Đạo diễn Minh Béo: Tôi làm tất cả vì yêu thích

Chủ Nhật, 26/07/2015, 21:53
Lần đầu tiên dựng kịch hình sự và tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND, đạo diễn Minh Béo đã có những trải nghiệm thú vị. Có thể nói, anh đã tạo một bước đột phá khi đưa kịch hình sự, vốn dĩ xa lạ với người dân TP Hồ Chí Minh lên sân khấu và được đón nhận.

- Tôi biết vở kịch "Kẻ máu lạnh" của anh tham gia liên hoan sân khấu lần này đã diễn liên tục ở phía Nam. Từ trước đến nay, người ta chỉ biết đến Minh Béo với sân khấu hài?

- Sau khi nhận lời mời của Bộ Công an về Liên hoan sân khấu, tôi muốn làm và chinh phục khán giả TP Hồ Chí Minh một loại hình kịch mới, kịch hình sự, pha chút kinh dị. Sau vở diễn của tôi, với hơn 30 suất diễn, khán giả TP Hồ Chí Minh đã có cái nhìn khác về kịch hình sự, họ hiểu được tâm tư của người chiến sĩ công an, những hy sinh lặng thầm của họ, hiểu hơn về các dạng tội phạm, những chiêu trò, những phức tạp của nó để cảnh giác, phòng ngừa. Khán giả có vẻ thích kịch hình sự, nó có sự gay cấn, hồi hộp, không dễ đoán định trước đoạn kết. Những người chiến sĩ công an xứng đáng nhận được những lời cảm ơn chân thành từ nhân dân bởi người dân sống được an toàn là nhờ họ.

-"Kẻ máu lạnh" đề cập đến một vấn đề thời sự, đó là căn bệnh đa nhân cách, sự biến hóa khôn lường của tội phạm. Vở kịch đi vào cuộc sống của nữ Cảnh sát hình sự, một góc khuất không phải ai cũng có thể chạm tới. Anh làm thế nào để đưa những điều đó lên sân khấu một cách chân thực nhất?

- Tôi chọn vở diễn này của tác giả Vương Huyền Cơ nói về những Cảnh sát hình sự phải đối diện với loại tội phạm rất khó, đó là những tội phạm đa nhân cách, lúc nó là người này, lúc là người kia, các chiến sĩ CAND không dễ xác định ai là tội phạm. Đây là loại tội phạm bị ức chế, hoang tưởng, khó chữa trị, thậm chí biến hóa linh hoạt, lúc là ông già, là chú bé, khi là kẻ ác, khi một người hiền khô.  Xác định tội phạm như thế nào đây?

Vở kịch của tôi còn đề cập đến hình ảnh người nữ Cảnh sát hình sự. Họ hóa thân vào sào huyệt để bắt gái mại dâm, bị đánh đập, tra tấn. Họ phải hy sinh cả hạnh phúc riêng tư để lao vào công việc. Vở kịch này dựng lên bức tranh phức tạp của xã hội. Và có cả phần tình cảm trong đó. Ở đây, công an không chỉ bắt tội phạm mà còn hướng thiện nữa, bắt tội phạm đã khó, nhưng để hướng thiện cho tội phạm còn khó hơn. Đó là tính nhân văn của vở kịch. Còn nếu đem ra để hù dọa, chém giết nhau trên sân khấu sẽ thiếu tính hướng thiện, tính nhân bản, vở kịch sẽ không đọng lại gì.

- Lần  đầu tiên tham gia liên hoan sân khấu về đề tài hình tượng người chiến sĩ công an, với vai trò là đạo diễn và một thể loại kịch hoàn toàn mới với sân khấu TP Hồ Chí Minh, anh đã vượt qua nó như thế nào?

