NSND Trần Bảng, NSƯT Trần Lực: Cha – con và sân khấu

Thứ Sáu, 17/11/2017, 07:41
Có lẽ, NSƯT Trần Lực chưa bao giờ tưởng tượng, mấy mươi năm nữa, người ngồi ở vị trí càu nhàu và lo lắng của cha anh, NSND Trần Bảng hôm nay sẽ rất có thể là Trần Lực.

NSND Trần Bảng 92 tuổi, 60 năm gắn bó với  sân khấu truyền thống, được khán giả và cả người trong giới yêu mến gọi là cây đại thụ của nghệ thuật chèo. 

Con trai ông - NSƯT Trần Lực, gương mặt “ăn khách” của phim Việt thập niên 90 của thế kỷ trước, sau mấy mươi năm dấn thân với điện ảnh cũng vừa “lội ngược dòng” về với nghệ thuật sân khấu.

Trần Lực nói đây mới là chuyên môn mà anh được đào tạo bài bản, là nghệ thuật mà anh theo đuổi từ thời trẻ. “Quẫn” - vở diễn đánh dấu sự trở lại của Trần Lực gây ngạc nhiên cho người làm nghề. Khán giả ngồi chật rạp mỗi suất diễn…

Có lẽ cùng thành danh và đã, đang đặc biệt dành nhiều tâm huyết cho sân khấu như thế nên câu chuyện của 2 người đàn ông dưới mái nhà nhỏ của Trần gia ở vùng ngoại thành Hà Nội trong chiều muộn những ngày đầu thu, loanh quanh thế nào cũng vẫn xoay vần quanh thể loại nghệ thuật này.

NSND Trần Bảng bảo ông chưa bao giờ dạy con trai về nghệ thuật sân khấu truyền thống, đặc biệt là sân khấu chèo. Lập tức, Trần Lực “cãi” rằng anh không được cha trực tiếp truyền nghề nhưng Trần Lực chịu ảnh hưởng từ ông rất nhiều. Anh học nghề gián tiếp từ ông.

Đấy là những năm tháng ấu thơ, khi cha làm đạo diễn, viết kịch bản, làm nghiên cứu, giảng dạy về nghệ thuật chèo, mẹ anh - nghệ sĩ Trần Thị Xuân - biểu diễn trên sân khấu, còn cậu bé Trần Lực tha thẩn chơi quẩn quanh sau cánh gà của Nhà hát chèo Việt Nam. Không ai dạy Trần Lực hát chèo phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào, nhưng các làn điệu, các nhân vật của sân khấu chèo đã “ngấm” vào anh từ thuở ấy.

Khả năng diễn xuất của cậu bé Trần Lực chỉ được phát hiện trong những buổi diễn có diễn viên phụ cáo ốm đột xuất, đoàn không có người thay thế và cậu được “liều” chọn diễn thay. Mấy vai nho nhỏ, hoạt náo, hề chèo, Trần Lực diễn “ngon hơ”. Cậu đã nghe, xem mẹ và các cô chú, anh chị tập rồi diễn mỗi ngày nên không chủ đích học mà thuộc.

NSND Trần Bảng nói ông không chủ đích đi theo sân khấu nhưng lại được chèo hậu đãi. Chị Trầm - vở chèo đầu tiên ông dựng được Bác Hồ xem, khen, động viên, giúp ông đạt được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Quan Âm Thị Kính - vở chèo cổ đầu tiên ông phục dựng được nhận định là đã góp phần quang trọng trong việc nâng chiếu chèo sân đình lên sân khấu chuyên nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chúc mừng NSND Trần Bảng 92 tuổi.

Con trai ông, NSƯT Trần Lực cũng chia sẻ rằng, anh không có ý định gắn bó với nghệ thuật chèo nhưng cuối cùng vẫn bén duyên với chèo, vẫn chọn gắn bó với sân khấu. Thời điểm Trần Lực chuẩn bị thi vào cấp III, sợ con mải chơi, không lo học sẽ thi trượt, mỗi ngày, nghệ sĩ Trần Thị Xuân lại lôi con vào phòng, bắt học hát.

