Tùng Dương “Thiêu thân” trong âm nhạc

Thứ Sáu, 25/08/2017, 10:30
“Trời và đất”- live show mới mà Tùng Dương đang chuẩn bị, có hàm chứa yếu tố âm dương giao hòa, là kết tinh tinh thần của một người nghệ sĩ, muốn mang đến những gì bùng nổ nhất và cũng lắng đọng nhất, ở một giai đoạn tuổi đời, tuổi nghề đều đã đủ độ chín.


Tùng Dương gửi cho tôi xem một bài hát mới của một nhạc sĩ rất trẻ. Bài hát có tựa đề “Thiêu thân”. Tùng Dương bảo, bài hát này bạn đó viết riêng cho Dương. Tôi đọc phần lời. Thấm thía và thấm thía. Có lẽ người bạn đó đã rất hiểu Dương, hiểu con đường, sứ mệnh mà Dương đang đi.

Hôm đó trong quán cà phê, một vị cựu quan chức báo chí, vốn coi Tùng Dương như một người em, mới hỏi vui, Tùng Dương khai thật xem tài sản của cậu giàu đến mức nào. Tùng Dương cười rồi đáp lại, anh nghĩ xem, một người làm nghệ thuật chỉ theo đuổi những thứ mình thích, phù hợp với mình, không đuổi theo thị trường như em thì có nhiều tiền không? Vị quan chức nọ gật gật đầu. 

Chắc ông  hiểu sự gian nan của người tiên phong như Tùng Dương. Trong cái chợ nghệ thuật, nếu có thể nói như vậy, đôi khi người ta dễ kiếm bộn tiền nếu biết chiều lòng công chúng, “bán” một giá trị cũ đã định hình, một cái gì đã quen, đã thân thuộc với số đông. Còn với những người tiến về cái mới, mong muốn tạo ra cái mới thì chuyện “bán hàng” chắc chắn phải khắt khe hơn. 

Như chính bày tỏ của Tùng Dương: “Kinh doanh âm nhạc khá là quan trọng để chúng ta giải quyết khâu tiêu thụ. Công sức chúng ta đầu tư mà không tiêu thụ được thì cũng khó mà tạo ra ảnh hưởng. Nhưng dù vậy, tôi không phải người đặt thương mại lên hàng đầu. Tài chính cần lắm, nhưng con đường mà tôi đi có lẽ hướng về nghệ thuật nhiều hơn”.

Tùng Dương bảo, không phấn đấu làm người hát hay. Người hát hay, hát đẹp trên đời này nhiều lắm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi, hai từ nghệ sĩ, với nghĩa đích thực của nó, vẫn là chưa đầy đủ, vẫn còn khuyết thiếu. Tùng Dương muốn nghệ thuật mà mình mang đến phải đi cùng với một triết lý, một tư tưởng nào đó đậm dấu ấn cá nhân mình. 

Tôi hiểu ý Tùng Dương, rằng đi kèm với giọng hát, bài hát, phải là một văn hóa cá nhân đủ sức nặng của người hát. Và công chúng có nhắc tới người nghệ sĩ đó, không chỉ đơn thuần là nhắc về một vài bài hit, mà nhắc về một cá tính, một tuyên ngôn, một định nghĩa nghệ thuật. 

“Trời và đất”- live show mới mà Tùng Dương đang chuẩn bị, có hàm chứa yếu tố âm dương giao hòa, là kết tinh tinh thần của một người nghệ sĩ, muốn mang đến những gì bùng nổ nhất và cũng lắng đọng nhất, ở một giai đoạn tuổi đời, tuổi nghề đều đã đủ độ chín. 

Tùng Dương thường ngẫm rất lâu về một cái tên. Một cái tên chương trình phải chuyển tải được thông điệp nghệ thuật đủ sâu sắc mà anh muốn hướng đến. 

Dương diễn đạt về sự hiểu mình như thế này: “Khi con người nhận ra Trời cao Đất dày là khi ta đã bước qua giai đoạn chín muồi của cuộc đời. Người ta nói "Tam thập nhi lập", ý ám chỉ một người đàn ông khi trên ba mươi thì đã thấu hiểu những nguồn cơn của Trời và Đất, thấu hiểu sự đối lập mới dẫn đến sự sinh sôi, hiểu được tất cả vạn vật trong vũ trụ cần sự va chạm mà thành ra sự sống”. 

