Nhớ nhà văn Băng Hồ

Thứ Sáu, 18/04/2008, 15:00
Đầu tháng 3 vừa qua, Hội Nhà văn Hà Nội đứng ra tổ chức tang lễ cho nhà văn Băng Hồ, một hội viên vào hàng cao tuổi nhất: 83 tuổi. Không những vậy, ông còn là người cao tuổi nhất khi được kết nạp Hội.

Tôi còn nhớ những lời ông tâm sự: "Anh ạ! Đến tuổi này rồi, ôn lại cả cuộc đời, mới thấy mọi chuyện tôi đã trải đều là phù phiếm cả. Mình chết đi rồi, một vài năm sau chỉ vợ con còn nhớ đến mình ngày giỗ. Còn bạn bè, độc giả?... May mà nhờ có Đổi Mới, tôi in lại được Tuyển tập truyện ngắn "Phượng ơi! Mùa dĩ vãng", rồi tái bản được hai cuốn tiểu thuyết của ông cụ nhà tôi, là những thứ không dễ bị huỷ hoại với thời gian!".

Băng Hồ là nhà văn còn lại trong số ít ỏi những người làm văn, viết báo thời Hà Nội tạm chiếm 1947-1954. Ông ra đi, còn lại mấy bạn văn của thế hệ ông là Hoàng Công Khanh (vừa trình làng vở "Cung phi Điểm Bích", tập thơ "Ba Bốn Bảy", nhà văn Băng Sơn chuyên gia về đề tài Hà Nội, nhà văn Hoài Việt hay viết truyện danh nhân, nhà sưu tầm văn học dân gian Giang Quân, hồi tạm chiếm chuyên viết kịch thơ lịch sử, đề tài dễ nhắc nhở đến lòng yêu nước trong hoàn cảnh tạm chiếm…

Nhờ một câu nói của nhà văn Hoàng Ngọc Hà, khi bà còn là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Băng Hồ đã gỡ bỏ được mặc cảm, bà nói: "Tôi gọi chung những trang văn trong vùng tạm chiếm ta có thể in lại ngày hôm nay là nằm trong dòng chảy văn học yêu nước, bởi trong hoàn cảnh bị o ép, các anh chị vẫn chăm lo đến việc làm giàu cho tiếng Việt, đó cũng là một phần của lòng yêu đất nước".

Nhà văn Băng Hồ quyết định trở lại với văn học. Ông cầm bút viết đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Hà Nội, người giới thiệu là nhà văn Tô Hoài, người hàng xóm gần gụi ông từ bao nhiêu năm! Và ngoài tuổi 80, ông trở thành hội viên, có thể ghi điều này vào Ghinét lịch sử của Hội Nhà văn Hà Nội.

Chỉ khi soạn điếu văn tiễn đưa ông, tôi mới nhận ra: Băng Hồ là nhà văn cuối cùng đã kéo dài hơi văn lãng mạn Tự Lực văn đoàn trong các đô thị tạm chiếm cho đến năm 1954. Và nhận ra một điều lạ nữa: ông là con trai của nhà văn đã viết cuốn tiểu thuyết xã hội vào loại sớm nhất bằng chữ quốc ngữ: nhà văn Đặng Trần Phất với "Cành hoa điểm tuyết".

(NXB Bùi Xuân Học, Hà Nội 1921) rồi "Cuộc tang thương" (NXB Bùi Xuân Học, Hà Nội 1923).

Tôi có hỏi nhà văn Tô Hoài về hiện tượng này, sao không được các nhà làm sử văn học kể đến hai cuốn đã xuất bản trước cuốn "Tố Tâm" của cụ Song An Hoàng Ngọc Phách từ 2 đến 4 năm? Cụ Tô Hoài trả lời:   

- Có lẽ do thời đó, Bùi Xuân Học không phải nhà xuất bản tên tuổi!

Tuy vậy, Đặng Trần Phất không phải là phát hiện gì mới, nhà văn Thạch Lam đã từng nhắc đến ông từ năm 1941 trong tác phẩm "Theo dòng" - NXB Đời Nay: "Ngày trước, ta có rất ít tiểu thuyết, chỉ có những tiểu thuyết phỏng theo hay dịch của Tàu. Rồi chúng ta bắt chước viết tiểu thuyết từ quyển "Cành hoa điểm tuyết" của Đặng Trần Phất đến quyển "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách, rồi qua những tiểu thuyết dịch của Từ Trẩm Á như "Tuyết Hồng lệ sử" và "Ngọc Lê hồn". Đó là thời kỳ tiểu thuyết bắt đầu nảy nở trong văn chương ta".

