Chuyện chưa biết về cuộc đời khốn khó của diễn viên đóng phim "Biệt động Sài Gòn"

Thứ Năm, 17/11/2016, 08:10
Mang trong người hai dòng máu Việt - Ả Rập, tên chính của ông là Mohamet Adam, nhưng từ nhỏ người ta vẫn thường gọi bằng cái tên do cha đặt là Aly Dũng. Cuộc đời của ông nếm trải đủ cay đắng, nghiệt ngã khi phải chứng kiến cái chết bi thảm của mẹ và những đứa em. Cuối đời, ông sống một mình, dành hết tình yêu cho nghiệp diễn.


1. Những năm thực dân Pháp đô hộ, có hai vợ chồng người Ả Rập sang Việt Nam làm việc cho Pháp. Con gái họ được sinh ra trên đất Sài Gòn, lớn lên đem lòng yêu người đàn ông mang dòng máu Việt.

Cả gia đình phản đối và tuyên bố sẽ từ mặt nếu con gái lấy chồng Việt Nam. Nhưng vì tình yêu quá lớn khiến cô bất chấp tất cả để đi theo lý lẽ của con tim. Aly Dũng được sinh ra từ mối tình khác màu da tiếng nói.

Cha mẹ ông làm nghề buôn bán kinh doanh nên thuộc hàng giàu có, sở hữu xe ô tô sang trọng và nhiều căn nhà biệt thự ở Sài Gòn. Aly Dũng sống trong cảnh giàu sang quyền quý, muốn gì được nấy. 6 tuổi vẫn có kẻ hầu cõng trên lưng, bón đút từng miếng cơm, nâng niu từng giấc ngủ.

Dũng lớn lên trong nhung lụa, thừa hưởng Gen trội từ mẹ nên có cặp mắt đen tròn, hàng lông mày rậm rạp, những đường nét trên khuôn mặt hài hòa càng tôn lên cái chất quý tử hào nhoáng.

Những ngày không có sô diễn, Aly Dũng dành hết thời gian dạy các bạn trẻ đam mê nghệ thuật.

Dũng yêu từ rất sớm, năm 20 tuổi đã sở hữu cùng lúc 8 cô bồ. Khi đang cân đo đong đếm để lựa một cô làm vợ, thì cô thứ 9 xuất hiện làm đảo lộn tất cả. Cô này về nhan sắc thua xa 8 cô kia, về hoàn cảnh gia đình thì nghèo khổ. Chính tình cảnh ấy đã khiến Dũng động lòng thương hại, xem cô như một người bạn.

Vì đến với Dũng có ý đồ, mục đích, nên vào một đêm tĩnh mịch, cô đã chủ động bước vào phòng Dũng. Trai mới lớn, lại đang trong giai đoạn căng tràn của tình yêu, việc gì đến đã đến một cách rất tự nhiên. Một thời gian sau, cô thông báo với người lớn là mình đã mang thai.

Cả gia đình Dũng không ai đồng ý, cha là người phản đối gay gắt nhất. Nhưng người mẹ vốn giàu lòng nhân ái, bà khuyên con trai không nên phủi bỏ trách nhiệm. Thế là, Dũng muối mặt lên xe hoa với một người con gái ông chưa một lần rung cảm.

Cô gái mà trước đó ông chọn sẽ lấy làm vợ nghe tin "sét đánh" đã buồn đau mà tự tử. Chạy thật nhanh đến bệnh viện thì đã không kịp, Dũng gục người xuống đất, hai mắt cay xè, hình ảnh cuối cùng của người yêu nằm lạnh giá trong nhà xác như nhát dao chém nát trái tim.

Vài tháng sau, mẹ ông đột ngột qua đời vì tai nạn xe. Ngày đưa tang mẹ, tự nhiên xuất hiện bốn năm người đàn bà lạ, giới thiệu là bồ của ba. Sự thật quá bẽ bàng, nước mắt nghẹn đắng trong những ngày tang thương.

Mẹ ra đi, bỏ lại 15 người con. Ba từ lâu đã không còn quan tâm đến gia đình và đàn con nữa. Ông mải miết chạy theo những cuộc tình và cờ bạc, đỏ đen. Lần lượt 5 căn nhà liền kề mặt tiền đội nón ra đi và sau cùng là chiếc xe ô tô. Khi tất cả trở về mặt đất, người cha chia tay và không cần biết con cái là ai.

