Đức Hải: Nhiệm vụ là kiếm tiền nuôi gia đình
Làm cha mẹ là sống chung với nỗi lo
Thấy anh bận rộn như thế, nếu không tận mắt chứng kiến, có lẽ tôi cũng nghĩ anh bỏ nghề rồi?
Thú thực giờ khi nhận bất cứ dự án nghệ thuật nào tôi cũng thận trọng lắm. Tôi luôn xác định cái gì nhận làm ít nhất nó phải gần như hình dung ban đầu của mình. Nếu được hơn thì càng tốt, còn kém chút là tôi từ chối. Mà rõ ràng bản thân tôi đã từ chối rất nhiều rồi, đặc biệt là các bộ phim truyền hình. Khi con cái còn nhỏ là một kiểu lo lắng. Giờ mỗi ngày nó một lớn, nỗi lo cũng khác đi nhiều. Tôi luôn xác định nhiệm vụ của mình bây giờ là đi kiếm tiền, làm ăn để nuôi gia đình. Do đó, muốn nhận cái gì hay không cũng phải chọn lọc.
Có khi nào anh chọn lọc quá thành ra nhiều người nghĩ anh chảnh?
Tôi chỉ tính đơn giản như thế này. Nếu đóng một bộ phim truyền hình, cat-xê mỗi tập khoảng 5-7 triệu đồng so với số tiền vài chục triệu làm MC một chương trình, event thì bạn sẽ nhận cái nào. Dĩ nhiên, tôi không chê nghề đóng phim nhưng phải ở hoàn cảnh của tôi các bạn mới hiểu. Phía sau tôi là "4 toa tàu" (ám chỉ 4 người con) mình phải lo lắng. Đó là lý do mà tôi chạy show nhiều hơn.
Có lần, bạn bè gặp tôi ở các khách sạn lớn mọi người thường hỏi tôi đi làm gì. Lúc đó, tôi nói mình đi "làm tiền trong khách sạn". Nhiều người cứ tưởng tôi nói chơi cho vui. Nhưng, làm tiền ở đây là mình làm MC cho các sự kiện của các nhãn hàng, thương hiệu. Thu nhập chính của tôi là ở đó.
Cứ theo những gì chia sẻ, anh dường như thuộc tuýp nghệ sĩ quá tỉnh táo ?
Tôi luôn tự đặt câu hỏi nhiệm vụ tối cao của mình là gì và phải thực hiện nó đến cùng. Tôi luôn sẵn sàng làm bằng nhiều cách khác nhau để có thu nhập như mình mong muốn. Hiện tại cuộc sống của tôi tương đối ổn định về mặt vật chất và mình luôn cảm thấy phấn chấn khi con cái ngoan ngoãn, trưởng thành. Tuy nhiên, ít người biết rằng cách đây vài năm tôi từng viết đơn từ chức Trưởng khoa Đạo diễn Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học của trường vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Điều đó cũng đồng nghĩa áp lực tiền bạc với anh mỗi ngày dường như không vơi đi chút nào?
Tôi luôn nhẩm tính nếu mỗi tháng mình không kiếm được khoảng 60-70 triệu thì liệu có đủ duy trì cuộc sống cho gia đình chứ chưa nói đến chuyện tích lũy. Đơn giản như chuyện, có ngày con cái về nhà xin tiền mua một món đồ gì đó. Dĩ nhiên tôi không thể mua cho con một món đồ giả bởi tôi luôn xác định mình phải chọn những gì là đảm bảo, tin tưởng nhất. Tôi nghĩ rằng niềm hoan hỷ của con cho mình những cảm xúc khó tả lắm.
Vậy còn những nỗi lo về con cái mà anh đề cập, mỗi thời điểm mỗi khác, cụ thể là như thế nào?
Khi con còn bé chưa rời tay bố mẹ lúc đó có chuyện gì mình cũng luôn tin là có mụ đỡ để bé được bình an. Sau này, lớn hơn một chút là phải lo chuyện học hành. Khi con đến tuổi "nổi loạn", ương bướng thích tự khẳng định mình, nỗi lo lại lớn thêm một chút. Và khi chúng bước sang tuổi 17-18, tôi lại lo con ăn chơi, vướng phải những thói hư tật xấu từ cuộc sống bên ngoài. Tôi nghĩ, một khi đã là cha mẹ có nghĩa là phải sống chung với nỗi lo.
Từ trước đến nay anh luôn khẳng định gia đình là số 1. Đến bây giờ, với anh thứ tự quan trọng đó vẫn là bất di bất dịch?
Trong cuộc sống này đa phần các ông bố bà mẹ đều cho rằng con cái là gánh nặng, là trách nhiệm với cha mẹ. Riêng tôi lại nghĩ điều đó không hẳn đã đúng. Với tôi, mọi hỷ-nộ-ái-ố trong cuộc sống với đầy đủ các cung bậc cảm xúc: hoan hỷ, vui sướng, đau khổ, hạnh phúc... tất cả đều là những cảm xúc vô giá mà con cái mang lại cho mình. Những thứ đó, không thể mua được bằng tiền.
Anh ít khi lên báo kể về chuyện gia đình mình, càng không thấy anh than thở về gánh nặng nhưng nói về con cái, dường như anh có cảm giác hân hoan lạ lắm. Chắc cách dạy con của anh cũng đặc biệt?