- Lúc đầu đọc xong kịch bản, thú thực tôi định đưa cho người khác dựng nhưng một số đạo diễn họ từ chối. Tôi loay hoay không biết dựng ra sao, diễn như thế nào, vì tôi không biết gì về hình sự, về loại hình tội phạm này. Đây không phải là gu của mình. Tôi phải đi thâm nhập vào đời sống, tiếp xúc với các chiến sĩ Cảnh sát hình sự, nói chuyện nhiều với họ, tôi mới vỡ vạc ra, tôi không hình dung nổi cuộc sống lại phức tạp như thế. Có lúc tôi tưởng phải ngưng, không làm nữa vì đã làm phải tới, hơn nữa có nhiều cây đa cây đề, mình là đạo diễn trẻ, không thể bắt chước họ. Cuối cùng, tôi quyết định dựng vở kịch này.

Kịch bản ổn rồi, nhưng tôi luôn cảm giác có gì đó không thật. Tôi dừng lại, đi thọ giáo các anh Cảnh sát hình sự, đưa kịch bản cho họ đọc để tìm cho mình một lối ra. Rồi vở diễn lên sàn, diễn suất đầu tiên, tôi rất buồn, khán giả chưa quen với loại hình này, người miền Nam quen với giải trí, họ không thích những gì nghiêm ngắn để đi thi, họ cũng không quen với hình tượng công an đóng vai chính. Họ quen với việc tìm hiểu tội phạm nhiều hơn. Nhiều người xem một vài cảnh đã bỏ về. Sau đó, tôi phải ngồi lại, mời các chiến sĩ Cảnh sát hình sự đến xem và góp ý.

Tôi cảm thấy hình như mình đã đi sai, mình đưa ra câu chuyện mà người dân cảm thấy xa lạ với họ, họ xem mà không cảm được. Mình làm nghệ thuật, mình thích là một chuyện, nhưng tìm được sự đồng điệu của khán giả mới khó. Đến suất diễn thứ 2 thì khác hẳn, khán giả vỗ tay từng đợt, họ quen dần với sắc phục công an và họ thích.

Với "Kẻ máu lạnh", tôi khắc họa được hình tượng người chiến sĩ công an, có yếu tố hình sự gay cấn và pha trộn cả kinh dị, những yếu tố tâm linh, khiến vở kịch trở nên hấp dẫn.

- Nhưng làm sao anh có thể dung hòa được giữa sự nghiêm ngắn, chính luận của kịch hình sự và kịch giải trí?

- Tôi đưa vào vở kịch những ám ảnh tâm linh, nhân vật phân thân tự đối thoại với nhau... Khán giả thấy tài diễn xuất của diễn viên, sự biến hóa trong từng vai diễn một cách tài tình. Tôi nghĩ đó là những yếu tố hấp dẫn khán giả. Tôi đã đem được hình tượng người chiến sĩ công an vào kịch giải trí. Đây là điều rất khó. Qua vở diễn này, khán giả Miền nam thấy công an cũng như người bình thường. Đằng sau lớp áo tưởng như khô cứng đó, họ là những người cũng tha thiết yêu, buồn vui, lãng mạn. Tôi nghĩ "Kẻ máu lạnh" sẽ là một luồng gió mới về kịch hình sự công an nhân dân, nó sẽ đời hơn, sẽ mang tính giải trí hơn mà vẫn không mất đi tính nghệ thuật, tôn vinh hình tượng người chiến sĩ công an.

- Nhiều đạo diễn vẫn khẳng định rằng, đề tài Hình tượng người chiến sĩ công an rất hấp dẫn sân khấu, nhưng rõ ràng chúng ta vẫn đang thiếu những tác phẩm hay, đến được với đông đảo công chúng. Làm sao để thoát khỏi tư duy hạn hẹp của một ngành nghề và làm chỉ để đi thi?

- Đúng là từ trước đến nay chúng ta vẫn có cái nhìn hạn hẹp về đề tài này, thường chúng ta làm để đi thi với nhau, trong nghề cũng ít người xem. Tôi chưa biết có đạt được danh hiệu gì hay không, vì tâm thế tôi đi thi để học hỏi là chính. Nhưng có lẽ điều tôi tâm đắc nhất sau vở diễn này là người dân sẽ có thiện cảm hơn với công an. Họ hiểu được rằng mình đang được ai bảo vệ và các chiến sĩ công an đã hy sinh như thế nào.