Trần Lực theo học trường Sân khấu - Điện ảnh. Anh được chọn qua Bulgaria học cũng là về sân khấu. Trở về nước, mang theo hành trang ăm ắp kiến thức và hoài bão muốn làm điều gì đó cho sân khấu nước nhà, anh lặn lội đi gõ cửa nhiều nhà hát. “Con trai của bố Trần Bảng” đến đâu cũng được các cô chú, anh chị đón rất nồng hậu.

Chỉ có điều, lúc Trần Lực trình bày ý tưởng về việc thử nghiệm, thay phong cách làm sân khấu cũ bằng cách làm mới hơn thì tất cả đều từ chối. Khi mọi cánh cửa nhà hát đã đóng sập, Trần Lực chán nản, tìm đến điện ảnh. Không ngờ, điện ảnh lại dành cho anh nhiều ưu ái.

Với hàng loạt vai diễn thành công trong nhiều bộ phim được yêu thích: Hoa ban đỏ, Người đi tìm dĩ vãng, Người yêu đi lấy chồng, Chuyện thầy tôi, Anh chỉ có mình em, Mẹ chồng tôi, Đời hát rong, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông..., Trần Lực là một gương mặt “ăn khách” của điện ảnh Việt suốt nhiều năm. Muốn hoàn toàn tự chủ và thỏa sức “vẫy vùng” với bộ môn nghệ thuật thứ 7 này, anh lập hãng phim Đông A. Nhiều bộ phim giàu tính giải trí được hãng phim đều đặn ra mắt khán giả.

Cho đến đầu năm 2017, Trần Lực bất ngờ “lội ngược dòng”, quay trở về với sân khấu. Anh khiến nhiều đồng nghiệp bất ngờ khi Quẫn - vở hài kịch đầu tiên Trần Lực làm đạo diễn mang về khá nhiều giải thưởng: vở diễn giành giải Bạc, đạo diễn xuất sắc nhất và hai giải Bạc khác cho 2 diễn viên tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô Hà Nội. Khác với nhiều vở diễn đạt giải tại các cuộc thi, hội diễn, Quẫn được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Kể về vở diễn của con trai, NSND Trần Bảng bảo rằng ông thật sự rất ngạc nhiên khi thấy con không những đưa được cả tuồng, chèo vào kịch nói mà còn kết hợp rất “nhuyễn”. Ông không truyền nghề cho con bao giờ song ngẫm lại, ông đồng ý với con trai rằng anh đã học nghề của cha mẹ một cách vô thức. Chèo đã “ngấm” vào con từ những ngày ông bà mải mê công việc, mang con theo rồi để con tha thẩn quanh nơi làm việc...

NSƯT Trần Lực thì chia sẻ, cha anh và khán giả thích vở diễn Quẫn, thấy Quẫn mới lạ nhưng thực ra Quẫn là một vở kịch kinh điển của tác giả Lộng Chương, đã được dàn dựng rất nhiều lần. Khi dựng lại, anh quyết tâm làm mới.

Trần Lực không thiết kế sân khấu cầu kỳ. Anh không muốn làm sân khấu theo cách tả thực mà trở về với sân khấu ước lệ. Cảnh trí tối giản nhưng giàu tính thử nghiệm. Vẫn là một đạo cụ ở giữa sân khấu thôi nhưng có khi biến thành chiếc ghế, có khi lại là chiếc hòm giấu của cải... 

Tất nhiên, ê-kíp thực hiện không “bắt” khán giả phải sử dụng trí tưởng tượng mới hiểu được nội dung mà người nghệ sĩ phải có khả năng kéo họ cùng nhập cuộc, được thích thú, bay bổng với trí tưởng tượng của mình.

Như thế, cách diễn của diễn viên cũng phải thay đổi. Thay vì cách diễn mà khán giả cảm thấy ngay là nghệ sĩ... đang diễn, diễn viên nhìn mà như không, nhìn một cách vô định về phía trước thì Trần Lực buộc diễn viên của mình phải nhìn thẳng vào mắt khán giả, tạo sự tương tác và làm biến mất khoảng cách giữa người diễn và người xem.

Đây là một phần cụ thể của ý tưởng đổi mới cách làm sân khấu mà Trần Lực đã mang đến chào mời các nhà hát từ gần 20 năm trước. Trần Lực gọi đó là phong cách của sân khấu hậu hiện đại. Hiện tại, anh đang nỗ lực xây dựng thành phong cách riêng, “thương hiệu” riêng. Sau vở diễn Quẫn, Trần Lực đang dốc sức đầu tư cho sân khấu, biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Trong ngày đưa NSND Trần Bảng đến Nhà hát Lớn Hà Nội mới đây, NSƯT Trần Lực khiến nhiều người ngoái nhìn khi cẩn thận chăm chút, theo sát cha từng bước.

