Sự tỏa sáng của Cô gái vàng

Thứ Năm, 02/01/2020, 07:37
Chỉ nặng 46kg nhưng đăng ký thi 3 nội dung chạy thì vô địch cả 3, thậm chí còn phá kỷ lục SEA Games 30 ở nội dung thi cuối cùng... Người đẹp ấy là vận động viên điền kinh - Cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh.

Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1995, trong một gia đình thuần nông ở thôn Nhuần, xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Cô là người con gái thứ 7 trong một gia đình có 8 anh chị em. Lớn lên ở vùng quê được coi là “cái nôi” của phong trào việt dã toàn tỉnh nhưng lúc nhỏ, cô bé không thực sự đam mê với đường chạy. 

Hồi học lớp 4, Oanh cũng tham gia tập nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Phải đến 5 năm sau, khi các thầy giáo thể dục ở Trường THCS của xã vận động nhiều lần, Oanh mới tập trở lại, tập riết rồi mê luôn.

Ông Chuyền, bố của Oanh chia sẻ: "Cứ mỗi lần trường có giải đấu thể thao gì là nó lại tập chạy, mỗi sáng nó dậy sớm rồi tập chạy khắp làng, có hôm lại rủ em dậy chạy cùng. Lúc đó mọi người cũng chỉ nghĩ là nó chạy cho vui ai ngờ nó thích thể thao thật".

Việc tham gia tranh tài tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện rồi lần lượt thi đấu tại Giải việt dã huyện Lạng Giang, tiếp đó là Giải việt dã Báo Bắc Giang năm 2010 và giành hạng Nhì nội dung nữ trẻ Giải việt dã Báo Bắc Giang cùng năm khiến Oanh lọt vào “tầm ngắm” của các huấn luyện viên điền kinh, ít tháng sau thì cô nhận được giấy triệu tập vào Đội Năng khiếu điền kinh của tỉnh. 

Oanh được nhận vào Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang để tập luyện. Lúc này em cũng được gia đình cho chuyển đến học tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên để tiện cho việc học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, bất lợi về hình thể với chiều cao hạn chế chỉ 1m48 khiến cô bé “suýt” bị gạch tên khỏi danh sách đội tuyển.

Có thể nói, bắt đầu sự nghiệp thể thao ở tuổi 15 như Oanh là hơi muộn, lại bị hạn chế về thể hình khiến cô khó phát triển các bài tập theo ý của mình, của thầy theo giáo án. Nhưng nghị lực cùng đam mê đã giúp cô gái Bắc Giang vượt qua tất cả. 

Chưa đầy 5 năm, cô gái nhỏ nhắn ấy đã thăng hoa với hàng loạt thành tích xuất sắc, chinh phục được nhiều đỉnh cao đáng ngưỡng mộ, nổi bật như: Giành huy chương ở tất cả các giải đấu trong nước, quốc tế góp mặt; 3 lần vô địch cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật Giải vô địch điền kinh quốc gia. Cũng ở cự ly sở trường 3.000 m vượt chướng ngại vật, Oanh từng vô địch Giải trẻ châu Á năm 2014... Năm 2016 và 2017, Nguyễn Thị Oanh "rinh" hơn 10 HCV đều thuộc hệ thống giải quốc tế và vô địch quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ánh Dương trao tặng bằng khen cho vận động viên Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: BGP/Dương Thủy

Thế nhưng, khi đang bắt đầu sự nghiệp thi đấu đỉnh cao thì căn bệnh viêm cầu thận quái ác khiến Oanh phải tạm nghỉ thi đấu hoàn toàn. Cô chia sẻ: “Tháng 12-2014, sau khi thi đấu về tôi thấy mặt mình bỗng nhiên có nhiều chỗ sưng tấy. Nhiều người bảo tôi chỉ bị dị ứng, nhưng cảm quan cho tôi biết rằng đó không phải là những nốt dị ứng thông thường. Khi nhận kết quả bị viêm cầu thận, trong lòng tôi suy sụp, bởi tôi phải nghỉ thi đấu. Đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ phải giải nghệ. Thế nhưng, nhờ sự tận tình của các y bác sĩ và căn bệnh được phát hiện và chữa trị kịp thời nên thời gian phục hồi nhanh”.

