“Sao Mai” Đinh Trang:

Tôi thấy lo lắng cho nền thanh nhạc Việt

Thứ Hai, 18/04/2016, 13:54
Đinh Trang nói, chị không chạy theo đám đông hay sự nổi tiếng. Theo đuổi dòng nhạc thính phòng là một hành trình dài và có phần lặng lẽ. Câu chuyện Ninh Đức Hoàng Long đoạt giải Opera quốc tế là một cú hích giúp những nghệ sĩ như chị lấy lại niềm tin và nhiệt huyết để đi đến cùng con đường của mình.


- Chắc hẳn Đinh Trang và những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc thính phòng sẽ rất vui khi nhận được tin Ninh Đức Hoàng Long được giải Opera quốc tế?

+ Tôi gặp Long từ khi cậu ấy còn ở trong trường, lúc đó tôi đã nghĩ rằng, chắc chắn với giọng hát, tâm huyết và sự chăm chỉ, Long sẽ làm nên điều gì đó. Tôi rất mừng khi Long được nhận học bổng đi du học và đạt được thành quả hôm nay.

Tôi hy vọng bạn ấy sẽ có thể trở về làm một điều gì đó cho âm nhạc nước nhà. Tôi cảm thấy có niềm tin và hy vọng, một thế hệ như chúng tôi, với tâm huyết của mình sẽ góp phần thay đổi những sự trì trệ của nền âm nhạc Việt Nam. Tôi rất đam mê thanh nhạc và thích nghiên cứu, tìm tòi.

Tôi luôn có tâm niệm muốn góp một phần nhỏ bé của mình để cho âm nhạc Việt Nam có chỗ đứng trên thế giới, tôi thích hướng tới sự văn minh của họ.

- Rõ ràng sự thành công của Hoàng Long đã khẳng định một điều rằng, người Việt mình không thua kém trên đấu trường quốc tế. Vấn đề là chúng ta đã nhìn nhận về khả năng của mình đúng mực hay chưa mà thôi?

+ Người Việt rất nghi ngờ tài năng thanh nhạc của người Việt. Các chuyên gia nước ngoài vẫn đánh giá cao giọng hát của các ca sĩ opera Việt, họ nói rằng, âm sắc của người Việt rất đẹp, nhưng chúng ta không được đào tạo một cách cơ bản để tốt hơn thôi. Người Việt luôn tự ti mình bé nhỏ, không có nội lực nên không thể ra đấu trường quốc tế để thi thố.

Tôi hay nghe opera, có những con người bé nhỏ, nhưng giọng ca rất tuyệt. Vấn đề nằm ở đâu, ở trình độ, sự khổ luyện, đào tạo. Sự thành công của Hoàng Long cho thấy, chúng ta có thể làm được điều gì đó ở địa hạt cao cấp này.

- Tôi biết Đinh Trang cũng từng nhận được học bổng ra nước ngoài du học, nhưng chị lại từ chối. Vì sao vậy, bởi rõ ràng, ra nước ngoài chị sẽ có nhiều cơ hội hơn cho dòng nhạc mình đang theo đuổi?

+ Tôi đam mê nhưng không có quá nhiều tham vọng, tôi muốn dung hòa mọi thứ, nếu ra nước ngoài học, tôi sẽ có nguy cơ phải đánh đổi cả những hạnh phúc riêng tư. Lúc đó tôi cũng chưa có những ý nghĩ táo bạo, mà chỉ nghĩ rằng mình sẽ cố gắng đưa ra những sản phẩm âm nhạc với cách hát văn minh để tiệm cận với khán giả.

Hơn nữa, có một thực trạng, nhiều nghệ sĩ đi học ở nước ngoài về, không còn hát được những bài Việt Nam hay nữa vì họ ở nước ngoài quá lâu. Trong khi đó tôi chỉ thích hát nhạc Việt và góp một phần nhỏ bé để nâng cao thị hiếu âm nhạc cho người Việt mà thôi.

- Vì sao chị lại theo đuổi dòng nhạc kén người nghe và gần như vắng bóng trong đời sống của người Việt bây giờ?

+ Nhiều người cũng hỏi tôi câu đó, họ phàn nàn sao dại thế, chung thủy mãi với một thứ âm nhạc “già cỗi”. Tôi thích những gì lâu bền, sâu sắc, nên năm thứ 7 tôi mới dám thi Sao Mai, bởi tôi nghĩ những điều đó cần thời gian, cần độ chín chứ không thể vội vàng. Dòng nhạc thính phòng gần như không có đời sống.

