Con trai nữ sĩ Xuân Quỳnh: "Ở với mẹ, chúng tôi luôn đầy ắp nụ cười"

Thứ Sáu, 05/08/2016, 11:04
Trên trang facebook cá nhân, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, người em chồng thân thiết của nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết những dòng chia sẻ: "Nhà thơ Xuân Quỳnh đã qua vòng xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh cấp nhà nước. Mọi việc thế là tốt đẹp rồi!". 


Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã được xét đề nghị truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tập thơ "Lời ru trên mặt đất" và tập thơ thiếu nhi "Bầu trời trong quả trứng". Đây là một ghi nhận xứng đáng về những cống hiến của nhà thơ Xuân Quỳnh vì những đóng góp của bà đối với văn học chặng đường ba mươi năm chiến tranh cách mạng cũng như thời kỳ hậu chiến. 

Anh Lưu Tuấn Anh, con trai ruột của nữ nhà thơ Xuân Quỳnh và người chồng đầu tiên, nhạc công violin Lưu Tuấn, khi biết tin mẹ được truy tặng giải thưởng cao quý này, đã chia sẻ: "Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là ghi nhận cao nhất của Nhà nước với những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong các lĩnh vực trong đó có văn học.

Theo tôi được biết, để đủ điều kiện đưa vào diện xét duyệt giải đã là khó chứ chưa nói việc giành được giải. Vì vậy, việc mẹ tôi được truy tặng giải thưởng này là niềm vui lớn với tôi. Tuy nhiên niềm vui này không phải của riêng tôi với tư cách là người con mà còn của những người trong gia đình bên mẹ tôi và dượng Lưu Quang Vũ.

Thạc sĩ Lưu Tuấn Anh (con trai nữ sĩ Xuân Quỳnh).

Mọi người đều quan tâm tới đợt xét giải lần này và rất mừng khi biết tin. Một người mà tôi biết đặc biệt vui là bác Đông Mai, chị ruột của mẹ tôi hiện sống ở TP Hồ Chí Minh. Khi làm hồ sơ xét duyệt tôi đã nhận được nhiều chỉ dẫn và giúp đỡ từ cô Lưu Khánh Thơ, em ruột dượng Vũ. Bây giờ là lúc tôi nghĩ nhiều về mẹ, về những năm tháng đạn bom, gian khó và thiếu thốn mà bà trải qua trong cuộc đời làm thơ. Bà xứng đáng với giải thưởng. Chỉ tiếc bà không còn sống để chứng kiến vinh dự cho mình ngày hôm nay”.

Nói về mẹ, trong ký ức của anh Lưu Tuấn Anh, đầy ắp những kỷ niệm: "Những gì thuộc về mẹ luôn còn trong ký ức của tôi. Từ dáng hình, nụ cười, giọng nói, cách dạy dỗ, bảo ban, chăm sóc. Mỗi lần nhắc đến mẹ tôi thường không cầm được nước mắt. Tôi buồn và nhớ mẹ nhiều. Lúc nào tôi cũng ước ao rằng mẹ còn sống để trả ơn bà. Bà là một người phụ nữ luôn nhận phần hy sinh, thiệt thòi về mình.

Con cái, đối với bà là thứ quan trọng nhất trên đời này và bà luôn khiến chúng tôi vui vẻ, yêu thương nhau. Tôi, Lưu Minh Vũ và Lưu Quỳnh Thơ (tên ở nhà là Mí) luôn coi nhau là anh em một nhà. Tấm lòng hiền từ, nhân ái của mẹ đã khiến những thằng con trai nghịch ngợm như chúng tôi, quậy phá như chúng tôi trở thành những đứa con ngoan, tử tế, biết sống vì người khác. Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng những nữ thi sĩ luôn lãng mạn, bay bổng và chính vì thế, trách nhiệm làm mẹ, làm vợ đôi khi bị sao nhãng… thì ngược lại, mẹ tôi là một người yêu thương con vô bờ bến và có tính hài hước.

Ở nhà với mẹ tôi luôn đầy ắp nụ cười. Mẹ dạy chúng tôi trong cả những câu chuyện đầy hài hước của mẹ. Bà không bao giờ nghiêm trọng hóa vấn đề cũng chẳng bao giờ đánh đập con, rất ít khi phải mắng mỏ, vậy mà anh em chúng tôi đứa nào cũng vâng lời. Mỗi khi có gì sai mẹ luôn nhẹ nhàng nhắc nhở và khéo léo để gợi ý cho chúng tôi nên chúng tôi luôn thấy mình sai chỗ nào và tự sửa chữa để không bao giờ lặp lại lỗi lầm ấy nữa.

