NSND, nhà điêu khắc Vương Duy Biên: Một thế giới ngạc nhiên

Thứ Tư, 03/01/2018, 13:48
Tôi đã bị lôi cuốn, từ thích thú sang bất ngờ và xúc cảm nguyên khôi lạ lẫm như còn đong đầy từ lần đầu đến nhà vườn Vương Duy Biên chiều 1-10-2017. Đấy là nơi trú ngụ, thăng hoa tâm hồn ông.

Đến đó, không dễ quên và không thể quên, như chính ông, một nghệ sĩ đích thực đã truyền cảm hứng vào tác phẩm, tới đồng nghiệp và người xem, bằng năng lượng sáng tạo đáng nể.

Nghệ sĩ thực tài và coi nghề mà mình đã thành danh là nghiệp suốt đời, khi lên làm lãnh đạo, sẽ khiến đồng nghiệp và công chúng tin trọng. Ông chan hòa, cười tươi, cười cả mắt sau kính trắng cận 4,5 độ. Trẻ trung trong phong thái, phong độ, Vương Duy Biên hòa nhập và dấn thân bằng phong cách "chịu chơi" rất tự nhiên mà vẫn lịch lãm.

Tôi từng nghe từ năm 2011, khi Vương Duy Biên còn là thứ trưởng kiêm nhiệm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông có nhà vườn ở Sóc Sơn. Cứ cuối tuần, ông về đó vẽ, nặn tượng. Khi đó, tôi chưa hề được xem tác phẩm mỹ thuật của ông, chỉ xem một vở múa rối mà ông đạt giải quốc tế, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đa số anh em cũng chỉ biết ông là tác giả tượng Trần Hưng Đạo ở TP Nam Định (có phiên bản ở đảo Song Tử Tây) và vài vở rối của ông.

Nhà điêu khắc Vương Duy Biên đã tham gia trại sáng tác điêu khắc “Bất tử và hồi sinh” với đề tài về 81 ngày đêm chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tác phẩm Nụ cười chiến sĩ của ông được đặt tại thành cổ từ tháng 7-2016.

Vương Duy Biên không thanh minh, chẳng khoe gì về mảng tạo hình của mình. Tôi vẫn chỉ dành sự chờ đợi vì vẫn tin ở người âm thầm lao động nghiêm túc sau một thời gian bẵng đi, họ sẽ công bố tác phẩm, thành quả của sự im lặng.

Tác phẩm điêu khắc “Giờ ra chơi”.

Tôi thỉnh thoảng hỏi thăm và vẫn chờ sự "bùng nổ" của ông. Vương Duy Biên hẹn sẽ mời lên xem tác phẩm trước khi có triển lãm giữa tháng 11. Ông giữ lời và cả gia đình tôi theo chuyến xe ca của Nhà hát Múa rối Việt Nam mà ông bố trí cho cánh phóng viên đến xem trước "Thế giới nghệ thuật" Vương Duy Biên.

Tôi chủ ý cho các con tiếp xúc thiên nhiên, nghệ thuật tối đa khi có cơ hội, ngay từ lúc rất nhỏ. Đấy là những món quà bổ ích cho tâm hồn các con và ông Biên đã tặng quà ấy cho gia đình tôi chiều 1/10.

Những món quà ấy ông đã nhận từ cha mẹ, hồi thơ ấu. Cha ông, họa sĩ, nhà nghiên cứu Vương Như Chiêm (1925 - 2001), từng là giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và mẹ - nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung (tên thật Nguyễn Thị Minh Ngọ, sinh năm 1930) hướng các con đọc sách, vẽ tranh từ nhỏ, phát huy gen - môi trường nghệ sĩ sẵn có. Chú bé Biên sống trên phố có hàng cây sao đen Lò Đúc, từ bé đã thích đọc sách, nặn tượng và là fan của Kịch Hà Nội khi là sinh viên mỹ thuật.

