Trần Ly Ly sự chuyển động của cái đẹp
Được nhận danh hiệu NSƯT khi tuổi đời còn rất trẻ, trong một công việc còn nhiều hồ nghi như múa đương đại, có nghĩa rằng Trần Ly Ly đã được thừa nhận, vì những nỗ lực không ngừng nghỉ, không mệt mỏi của cô cho ngành múa. Cô là nghệ sĩ trẻ ít nhiều đã đóng góp công sức của mình để làm thay đổi nhận thức, thay đổi thẩm mỹ của công chúng trong nước, khi nghĩ về ngành múa. Một sự chuyển động cần thiết của cái đẹp, để vượt qua những cũ kỹ, đơn điệu, nhàm tẻ mà bấy lâu nay, ngành múa mắc phải.
Trần Ly Ly cho người đối diện một cảm giác chân thành, ấm áp. Cô đơn giản, ít màu mè, và câu chuyện bao giờ cũng đi thẳng, trực diện vào vấn đề. Ly Ly không có cái vẻ phù phiếm của showbiz, dù cho cô đang tham gia hoạt động trong môi trường đó. Ở cô, mọi thứ đều có xu hướng đi theo chiều sâu, không chuộng vẻ bề ngoài mĩ miều, xủng xoảng. Đã nói về nghề là nói đến tận cùng, rốt ráo, nói bằng học thuật, bằng kinh nghiệm, tình yêu và đam mê.
Mạnh mẽ, thậm chí dường như có chút nam tính, nhưng cũng rất nhẹ nhàng, nữ tính, truyền cảm khi cần, khiến cho ta có cảm giác Ly Ly luôn biến ảo, khó nắm bắt. Hay nói khác hơn, Ly Ly luôn luôn chuyển động, ngay cả khi cô không múa. Một sự chuyển động của tư duy mà người tinh ý hiểu rất rõ, rằng cô là của hiếm của ngành múa. Một người được học hành bài bản ở những trường múa danh giá của thế giới, được khán giả và đồng nghiệp quốc tế thừa nhận trước cả khi được khán giả, đồng nghiệp trong nước thừa nhận.
Trần Ly Ly vốn là con nhà nòi, có bố nguyên là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng múa Việt Nam, mẹ là nghệ sĩ múa ballet. Từ nhỏ, dù bố mẹ không khuyến khích lắm, vì sợ con đi theo ngành múa vất vả, Ly Ly vẫn cứ nhảy múa khi có tiếng nhạc. Một thứ bản năng từ trong máu, trong gen di truyền đã đẩy Ly Ly theo con đường này, bất chấp sự ủng hộ yếu ớt của cha mẹ.
10 tuổi, Trần Ly Ly vào trường múa, sống một đời sống với kỷ luật vô cùng gắt gao của một nghệ sĩ múa. Những kỷ luật đó là thử thách cam go mà chỉ những đứa trẻ mang trong mình tài năng thiên bẩm cộng với niềm đam mê mãnh liệt mới có thể vượt qua được.
Mỗi ngày cô bé phải đứng trên các đầu ngón chân nhiều giờ liền, và tập những động tác khó vô cùng. Làm quen với đau nhức, mệt mỏi mỗi ngày tập luyện, Trần Ly Ly vẫn kiên trì theo đuổi trường múa. Cô bé gần như không có tuổi thơ hái me trèo sấu cùng bạn bè. Mọi nỗ lực, mồ hôi, và cả nước mắt đã đổ xuống sàn tập.
Nghề múa là nghệ khó và khổ. Khó ở chỗ phải học rất nhiều năm tháng mới thành nghề. Không bao giờ có chuyện sau một đêm tỉnh giấc là có thể trở thành một nghệ sĩ múa được công chúng biết đến, như không ít người được gọi là "ngôi sao" trong đời sống showbiz hôm nay.
Ly Ly lại còn thiệt thòi hơn các nghệ sĩ múa khác ở chỗ, cô không được trời phú cho một ngoại hình đẹp bắt mắt. Vẻ đẹp cá tính, góc cạnh của Trần Ly Ly vốn không quen mắt với khán giả trong nước. Cái gọi là nhan sắc theo quan điểm thuần túy Á Đông, Ly Ly dường như không đạt chuẩn. Nhiều lần đi biểu diễn, Ly Ly tủi thân rớt nước mắt khi bị chê, nghệ sĩ gì mà xấu thế. Mặc cảm về ngoại hình khiến nữ nghệ sĩ múa tài năng có lúc cảm thấy hụt hẫng, muốn bỏ nghề múa.
Nhưng rồi tình cờ Trần Ly Ly gặp một nghệ sĩ người Pháp là Régine Chopinot. Người nghệ sĩ nổi tiếng ấy đã nhận ra vẻ đẹp lạ, đặc biệt, và nhất là tài năng thiên bẩm của Trần Ly Ly. Bà đã giúp Ly Ly sang Pháp thực tập và sau đó làm việc trong đoàn múa đương đại nổi tiếng của Pháp do bà làm giám đốc.
Như tìm được đúng mạch nguồn của mình, Ly Ly được tiếp thêm sức mạnh để phát triển tài năng múa thiên bẩm của mình. Ở Pháp, cô được khán giả yêu mến. Vẻ đẹp cá tính của cô tạo nên một sự thu hút đặc biệt đối với khán giả. Ly Ly nhận ra rằng, tư duy của cô về múa đương đại cực kỳ phù hợp khi làm việc với các nghệ sĩ quốc tế. Những mặc cảm về hình thức bay biến.
