Thanh Lam, Tùng Dương: "Hót trong bụi mận gai"

Chủ Nhật, 29/10/2017, 16:06
Thanh Lam và Tùng Dương vốn nổi tiếng là hai nghệ sỹ cá tính và thẳng thắn trong làng nhạc, nhất là khi được nói về nghề. Không ve vuốt, cũng chẳng né tránh, một khi đã trả lời thì cả hai sẽ trả lời một cách chân thành và chân thành đến mức làm người ta cảm thấy sốc vì “quá liều”.


Từ người trăn trở, trở thành người... hồ đồ

Nếu Tùng Dương cho rằng: “Bolero chỉ có giá trị về mặt hoài niệm và nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc” thì mới đây nhất trong một bài trả lời phỏng vấn, Thanh Lam nói: “Bolero ngày nay như cái mỏ, các ca sỹ nhảy vào khai thác hết rồi, khiến nó bị bào mòn. Như vậy nó không đem đến vẻ đẹp đích thực của âm nhạc nữa, đó là sự biến tướng”.

Nữ ca sỹ này còn bày tỏ thêm: “Trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này. Nhưng đó chỉ là dấu hỏi thôi, chứ theo tôi, không nên phân biệt vùng miền”.

Tùng Dương và Thanh Lam trong một sự kiện âm nhạc.

Cả hai phát ngôn sau khi xuất hiện trên mặt báo đều “ăn gạch” từ dư luận, đặc biệt là “gạch tập thể” từ những người đang sống, đang nghe, đang hoạt động trong không gian âm nhạc được đề cập đến (cụ thể ở đây là nhạc bolero và những nghệ sỹ trẻ miền Nam).

Có khi, người ta chẳng cần đọc hết nội dung bài báo để biết vì sao Thanh Lam hay Tùng Dương lại nói như vậy, thậm chí có người còn nghe người khác kể lại, hoặc đọc các tittle báo được giật ra nhằm câu view, đã vội nổi giận vì tự ái. Một cơn tự ái mang tính tập thể…

Vốn dĩ, người ta chỉ đọc cái mà họ muốn đọc, tin vào điều mà họ muốn tin, thích áp suy nghĩ của mình vào suy nghĩ của người khác. Chẳng hạn như trong câu trả lời của Thanh Lam, người ta chỉ để ý chăm chăm vào chữ “miền Nam” mà suy ra, Thanh Lam ám chỉ tất cả những nghệ sỹ miền Nam, trong đó có những nghệ sỹ gạo cội ngày trước; chứ người ta không chịu hiểu, ngày xưa, những nghệ sỹ nổi tiếng đó đâu có cần nhờ truyền thông mà nổi tiếng như bây giờ? Cuối cùng, từ một phát ngôn thẳng, thật, từ một người trăn trở, Thanh Lam và Tùng Dương trở thành kẻ lộng ngôn, “tội đồ” trong mắt dư luận.

Thậm chí, có báo còn giật tittle: “Ca sỹ Thanh Lam, chị im đi”. Những người bênh vực thì cho rằng đây là nỗi đau của một người dám “mở mồm”. Người đa nghi thì kết luận: “Ôi dào, chiêu trò để hâm nóng tên tuổi, để được nổi tiếng hơn”.

Thanh Lam và Tùng Dương cần nổi tiếng? Thì nghệ sỹ ai mà chẳng cần sự nổi tiếng. Thậm chí, nhạc sỹ Châu Đăng Khoa trong một lần trả lời phỏng vấn cho rằng, nếu làm nghệ sỹ mà không nổi tiếng thì nên bỏ nghề. So với thế hệ của họ, cả Thanh Lam và Tùng Dương đều đã ở ngưỡng cao của nghề.

Nổi tiếng thì họ đã nổi tiếng rồi, họ có quá đói khát hai chữ “nổi tiếng” đến mức phải dùng chiêu trò để đánh bóng tên tuổi nữa không? Mà nổi tiếng rồi thì “ngồi mát mà ăn bát vàng” hưởng thụ cái danh tiếng đó, còn lên báo phát ngôn làm mất lòng người khác để làm gì?

Một người được gọi là “diva”, một người được gọi là “divo”. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, người viết không có ý định bàn lại câu chuyện danh xưng “diva”, “divo” nhưng ít nhiều, có thể đưa ra một câu hỏi đại loại như “Ở Việt Nam, “diva”, “divo” thử hỏi được mấy người?!

Thanh Lam là một trong hai ca sỹ làm nên cuộc cách mạng cho nhạc nhẹ Việt Nam vào đầu thập kỷ 90 của thế hệ trước. Một số ca sỹ sau này ít nhiều chịu ảnh hưởng phong cách của cô. Thanh Lam cũng là nghệ sỹ tự do đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.

