Nhà văn Y Ban:

Tôi không bao giờ dồn nhân vật của mình vào chân tường

Thứ Tư, 06/05/2015, 07:00
Đáo để, thẳng thắn, không ngại va chạm, cả trong văn chương lẫn cuộc đời. Y Ban là nhà văn được yêu mến vì thế và đôi khi bị một vài người không ưa cũng vì cái tính ấy. Nhưng phải thừa nhận, mỗi cuộc nói chuyện với chị đều rất thú vị, bởi nó không nhạt. Nhân dịp chị phát hành tập truyện ngắn mới "Cuối cùng thì đàn bà muốn gì", hãy cùng trò chuyện với chị.

- Chúc mừng chị với tập truyện ngắn vừa được NXB Phụ nữ ấn hành. Phải nói rằng chị là nhà văn rất giỏi đặt tên cho tác phẩm của mình. Những cái tên như "Bức thư gửi mẹ Âu Cơ", "Người đàn bà có ma lực", "Đàn bà xấu thì không có quà", rồi thì "Cuối cùng thì đàn bà muốn gì"... thường thì người ta đọc một lần là rất khó quên. Theo chị, tên của một tác phẩm, hay tên của một tập sách quan trọng thế nào trong việc thuyết phục độc giả mua hay đọc một cuốn sách?

+ Tên tác phẩm cũng giống như xống áo của con người. Một người mặc một bộ quần áo đẹp độc đáo sẽ bắt được nhiều cái nhìn. Tuy nhiên tấm áo không làm nên thầy tu, chất lượng tác phẩm sẽ quyết định người đọc có đọc tiếp hoặc nhớ tác phẩm đó hay không.

- Chỉ cần đọc tên những cuốn sách của chị cũng có thể nói ngay chị là nhà văn chuyên kể chuyện về giới của mình, giới đàn bà vừa sâu sắc vừa phức tạp. Ở tập sách vừa phát hành "Cuối cùng thì đàn bà muốn gì", chị quan tâm chủ yếu những vấn đề gì liên quan đến đàn bà?

+ Câu hỏi của bạn khiến tôi nhớ đến tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Trương Hiền Lượng: "Một nửa đàn ông là đàn bà". Vậy có nghĩa, một nửa đàn bà là đàn ông. Trong tập sách này tôi quan tâm đến tất cả mọi vấn đề xung quanh người phụ nữ, từ bộ quần áo chíp đến việc dạy dỗ con trai thành một ông quan lương thiện.

- Chắc chắn mỗi người đọc sẽ có một câu trả lời riêng cho câu hỏi "Cuối cùng thì đàn bà muốn gì". Còn với riêng chị, người kể chuyện đàn bà, suy luận từ chính đời sống của mình nữa, chị tóm lại ngắn gọn xem, đàn bà cuối cùng muốn gì?

+ Cuối cùng thì đàn bà muốn gì ư? Người ta bảo đàn bà không có tuổi là không đúng đâu vì chiểu theo ý muốn của họ thì sẽ biết họ đang ở tuổi nào. Ví như người đàn bà 54 tuổi là Y Ban sẽ muốn điều này: "Nếu có một Gaddafi thứ hai phải chết trong ống cống, mẹ cũng sẽ đến bên để ôm lấy thân xác không còn linh hồn đó. Đôi tay mẹ run run vì mẹ đã già quá rồi. Và vì mẹ quá đau khổ. Mẹ vẫn nói rằng mẹ yêu con, con trai. Mẹ vẫn yêu con như đã từng yêu con đến vậy. Mẹ tha thứ cho con tất cả. Thời tao loạn, mẹ không có quyền lựa chọn. Mẹ phải biết chấp nhận tất cả. Cả thiên thần và cả ác quỷ mượn thân xác mẹ để làm người. Để mẹ yêu cả phần người, phần thiên thần và ác quỷ. Mẹ tha thứ cho con tất cả, là cách để mẹ tha thứ cho chính mình. Khi người đời nguyền rủa mẹ đã sinh ra con. Con trai ơi, dù con có là người thế nào mẹ cũng luôn yêu con. Lúc nào mẹ cũng mong con quay về là một người đàn ông lương thiện chăm chỉ lao động".

Đây là một đoạn trích trong truyện ngắn "Ơi những chú ngựa bất kham" của tôi viết trong tập vừa xuất bản. Xem ra thì đàn bà như tôi giờ phút này chỉ mong muốn như vậy, yêu những người xung quanh bằng tình yêu thành thật nhất của mình. Và biết tha thứ cũng là phẩm tính mà đàn bà muốn có.

Nhà văn Y Ban trong một chuyến đi Hàn Quốc.

- Đọc văn chị có thể thấy, Y Ban là nhà văn rất giỏi trong việc nhặt nhạnh, đưa những câu chuyện đời thường nóng hổi, vừa diễn ra vào tác phẩm của mình. Người ta kháo nhau, nói chuyện với Y Ban phải cẩn thận, không khéo trở thành nhân vật trong chuyện của chị ngay. Thực hư việc này ra sao chị?

+ Người ta đồn thổi vậy thôi, chứ thực ra chưa có một nhân vật thực ngoài đời nào được đưa nguyên mẫu vào trong tác phẩm của tôi. Tôi chỉ găm vào trí nhớ những câu chuyện họ kể.

- Liên tục ra sách mới mỗi năm, chị là một trong những nhà văn nữ viết khỏe nhất hiện nay. Nghe kể, chị có thể viết bất cứ chỗ nào, cơ quan hay chốn lao xao đông người. Văn của chị cũng có xu hướng gần với văn thông tấn. Liệu có phải việc viết nhanh và viết trong tâm thế một người làm báo tạo cho chị một giọng văn như vậy, hay chị chủ động chọn lối đó?