Trẻ con cũng cần được tôn trọng và hỏi ý kiến, mẹ tôi luôn nghĩ như thế và bà thường dạy con những điều quan trọng ngay khi con còn bé tí và chưa chắc đã hiểu được những gì bà nói. Ví dụ, tôi vẫn nhớ, khi tôi mới chỉ là cậu bé 10 tuổi, mẹ tôi đã căn dặn: Cuộc sống của con người muốn có giá trị thì phải có niềm đam mê một thứ gì đó, phải có cảm hứng với cuộc sống, nếu không sẽ như một cái cây khô, vô hồn và buồn tẻ.

Với linh cảm của một người mẹ và sự nhạy cảm của một nhà thơ, mẹ cũng có những suy nghĩ rất hợp thời. Khi tôi lớp 7, mẹ khuyên nên chịu khó học tiếng Anh, vì tiếng Anh mới là ngôn ngữ của thế giới. Đấy, ngay cả trong thời kỳ mà tiếng Pháp và tiếng Nga đang thịnh hành thì mẹ đã nghĩ ra việc cho con học tiếng Anh".

Nhà thơ Ý Nhi, một người bạn gái thân thiết của nhà thơ Xuân Quỳnh đã chia sẻ về bạn mình: "Quỳnh thương con. Thương cả ba đứa. Nhưng có lẽ Quỳnh ái ngại cho Tuấn Anh hơn cả. Nhà Quỳnh rất chật. Quần áo, sách vở, tranh ảnh… bày hết cả trong gian phòng khoảng 10 mét vuông. Thế nhưng khi Vũ đã có nhiều vở diễn, Quỳnh đã có đồng ra đồng vào, tôi hỏi sao không tìm chỗ khác cho rộng rãi hơn, Quỳnh bảo, ở quanh quẩn để còn chăm cho Tuấn Anh (Tuấn Anh ở với bố Tuấn trong một căn phòng khác, cũng tại 96 phố Huế).

Có hôm tôi gặp Quỳnh đến cơ quan sớm, Quỳnh bảo có hẹn với bà cụ anh Tuấn. Khi tôi hỏi có việc gì, Quỳnh bảo bàn với cụ tìm cho anh Tuấn một đám tử tế để anh ấy vui mà Tuấn Anh cũng được nhờ. Dạo chúng tôi đi nghỉ ở Bãi Cháy, Tuấn Anh đã lớn nhưng Quỳnh vẫn lo lắng, chăm nom từng ly từng tí. Tuấn Anh bị trầy chân, đem đường rắc lên vết đau theo sự chỉ dẫn của một tài liệu nào đó.

Quỳnh thấy vậy hoảng quá, quýnh quáng lau rửa rồi bôi thuốc cho con. Hôm chúng tôi trở về Hà Nội, Tuấn Anh vẫn còn đau chân. Đoàn chèo Quảng Ninh mời Vũ ở lại làm việc. Quỳnh và Mí (Quỳnh Thơ) cũng ở lại. Quỳnh đứng tần ngần giữa đường nhìn chiếc ôtô của cơ quan rời đi. Quỳnh lo Tuấn Anh về mà không có mẹ theo cùng. Đối với Kít (Minh Vũ), Quỳnh cũng có sự chăm sóc đặc biệt.

Kít gọi Quỳnh là má Quỳnh (Chắc là để phân biệt với mẹ Uyên - DV Tố Uyên - pv). Hồi Kít vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Quỳnh mừng lắm. Quỳnh kể, thường dậy từ 4 giờ sáng để lo cho Kít ăn sáng, kịp vào Cầu Giấy học. Quỳnh mua áo quần cho ba đứa, đan áo cho ba đứa, làm thơ, viết truyện cho ba đứa.

Nữ sĩ Xuân Quỳnh và con trai Tuấn Anh lúc còn bé.

Những bài thơ Quỳnh viết tặng cho các con không chỉ biểu lộ tình yêu của người mẹ mà còn có một giá trị văn học độc đáo. (Ở ta, nhiều người làm thơ thiếu nhi, hoặc tạt qua hoặc dành tất cả thời gian, tâm sức cho công việc này, trong đó có tôi, nhưng có được những bài thơ có giá trị văn chương thực sự thì không nhiều). Có cảm giác, ở Quỳnh, bên cạnh người phụ nữ đa đoan, say đắm, day dứt là đứa trẻ thơ trong trẻo, thông minh, tinh nghịch.

