Tình bạn vong niên Xuân Quỳnh – Bùi Xuân Phái

Thứ Hai, 23/07/2018, 21:42
Cũng giống như Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh là người rất biết quý trọng và nâng niu tình bạn. Những người bạn thực sự là chỗ dựa tinh thần của chị trong mọi bước vui buồn của đời sống. 


Bạn bè của Xuân Quỳnh hầu hết là những người làm thơ viết văn. Từ khi lấy Lưu Quang Vũ, chị lại có thêm những người bạn mới thuộc giới sân khấu và hội họa.

Là người phụ nữ thông minh sắc sảo, giỏi đối đáp, lại mang tiếng là “đáo để”, nhưng vốn chu đáo, tận tâm với mọi người nên chị được bạn bè yêu quý, nể trọng. Tính chị thẳng thắn, yêu ghét đều quyết liệt, rõ ràng và thường bày tỏ tình cảm của mình một cách nồng nhiệt. 

Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh rất thân thiết và quý trọng họa sĩ Bùi Xuân Phái. Xuân Quỳnh khâm phục tài năng và yêu quý tính cách chân tình, giản dị của họa sĩ. 

Vợ chồng Xuân Quỳnh quen biết và mau chóng trở thành bạn vong niên với họa sĩ Bùi Xuân Phái từ rất sớm và tình bạn đó kéo dài thắm thiết cho đến tận cuối đời. 

Đó là vào thời điểm năm 1977, khi đó Tạp chí Sân khấu (thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) vừa ra đời, nhà thơ Lưu Trọng Lư làm Tổng Biên tập, nhà viết kịch Xuân Trình là Phó Tổng biên tập. Lưu Quang Vũ là một trong số nhân viên ít ỏi của tờ tạp chí mới được thành lập. 

Chân dung Bùi Kỳ Anh.

Công việc chính của Lưu Quang Vũ được giao là phóng viên, biên tập viên nhưng vì tòa soạn thiếu người nên anh phải kiêm thêm rất nhiều vai trò: từ lên trang, trình bày, sửa morat, đi nhà in, đặt cộng tác viên viết bài, vẽ minh hoạ... 

Qua bác Lê Chính - hàng xóm thân thiết của gia đình chúng tôi ở 96 phố Huế, Lưu Quang Vũ đã có dịp làm quen và mời họa sĩ Bùi Xuân Phái cộng tác với Tạp chí Sân khấu. 

Bác Lê Chính là người trình bày Báo Văn nghệ kỳ cựu đồng thời là bạn thân thiết với họa sĩ Bùi Xuân Phái. Thời kỳ mới thành lập, tạp chí nhận được sự cộng tác nhiệt tình, hiệu quả của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhiều trang bìa và hàng loạt minh họa, vi nhét trong các số tạp chí là của ông. 

Họa sĩ Bùi Xuân Phái năng lui tới nhà 96, bởi ở đó ông không chỉ có người bạn lâu năm là nhà báo Lê Chính, hằng ngày bên chén rượu cuốc lủi, hai ông đã chia sẻ với nhau bao điều tâm huyết về đời sống và nghệ thuật, mà ở đó bây giờ, ông còn có đôi bạn trẻ tuy mới quen biết nhau nhưng cũng đã rất tâm đầu ý hợp. 

Tôi đã đôi lần chứng kiến họa sĩ Bùi Xuân Phái với gương mặt trắng xanh đượm buồn, ngồi bệt dưới nền nhà trong căn phòng nhỏ 6m² nghe Xuân Quỳnh đọc những bài thơ mới sáng tác với vẻ chăm chú. 

Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh rất thích thú mỗi khi được nhận quà tặng là những bức tranh quý giá của họa sĩ. Tranh chân dung, tranh tĩnh vật. Bức tranh nào cũng có hồn, rất sống động. Đủ các chủng loại, kích cỡ, chủ yếu là tranh bột màu, vẽ phố hoặc các cô đào chèo. 