20 tuổi, Dũng phải gánh trên vai một đàn em nheo nhóc, trong đó đứa út đang chập chững biết đi. Tài sản trong nhà sau cơn lốc đỏ đen của ba đã cuốn sạch, chẳng còn gì nuôi 14 đứa em, một bà vợ, một đứa con đỏ hỏn.

Dũng cắn răng rũ bỏ 10 đứa, mặc cho chúng ra đời làm gì sống được thì làm. Còn bốn đứa nhỏ, Dũng cắp theo bên mình, đi làm đủ thứ nghề để nuôi chúng.

Người vợ vốn đã không có tình yêu, nhưng tình thương cũng không. Bà không chịu cho chồng cắt xén cơm gạo nuôi em. Dũng chỉ bảo: "Tôi là anh ruột, vừa là cha là mẹ của chúng, làm sao bỏ rơi được, như thế nhẫn tâm lắm. Nếu em thương tôi thì cùng nhau lo cho các em, còn không thì chúng ta chia tay". Vậy là vợ ôm con ra đi. Ông chạy khắp nơi tìm kiếm nhưng vô vọng.

Ngày tháng trôi qua, đàn em càng lớn thì những bữa cơm cứ vơi dần, không biết bao nhiêu lần, người anh phải đi bán máu nuôi em. Rồi thi thoảng ông lại nhận được tấm giấy người ta báo về: Thằng Tám chết trong trại, con Bảy chết ngoài đường, thằng Chín chết vì sốc thuốc…

Lần lượt 10 người em năm nào lao ra đời đều chết hết. Khi nỗi đau chưa nguội thì sự mất mát khác lại đến, bốn người em Dũng nuôi vừa chớm tuổi mười sáu, mười bảy, đôi mươi đều qua đời vì bệnh tật. Vậy là hết, không còn một đứa em nào ở lại trên đời này với ông.  Aly Dũng sốc và rơi vào trầm cảm, buồn đau suốt một thời gian dài.  

Aly Dũng bên ngôi nhà đập đi để chuẩn bị xây mới.

2. Yêu nghệ thuật từ thời trẻ, nhưng vì không có tiền và thời gian nên ông đành gác lại ước mơ. Khi còn lại một mình, Aly Dũng mới đi tìm nghệ thuật.

Ông học lớp nghệ thuật ngoài giờ của Trường Sân khấu điện ảnh. Ngày ấy, thầy Huy Thống thấy Aly Dũng giỏi quá nên khuyên học trò theo học lớp đạo diễn. Aly Dũng trả lời: "Em phụ lòng thầy chứ em không có tiền để theo học".

Ông xin về đoàn Cửu Long Giang để vừa làm vừa học nghề. Nhưng suốt hai năm trời, ông làm việc với vai trò cu li chứ không có cơ hội diễn xuất, không phát huy được khả năng.

Nản quá, ông xin vào đoàn Kim Cương, thời điểm đang rất nổi tiếng và có uy tín. Chị hai Kim Cương giao cho Aly Dũng vai Sáu "xì ke" để diễn cho hội đồng nghệ thuật xem. Nếu hội đồng đánh giá tốt thì mới được nhận. Đây là nhân vật phản diện, bi hài, tính cách thay đổi nên rất khó diễn.

Thời gian cho Aly Dũng tập luyện là ba ngày. Ban đêm ông ngồi ở cánh gà xem diễn viên diễn, ban ngày ra mấy lùm cây, công viên mà đối tượng "xì ke" thường tụ tập chính choác để quan sát xem chúng lên cơn như thế nào, ngáp như thế nào, chích ra sao?

Ông phát hiện ra điểm nhấn quan trọng là con nghiện ngáp chảy nước mắt. Chi tiết này rất đắt giá. Người diễn viên phải có sáng tạo của riêng mình, ông đã sáng tạo thành công ngay từ khâu hóa trang thành con nghiện.

Bước ra sân khấu, không ai nhận ra Sáu "sì ke" chính là Aly Dũng thủ vai. Đến đoạn ngáp chảy nước mắt, ông nghĩ đến cuộc đời, số phận của mình, cái chết của mẹ và những đứa em. Cứ thế, nước mắt trào ra, cảm xúc không thể ngăn nổi. Mọi người đồng loạt vỗ tay, ở hai cánh gà thấy má Bảy (NSND Bảy Nam) và chị hai Kim Cương mỉm cười, Aly Dũng cảm giác hạnh phúc lấp lánh phía trước cuộc đời. Vừa bước xuống, má Bảy đã vỗ vai nói ngay: "Từ đêm mai con đóng vai này luôn".