Trong cuốn "Từ sông Tô đến sông Nhuệ" của Đỗ Thỉnh (NXB Hà Nội 1986) có nhắc đến tính cách khí khái của Đặng Trần Phất, khi viết về những nhân vật của xã Tây Tựu, Trung Tựu (thường gọi tên nôm là làng Đăm) vùng ven Hà Nội.

Nhân nói đến cụ Đặng Trần Phất, ta cần nhớ đến cả một dòng họ mấy thế hệ làm văn chương: Dòng họ Đặng Trần ở Tây Tựu huyện Từ Liêm, Hà Nội. Băng Hồ tên thật là Đặng Trần Phiến, người anh họ chính là Đặng Trần Thi, tức nhà văn quân đội Trần Đăng.

Đỗ Thỉnh viết: "Đặng Trần Phất sinh năm 1902, đi học đỗ tú tài, có tiếng là một thanh niên thông minh, hiếu học… nên Hoàng Trọng Phu, lúc ấy đang là Tổng đốc tỉnh Hà Đông, gọi đến ngỏ ý muốn gả con gái cho, cụ Đặng Trần Vỹ (Tổng đốc Bắc Ninh, thân sinh ra Phất) tán thành, riêng Phất lại không thuận, cậu chối từ khiến "quan Thiếu" (hàm Thiếu Bảo) không hài lòng. Phất làm viên chức Bưu điện bên Lào và sáng tác văn học, rồi mất ở bên đó (1929), mới 27 tuổi".

Chấp nhận làm rể Hoàng Trọng Phu có nghĩa là mở một con đường hoạn  lộ vinh thân phì gia, cậu tú Đặng Trần Phất từ chối, riêng việc này đã khiến ta kính trọng phẩm cách nhà văn của cậu.

Còn cụ Đặng Trần Vỹ, đúng năm 27 tuổi, Phất chấm dứt cuộc đời non trẻ thì 27 tuổi của cụ bắt đầu gặt hái một vinh quang hiếm có: Đặng Trần Vỹ được xác nhận như một học trò giỏi nhất của hai tỉnh Hà Nội và Nam Định: Vỹ đậu Giải nguyên (thủ khoa) khoa thi Hương năm Tân Mão (1891) triều Thành Thái. Khoa ấy có 9.000 sĩ tử của hai tỉnh ứng thí. Sau này Đặng Trần Vỹ làm quan tới chức Tổng đốc Bắc Ninh. Một trong những di cảo đáng kể nhất của cụ là bài thơ chữ Hán đề đền Trấn Võ, hiện còn ghi ở bái đường ngôi đền.--PageBreak-- 

Tôi đã mượn đọc cuốn "Cuộc tang thương" của Đặng Trần Phất, nội dung như sau: "Nhân vật chính cuốn tiểu thuyết là Ngô Tòng. Cha Ngô Tòng là một nhà giàu ở nông thôn, đã dùng tiền mua chức Hàn lâm, rồi lấy vợ lẽ, ruồng bỏ hai mẹ con Ngô Tòng.

Mẹ Ngô Tòng đem con về Hà Nội buôn bán, nuôi con ăn học. Tòng có một bạn thân là Lê Cẩn cùng chung cảnh ngộ: cha Lê Cẩn làm nghề thầu khoán. Vì say mê một "me Tây", tiêu pha hết tiền, đêm phải hoá trang làm cướp về cướp nốt tiền của vợ con. Sau đến lúc cùng phải tự tử. Cha Ngô Tòng kết cục cũng không hơn gì. Ông chết trong suy nhược, tận mắt nhìn thấy vợ lẽ dâm ô với trai trong nhà mình mà không làm gì được.

Cuối cùng đến Ngô Tòng cũng nhận một bi kịch: Bắt gặp vợ mình cùng bạn thân Lê Cẩn ở một "nhà săm" (nơi cho thuê để làm những việc dâm ô). Anh uất ức, chán đời, tìm đến một ngôi chùa hoang tịch đi tu. Nhưng anh đã chết ngay đêm đầu, trong lúc ngoài trời mưa gió sấm chớp, chưa một phút được yên tĩnh với câu kinh, tiếng mõ".

