Nhà thơ, nhà báo Phạm Khải:

Đằng sau mỗi bài báo là những phận người…

Chủ Nhật, 21/06/2015, 11:00
Báo chí có trách nhiệm đưa tin và quyền được thông tin là quyền của độc giả. Nhưng, đằng sau mỗi bài báo là thân phận của một, thậm chí của nhiều con người, nhiều gia đình, dòng tộc. Bởi vậy mà cùng với trách nhiệm phải thỏa mãn quyền thông tin của độc giả, nhà báo còn phải có trách nhiệm với số phận của những con người khi mà họ trở thành nhân vật của mình.

Dồn đuổi một con người vào bước đường cùng, kể cả khi họ đã mắc sai lầm bằng những thông tin moi móc đời tư một cách vô cảm trên mặt báo; viết vụ án bằng góc nhìn chỉ thấy những chi tiết rùng rợn…- những bài báo như thế, có thể sẽ được một bộ phận công chúng quan tâm nhưng không đem lại lợi ích gì cho xã hội. Cũng bởi vậy, tiêu chí nhân văn luôn là tiêu chí hàng đầu của báo chí, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà hiện tượng báo chí thông tin kiểu giật gân, câu khách đã và đang trở thành vấn nạn.

Nhà thơ, nhà báo Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Viết về cái ác là để đề cao cái thiện

- Ông có thể đánh giá một cách khái quát nhất về việc đảm bảo nguyên tắc tính nhân văn trong thông tin báo chí hiện nay?

Để đảm bảo nguyên tắc tính nhân văn trong thông tin báo chí, theo tôi, trước mỗi một sự việc, người viết cần phải có cách nhìn nhận, suy xét sao cho thật "thấu tình đạt lý". "Thấu tình" để không làm oan người vô tội và "đạt lý" để không bỏ lọt người phạm tội. Có như thế sự việc mới được phản ánh một cách khách quan, công bằng.

- Có ý kiến cho rằng, báo chí muốn đứng đắn, nghiêm túc thì đừng đưa thông tin vụ án vì cứ đưa thông tin vụ án là giật gân, câu khách. Còn quan điểm của ông thì sao?

Không phải cứ đưa thông tin về vụ án là báo chí không đứng đắn, nghiêm túc. Vấn đề là cách đưa dẫn thông tin như thế nào. Đúng là trong sự cạnh tranh mang tính toàn cầu hiện nay, khi đưa thông tin về vụ án, các báo thường tìm cách đặt tít sao cho thật "hút" độc giả. Có thể gọi đó là cách đặt tít “giật gân câu khách”. Và để tạo nên sự giật gân, câu khách ấy, nhiều khi người viết phải bóp méo, làm sai lệch bản chất sự việc. "Lệch" đã là đáng trách rồi, "sai" nữa thì thật đáng lên án. Đã từ lâu, mấy chữ "giật gân câu khách" luôn tạo một ấn tượng không tốt trong cách nhìn nhận của những độc giả chân chính.

- Trong các khâu của quá trình lao động nhà báo, việc lựa chọn góc nhìn, thái độ tiếp cận sự việc của nhà báo là hết sức quan trọng. Đó là một trong những biểu hiện cụ thể nhất, rõ rệt nhất của đạo đức nhà báo. Phải chăng, những bài báo giật gân câu khách với những chi tiết phản cảm rùng rợn; những bài báo chà đạp lên quyền sống của con người cũng bắt đầu từ chính góc nhìn thiếu nhân văn của tác giả? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng như bạn nhận xét, trước biển cả thông tin hiện nay, việc lựa chọn góc nhìn, thái độ tiếp cận sự việc của nhà báo là hết sức quan trọng. Nó là tiêu chí để phân biệt đẳng cấp của nhà báo này với nhà báo khác; cũng là một cách để thể hiện tư cách, đạo đức nhà báo. Chúng ta đều biết, để tôn vinh những người cầm bút chân chính, một bậc lão thành đã đúc kết trong 6 chữ "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc". Rất hay và giàu sức khái quát. Tuy nhiên, cá nhân tôi thì tôi lại muốn điều chỉnh tí chút, rằng trong lĩnh vực đặc thù này, "có sáng lòng mới mong sáng mắt" - chính tấm lòng trong sáng của nhà báo trước con người, cuộc đời sẽ là cơ sở nền tảng giúp họ có cách nhìn nhận sự việc một cách thấu thị và thực sự nhân văn.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng có một nhận xét rất đáng chú ý: "Có tình cảm đúng mới mong nhìn đúng, hiểu đúng trong các vấn đề khoa học xã hội". Thậm chí, theo quan điểm của ông "một người dầu có nhiều tri thức xã hội, nếu tình cảm bị sai lạc thì vẫn ngu dốt hơn cả những người không học".

Trở lại với vấn đề bạn nêu, thiết nghĩ, một khi anh cầm bút chỉ để nhăm nhăm có được những bài viết thu hút sự chú ý của độc giả bởi những tình tiết câu khách rẻ tiền, chà đạp lên nhân phẩm của con người thì dù có thông minh sắc sảo bao nhiêu, cách nhìn sự việc của anh vẫn khó tránh được định kiến, thiên lệch.

Tập sách mới về nghề báo của nhà thơ, nhà báo Phạm Khải.