Tôi biết thế, khi đọc bài viết của ông cho Nhà hát Kịch Hà Nội, vậy mà hơn 2 năm sau, tôi mới được "gặp" chú bé Biên thơ ấu qua tranh, điêu khắc của họa sĩ Vương Duy Biên đang là ông nội bé trai 8 tháng Vương Duy Khánh. Vương Duy Biên mời khách đến khu vườn của ông, chính là mời khám phá tâm hồn rộng mở và đẹp đẽ của một nghệ sĩ có trái tim đa cảm.

Họa sĩ Đỗ Đức xem tượng của Vương Duy Biên đã vô cùng tâm đắc, về viết báo: "Hóa ra làm quan mà anh đã chuẩn bị sẵn cho mình cái sân khá hoàn hảo". 

Cũng không ít người đến và chưa đến nơi này, khi biết Vương Duy Biên làm triển lãm, biểu diễn múa rối 4 ngày liên tiếp (17 - 20/11/2017) tại đây, đã cho rằng: Ông thứ trưởng muốn gây ấn tượng trước lúc về hưu.

Họ đã nhầm!

Cho đến nay, vợ chồng ông vẫn ở ngôi nhà trong khu tập thể Nhà hát Múa rối vỏn vẹn 25m² mặt bằng. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hiền, từng công tác cùng nhà hát, rất tâm lý, ủng hộ chồng tối đa. Dù nhà xây lên 4 tầng, cũng không đủ chỗ để ông làm xưởng; kể cả lúc con trai duy nhất: Vương Duy Kiên (1985) lấy vợ, về ở khu tập thể Thành Công.

Chưa lúc nào ngừng tư duy sáng tác, thèm có không gian để thể hiện máu nghề, Vương Duy Biên mua mảnh đất ở Sóc Sơn năm 2003, lấp ao xây nhà, trồng cây. 

Đến năm 2015, ông cho xây thêm tầng 2 vừa để trưng bày, không quên múa rối nên cho làm nhà hát mini sức chứa 100 khán giả dưới hầm nhà triển lãm, đầy đủ hệ thống đèn, cách âm, sân khấu, màn chiếu. Kề bên phòng trưng bày tầng 2 là phòng làm việc, với nhiều kỷ vật, các đạo cụ phục trang múa rối do ông tạo ra.

Hơn 80 tác phẩm gồm tranh sơn màu, tranh lụa, điêu khắc mà NSND Vương Duy Biên công bố vừa qua khiến hàng ngàn lượt người xem trầm trồ. 4 ngày là 4 cuộc trình diễn sắp đặt, 10 diễn viên múa với phục trang nông dân diễn tương tác với tác phẩm sắp đặt và tranh trên màn chiếu 25 phút. 

"Tuyệt vời" là từ mà nhiều khán giả cùng chung nhận định khi xem chuỗi sáng tác liên hoàn mà tổng đạo diễn Vương Duy Biên cống hiến... Cả khu vườn xanh mướt, thơm hoa trái ôm những nếp nhà sơn trắng là không gian - thế giới riêng đầy sức cám dỗ của chủ nhân. 

Ông thường xuyên ăn tối lúc 23h và ngủ lúc 2h sáng vì mê nặn tượng; thuê cả bãi trống trước nhà vườn để có chỗ làm tượng lớn, bãi đất trải sỏi ấy chật ních ô tô, xe phải đỗ tràn ra đường cái, người đến nườm nượp, toàn khách tiếng tăm.

Là đấy, ông thứ trưởng hay NSND, xưng "anh" với các phóng viên kém tuổi con mình, đi dép nhựa tổ ong, họp báo trên nóc lô cốt rợp xanh cúc tần leo vuông kín, gió đưa hương mát rượi bàn đá, ghế gỗ lim.

Là đấy, ghế gỗ rải quanh vườn cây trái khế, hồng xiêm, trứng gà, xoài, vải, nhãn, sấu, táo, ổi, cây sung chi chít quả trước cửa nhà triển lãm dìu dặt nhạc cổ điển, và đàn piano chờ ngón lướt lên. Là đấy, những đứa bé trong vườn - nhân vật tranh và tượng là bé trai. Những tái hiện tuổi thơ và tình yêu trẻ con đan quyện.