Nếu như ở "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách, câu văn trữ tình mềm mại hơn, chỉ lấy đôi trai gái làm nhân vật chính, thì "Cuộc tang thương" của Đặng Trần Phất lại thiên về những cảnh hiện thực, khái quát cả một bối cảnh xã hội rộng lớn, có nông thôn, thành thị, có những loại người lần đầu xuất hiện trong văn học Việt Nam, như tư sản, thầu khoán, me Tây, bi kịch giữa bạn và vợ, những suy thoái đạo đức hồi đầu thế kỷ XX do đồng tiền, do lối sống Âu Tây mới tràn vào, phân hóa xã hội Việt Nam. Ông ghi nhận những chuyện mà ở xã hội "tam cương, ngũ thường" trước đó chưa bao giờ xảy ra, như chuyện người chồng hóa trang làm kẻ cướp, cướp tiền ngay trong căn nhà của vợ con mình (!).

Ngay cái tên truyện "Cuộc tang thương" đã nói rõ mục đích tố cáo, phê phán của tác phẩm, mở đầu cho yếu tố hiện thực để sau này được các nhà văn tài năng như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan đẩy lên đến đỉnh cao. Ảnh hưởng văn học Pháp đã rõ trong tác phẩm, đã thoát khỏi chủ đề đạo lý, kết cục câu chuyện không cần "có hậu", đến kiến trúc câu văn đã ra khỏi lối văn biền ngẫu…

Như vậy, phải kể Đặng Trần Phất là nhà văn viết tiểu thuyết xã hội sớm nhất trong văn học bằng chữ quốc ngữ của ta. "Cành hoa điểm tuyết" cũng mệnh danh là tiểu thuyết xã hội, xuất bản trước cả "Tố Tâm".

Có lần tôi khen Băng Hồ: "Phượng ơi! Mùa dĩ vãng” của anh đọc lại vẫn được, văn phong trong sáng, hợp với tình cảm lớp thanh niên mới rời ghế nhà trường thời ấy. Viết văn, viết báo hồi đó mà không sa vào bạo lực, giật gân là mừng rồi, thảng hoặc anh còn lên án bạo lực và bất công xã hội đấy chứ!". Băng Hồ chỉ cười buồn: "Nghĩ mình công ít tội nhiều, anh ạ! Đến lúc được viết cởi mở hơn thì đã không còn sức, tái bản để lại cho con cháu khỏi quên mình là được rồi!". Ông còn có công tái bản cả Tuyển tập của giáo sư Nguyễn Tường Phượng, người cha dượng của ông! Tuyển tập Nguyễn Tường Phượng (NXB Văn học 1996, sách dày 1.034 trang).

Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng (1899-1974) vừa là nhà giáo, kiến thức uyên thâm, vừa là nhà nghiên cứu, văn học, sử học, từng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Tri Ân cho ra đời trên 200 số báo (1941-1945) khảo cứu các giai đoạn lịch sử văn học, sử học.

Ông là tác giả những tác phẩm nghiên cứu giá trị: “Văn học sử Việt Nam tiền bán và hậu bán thế kỷ XIX”, “Lược truyện các tác giả Việt Nam phần cổ đại và hiện đại” (cùng với Trần Văn Giáp)...

Còn Băng Hồ thì đời văn hay dở, công tội đến đâu, hãy để các nhà nghiên cứu luận bàn. Tôi chỉ nêu ra, đặt chúng ra ánh sáng với vị thế đóng góp riêng của từng cá thể.

Như có lần tôi nói về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn: Ông là người đã nối dài dòng nhạc lãng mạn Việt Nam đến năm 1956 (bài "Gửi người em gái miền Nam"), sau "Trương Chi", "Thiên Thai" của Văn Cao, "Giọt mưa thu" của Đặng Thế Phong… trong vùng các đô thị tạm chiếm, khi những nhạc sĩ cùng thế hệ ông đang bận viết sử thi những Điện Biên, Sông Lô hoành tráng.      

Trong không khí đổi mới, dường như loài hoa nào cũng có chỗ đứng trong vườn cảnh của cộng đồng!

Vân Long
.
.
.