Tôi luôn tâm niệm, cố gắng làm những gì hay nhất, gần với khán giả nhất để có thể đỏ đèn sân khấu rồi mới đi thi. Giải thưởng cao nhất đối với nghệ sĩ, với một đoàn hát là khán giả, anh có bao nhiêu huy chương, nhưng anh không có khán giả là thất bại rồi. Nghệ thuật phải vì khán giả trước hết. Có thể khán giả cho rằng vở này hay nhưng không được giải cũng là chuyện bình thường. Nhưng ngược lại, một vở diễn đầy huy chương mà khán giả không hề biết đến, không bán vé được thì rõ ràng là một thất bại.

- Anh là một trong bốn đoàn tư nhân tham gia liên hoan sân khấu. Anh còn dự định Bắc tiến, Minh Béo có nghĩ là mình liều không?

- Lần này chỉ có 4 đoàn tư nhân tham gia có 6 vở thôi. Đề tài công an không nhiều kịch bản. Họ không quen dựng. Rất khó. Tôi xác định năm nay là năm đi thi, để chinh phục khán giả.  Đợt hội diễn ở Thanh Hóa, tôi đã rất thành công. Sân khấu của tôi là sân khấu từ thiện. Sau khi trừ mọi chi phí, tôi sẽ làm từ thiện hết. Đoàn của tôi mới thành lập được 19 tháng, còn nhiều khó khăn, phải bù lỗ nhiều. Khi đi thi còn khó khăn gấp bội, vì mình phải tiết kiệm chi phí tối đa.

Một cảnh trong vở "Kẻ máu lạnh".

Hôm ở hội diễn Thanh Hóa, đoàn của tôi chỉ có 8 người, mỗi người đều phải kiêm nhiệm đủ việc, trong khi đoàn nhà nước có tới 70 người. Chúng tôi đi vé máy bay giá rẻ, ở nhà nghỉ thay cho khách sạn. Điều đó cho thấy chúng tôi khó khăn như thế nào. Như hôm nay, tôi cũng bay ra đây trước đoàn để đi giao vé cho buổi diễn "Xác sống" ở Nhà hát Tuổi Trẻ.

Đúng là tôi có liều thật, nhưng tôi tin mình có phong cách riêng, được khán giả yêu ở chương trình Lục lạc vàng. Tôi có một món ăn riêng, ma hài - kinh dị. Đồng nghiệp miền Nam biết tôi sẽ diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ, họ rất bất ngờ. Chinh phục khán giả Bắc cực khó, vì thế không nên đặt áp lực phải thành công, coi như diễn phục vụ khán giả. 

- Anh có nghĩ là mình ôm đồm quá không, làm MC, ca sĩ, diễn viên rồi bây giờ là bầu show? Anh không sợ mỗi thứ một tí sẽ chẳng là gì. Tôi muốn hỏi, điều tâm huyết nhất của anh là gì?

- Tôi làm tất cả vì yêu thích, nhưng điều tôi thực sự muốn vẫn là diễn viên hài. Tôi luôn sử dụng hài trong tất cả các lĩnh vực của mình. Tôi lập công ty cũng vì muốn thực hiện những vở diễn, những vai diễn mình yêu thích mà tôi không có cơ hội ở những sân khấu khác.

Với mọi người, tôi chỉ là ngôi sao bán vé thôi, chứ không có cơ hội vùng vẫy với nhân vật mình muốn. Như chị thấy, tôi vào vai tội phạm đa nhân cách trong "Kẻ máu lạnh", tôi nghĩ mình đã thành công. Hơn nữa, tôi muốn mở sân khấu này để cho các bạn trẻ làm việc và sau đó có tiền để làm từ thiện. Nhiều người bảo Minh Béo mở sân khấu mang danh từ thiện này để kiếm tiền, nhưng nói thật, chỉ đi diễn tôi còn kiếm được nhiều tiền hơn, không việc gì phải vất vả, tất bật như thế này. Mình cố gắng làm hết những gì của ngày hôm nay, coi như ngày mai mình không còn sống. Làm với tất cả cái tâm của mình, tôi tin sẽ thành công.

- Cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.