Vòi nước công cộng là hai đứa bé: đứa ôm quả bóng ghé miệng che vòi nước bằng đồng gắn trên bệ gạch đỏ, thằng bé kia vừa tắm trong chậu nước vừa nghịch thuyền đồ chơi. Đầy dí dỏm, là tác phẩm Ước mơ, cậu bé ngồi bồn cầu, tay phải phi máy bay giấy. Giờ ra chơi là 5 bé trai đang tè ở 5 tư thế khác nhau, trang phục, giày, tóc khác nhau, nét mặt đều khoan khoái, thoải mái. Hãy thải ra chất độc trong cơ thể thì sẽ dễ chịu hơn. 

Nghĩa bóng còn nhắc loại bỏ cả những ý nghĩ, mưu toan đen tối. Ăn xong chưa con gây xúc động: người cha trồng cây chuối thẳng đứng, con trai ngồi trên lòng bàn chân cầm cái bát, bố sẵn sàng làm trò, đủ kiểu để cho con ăn... 

Xong chưa con? gợi nhớ những năm vất vả, bố đạp xe chở phía sau 3 chồng thùng carton (chắc là dán hộp làm thêm), trên nóc thùng là đứa con nhỏ, bố ngoái lại hỏi, chân đặt lên bàn đạp, chuẩn bị đi trả hàng.

Ai bảo tôi không làm được - người đàn ông trong xô, cố nhấc mình lên. Hình như đã tới đáy, chàng trai tung tứ chi lên, mông chạm đáy, mặt hoan hỉ. Bộ mặt đắc ý của người đàn ông lên được ghế cao ngồi ở góc ghế, dưới chân là cái thang tre - Mãn nguyện, mang tính châm biếm tệ ham quyền lực mua quan bán chức các thời, đầy hàm ý như Chiếc ghế đang chìm - nhân vật là cái ghế, không có người. Chum kinh nghiệm được công chúng ngắm lâu, vì cần suy tưởng. 

Kinh nghiệm như những sợi, dây rút ra từ cái chum, cái chum có bao nhiêu kinh nghiệm mà 5 ông hì hục rút mãi không hết. Phản biện xã hội: người đứng đầu các cấp để xảy ra sai phạm, kẻ thì đổ tội, người lại nói tránh né, cùng lắm chỉ xin lỗi, rút kinh nghiệm loanh quanh, không ai dám tự nguyện chịu trách nhiệm, dám từ chức, cứ quẩn quanh xin "rút kinh nghiệm" bên cái "chum" tối om hạn hẹp. 

Hãy mở cả ra là hàng chục ổ khóa lớn nhỏ, hàm ý sâu sắc: Hãy cởi mở, phóng kháng như đòi hỏi tiên quyết để sống dễ chịu, đừng tự khóa và chịu khóa mình. Độc đáo nhất là Kéo cưa lừa xẻ, trò chơi, đồng dao mà biểu đạt quá lạ: hai chú bé hì hục dùng cưa sắt cưa quả khế. Quả khế mềm, mọng nước mà phải dùng cưa sắt? Hai thằng bé say sưa "cưa" ẩn ý trò chơi thật sâu, màu sắc triết học siêu thường. 

Vương Duy Biên bộc lộ cảm thức tâm thế thời cuộc, thái độ sống của ông, qua những điêu khắc đồng đỏ, đồng vàng hài hước, trí tuệ, giàu triết lý. Giản dị không phải đơn giản. Nghệ thuật tầm cỡ đích thực không phải là/ không chấp nhận sự giản đơn, xuề xòa, nôm na dễ hiểu. Tôi thích tác phẩm tạo dư âm, dư chấn, khiến người xem suy ngẫm. 

Tính thế sự, chính luận, triết lý nhân sinh của Vương Duy Biên qua chùm điêu khắc trên là lý tính, phần nổi là sự sắc sảo, bài học thấm thía, phản biện xã hội; còn phần chìm, lắng sâu, là tâm hồn trẻ trung, nhân hậu, hồn nhiên hóm hỉnh. Sự dí dỏm, không phải chất hài gây cười mà thật thâm thúy. Trung tướng, nhà văn Hữu Ước đã xem buổi đàu tiên của đợt triển lãm. Còn tôi, vì rất thích thú, nên quyết trở lại xem lần hai. 