Từ thập kỷ 90 ấy đến nay, ngọn núi lửa mang tên “Thanh Lam” vẫn chưa tắt. Dù phong cách, lối hát của Thanh Lam sau này gây ra nhiều tranh cãi nhưng với cá tính dữ dội, không muốn lặp lại chính mình, cô chấp nhận việc có thể không phải lúc nào cũng được yêu thích. Và có một điều rằng, dù người ta thích hay không thích giọng hát Thanh Lam ở thời điểm hiện tại vẫn tràn đầy năng lượng.

Còn Tùng Dương, sau khi ghi dấu ấn với cuộc thi Sao Mai điểm hẹn vào năm 2004 đến nay đã đi một chặng đường hơn một “thập kỷ hoan ca” (tên một liveshow của anh vào năm 2015 – PV) và vẫn chưa có dấu hiệu giảm “lửa” nghề. Với cá tính âm nhạc và những sản phẩm âm nhạc của mình, Tùng Dương rõ ràng là một cái tên có tiếng của âm nhạc Việt Nam đương đại.

Ca sỹ Thanh Lam.

Nói lại để phản biện một số ý kiến cho rằng, hai ca sỹ này không đủ tư cách để đưa ra quan điểm về âm nhạc. Tất nhiên, quan điểm thuộc về cá nhân, nó chỉ đơn thuần là mang tính tham khảo đối với ai có lòng cầu thị mà thôi. Có gì mà ầm ĩ?! Đó là chưa đề cập tới việc, một số quan điểm, một số phát ngôn của nghệ sỹ lắm lúc trở thành “mồi” của truyền thông, báo chí nhằm mục đích giật tittle câu view, chứ bản thân câu chuyện chưa chắc đã đến mức “đối đầu” như vậy.

Từ phát ngôn của Thanh Lam và Tùng Dương, vô hình trung có một cuộc “đụng độ” về quan điểm âm nhạc giữa hai miền Nam – Bắc. Hai ca sỹ này vốn không muốn đề cập tới yếu tố vùng miền nhưng để diễn giải điều mà mình muốn chia sẻ thì không thể không nói đến.

Phần lớn nghệ sỹ miền Nam và người yêu nhạc bolero khi tiếp nhận chia sẻ đó, lại có vẻ nhạy cảm quá nên dễ phản ứng và sẵn sàng cùng nhau “ném gạch” về phía những người dám mở miệng, ở đây là 2 nghệ sỹ hoạt động nghệ thuật chủ yếu ở miền Bắc.

Từ câu chuyện thuộc về quan điểm cá nhân của Thanh Lam, Tùng Dương, tự dưng, bị đẩy đi xa thành quan điểm của tất cả nghệ sỹ miền Bắc. Và câu chuyện cứ thế, một vòng tròn luẩn quẩn không có lời đáp. 

Cần sòng phẳng giữa các giá trị

Câu chuyện âm nhạc ồn ào này nói cho cùng cũng giống với câu chuyện văn chương chất lượng cao và văn chương giải trí gây tranh cãi nhiều lần giữa hai miền Nam – Bắc. Nó thuộc về quan điểm, mỹ cảm, thẩm mỹ của hai miền. Mà cái gì thuộc về quan điểm khó thay đổi, trừ khi người ta thực sự muốn thay đổi. Nếu tranh cãi, cuộc tranh cãi đó sẽ không có hồi kết, thậm chí biến thành một thứ kì thị văn hóa mang tính vùng miền và sẽ không có cuộc đối thoại nào sòng phẳng cả.

Người viết bài này không muốn sử dụng cụm từ “âm nhạc chất lượng cao”, “nhạc hàn lâm”, “âm nhạc giải trí”, “nhạc chợ”, “nhạc rác”,… để cắt nghĩa vì không có thứ âm nhạc nào là âm nhạc chất lượng cao và cũng không có thứ âm nhạc nào gọi là âm nhạc rẻ tiền ở đây cả.

Nói như một người nhạc sỹ, chỉ có âm nhạc hay và âm nhạc dở mà thôi. Tuy nhiên, nếu bình tâm nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam hiện tại, có thể thấy một sự hỗn loạn mà giới trẻ gọi vui là “không hề nhẹ”.