Khi thi Sao Mai, tôi cố gắng đưa thính phòng vào để người nghe quen dần, ngấm dần. Đó là dụng ý của tôi, tôi có một khát vọng, sẽ cố gắng đưa thính phòng dần dần len lỏi vào nhân dân, để mọi người có thể tiếp cận và yêu thích. Có nhiều người đang cùng với tôi như ca sĩ Vũ Thắng Lợi, muốn làm điều gì đó thay đổi nền âm nhạc, mình làm tốt thì âm nhạc Việt Nam mới phát triển.

- Có lúc nào chị thấy mỏi mệt trên hành trình đơn độc đó không, bởi âm nhạc Việt bây giờ đang bị lấn át bởi thị trường giải trí?

+ Có những lúc tôi bất mãn vì ước mơ, khao khát của mình với âm nhạc thính phòng nhiều khi thật xa vời. Công việc của tôi khá ổn vì tôi vẫn kiếm sống bằng dòng nhạc dân gian. Tôi thương cho những ca sĩ có niềm đam mê nhưng xuất phát chậm trong tình cảnh ngổn ngang bây giờ. Nhiều sinh viên trường nhạc thông minh, có tố chất, giọng đẹp, nhưng học một thời gian các em thấy nản, thấy buồn vì hoang mang, học xong rồi sẽ làm gì.

Bây giờ các cuộc thi truyền hình lấn sân đời sống âm nhạc, làm cho giá trị thực sự và những người hoạt động nghệ thuật thực sự bằng trí óc không có chỗ đứng. Nhiều sinh viên tốt nghiệp cao học, nhưng thất nghiệp. Nhiều khi chúng tôi thấy hoang mang lắm.

- Đinh Trang đến với âm nhạc khá muộn, lại lựa chọn một dòng nhạc kén người nghe như Opera, điều gì giúp chị kiên định với lựa chọn của mình?

+ Tôi tốt nghiệp Đại học Vinh, ra nhạc viện bằng hai bàn tay trắng, lúc đó tôi 21 tuổi, tự tìm thầy cô, tìm nhà thuê. Chỉ có niềm đam mê âm nhạc, tôi nghĩ rằng, nếu tôi không theo đuổi, tôi biết mình sẽ nuối tiếc, hối hận và sẽ không hạnh phúc. Ba mẹ tôi ngăn cản, vì muốn lựa chọn sự an toàn. Nhưng tôi nói với ba mẹ rằng, con thích khổ đã, vượt qua được giai đoạn này sẽ ổn và có niềm tin.

Ngày đó tôi không đi diễn, vì tôi sợ khi mới tiếp cận kỹ thuật thanh nhạc mà lo đi diễn, chạy show kiếm sống mình sẽ không giữ được sự thuần khiết. Tôi nói với NSND Trung Kiên, tôi sẵn sàng bỏ diễn để theo học, thầy lo tôi cũng bị đồng tiền cuốn đi.

- Tôi thấy trên facebook của Đinh Trang cũng bày tỏ khá nhiều quan điểm thẳng thắn về nghề, về cuộc sống. Chị không ngại mình bị “ném đá” vì là người của công chúng sao?

+ Tôi nghĩ, đó là ý thức công dân. Nếu ai cũng sợ hãi thì còn ai để bày tỏ quan điểm. Tôi thấy lo lắng về nền thanh nhạc Việt sẽ đi về đâu khi thế hệ các thầy như thầy Trung Kiên, thầy Quang Thọ đi qua. Bây giờ, rất ít người có tâm huyết. Tôi có những người bạn rất thân, đam mê, chăm chỉ, tâm huyết với nghề nhưng rồi phải bỏ nghề vì không có cơ hội.

Một số người trẻ đang dần tụt dốc và sai lệch về hướng đi, vì lo mưu sinh, chạy theo cuộc sống. Nếu chúng ta không thay đổi, thì không chỉ tài năng mà đạo đức làm nghề cũng bị kéo xuống. Tôi luôn nghĩ rằng, tiền bạc hay danh vọng cũng chỉ là phù du, nếu mình không có tri thức, hiểu biết, không tiếp cận được sự văn minh của xã hội thì mình sẽ tự đánh mất chính mình. Khi tốt nghiệp nhạc viện, tôi cũng rất hoang mang. Nhưng tôi luôn cố gắng là chính mình, đôi khi phải đấu tranh với mình để được là chính mình.