Tôi luôn xác định tự giác là yếu tố đầu tiên mình phải dạy cho con. Chúng phải tự giác từ việc ăn, việc học, vệ sinh. Gia đình tôi có 4 đứa con không phải lúc nào mình cũng chăm chút cho chúng từng thứ một. Dĩ nhiên, việc dạy này phải có quá trình mình hình thành thói quen tốt cho con cái. Ngoài sự tự giác đó mình cũng phải xây dựng cho chúng ý thức với người xung quanh, trách nhiệm và cả sự quan tâm. Bạn bè tôi mỗi khi đến nhà thấy con cái chào hỏi, lấy nước ra mời khách lễ phép đều ngạc nhiên lắm vì không nghĩ con tôi còn nhỏ đã làm được những điều như thế. Mọi người thấy tôi nghiêm nghị với con cứ nghĩ tôi khó tính nhưng kì thực, vợ tôi còn nghiêm khắc hơn. Tôi vẫn thường vui đùa, làm trò với con cái để cho chúng được vui.
Luôn xác định làm nghề tử tế
Nếu cứ chiếu theo những gì anh chia sẻ trên đây thì việc anh tái xuất truyền hình trong lần gần đây nhất - vai trò MC của chương trình "Chết cười" có vẻ như hơi mâu thuẫn?
Cảm giác đầu tiên của tôi là rất thích thú và sung sướng khi được mời tham gia chương trình này. Cảm giác thứ hai là mình phải làm mới mình để cho khác với những trò chơi truyền hình mình đã chơi, khác với những tư thế mình đã ngồi, ví dụ như ngồi làm giám khảo thì khác, tham gia chơi thì khác và làm MC thì khác.
Chúng tôi làm chương trình này không có mục đích nào khác ngoài việc đem đến cho quí vị những giây phút thư giãn, thoải mái, không vướng bận gì sau những giây phút làm việc vất vả. Bởi ở chươngtrình không có ganh đua, không có giải thưởng mà chỉ có những người nghệ sĩ sẽ sống hết mình vì nụ cười và sự sảng khoái, thư giãn của khán giả. Tôi nghĩ đó chính là điểm đặc biệt nhất của chương trình. Dĩ nhiên, việc nhận lời này cũng còn bởi mối thân tình giữa tôi và đơn vị sản xuất.
Anh nói đến phương diện phải làm mới mình. Vậy cái mới ở đây, anh tự thấy ở mình những gì?
Đã khá lâu rồi tôi không xuất hiện trên sóng truyền hình. Cái khác biệt đầu tiên là về ngoại hình bởi tôi béo ra, ăn mặc cũng khác đi. Tôi cảm nhận được sự thay đổi của mình ngày càng trẻ trung hơn, đặc biệt khi chương trình đòi hỏi MC phải vận động rất nhiều.
Dĩ nhiên Đức Hải là tên tuổi không cần phải bàn cãi nhưng giờ anh không còn ở thời kỳ đỉnh cao, độ hot cũng giảm đi phần nào. Khi chương trình lên sóng, nhận được không ít phản hồi trái chiều, anh đón nhận nó như thế nào?
Điều đầu tiên là mình phải bình tĩnh và tôi tin, mình đã làm được điều đó. Khi làm chương trình này, tôi cực kì thận trọng trong từng câu chữ, ngữ nghĩa và luôn trao đổi rất kỹ với ban biên tập. Tôi nghĩ những lời chê đó có thể sẽ phần nào làm giảm đi nhuệ khí của ekip thực hiện.
Điều duy nhất tôi muốn nhắn nhủ đó là mọi người hãy nhìn sự việc ở phương diện tổng thể chứ đừng bẻ cong, cố tình vặn vẹo. Đặc biệt tôi nghĩ không nên lấy trẻ em ra để làm khó chương trình bởi đôi khi chúng ta đang áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ. Tất nhiên, có những người có thể bị ảnh hưởng bởi một bài báo nào đó không xem xét vấn đề mà đã vội kết luận.
Khán giả có quyền soi mói và đó sẽ là động lực để chương trình mỗi ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, nếu đã xác định đây là chương trình giải trí, nếu bạn không thích thì có thể chuyển kênh.
Về cá nhân mình, anh xây dựng hình tượng MC Đức Hải như nào trong "Chết cười"?
Đầu tiên tôi luôn tôn trọng kịch bản mà không phát triển cái tôi quá lớn. Trong quá trình dẫn dắt, dĩ nhiên mình phải đẩy tiết tấu nó lên nhanh, làm cho nó kịch tính và hấp dẫn hơn. Mình có thể vui, hết mình nhưng không được phép diễn quá lố bởi điều đó sẽ rất giả tạo. Tiêu chí của tôi là luôn hòa đồng với các đội chơi, tạo nên không khí sống động, kết nối được với khán giả. Thêm vào đó, vì chương trình là để giải trí chứ không phải là nghiên cứu thế nào là hài kịch nên tôi cũng hướng đến sự tế nhị. Cười đó nhưng không làm khán giả xấu hổ, không quá nghiêm túc hay bậy bạ mà tất cả đều là có chọn lọc.
Những điều đó có khiến anh áp lực?
Với tôi áp lực lớn nhất là vấn đề sức khỏe. Như các bạn thấy đấy, chương trình đòi hỏi không chỉ người chơi mà MC cũng phải vận động rất nhiều, liên tục trong một thời gian dài. Có những ngày sau khi ghi hình xong tôi mệt nhoài đến mất tiếng, không thể ăn. Tuy mệt mỏi là thế nhưng tôi luôn xác định mình phải giữ hình ảnh trước công chúng.
Sau "chết cười", khán giả có quyền chờ đợi sự xuất hiện của anh trong một dự án phim ảnh nào đó?
Tôi không dám hứa trước nhưng nếu thuận lợi tôi sẽ trở lại.
Trân trọng cảm ơn anh!