Thế giới âm nhạc của Phạm Thùy Dung
- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Người tụng ca phụ nữ bằng âm nhạc
- Ca sĩ Đào Nguyên Vũ: 25 năm với tình yêu âm nhạc
- Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang: Âm nhạc là lẽ sống
Tôi biết Phạm Thùy Dung khá muộn, khi chị làm concert đầu tiên. Lúc đó, chưa nghe Dung hát, tôi chỉ nghĩ, lại một cô ca sĩ nào đó được Mạnh thường quân tài trợ. Nhưng khi nghe album mới của Dung và trò chuyện với chị, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi tiếng hát trong veo như chim họa mi của Phạm Thùy Dung và con đường chị theo đuổi dành cho âm nhạc cổ điển thính phòng.
Thế giới âm nhạc của Phạm Thùy Dung được lấp đầy bằng hình ảnh ánh trăng. Ánh trăng thật đẹp và cũng thật xa, nó tựa như một giấc mơ đẹp của đời người và trong hành trình âm nhạc của mình, Phạm Thùy Dung đã chạm tay tới ánh trăng. Một vẻ đẹp tròn đầy, dịu dàng nhưng cũng mạnh mẽ và đầy nội tâm.
Phạm Thùy Dung từng dành giải Á quân Sao Mai 2013 cho dòng nhạc dân gian. Nhưng chị không chọn con đường đi theo dòng nhạc ấy. Không phải vì dân gian đang có quá nhiều những ngôi sao tên tuổi. Và dù chị yêu những âm hưởng dân gian, nó có trong máu chị, một người con sinh ra ở miền Trung nắng gió. Nhưng dường như, Dung vẫn chưa tìm thấy thế giới của mình ở đó.
Khi học đại học và cao học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, Phạm Thùy Dung được hát nhiều các tác phẩm cổ điển của thế giới. Chị bắt gặp một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ và Dung đã bị hấp dẫn bởi thế giới ấy.
“Có lẽ, hồi còn nhỏ, tôi thường hay đến nhà thờ và tham gia vào đoàn hát thánh ca. Những âm hưởng của nhạc nhà thờ rất gần gụi với nhạc cổ điển. Nó ngấm vào tôi từ lúc nào. Và bây giờ, khi đã đủ những trải nghiệm của cuộc sống, tôi mới bắt gặp lại nó, như bắt gặp ngôi nhà của chính mình vậy”.
Đó là thế giới của những bản nhạc cổ điển đẹp và lộng lẫy đã tồn tại hàng trăm năm. Càng học, chị càng hiểu và say mê. Phạm Thuỳ Dung quyết định dừng lại, không ra album mang âm hưởng dân gian như con đường thông thường của các ca sĩ biết tận dụng thời gian và danh tiếng. Chị dành 6 năm học và rèn luyện để đi một con đường vắng và nhiều chông gai.
6 năm, có lẽ không là dài so với một đời người, nhưng với một ca sĩ, đó là 6 năm sung sức để làm nghề, vì Phạm Thùy Dung có giọng hát, có tuổi trẻ và nhan sắc. Trong khoảng thời gian đó, nếu đi theo dòng nhạc nhẹ, biết đâu đã có một ngôi sao Phạm Thùy Dung nổi tiếng hơn, độ phủ sóng rộng hơn. Thế nhưng, chị đã dành 6 năm cho việc tu luyện, học tập ở trong nước và tham gia các khóa học ngắn hạn ở nước ngoài với các chuyên gia hàng đầu. Chị gần như biến mất khỏi đời sống âm nhạc.
“Tôi gặp âm nhạc cổ điển và tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi bắt gặp dòng nhạc này và đi cùng với nó. Tôi được đi ra thế giới, khám phá nhiều thứ và được mở mang tầm nhìn. Nó có một ma lực lạ lùng đối với tôi”.
Dung kể cho tôi nghe câu chuyện của bà giáo Hồ Mộ La nói với chị, về một nghệ sĩ piano nổi tiếng ở Nga. Ông quan niệm rằng, thiên tài nằm ở hai chữ khổ luyện. Ông chỉ dành 3-4 tiếng một ngày để ngủ, còn lại thời gian ông luyện tập. Ra thế giới mới biết mình đang ở đâu. Nhiều nghệ sĩ opera giọng hát đẹp vô cùng mà họ vẫn không ngừng khổ luyện.
“Dòng nhạc thính phòng cổ điển ở Việt Nam chưa có nhiều người theo đuổi, nhưng thế hệ trước có anh Đăng Dương, chị Lan Anh, Định Trang, tôi là thế hệ tiếp theo đi con đường vắng ấy để mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng”.