- Tôi thì cho rằng, cái bả danh vọng, hào quang cũng hấp dẫn lắm, mấy ai dễ từ chối nó đâu?

+ Tôi rất hay suy nghĩ, bởi nếu không nghĩ, tôi đã không đủ bản lĩnh để theo đuổi con đường của mình đến cùng. Nghề của tôi quá nhiều cám dỗ, nếu mình không kiên định, sẽ đi theo hướng khác ngay. Tôi luôn biết tiết chế bản thân để giữ mọi thứ đúng mực.

Tôi nghĩ cuộc đời con người luôn hướng tới sự bình yên và hạnh phúc. Nhiều người nổi tiếng thường sang chảnh, còn tôi thích cuộc sống bình dị, mộc mạc. Tôi luôn nghĩ ánh hào quang, phù du rồi cũng tan biến, sự thành công của mỗi con người không giữ được mãi mãi. Hôm nay mình ở trên đỉnh cao, nhưng có ngày mình sẽ đi xuống dốc. Hôm nay mình hát hay nhưng ngày mai sẽ có người hát hay hơn mình.

- Một ca sĩ theo đuổi dòng nhạc thính phòng, nhưng Album đầu tay của Đinh Trang lại là dòng nhạc dân gian. Đó có phải là một sự thỏa hiệp, chiều theo thị hiếu của đám đông?

+ Tôi đang làm dự án âm nhạc thính phòng. Album dân gian chỉ là sự khởi đầu, để tiếp cận với khán giả và tri ân vùng đất xứ Nghệ nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nhưng điều tôi tâm huyết vẫn là Album nhạc thính phòng. Tôi không vội vàng, cứ chậm rãi đi thôi. Tôi luôn có những hoạch định trong cuộc đời mình. Tôi muốn công chúng sẽ đón nhận mình một cách tự nhiên nhất.

Bởi tôi nghĩ, những gì thiên về giá trị thực sẽ lâu bền, mình không có khả năng rồi cũng sẽ trôi tuột thôi. Mình cứ đi từ từ, khả năng đến đâu thì mình được đón nhận đến đó. Buồn nhất là sự đánh giá sai lệch về dòng nhạc thính phòng, không phải ở công chúng mà chính các nhà quản lý văn hóa và cả giới truyền thông.

- Chị có ân hận vì mình đã lựa chọn con đường đó?

+ Tôi không bao giờ hối hận, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn dòng nhạc thính phòng. Bởi dòng nhạc này rất đẳng cấp, chính dòng nhạc thính phòng giúp tôi giữ được giọng hát lâu, mà tôi luôn hướng tới sự bền lâu. Chỉ có theo thính phòng và tập luyện một cách cơ bản mới có được điều đó. Cái giá đó cũng đáng để lựa chọn lắm chứ. Tôi rất mừng vì vẫn có những tầng lớp trí thức ở Hà Nội thích thưởng thức opera, họ đi học ở nước ngoài về. Bây giờ tôi có những fan ruột, trung thành và yêu qúy giọng hát của mình. Điều đó giúp tôi có động lực và niềm tin cho những dự án tiếp theo.

- Còn những giấc mơ về tình yêu, Đinh Trang có vẻ lý tưởng hóa cuộc sống, nhưng đời sống của người nghệ sĩ vốn dĩ không dễ bình yên đâu?

+ Tôi luôn cần có một người ở bên cạnh để thấu hiểu và chia sẻ, từ trước đến nay, tôi chỉ một mình, cặm cụi học và làm việc. Bạn trai tôi hiểu và chia sẻ với công việc, nên hiện tại tôi thấy hạnh phúc. Tôi cũng bị ám ảnh bởi đời ca sĩ thường lận đận tình duyên. Đôi lúc tôi thấy hoang mang vì tôi là người phụ nữ thiên về truyền thống, mình không thể sống một cách nghệ sĩ và bản năng được. Nhưng tôi nhìn thấy nhiều chuyện riêng tư của đời nghệ sĩ, tôi tự hỏi mình có giống họ không? Những hoang mang, lo lắng đó khiến tôi khá cẩn trọng trong tình yêu.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị.

V.Hà (thực hiện)
.
.
.