chép đậm tính văn hóa, con người, như là một kỷ niệm đẹp và dấu ấn trong chặng đường sáng tác vào năm tuổi của ông. Đó là một mùa xuân mới trong cuộc đời. 

Ông quan niệm rằng, mùa xuân là "mùa trẻ" và là mùa thăng hoa của cảm xúc tình yêu con người, cuộc sống. Ông viết: "Ngân nga nốt nhạc tuổi xanh/ Ríu ran hát lời con trẻ/ Như hoa thắm tươi là thế/ Những ngọn xuân ngát đời hương/ Thời gian trong anh vô thường/ Tình yêu như vòng nguyệt quế/ Vây quanh mùa nào cũng trẻ/ Vì em, vì em, vì em...".

Trong cuộc đời mình, ngoài văn chương, ông có những thú chơi tao nhã. Một là chơi ấm, hai là chơi tem. Hiện nay, nhà thơ Vương Tâm có tới gần 500 chiếc ấm trà sưu tầm được ở các lò gốm và ở các địa phương. Với nhiều chất liệu khác nhau như đất, sứ, sành, sắt, đồng, gỗ, phalê… 

Một số lớn là những ấm trà của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Indonesia, Tiệp Khắc, Pháp… Mỗi chiếc ấm một kiểu dáng, một màu men với những họa tiết riêng biệt. Nhiều nhất là các bộ ấm bằng đất tử sa Trung Quốc. Có bộ ấm nhỏ độc nhất hiện nay với hàng chục chiếc ấm nhỏ trong đó có chiếc ấm nhỏ chỉ bằng ngón tay. Đây chính là chiếc ấm nhỏ kỷ lục hiện nay của Vương Tâm (pha được trà đãi khách như thường). 

Cùng với những chuyến đi sưu tầm ấm trà, Vương Tâm đã viết ký, truyện ngắn, hoặc làm thơ gắn bó với những kỷ niệm khó quên. Trong đó có những chân dung làm gốm nổi tiếng nhất ở Hà Nội. 

Đáng chú ý bài viết về nghệ nhân ưu tú như Tô Thanh Sơn, người đã làm những chiếc ấm trà lớn với một kỹ năng siêu việt tìm ra những mẫu men cổ, với chiếc bình gốm lớn kỷ lục được ghi nhận trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… Ông cũng đã có những bài thơ gắn bó với chiếc ấm trà và văn hóa trà như Cung buồn pha lê, Trà với em, Hương đất… 

Tác giả đã tự tay viết lại bốn câu thơ trên chiếc ấm đất mới nặn để đưa vào lò nung. Những câu thơ ghi: “Ấm đất lót cánh sen/ Trà rót đầy một chén/ Bao chờ mong hò hẹn/ Xin dâng mời tình nhân”.

Bộ tem chó mới nhất của nhà thơ Vương Tâm.

Ngoài thú chơi gốm, thu thập ấm trà, thì ông có thú thu thập tem đặc biệt về chó. Từ hơn 15 năm nay, ông sư tập những bộ tem chó. Để có được bộ tem này, ông đã phải kỹ lưỡng tìm kiếm, trao đổi mẫu mã và những con tem có dấu bưu điện tại các vùng miền, thậm chí là ở nước ngoài. Thú chơi tem bây giờ ít đi, cũng ít người còn gửi thư qua đường bưu điện nhưng ông vẫn lẩn mẩn nghiên cứu và tìm hiểu. 

Mỗi lần có một chiếc tem về chú cún nào ngộ nghĩnh, hay bộ tem mới phát hành về chó, ông vẫn sưu tầm cho bằng được. Ông bảo, con chó gắn với nhiều kỷ niệm trong cuộc đời ông nên ông muốn lưu giữ càng nhiều càng tốt. 

Có lần đi sưu tầm về ấm cổ trên bản người Mường ở Hòa Bình, trên đường đi, có một nhà bán đá cảnh, trong đống đá ấy thì có tảng đá hình con chó nằm, bằng mọi cách ông mua và khênh về. Phải đi một đoạn đường khá xa vác tảng đá nặng trên tay mướt mồ hôi thì mới ra được xe về Hà Nội. Về đến nhà ông mới thấy tay đau, đi kiểm tra thì biết mình bị... sái tay trong quá trình bê con chó đá về nhà.

72 năm cuộc đời đã qua, nhà thơ Vương Tâm có hơn 40 đầu sách. Mới nhất trong năm 2017, ông in ba cuốn văn xuôi: Hai tập bút ký Mắt Chăm và chùm nho, Cây đa Bác Hồ và muôn nẻo đường xuân và tập truyện ngắn Bùa chú hồ ly. Ông vẫn hăng say làm báo và làm biên tập văn học cho tờ báo Nghệ thuật mới một phụ trương của báo Người Hà Nội (số tháng). Gặp ông, không mấy khi thấy ông than phiền vì một điều gì đó, chỉ thấy ông hào hứng kể về một chuyến đi viết bài mới hoặc một chùm thơ mới. 

Nhà thơ Vương Tâm chia sẻ: "Tôi cầm tinh con chó, một con vật đã trở thành biểu tượng cho lòng trung thành, tính cẩn thận, chi chút. Nên tôi có thể đi và viết những điều tỉ mẩn trong chặng đường làm báo. Tuổi của tôi, cũng có những cái được và cái mất, những niềm vui và nỗi buồn. Cuộc sống là những tháng ngày nỗ lực vươn lên, tự lao động để kiếm sống và nuôi sống gia đình nên mọi nếm trải ở đời là rất thực. Nhiều niềm vui, nhiều nỗi buồn, nhiều sự thất bại nhưng luôn tự biết cách làm lành vết thương, và tự chuyển hóa đau khổ thành hạnh phúc, an vui. Cuộc sống vô thường là ở lẽ đó".

Ông đọc bài thơ mới làm, tựa một dấu ấn của chặng đường thơ tuổi thất thập của mình, bài Lời ru mùa xuân: "…Dòng trôi lỡ chuyến đò ngang/ Em quên tôi khúc dịu dàng mùa đông/ Tôi gom muôn nỗi chất chồng/ Gánh trên lưng hát mênh mông cạn lời/ Ngôi sao xa tắp chợt rơi/ Nỗi buồn cháy bỏng tặng người chia phôi/ Mong em chợt nhớ đến tôi/ Khi chùm hoa nắng bồi hồi gọi xuân/ Một đời mê mải kiếm tìm/ Một đời khát vọng cánh chim tang bồng/ Tuổi già như có như không/ Trái tim vẫn trẻ tận cùng buồn vui"...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.