Nhiều khi chỉ là những bức tranh mini hoặc những chân dung kí họa vội vã mà vô cùng đặc sắc của người bạn họa sĩ. Thường vào mỗi dịp tết âm lịch, ông lại tặng Xuân Quỳnh bức tranh vẽ con giáp của năm đó

Không chỉ thân thiết với họa sĩ, chị Quỳnh còn gần gũi với những người thân trong gia đình ông. Xuân Quỳnh quan tâm tới ông theo cách thiết thực của người phụ nữ chu đáo. Chị ao ước có len tốt để đan tặng ông chiếc mũ đội đầu vào mùa đông. 

Có lần, vào lúc gần tết, chị giục anh Vũ: “Anh đến cơ quan kiểm tra xem còn nhuận bút minh họa nào của cụ Phái thì lĩnh giúp để em mang đến cho cụ bà, tết nhất đến nơi rồi, gia đình nào cũng cần tiền”. 

Một buổi chiều muộn, tôi lên phòng anh chị, thấy chị Quỳnh ghim một mảnh giấy nhỏ ở cửa ghi mấy dòng chữ: “Kỳ Anh ơi! Chị Quỳnh giặt quần áo ở máy nước dưới tầng 1, em đến thì xuống tìm chị nhé”. 

Tôi ngạc nhiên hỏi thì chị cho biết: Kỳ Anh là con trai thứ hai của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Anh mới xuất ngũ về, chưa có việc làm, chuyện tình cảm với cô bạn gái anh yêu lại dở dang. Chị nói thêm: hoàn cảnh của Kỳ Anh giống anh Vũ hồi mới xuất ngũ, cậu ấy lại là người tình cảm yếu đuối, mong manh, tâm hồn nghệ sĩ, làm thơ rất cảm xúc. Chị rất quý Kỳ Anh. 

Vào buổi chiều, cậu ấy thường đến chơi, tâm sự mọi điều, có khi còn đọc cho chị nghe bài thơ mới viết, nhiều lần Xuân Quỳnh rủ anh ở lại ăn cơm cho vui. 

Một thời gian ngắn sau đó, ngày 11/2 âm lịch năm 1978 (Mậu Ngọ) tôi nghe tin Kỳ Anh mất vì một tai nạn bất ngờ. Âu cũng là sự giải thoát cho anh. Xuân Quỳnh buồn lắm, ngay đêm đó chị làm bài thơ Bây giờ em ở đâu viếng Kỳ Anh.

Khi viết xong bài thơ, chị Quỳnh đắn đo mãi, không dám đưa cho gia đình họa sĩ vì sợ khuấy vào nỗi đau của họ. Nhưng cuối cùng chị Quỳnh đã mang đến căn nhà họa sĩ Bùi Xuân Phái ở phố Thuốc Bắc, đặt lên bàn thờ Kỳ Anh.

Sau nỗi bất hạnh này, họa sĩ Bùi Xuân Phái suy sụp hẳn, ông ốm mất mấy tháng. Có hôm, ông Lê Chính tìm gặp Xuân Quỳnh nói: “Cô Quỳnh ơi, tôi lo quá, hàng tháng nay ông Phái không cầm bút vẽ mà đối với ông ấy không vẽ tức là chết, ông ấy cũng không chịu ra khỏi nhà. Làm thế nào bây giờ?”. 

Xuân Quỳnh kêu lên đầy lo ngại: "Ôi thế ạ? Để mai anh Vũ đi công tác Sài Gòn về, bọn cháu sẽ tính”. Khi anh Vũ về nhà, chị nói: “Phải tìm cách đưa cụ Phái đi đâu cho khuây khỏa”. Anh Vũ nói: “Đúng đấy, để tuần sau nhé, anh mới đi công tác về, việc nhiều quá!”. 

Nhưng chị Quỳnh nói ngay: “Mai đi luôn thôi, đi 1 ngày sang Bát Tràng, bạn anh có lò gốm bên đó, em đã chuẩn bị và bác cháu em đã thuyết phục được cụ Phái đồng ý rồi”. Chị hỏi mượn tôi chiếc xe đạp Phượng hoàng, lúc đó là chiếc xe đạp tốt nhất của gia đình được dành cho tôi đi học. 