Chiều 18-11-2017, gia đình tôi từ Việt Trì, theo ô tô của Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ Đỗ Ngọc Dũng - anh là họa sĩ - Chủ tịch nhiều năm của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh. 

Tình cờ, tôi gặp và chứng kiến sự chăm chú, thích thú của gia đình họa sĩ, đạo diễn phim hoạt hình - NSND Ngô Mạnh Lân cùng 2 ái nữ của ông - TS Ngô Phương Lan (Cục trưởng Cục Điện ảnh), họa sĩ Ngô Phương Ly cùng phu quân - Thượng tướng Tô Lâm. Khác vẻ nghiêm nghị trên sóng VTV mà tôi thường gặp ở Bộ trưởng Bộ Công an, tôi nhận thấy sự thư thái, cảm xúc thú vị của "Chú Tô Lâm". 

Chú không đến phòng tranh như vị quan chức mà thanh thản cùng bố vợ và bạn đời xem từng tác phẩm với sự giới thiệu của họa sĩ Vương Duy Biên. Phòng tranh là kí ức nông thôn khi họa sĩ sơ tán lúc nhỏ ở Hà Bắc, Sơn Tây, Hà Tây, Vĩnh Phúc, đầy cảm xúc tuổi thơ với những kỉ niệm lùa vịt, chăn trâu, bắt cá, úp nơm, thả diều... Tất cả cho thấy, ông yêu, nhớ tuổi thơ biết bao và nuôi không gian yên tĩnh ấy mãi trong tâm tưởng, dù lắm đổi thay; xáo trộn, ồn ã đã về mỗi thôn làng.

Nhà vườn của Vương Duy Biên - nơi trưng bày, sáng tạo, nghỉ ngơi của đại gia đình họa sĩ, giao lưu, tiếp đón bạn bè, người yêu nghệ thuật. Nó thanh sạch và đáng yêu, có vườn rau, hoa, chim hót, hương thơm 4 mùa. Thật lý tưởng cho người nghệ sĩ say nghề, có một không gian như thế. 

Người mẹ già 88 tuổi đẹp lão, tinh anh vẫn xót con trai áp út mải việc toàn ăn quá bữa, thiếu ngủ. Tôi chứng kiến Vương Duy Biên lấm láp đất nặn tượng con bò để đổ điêu khắc đồng đỏ. 

Lúc đó, gần 22h khuya, gia đình tôi đi nhờ xe của NSND Trần Nhượng về, Vương Duy Biên vẫn chưa ngừng nặn tượng. Anh Hiếu lái xe chờ "sếp" ngoài vườn. Quen với nếp làm ngoài giờ của "sếp", anh thông cảm và không tỏ ra vội, giục, vì anh không chờ thứ trưởng. Anh đợi nghệ sĩ Vương Duy Biên.

Tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi tài năng đích thực và sức trẻ của tâm hồn Vương Duy Biên. Ông đã in 500 sưu tập (25 x 25cm), 500 giấy mời sang trọng cho sự kiện đầu tiên tại Không gian nhà vườn. Ông quá bận chưa nâng cấp web vuongduybien.com.vn, dù đã tạo logo 3 chữ AAB hiện đại (Atelier Art Bien - Xưởng vẽ của Biên). 

Năm 2018, ông sẽ có 1 triển lãm lớn Vương Duy Biên làm không vì "showbiz", sợ bị quên lãng khi hết chức quyền. Ông tâm sự chân thành:

"Tuy là một công chức của nhà nước, nhưng trước tiên tôi là một nghệ sĩ! Và thiên chức quan trọng nhất của nghệ sỹ là sáng tạo tác phẩm.

Tôi luôn sống và sáng tạo với sự đam mê không ngừng, luôn muốn tìm tòi để đi đến những khác biệt với hôm qua".

Không thể không yêu tâm hồn ấy!

Vi Thùy Linh
.
.
.