Đời một con người hay đời một người nghệ sĩ cũng vậy thôi, hoài thai từ những thấu hiểu đó. Ai nhìn thấy sự chuyển động của đất trời, của sự sống, người đó hiểu sứ mệnh của riêng mình trong kiếp người ngắn ngủi này.

Với Tùng Dương, không có gì là không liên quan đến nghệ thuật, không hàm chứa tinh thần tiên phong. Tiên phong trong việc ưu tiên những bài hát mới, của những tác giả có tư duy mới. Tiên phong trong việc sáng tạo lại những bài hát cũ, những giá trị cũ. Và tiên phong trong cả thời trang lẫn sân khấu. 

Bởi, để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn đúng nghĩa, giọng hát thôi là chưa đủ, dẫu cho giọng hát mà Dương có đã là tài sản lớn đáng mơ ước của nhiều nghệ sĩ rồi. Một người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu, họ là một tuyên ngôn về thứ nghệ thuật họ mang đến. Họ là một tổng thế, một chỉnh thể, với nhiều ngôn ngữ biểu đạt cộng hưởng, bên cạnh giọng hát Trời phú cho. 

Vì lý do đó, với Tùng Dương, không có gì là vô tình, tất cả đều có vai trò kể chuyện. Dương thích cách nói của ai đó, một nghệ sĩ đúng nghĩa là khi chỉ cần họ xuất hiện đã tạo ra ảnh hưởng, chưa cần họ cất tiếng hát.

Tùng Dương là người quyết liệt, triệt để với cái mới. Dương nghĩ nhiều về hai chữ sứ mệnh. Một bài hát trước khi vào tay Dương, nó là con đẻ của người nhạc sĩ. Nhưng gặp Dương rồi, thì nó tiếp tục là con đẻ của Dương, quyết không phải “con nuôi”. Dương sẽ cấp cho “đứa con” ấy một mã gen mới, để nó được sinh ra thêm một lần nữa, đầy đặn thêm một lần nữa. Nó phải mang cá tính Tùng Dương, bản sắc Tùng Dương. 

Dĩ nhiên, người cha đẻ của bài hát cũng sẽ luôn hài lòng vì cách mà đứa con của họ được sống thêm một cuộc đời mới đó. Nếu không làm được như vậy, Tùng Dương sẽ chẳng thể nào trở thành một tên tuổi, cá biệt và cũng rất đại chúng trong đời sống âm nhạc.

Nói về chuyện phổ cập tên tuổi trong âm nhạc, Tùng Dương không quan tâm nhiều lắm. Anh tự hiểu rằng với những giá trị mình theo đuổi, không dễ để có thể làm hài lòng tất cả công chúng. Thưởng thức nghệ thuật liên quan đến gu thẩm mỹ của từng người. Khi cái tai nghe của công chúng còn nhiều hạn chế, những người tiên phong không dễ được chấp  nhận ngay. 

Sự cô đơn đó họ phải tự mang vác, ngay cả khi họ làm nghệ thuật ở những quốc gia công chúng nghe nhạc cao cấp hơn. Trên cái tháp ngà nghệ thuật đó, người nghệ sĩ càng ở tầng đáy càng nhiều đám đông. Mỗi khi họ lên cao hơn một bậc, khoảng cách của họ với đám đông sẽ càng xa hơn một chút. Nếu thấu hiểu điều này, “người đi tìm kiếm” chẳng có gì phải phiền lòng.

Nói như vậy không có nghĩa là Tùng Dương xem nhẹ khán giả. Những tìm tòi của anh, sở dĩ vẫn luôn được công chúng đón nhận nồng nhiệt, bởi vì đó là những tìm tòi chứa đựng hơi thở của đời sống hiện đại này, nó không hũ nút, không làm màu làm mè, làm quá, không cố tình khác biệt. 