Vậy là sáng sớm hôm sau, đoàn dã ngoại lên đường, chị Quỳnh và bác Chính mỗi người 1 xe đạp, anh Vũ đèo họa sĩ Bùi Xuân Phái, trên ghi đông treo túi vải đựng bi đông nước, mấy cái bánh mì, vài quả cam và cuộn giấy A4. Cách đây 40 năm, để có được một chuyến đi như vậy là điều rất phức tạp, đâu có dễ dàng như bây giờ. Chuyến đi thật ý nghĩa.

Chân dung Xuân Quỳnh, ký họa của Bùi Xuân Phái.

Sau hôm đó, chị Quỳnh say sưa kể mãi rất nhiều chuyện thú vị về chuyến đi, vui nhất là họa sĩ đã kí họa được một số bức tranh rất đẹp, cầm bút vẽ, có nghĩa là niềm vui sống trong ông đã trở lại. Những ngày sau, họa sĩ lại đến chơi nhà bạn ở 96 phố Huế, ông Chính dẫn bạn lên nhà Xuân Quỳnh ngồi trò chuyện. 

Họa sĩ rất quan tâm hỏi han về con trai: “Em nó có phàn nàn gì với chị không? Có vướng bận điều gì không? Sau khi em nó mất, bà nhà tôi cứ trách là tại sao con nó trở về nhà rồi mà ông lại vẽ bức tranh nó khoác ba lô ra đi?”. 

Tuy còn rất đau khổ, nhưng dường như chia sẻ được với bạn bè, nỗi đau đớn trong ông có phần lắng dịu hơn. Xuân Quỳnh có biệt tài “biết góp nhặt niềm vui từ mọi ngả và biết nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau” của người khác một cách tài tình.

Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh và họa sĩ Bùi Xuân Phái mất đã 30 năm. Họa sĩ qua đời ngày 24-6-1988 tại Hà Nội vì bệnh ung thư phổi. 

Hơn 2 tháng sau, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và con trai nhỏ Lưu Quỳnh Thơ cùng mất trong vụ tai nạn giao thông ở chân cầu Phú Lương. Nhà báo Lê Chính mất cũng đã nhiều năm. Ở thế giới bên kia, họ sẽ gặp nhau, lại cùng trò chuyện và lại cùng nhau có những chuyến đi thú vị... 

Bây giờ em ở đâu?

Thành phố vẫn xanh mưa
Như bài thơ em viết
Con đường xa biền biệt
Bây giờ em ở đâu?

Hãy nhìn lại phía sau
Những ngày em đã sống:
Tường vôi và bóng nắng
Ánh đèn quen ngày xưa

Căn phòng của tuổi thơ
Này con đường, góc phố
Những bức tranh của bố
Như cửa sổ, chân trời...

Kỳ Anh, Kỳ Anh ơi
Trời xanh và mây trắng
Ngày mưa rồi tháng nắng
Bây giờ em ở đâu?

Không gian xa và sâu
Có còn nghe tiếng hát
Có còn nghe thấy rét
Ngày cuối xuân... này hoa...

Con đường em đang qua
Hết gập ghềnh đá núi
Không đêm cũng không ngày
Hết mưa bay, cát bụi...

Em không mang gì theo
Bàn chân trần, áo vải
Những lo lắng, đau buồn
Để cho người ở lại

Biết em đi nhẹ nhàng
Vẫn thấy lòng đau nhói
Nhớ nét cười giọng nói
Thương đuôi mắt dịu hiền

Từng đêm lại từng đêm
Chị vẫn thường nghĩ tới
Hết ngày lại qua ngày
Chị vẫn thầm nhắc gọi

Mà em đâu còn tới
Kỳ Anh ơi, Kỳ Anh.

3-1978

Lưu Khánh Thơ
.
.
.