Hay, cũng có thể nói như Thanh Tâm Tuyền: “Tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ/ Trong sạch như một lần sự thật”. Không phải ai cũng có thể “sống lại” như vậy. Không phải ai cũng có thể lưu giữ tâm hồn trẻ thơ như vậy. Con yêu mẹ, Mùa xuân mừng con thêm một tuổi, Cắt nghĩa, Con chẳng biết được đâu, Bầu trời trong quả trứng, Chuyện cổ tích về loài người… là một giá trị trong khối giá trị lớn của thơ Xuân Quỳnh. Nhờ tình yêu thương của mẹ Quỳnh mà bọn trẻ rất thân thiện, yêu quý nhau. Quỳnh là người mẹ tuyệt vời. Quỳnh được sinh ra để làm một người yêu, để làm một người mẹ”. 

Anh Lưu Tuấn Anh mỗi khi nói về mẹ mình thường không nhiều lời. Đối với anh, mẹ luôn là một mẫu hình lý tưởng. Anh vẫn còn giữ nguyên vẹn gia tài của mẹ dành cho mình, đó là một cuốn nhật ký viết tay giấy đã úa màu theo thời gian, năm tháng. Anh trân quý nó như một vật báu, như một ký ức tốt đẹp nhất mỗi khi nhớ về người mẹ yêu thương của mình.

Anh chia sẻ: "Cuốn nhật ký của mẹ, tôi vẫn giữ đây. Rất nhiều chỗ viết về tôi với tình cảm của người mẹ đắm đuối vì con. Nói thật là tôi không đủ dũng cảm để đọc hết vì đọc đến đâu lại buồn thương mẹ đến đấy, chịu không nổi. Đọc có vài dòng thôi cũng làm tôi ngẩn ngơ cả ngày. Còn thơ thì mẹ tôi viết cho cả 3 con gồm tôi, Minh Vũ và Quỳnh Thơ chứ không riêng cho mình tôi đâu.

Tôi là con cả nên được nhắc tới nhiều hơn vì lúc tôi ra đời năm 1966 tới năm tôi 7 tuổi là năm 1972 thì miền Bắc đã bị Mỹ ném bom 2 lần khiến tôi và mẹ phải đi sơ tán. Nhiều kỷ niệm mẹ con nảy sinh trong giai đoạn này. Bài “Tuổi thơ con” viết năm 1969 chẳng hạn là nói về tôi mặc dù không nêu tên. Bài thơ mở đầu với 2 câu “Tuổi thơ con có những gì? Có con cười với mắt tre trong hầm”. Ở sơ tán, chúng tôi phải đào hầm ngoài vườn để tránh bom. Hầm có khi đào cạnh bụi tre và rễ tre thò cả vào bên trong hầm. Mái hầm cũng làm bằng cốt tre nên nhìn đâu cũng thấy mắt tre. Mỗi khi máy bay Mỹ tới là mẹ bế tôi chui vào hầm. Có những ngày chúng đánh phá liên tiếp thì cả mẹ cả con ở luôn trong hầm không chạy vào chạy ra nữa.

Đợt sơ tán tránh bom năm 1968 tôi còn quá nhỏ để lưu lại điều gì trong ký ức. Nhưng tới đợt sơ tán lần thứ 2 năm 1972 thì tôi nhớ như in rất nhiều chi tiết, sự kiện. Mẹ tôi vẫn bế tôi ra hầm mỗi khi có báo động. Có hôm trời mưa, ra tới hầm nhìn xuống thấy lõng bõng nước và có cả một con rắn cạp nong đang ngoằn nghèo dưới đó.

Năm 1972 là năm mẹ tôi viết bài thơ “Mẹ và con” tặng tôi. Đây là bài thơ tôi yêu thích vì nó gắn với tuổi thơ tôi với thời bom đạn của đất nước. Giữa cái dữ dội của chiến tranh là tình cảm dịu dàng vô bờ bến người mẹ dành cho con. Bài thơ kết với câu “Ừ của con nhiều quá. Nhưng mẹ lại nhiều hơn. Vì tất cả của con. Mà con là của mẹ”.

Nhà thơ Xuân Quỳnh đã ra đi nhưng có lẽ những gì bà để lại cho cuộc đời vẫn luôn còn mãi. Những ghi nhận về đóng góp của bà đối với nền văn học nghệ thuật cũng hoàn toàn xứng đáng, bởi vì, cuộc đời và thơ ca của bà đã có những ảnh hưởng lớn đối với độc giả nhiều thế hệ, nhất là những trái tim đàn bà đang yêu, đã yêu và sẽ yêu...

Nữ sĩ Xuân Quỳnh sinh năm 1942 tại làng La Khê (Hà Tây cũ), nay là Hà Đông, Hà Nội trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành. Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Viena (Áo).

Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt nam. Xuân Quỳnh là hội viên từ năm1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Trước đó, Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu tiên với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, ông Lưu Tuấn và đã ly hôn. Từ năm 1978 đến lúc mất Xuân Quỳnh làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.

Lam Anh
.
.
.