Và Trần Ly Ly chợt nhận ra một điều cực kỳ sâu sắc, rằng vẻ đẹp của mỗi người là do quan niệm, do cách nhìn. Quan trọng nhất là tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ. Với nghề biên đạo múa, Ly Ly quan niệm, mỗi tác phẩm của cô phải mang một thông điệp sâu sắc về cuộc sống, phải ẩn chứa một ngôn ngữ sáng tạo riêng, cá biệt.
Sau một thời gian làm nghệ thuật tại Pháp, Trần Ly Ly đến Úc theo học tiếp ngành múa đương đại ở bậc cao hơn. Không có học bổng, không có lương, Ly Ly phải làm thêm đủ thứ nghề để sống, từ rửa bát, quét dọn nhà vệ sinh. Cuộc sống xa nhà tự lập đã dạy cho Ly Ly nhiều bài học quý, để hiểu về giá trị của cuộc sống và của nghệ thuật.
Một nỗi niềm còn lớn hơn cả khó khăn vật chất đối với Ly Ly, là cô luôn thấy mình cô đơn, lạc lõng nơi xứ người. Dù cho với trình độ của mình, Ly Ly có thể được chào đón tại nhiều quốc gia có nền nghệ thuật múa đương đại phát triển, nhưng cô thiết tha muốn quay về nước, dù cô biết cô sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Thách thức lớn nhất là ở trong nước, nghệ thuật múa đương đại vẫn chưa phát triển, chưa được thừa nhận, số người dám dấn thân theo đuổi nó, hiểu về nó càng ít. Nhưng quay về là cách Trần Ly Ly lựa chọn. Cô nghĩ, nếu không phải mình là người bắt đầu cho con đường khó này thì ai sẽ có thể bắt đầu.
Về nước, việc đầu tiên là cô tham gia công tác giảng dạy tại Trường Múa Việt Nam. Tại đây, cô giáo Trần Ly Ly đã đào tạo ra được một lứa học trò theo đuổi nghệ thuật múa đương đại. Cô bắt đầu dựng các tác phẩm múa cho học trò của mình. Những tác phẩm đó dù còn lạ lẫm với người xem, nhưng sau những buổi trình diễn đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả.
Công chúng đã có những hình dung ban đầu về múa đương đại. Rất nhiều người đã nói, Trần Ly Ly điên rồ quá, khi từ bỏ những điều kiện thuận lợi ở nước ngoài để về nước, "mò mẫm" trong địa hạt khó khăn mà có khi cô mất cả tuổi trẻ cũng không tạo ra được những kết quả mong đợi. Nhưng suy nghĩ đó đã được phá tan, khi mà những thành tựu đầu tiên của Ly Ly được khán giả cũng như giới chuyên môn thừa nhận. Học trò của Ly Ly bây giờ đã trở thành những hạt nhân cứng trong các đoàn nghệ thuật múa.
Mấy năm trước Trần Ly Ly rời Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, nhận vị trí Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Cao đẳng Múa TP Hồ Chí Minh. Đầu tư vào công việc giảng dạy, cô tạm quên đi nhiệm vụ sáng tác, dành toàn bộ tâm huyết để đào tạo những lứa học trò giỏi nghề cho thành phố.
Khi làm Giám khảo chương trình "Bước nhảy hoàn vũ", nữ biên đạo múa nổi tiếng chia sẻ, cô rất muốn chứng minh với mọi người, rằng múa không phải chỉ là câu chuyện của cơ bắp. Múa là câu chuyện của cái đầu, của trí não, của tư duy. Một nghệ sĩ múa đương đại cần phải bỏ ra khỏi suy nghĩ của mình những thói quen truyền thống, những động tác truyền thống theo kiểu dạy dỗ cố định của nhà trường.
Nghệ sĩ múa đương đại phải thực sự hiểu cơ thể mình, hiểu đời sống nói chung trong dòng chảy của nó, và mối chuyển động của cơ thể phải là tiếng nói đặc biệt mang cá tính, hiểu biết của chính người nghệ sĩ. Ngôn ngữ đó hoàn toàn tỏa ra từ văn hóa của người nghệ sĩ, nó nhất định không phải sự copy của ai đó, không phải thói quen, càng không phải là sự lệ thuộc của sự dạy dỗ đóng khung. Cho nên, một người có kỹ năng non nớt, tri thức hiểu biết kém, rất khó có thể trở thành một nghệ sĩ múa đương đại thực sự.
Ly Ly kể, cô từng rất buồn khi những vở diễn đầu tiên của mình đã rơi vào im lặng. Truyền thông và công chúng không khen cũng không chê. Có lẽ vì môn nghệ thuật này quá mới mẻ, người ta xem xong rồi không có lý luận để khen hay chê, hay so sánh. Ly Ly cảm thấy như mình rơi vào vực thẳm, không lối thoát. Có lúc cô trầm cảm.
Rồi cô nghĩ, mình phải tiếp tục, vì mình đã chọn trở về nước và phải đi con đường này. Và con đường cuối cùng cũng đã mở ra những trang mới. Trần Ly Ly đã được thừa nhận ở quê nhà, nơi cô trở về với bao nhiêu lo lắng hồ nghi. Và danh hiệu NSƯT mà cô vừa được nhận là một ghi nhận xứng đáng của Đảng và Nhà nước, của các nhà chuyên môn cho những đóng góp của cô với môn nghệ thuật còn rất non trẻ ở Việt Nam.