Sau khi hoàn thành ngôi nhà, anh Lĩnh (trái) sẽ tạo điều kiện để Aly Dũng làm việc tại rạp chiếu phim của mình.

Cứ ngỡ sự nghiệp diễn xuất sẽ xuôi chèo mát mái sau đêm đóng thằng nghiện thành công ấy. Nhưng không phải có tài là có tất cả, Aly Dũng phải vật vã, bầm dập cạnh tranh và đấu đá sau tấm rèm sân khấu. Người bộc trực, thẳng tính như ông cuối cùng phải chọn sự ra đi như lẽ tự nhiên của nghề. Aly Dũng gõ cửa một số đoàn, rồi cũng chỉ được thời gian là tan đản sẻ gánh.

Đi mỏi gối chùn chân, Aly nhận ra, cái nghiệp mình đang theo thật là bạc. Chỉ vì lỡ yêu rồi phải cắn răng theo đuổi. Với ông, được diễn là thỏa mãn niềm đam mê cháy bỏng, không quan trọng vai đó chính hay phụ, phân cảnh ngắn hay dài. Và cái ông cần còn là "cần câu cơm", nên ông chẳng nề hà bất cứ một vai diễn nào. Nhưng một ngày, đến vai nhỏ xíu cũng không có, Aly Dũng đi lang thang, chán nản.

Rồi ông gặp được đạo diễn Long Vân từ Hà Nội vào, tìm địa điểm khởi quay bộ phim "Biệt động Sài Gòn". Là người gốc Sài Gòn, Aly Dũng nhiệt tình làm thổ địa giúp đạo diễn và đoàn làm phim.

Sau cùng, ông ngỏ ý xin một vai nhỏ để thử sức với điện ảnh. Đạo diễn cho ông vai trợ lý đại tá Cảnh sát trưởng Đặng Văn Song. Vai diễn chỉ được vài phân cảnh, nói dăm ba câu nhưng khiến Aly Dũng sung sướng cả tháng trời vì lần đầu tiên biết đóng phim khác với đóng kịch như thế nào.

Vai thứ hai ông tham gia là phim "Người tìm vàng" của đạo diễn Đào Bá Sơn. Ông được đóng vai người đàn ông ở một vùng nông thôn hạn hán, mất mùa nên phải bỏ xứ tha hương khắp nơi. Aly Dũng thích nhất vai diễn này, vì nội dung kịch bản ý nghĩa, thấm nhuần lẽ sống. Hơn nữa, ông bắt gặp được hình ảnh của mình trong nhân vật, nên càng tâm đắc.

Mải miết theo đuổi đam mê, những vai diễn chỉ đủ miếng cơm sống qua ngày, còn lại vẫn chẳng có gì cho tương lai.

Góp nhặt được chút vốn, Aly Dũng có ý định mua một căn nhà nhỏ nhưng ngần ấy tiền không ở đâu có nhà phù hợp.Cuối cùng, ông phải mua nửa cái chuồng heo làm nơi nương náu những lúc đêm về.

Sống chung với heo vài năm thì bà chủ không nuôi nữa, ông mới bắt đầu có những giấc ngủ thơm tho. Cứ thế, Aly Dũng bám riết lấy nghiệp điện ảnh, dù đói dù no nhưng quyết không từ bỏ. 66 tuổi, vẫn nghèo túng và cô lẻ một mình.

Biết hoàn cảnh tận cùng cơ cực của người nghệ sĩ vốn chịu nhiều mất mát, vợ chồng anh Nguyễn Hồng Lĩnh và chị Trần Hồng Nga, chủ một rạp chiếu phim mini ở đường D2 (P.25, Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã quyết định "thay áo" cho ngôi nhà chuồng heo chưa đầy 10m² của Aly Dũng.

Anh Lĩnh đứng ra lo tất cả, từ thiết kế đến việc đi tìm thợ về làm. Hơn nửa đời người sống âm thầm lặng lẽ, gặm nhấm nỗi mất mát và sự buồn tẻ thì những ngày này, Aly Dũng đã được sưởi ấm bằng tình thương của những người chưa một lần gặp mặt. Ông vui lắm, người như trẻ thêm mấy tuổi.

Ngọc Thiện
.
.
.