Có những lúc mỏi mệt, có những khó khăn chỉ mình Dung hiểu, nhưng con đường chị đi không đơn độc khi bên cạnh luôn có những người cô, người thầy động viên, giúp đỡ. Cô giáo đầu tiên của Phạm Thùy Dung là nghệ sĩ Anh Thơ, rồi chị còn được học bà giáo Hồ Mộ La, NSƯT Thu Hằng. Đó là những người đã truyền cho Phạm Thùy Dung cảm hứng và niềm tin đi con đường của mình.
Bà giáo Mộ La cũng là một biểu tượng cho sự hy sinh vì nghệ thuật, bà đã phải xa chồng, xa con 7 năm trời tu học ở Nga, để nền thanh nhạc Việt Nam có một cái tên đáng tự hào mang tên Hồ Mộ La. Sự lựa chọn nào cũng phải đánh đổi. Và Phạm Thùy Dung không chọn con đường dễ dàng để đạt tới danh vọng.
Với chị, danh vọng hay hào quang sân khấu không quá hấp dẫn bằng thế giới âm nhạc mà chị đang hàng ngày chiếm hữu nó. Càng đi ra, chị càng thấy mình bé nhỏ và còn phải học nhiều. Vì thế, giấc mơ của chị chưa bao giờ dừng lại.
Sau 6 năm ở ẩn và miệt mài học, 2019 có thể nói là một năm bùng nổ của Phạm Thùy Dung với 3 dự án âm nhạc. Một MV vào tháng 6, một concert vào tháng 9 và những ngày cuối năm này là một album mang tên Moon và MV “Ave Maria”.
Tôi đã chìm trong thế giới của những âm thanh trong trẻo, tinh tế, tình cảm nhưng cũng đầy nội tâm của Phạm Thùy Dung. Chị đã khéo léo lựa chọn các tác phẩm kinh điển gần gụi với công chúng, trong đó có một phần lời Việt để tiếp cận khán giả.
Trong 8 ca khúc có 5 bài kinh điển nổi tiếng: “Ave maria” (JS Bach - Gounod, lời Việt: Hà Quang Minh), “Khúc hát nàng Solveig” (Edward Hageroup Crieg), “Dòng sông xanh” (Johann Strauss, lời việt: Phạm Duy), “Tôi nhìn theo cánh chim bay” (Eva Dell’ Acqua, lời Việt: Trung Kiên), “The Phantom of opera” (Andrew Lloyd Webber - Charles Hart).
Bên cạnh đó là 3 ca khúc mới được Phạm Thuỳ Dung đặt hàng các nhạc sỹ gồm: “Khu vườn đêm trăng”, “Chuyện về mặt trăng và mặt trời” (Dương Cầm), “Mỗi sớm mai lại thêm bình yên” (Vũ Minh Tâm). Đây là 3 ca khúc rất hay và được viết riêng cho Phạm Thuỳ Dung nên vô cùng phù hợp với chất giọng cũng như cách hát của chị.
Có thể nói, từ ngôi vị Á quân dòng nhạc dân gian Sao Mai 2013 đến vị trí là một trong những giọng hát opera trẻ xuất sắc nhất hiện nay của Việt Nam ở dòng nhạc giao hưởng, thính phòng, Phạm Thuỳ Dung chứng minh cho khán giả thấy bước ngoặt trong sự lựa chọn đúng đắn của mình khi chuyển từ dân gian sang opera. Một bước ngoặt đầy mạo hiểm nhưng đã mang lại cho chị niềm vui và hạnh phúc.
Với chị, mọi thứ mới chỉ bắt đầu, con đường vẫn còn ở phía trước, chị tiếp tục hành trình học và rèn luyện, tham gia các khóa học ở nước ngoài để không ngừng hoàn thiện giọng hát của mình. Trở thành một nghệ sĩ opera là một hành trình gian nan, nhưng Phạm Thùy Dung sẽ đi được con đường dài và bền lâu với nghề.
Phạm Thùy Dung không phải là người ồn ào, chị cũng không quảng giao hay bù khú bạn bè. Những năm tháng tuổi trẻ chị dành cho âm nhạc và sự khổ luyện. Những lúc rảnh, chị thường đến nhà thờ cầu nguyện để lấy lại sự cân bằng, bình an, tĩnh tại.
Phạm Thùy Dung kể cho tôi nghe một hình ảnh mà chị vô cùng ấn tượng khi đến thăm nhà nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Trên tường nhà ông treo bức ảnh của một nghệ sĩ ba lê danh tiếng của Nga. Nhạc sĩ kể cho Phạm Thùy Dung nghe về bà, người đã dành trọn cuộc đời mình sống với ba lê. Không gia đình, không con cái. Với Phạm Thùy Dung, đó là những hình tượng đẹp của nghệ thuật.
Mỗi người nghệ sĩ cần có một lý tưởng sống, một giấc mơ đẹp cho nghệ thuật và chị cũng vậy, chị đang dành trọn tâm trí và tình yêu của mình cho giấc mơ đó.