- Theo ông, trong thông tin vụ án, nếu người viết chỉ mô tả tội ác đơn thuần mà không lý giải nguyên nhân gây án, không rút ra những bài học ứng xử, bài học đạo đức cho công chúng thì tác phẩm báo chí đó có tác động tích cực với công chúng hay không?

Để xảy ra bất kỳ một vụ án nào cũng là một điều "cực chẳng đã" đối với các cơ quan chức năng. Là người cầm bút chân chính, chắc cũng không ai muốn vụ án xảy ra để mình có tin, bài. Bởi vậy, ngoài ý nghĩa đáp ứng thông tin đơn thuần, việc viết tin, bài về vụ án còn có ý nghĩa cảnh tỉnh công chúng; giúp họ rút ra những bài học xử thế để tránh lặp lại những vụ việc tương tự trong cuộc sống.

Tất nhiên, cũng có những thông tin tự thân nó đã là một bài học cảnh tỉnh, song đa phần vẫn cần sự phân tích, đánh giá một cách thấu đáo của người viết. Điều này giải thích tại sao lại có hiện tượng: Cùng phản ánh về một vụ việc, có bài báo khiến độc giả thương cảm, muốn chia sẻ nhiều với gia đình nạn nhân, trong khí có bài khiến độc giả đọc xong chỉ thấy rùng mình ghê sợ…

Những thông tin gọi là "giật gân", "câu khách" cũng sẽ đến lúc không còn dễ dàng thu hút độc giả

- Có một thực trạng dễ nhận thấy là trong các bài viết vụ án, thủ phạm gây án thường bị chỉ trích, lên án, thậm chí gay gắt bằng lời đánh giá của người viết mà hầu như không có cơ hội được nói lại. Thủ phạm cũng ít khi được người viết đặt trong bối cảnh chung (môi trường sống, hoàn cảnh gây án). Theo ông, góc nhìn như thế có đảm bảo nguyên tắc nhân văn hay không?

Có một hiện tượng xấu, rất đáng báo động trong làng báo chúng ta hiện nay, đó là cách nhìn nhận về tội phạm. Dường như khi một người gây án, bất chấp nguyên nhân thế nào, nhân thân, quá khứ của họ ra sao, nhiều cây bút cứ lăn xả vào mà "tổng sỉ vả" và "bôi"  lên họ đủ thứ hình thù kỳ quái, như thể họ là con thú khát máu ngay từ lúc lọt lòng, trong khi chúng ta đều biết rằng, ranh giới để biến một người từ một công dân bình thường sang một tên tội phạm đôi khi lại rất đỗi mong manh.

Cũng có một thực tế, khi viết về một vụ án nào đó, không phải ai cũng có điều kiện và có ý thức phải tìm gặp để đối thoại trực tiếp với thủ phạm. Thậm chí, không ít người viết thiếu lương tâm còn "thêm mắm thêm muối" vào các hành vi tội lỗi của hung thủ cho bài viết thêm phần "giật gân". "Lý lẽ" họ đưa ra là "Cái bọn đầu gấu, trộm cắp ấy vào tù cả lũ rồi, còn kiện thế nào? Với lại cái loại chúng nó thì có cầm đến tờ báo bao giờ". Rõ ràng, cách viết về tội phạm như vậy làm sao đảm bảo nguyên tắc nhân văn.

Các phóng viên tác nghiệp tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nga.

- Một trong những yếu tố quan trọng để tác phẩm báo chí đến được với công chúng, đó chính là tính hấp dẫn. Trong thông tin vụ án, theo ông, làm thế nào để vừa đảm bảo tính hấp dẫn mà không bị sa vào rẻ tiền, giật gân, câu khách?

Báo chí khi đưa thông tin vụ án, để vừa đảm bảo tính hấp dẫn mà không bị sa vào rẻ tiền, giật gân, câu khách đòi hỏi người viết phải cất công tìm hiểu kỹ vụ việc. Dường như đằng sau mỗi vụ án đều có ít nhiều ẩn ức của người trong cuộc (có thể là của nạn nhân, gia đình nạn nhân và thủ phạm). Không thể chỉ nhìn bề nổi của sự việc rồi mặc sức đưa ra lời phán xét.

Hiện nay, người đọc dường như đã đến thời kỳ "bội thực" thông tin, kể cả thông tin về vụ án. Những thông tin gọi là "giật gân", "câu khách" cũng sẽ đến lúc không còn dễ dàng thu hút độc giả. Những cách "ăn xổi" sẽ dần bị đào thải, nhường chỗ cho cách làm việc có chiều sâu.

- Để đảm bảo tính nhân văn trong thông tin vụ án, theo ông, cần phải làm gì (trong tất cả các khâu sáng tạo tác phẩm báo chí: từ định hướng tiếp cận hiện thực, viết bài, biên tập, xuất bản)?

Để đảm bảo tính nhân văn trong thông tin vụ án, các cơ quan báo chí cần phải thường xuyên tổ chức các cuộc họp nhằm rút kinh nghiệm và định hướng cho phóng viên. Lãnh đạo tờ báo phải có thái độ nghiêm khắc, có cái nhìn đúng đắn về việc thông tin vụ án trên báo chí, đồng thời quán triệt tinh thần đó tới tất cả các bộ phận làm chuyên môn trong tòa soạn: Từ phóng viên tới biên tậpviên và Thư ký tòa soạn.

- Xin cảm ơn nhà thơ, nhà báo Phạm Khải.

Song Thi (thực hiện)
.
.
.