+ Hơn 20 năm làm báo đã tạo cho tôi thói quen có thể viết được ở bất cứ nơi nào bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên đây là câu chuyện sáng tác văn chương chứ không phải việc viết một bài báo. Tôi phải tìm tòi cách thể hiện để sao cho có một tác phẩm tương đối hoàn thiện. Nhân vật của tôi thường thô ráp trần trụi, bụi bặm... mà cứ mở miệng ra là "ca cải lương" thì chắc chả ai sực nổi. Vì vậy tôi phải dùng câu văn ngắn và những động từ mạnh khiến cho bạn đọc có cảm giác văn tôi gần với văn thông tấn là vậy.

- Đàn bà viết về đàn bà thì lợi thế rồi, vì không ai hiểu đàn bà hơn chính họ. Nhưng nếu nói về nhược điểm khi đàn bà tự viết về mình thì theo chị có không. Suy luận từ chính mình, có điểm nào chị cảm thấy mình viết về giới mình là chưa thấu đáo?

+ Có lẽ tôi không định viết về đàn bà một cách thấu đáo. Và nói thật là văn chương của tôi cũng chưa có tác phẩm nào thấu đáo đâu. Mỗi tác phẩm của tôi chỉ là một nét chấm phá hoặc một cái gợi để cho người đọc nghĩ tiếp. Tôi rất yêu những nhân vật của mình nên không bao giờ tôi dồn họ vào đường hầm không lối thoát. Tôi luôn để một cái kết mở, cho dù đó là một cái chết.

Y Ban khoe với bạn facebook ảnh gà tre chị nuôi đẻ trứng ấp con.

- Nhân nói chuyện đàn bà, hỏi chị chuyện bên lề một chút. Quanh câu chuyện công viên nước Hồ Tây vừa rồi mở cửa tắm tháo khoán và người Hà Nội chen lấn xô đẩy trèo rào vào tắm. Phụ nữ mặc váy ngắn cũng trèo rào để kiếm một suất tắm miễn phí. Khi nhìn những phụ nữ đó, thái độ của chị là gì?

+ Tôi luôn nói thật lòng mình, nếu câu trả lời của tôi có không vừa lòng ai đó thì xin đừng có ném đá tôi. Mà thôi cứ việc ném đá đi, thêm một củ đậu bay nữa có sao đâu (cười). Thái độ của tôi trong vụ công viên nước Hồ Tây trong ngày tháo khoán là thế này: Chúng ta đừng đổ lỗi cho phụ nữ, hay nhìn một hiện tượng mặc váy ngắn trèo rào mà quy kết phụ nữ. Phải nhìn trong toàn bộ bối cảnh câu chuyện. Khi mà các anh đàn ông mặc quần đùi trèo rào thì quy kết đừng chỉ nghiêng về phụ nữ mặc váy ngắn trèo rào. Như nhau cả thôi.

Tôi không cổ xúy cái vụ dân Hà Nội ầm ầm đi tắm tháo khoán, ở đây tôi chỉ nhấn mạnh về cái thái độ chúng ta nhìn người phụ nữ trong câu chuyện này thôi nhé. Ông Tản Đà ngày xưa chẳng  phải đã viết: "Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con".

- Trên facebook thường hay thấy chị khoe ảnh trồng hoa, nuôi gà, nuôi chó. Đấy có phải sở thích của chị ngoài viết lách ra không? Niềm vui mà nó mang lại cho chị là gì?

+ Bản chất của người Việt chúng ta là nông dân. Khi người nông dân có ruộng họ rất hạnh phúc. Công việc đồng áng vất vả nhưng họ sẽ có mùa gặt hái. Ngày nông nhàn họ có thú vui với cây cối trong vườn và con gà con chó - những con gà con chó một lòng tận tuỵ với họ. Cây cối trong vườn cũng đem đến cho họ sự mơn mởn và tươi tốt từng ngày. Còn chúng ta- những người thành thị, đôi khi bon chen nhau trong từng mét đất, trong từng lời nói mà không biết để được gì? Đồng tiền lương thiện của chúng ta lúc nào cũng thiếu và cái ăn thì thừa mứa xung quanh. Trời quả là thương tôi nên đã cho tôi quay trở lại với thú vui của người nông dân: là trồng vài cái cây, nuôi vài con gà con chó.

- Chị cũng là nhà văn tham gia mạng xã hội rất nhiệt tình. Trên facebook vẫn là một Y Ban đáo để, không kiêng dè mọi vấn đề, không né tránh từ ngữ. Theo chị, mạng xã hội mang đến cho những người cầm bút như chị những lợi ích gì và những hệ lụy của nó nếu có là gì?

+ Lợi ích của mạng xã hội là được gặp bè bạn thường xuyên, giết thời gian, xả xì-trét. Còn hệ luỵ của nó, là mất hết những ý tưởng vụn vặt đôi khi lại rất cần cho một nhà văn như tôi

Tập truyện vừa phát hành của nhà văn Y Ban.

- Giả sử lúc về hưu, không viết được văn nữa, thì công việc yêu thích nhất chị chọn là gì?

+ Lúc đó tôi sẽ thành một bà nông dân chính hiệu, nuôi gà đẻ trứng và nuôi chó cái để nó đẻ con.

- Xin cảm ơn nhà văn Y Ban về cuộc trò chuyện!

Kiều Hương (thực hiện)
.
.
.