Dự kiến, tiếp nối Quẫn sẽ là vở hài kịch kinh điển phương Tây - Cơn ghen của Lọ Lem. Anh dự định đưa vở kịch ra mắt khán giả vào ngày 26-11 và muốn chọn Nhà hát Chèo Việt Nam làm nơi công diễn. Ý tưởng về điểm diễn nghe có vẻ “ngược đời” nhưng theo Trần Lực thì không hẳn.

Bởi, trong Cơn ghen của Lọ Lem, anh vẫn trung thành với phong cách làm sân khấu của hài kịch Quẫn. Khán giả yêu nghệ thuật truyền thống dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật chèo sẽ cảm nhận được bóng dáng của chèo trong vở diễn. Đó có thể là cách mở màn nhưng cũng có thể là rất nhiều nét duyên riêng mà chỉ nghệ thuật chèo mới có được gửi gắm vào mỗi vở hài kịch... 

NSƯT Trần Lực tự tin khẳng định, đây là thời điểm mà sân khấu hậu hiện đại của anh có nhiều thuận lợi. Khi khán giả đã quá chán cái cũ, Trần Lực bắt đầu bằng một cái mới, sân khấu của anh sẽ hấp dẫn họ. Hơn thế, anh lại được hậu thuẫn bởi một ê-kíp làm việc chuyên nghiệp. Họ cũng là những người đã từng “kề vai sát cánh” với anh gầy dựng hãng phim Đông A.

Ngược lại với sự tự tin của Trần Lực, cha anh, NSND Trần Bảng thì lo lắng. Ông nói, sân khấu bây giờ đang quá khó khăn. Các đơn vị sân khấu xã hội hóa trong phía Nam từng có thời kỳ phục hồi, phát triển mạnh mẽ, bây giờ cũng chật vật để tồn tại. Sân khấu vắng khách là thế, nhiều người còn bỏ nghề để làm việc khác, con trai ông lại “bỏ một đống tiền làm sân khấu như thế, không cẩn thận thì chết...”. 

Nghe cha cằn nhằn, NSƯT Trần Lực vẫn cười hỉ hả, động viên: “Bố đừng lo, chết là chết thế nào. Khán giả của con đông thế!”. NSND Trần Bảng gật gù, có vẻ yên tâm. Thế nhưng, lúc chúng tôi chào ông ra về, ông níu tay thì thầm bảo ông vẫn lo cho con trai lắm, chỉ cầu trời khán giả thương, mọi người “thương mà ủng hộ nó”...

Nhìn ánh mắt lo lắng của người cha - một cụ ông đã gần trăm tuổi đời - dành cho người con trai đã trải qua cuộc đời với không ít dãi dầu, sóng gió trong suốt hơn  nửa thế kỷ, ngắm cái cách NSƯT Trần Lực đang nhắc nhở các con ngoài phòng khách của Trần gia, không hiểu sao chúng tôi lại nhớ hình ảnh anh cẩn trọng dìu cha từng bước trong mỗi lần đưa ông dự các sự kiện văn hóa, cách anh rót cho cha từng chén nước, ánh mắt lấp lánh, vui vui sau cặp kính dày cộp khi nghe cha cằn nhằn rồi lại lén bảo “người già có khi như trẻ con”...

Có lẽ, NSƯT Trần Lực chưa bao giờ tưởng tượng, mấy mươi năm nữa, người ngồi ở vị trí càu nhàu và lo lắng của cha anh, NSND Trần Bảng hôm nay sẽ rất có thể là Trần Lực. 

Và, người tỉ mỉ chăm sóc anh sẽ lại là mấy đứa trẻ hồn nhiên đang ở ngoài phòng khách của Trần gia hôm nay.  Nếu anh có nghĩ tới, biết đâu, một ngày nào đó, khán giả sẽ bắt gặp hình ảnh ấm áp ấy trên sân khấu hậu hiện đại mà Trần Lực đang gầy dựng trong hiện tại?

Ngọc Nguyễn
.
.
.