Khỏi bệnh, trở lại thi đấu, những tưởng phong độ của Oanh sẽ bị giảm sút, khó có thể giành thành tích cao, nhưng với nghị lực phi thường và sự nỗ lực hết mình với đam mê, khả năng thi đấu và tốc độ cô gái nhỏ bé ấy ngày một mạnh mẽ hơn. Bằng chứng là Oanh  đã chinh phục hàng loạt giải thưởng tại đường đua tốc độ cả trong và ngoài nước như HCV Giải điền kinh TP Hồ Chí Minh mở rộng ở cự ly 5.000m nữ, HCV đồng đội và HCB cá nhân tại Giải bãi biển châu Á (ABG 5), 2 tấm HCV tại SEA Games 29 được tổ chức ở Malaysia...

Và mới đây tại đấu trường SEA Game 30, Nguyễn Thị Oanh đã giành 3 HCV ở môn điền kinh, môn thể thao bản lề Olympic. HCV đầu tiên tại nội dung chạy 1.500m nữ với thời gian 4 phút 17 giây 31, tiếp đó là tấm HCV 5.000m với thời gian 16 phút 45 giây 98 và cán đích đầu tiên với nội dung chạy 3.000m vượt rào nữ chỉ với 10 phút 00 giây 02. Điều đặc biệt là hai cự ly khắc nghiệt 5.000m và 3.000m vượt rào diễn ra trong cùng một ngày. Liệu đã có ai làm được điều tuyệt vời này như Oanh?

Nói về kinh nghiệm thi đấu của mình, Oanh chia sẻ: Ngoài việc tập luyện chăm chỉ và thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý thì các vận động viên phải luôn giữ vững vàng ý chí, kiên trì và nỗ lực cố gắng tiến về phía trước. Điều quan trọng nhất là luôn giữ cho mình ý chí phấn đấu vươn lên vượt qua mọi khó khăn, không buông xuôi.

Là niềm tự hào của dân tộc, của cha mẹ và gia đình, nhưng ít ai biết rằng thời gian đầu theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp, Nguyễn Thị Oanh không được bố và các chị ủng hộ. Nhưng sau này chính gia đình lại là nguồn động viên, là điểm tựa vững vàng cho sự nghiệp đầy thăng hoa của cô. P

hần lớn giải đấu quan trọng ở trong nước mà Oanh góp mặt, bố mẹ đều dành thời gian đến cổ vũ, động viên tinh thần cho con gái. Khi thi đấu nước ngoài, thì câu nói “Cứ bình tĩnh, cố gắng thi đấu hết mình con nhé!” của bố hay mẹ luôn đem đến sự ấm áp và sức mạnh để cô thêm tự tin chinh phục các thử thách phía trước.

Không chỉ miệt mài trên sân tập và mạnh mẽ, quyết tâm trên đường chạy, Nguyễn Thị Oanh còn hoàn thành chương trình đào tạo chính quy chuyên ngành Huấn luyện viên thuộc Khoa Huấn luyện thể thao (Trường đại học Thể thao Bắc Ninh) vào tháng 6-2018. Cô còn mạnh dạn thử sức, trải nghiệm ở một lĩnh vực mới khi cùng với đồng đội cũ Nguyễn Thị Huyền (nguyên vận động viên ném lao của Quân đội), góp vốn mở cửa hàng chuyên cung cấp giày dép, quần áo thể thao thời trang.

Không có thành công nào được trải bằng hoa hồng. Thành công của các vận động viên như Nguyễn Thị Oanh còn phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả những chấn thương thể xác đau đớn... nhưng vinh quang họ mang lại không chỉ cho bản thân, gia đình, mà cho cả dân tộc, đất nước. Nguyễn Thị Oanh, một cô gái có dáng vóc nhỏ bé, nhưng tầm vóc thật lớn lao!

Hà Hương
.
.
.