Không khó để nhìn ra bolero được xem như “cứu cánh” của một bộ phận ca sỹ hiện nay. Và trong guồng quay đó, các ca sỹ nhí cũng cầm míc và hát bolero như người lớn, trở thành công cụ để các nhà đài, các gameshow “vợt” các hợp đồng quảng cáo béo bở. Chưa kể, mở ti-vi ra lại thấy hàng chục gameshow về bolero gối nhau như “Solo cùng Bolero”, “Tình Bolero”, “Kịch cùng Bolero”, “Thần tượng Bolero”, “Người hát tình ca”, “Tuyệt đỉnh song ca”… Nhiều liveshow bolero cũng nở rộ từ trung ương về tới địa phương.

Trong khi đó, tuổi thọ các ca khúc mới càng ngày càng ngắn. Ngày trước, các ca khúc nổi tiếng “sống” được qua nhiều thời, nhiều thế hệ và được gọi là bài ca đi cùng năm tháng thì bây giờ, các ca khúc được tính bằng tuần, bằng ngày. Và có lẽ, chưa lúc nào trong lịch sử sân khấu âm nhạc Việt Nam, xuất hiện nhiều người gắn mác ca sỹ lại sống bằng nghề đi dự event (đi sự kiện – PV) như hiện nay.

Cả năm không thấy hoạt động gì mới nhưng vẫn lên báo như… đi chợ, lại toàn thông tin về hở ngực, chia tay người yêu, cặp đại gia, đánh ghen... Cũng không ít ca sỹ giọng hát thường thường bậc trung nhưng chẳng hiểu sao lại nổi tiếng, giá cát-sê cao ngất ngưởng?

Hay như mới đây, một cô hotgirl ra MV, dù được hậu thuẫn bởi những nhà sản xuất hàng đầu mà vẫn lộ giọng hát đuối… như con cá đuối, vẫn nghiễm nhiên trở thành ca sỹ. Câu hỏi đặt ra ở đây là, giá trị thật - ảo như thế nào và vai trò truyền thông tác động đến ra sao? Có hay không việc, người ta nhầm lẫn và nhập nhằng giữa hai giá trị: nghệ thuật và giải trí?

Đặt vấn đề như vậy không có nghĩa chúng ta phủ nhận vai trò của những giá trị giải trí. Nhưng giải trí chỉ là giải trí thôi. Chuyện đó phải rõ ràng. Nói như nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, “âm nhạc giải trí rất cần thiết trong đời sống thưởng thức và ít nhiều nó cũng mang lại một giá trị nào đó.

Tuy nhiên, nó không phải là đỉnh cao để chúng ta tôn vinh quá nhiều như vậy. Ở đó, sự hi sinh, mất mát, đánh đổi không có nhiều. Bản thân những nghệ sỹ tham gia vào hoạt động giải trí - họ cũng thu lợi được rất nhiều”. Thế nhưng, hiện nay, có không ít ca sỹ trẻ chưa có thành tựu, cống hiến gì đặc biệt cũng được tung hô với những lời lẽ có cánh, tràn trên các mặt báo.

Ca sỹ Tùng Dương.

Ngày xưa, nghệ sỹ nổi tiếng bỏ công bỏ sức, bỏ tài để được sự nổi tiếng; thì giờ, chưa chắc? Đôi khi, có tiền tổ chức họp báo, sau một đêm, cũng trở thành người của… công chúng. Giá trị ban đầu là ảo, nhưng qua sự đánh giá của truyền thông, trở thành giá trị thật với phần đông công chúng.

Trong lần nhận gạch đá này, Thanh Lam nói: “Nếu ai dành thời gian ra đọc một cách thiện chí và chí tình sẽ thấy chia sẻ của tôi với mục đích vì một nền âm nhạc tốt hơn, khán giả có nhiều cái để giải trí, và làm phong phú hơn tâm hồn. Mọi ví dụ hay tên tuổi đưa ra đều với sự mong mỏi các em hạn chế điểm yếu, phát huy điểm mạnh để “lâu đài” nghệ thuật của chúng ta ngày một lung linh...”.

Còn Tùng Dương, sau khi trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận về bolero và bị người khác cho rằng hồ đồ, cũng mệt mỏi khi trả lời rằng: “Mọi phát ngôn của tôi trước giờ đều xuất phát từ lương tâm và trái tim mình, chứ không phải một sự hồ đồ”. Tôi muốn dù bạn ở trường phái nào và giá trị bạn hướng đến số đông hay số ít thì giá trị bạn làm vẫn là tích cực, nó là một chỉnh thể riêng biệt của chính bạn chứ không phải là một chỉnh thể sao chép của ai đó".

Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Những người làm nghệ thuật cũng giống những “tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Họ sẵn sàng đánh cược chính mình để mang đến (ít nhất) một đổi thay nào đó. Tuy nhiên, sự đổi thay ấy phải phát triển đi lên.

Đậu Dung
.
.
.