Nó là sự tìm tòi mà trong đó, người ta không thể không nhìn ra sự số gắng của Tùng Dương, ngoài việc tiên phong không thỏa hiệp, còn là biết cầu thị, lắng nghe. Tưởng như hai việc đó mâu thuẫn nhau, nhưng kỳ thực là không hề mâu thuẫn. 

Khi người nghệ sĩ đủ tài năng, cộng với hiểu biết và trí tuệ của mình, trung thực tận cùng với mình, thì cái mới mà họ theo đuổi sẽ gặp được công chúng, hài hòa với công chúng. Và sự hài hòa đó sẽ là ở cấp độ cao hơn, như Đất và Trời.

Tùng Dương làm nghệ thuật có “tham vọng” không, và tham vọng đó, nếu có, là gì? Dương khẳng định, tham vọng của anh chính là nghệ thuật. Tiền hay danh tiếng, nó là thứ đến sau, là hệ quả của vế đầu tiên. 

“Nếu chỉ danh tiếng có thể Tùng Dương đã “xuôi theo dòng” từ lâu. Không quá khó để làm khán giả thích. Và phần lớn cái khán giả thích thường không khó. Nhưng, sự trôi đi đó liệu có thể để lại dấu vết gì”. 

Đôi khi có những người nhân danh nghệ sĩ, họ đi qua và mất tích, bởi dấu ấn cá nhân, lao động sáng tạo cá nhân của họ quá ít, quá mỏng, quá khiêm tốn. Họ vuốt ve công chúng của mình, chứ không chịu đi sâu, đào luyện, lặn ngụp trong thăm thẳm đáy nước, để tìm một bông san hô của riêng mình. Dấu vết, chỉ có thể ám ảnh công chúng lâu dài khi người nghệ sĩ để lại dấu vết. Bằng không, tất cả chỉ là sự mua vui, sự trượt qua mà thôi.

Bởi vậy, Tùng Dương thực sự không quá đề cao yếu tố Trời cho. Được nọ khuyết kia, Trời có lẽ cũng công bằng khi không cho ai nhiều đến mức họ lúc nào cũng là đủ. Luôn là không đủ để mỗi chúng ta cần phải biết sử dụng năng lượng cá nhân mình. 

Tài năng thực sự không nằm ở cái ban đầu Trời cho, mà ở sự quyết liệt dấn thân, quyết liệt tìm kiếm, dâng hiến của người nghệ sĩ. Thực tế chưa bao giờ lao động trong nghệ thuật được đánh giá thấp. Nó có thể không hiệu quả với người bất tài, còn với người có tài, nó là đòn bẩy, là thước đo để ta hình dung về tầm vóc của người đó.

Tôi rất thích lời của bài hát mới “Thiêu thân” mà Tùng Dương sắp hát trong live show sắp tới của mình, ngày 23-9. Tác giả bài hát này còn rất trẻ, viết riêng cho Tùng Dương. 

Trong bài hát có những câu rất đặc biệt: “Bay đi bay đi trong giấc mơ nghìn thu/ Bay đi bay đi thiêu đốt thân phù du”. Giống như một sự liên tưởng nào đó giữa thân phận, sứ mệnh của người nghệ sĩ với thân phận phù du của loài thiêu thân. Nó chỉ có một con đường duy nhất là ánh sáng. Lao về phía ánh sáng, đốt toàn bộ năng lượng, đam mê của mình cho ánh sáng. Một cuộc “được ăn cả ngã về không” với cái đích giá trị mà mình đã hướng tới, không phân vân, đắn đo, không hoang mang, lo sợ.

Một người mang niềm tin lớn vào chính mình như Tùng Dương sẽ chỉ đi về phía nghệ thuật, tìm kiếm và làm đầy đời sống phù du vốn thoảng qua. Như cơn gió đi tìm bước chân mình trong mênh mông bầu trời. Như loài cá đi tìm vết chân mình trong biển cả. Như cái cây vươn vào bao la để tìm gốc rễ mình trên mặt đất... Bởi vì, hạnh phúc là nằm trong dấu vết của những cuộc tìm kiếm đó. Như thiêu thân kia sẵn sàng lao về phía có ánh sáng, dẫu có thể phải đốt cháy mình để được sống với toàn bộ đam mê không cần do dự...

Quỳnh Vũ
.
.
.