"Nữ tướng" Thúy Mùi: Đau đáu công việc bảo tồn, phát triển sân khấu truyền thống

Thứ Hai, 08/10/2018, 07:23
Thúy Mùi không đẹp theo kiểu nhìn là bị hớp hồn ngay. Chị như rượu lâu năm, càng uống càng ngấm. Thúy Mùi thoáng đi qua thì cũng giống như một người phụ nữ bình dị đi qua. Nhưng hễ Thúy Mùi đứng lại, cất lời, dù chưa phải chuyện nghệ thuật, chuyện chiếu chèo, thì cũng đã đủ cho người đối diện bị “mắc cạn” rồi.


Còn nếu Thúy Mùi nói chuyện về chèo, về nghệ thuật truyền thống, niềm đam mê không bến bờ của chị, chắc chắn bạn sẽ tình nguyện mất thời gian để nghe chị.

Nghe, để không chỉ yêu mến một người sinh ra để gắn với chèo, mà còn để thấu hiểu những giá trị văn hóa đẹp đẽ mà chị đang tình nguyện gánh trên vai, với mong muốn lan tỏa ngày một nhiều hơn đến cộng đồng.

Hồi Thúy Mùi còn giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, những lần gặp chị, tôi đều thấy chị đang sấp ngửa lo công việc biểu diễn của Nhà hát. Chị đi nhanh, nói nhanh, cắt cử việc cho mọi người trong đơn vị đâu ra đấy. 

NSND Thúy Mùi.

Lúc nào cũng thấy chị thoăn thoắt, vừa giải quyết việc này liên quan đến chuyên môn, ngoắt cái quay ra lại thấy đang bàn bạc quyết định chuyện tiền nong, tài chính. Làm nữ tướng của một đoàn nghệ thuật truyền thống trong thời buổi khó khăn, khán giả khan hiếm, để đảm bảo đời sống cho anh em nghệ sĩ chị phải đôn đáo khắp nơi tìm nguồn tài trợ, tìm hợp đồng biểu diễn. Chị bảo, anh em nghệ sĩ người ta trông đợi vào mình. 

Mình làm quản lý mà không lo được cho anh em có việc làm, có thu nhập ổn định, dù chỉ là đủ sống, thì làm sao có thể giữ chân họ ở lại với nghề được. Không làm quản lý thì thôi, chứ nếu đã làm, phải dẹp cái riêng đi mà lo cái chung. Phải làm sao để anh em họ yêu nghề hơn, yêu cơ quan hơn, và yên tâm cống hiến cho công việc hơn.

Giới nghệ sĩ Hà Nội vẫn rỉ tai nhau về sự giỏi giang của Thúy Mùi trong công việc. Bằng sự năng động của mình, chị ký kết được nhiều hợp đồng biểu diễn, nỗ lực đưa chèo thường xuyên đến với công chúng. Rạp Đại Nam và rạp của Nhà hát trên phố Nguyễn Đình Chiểu thường xuyên đỏ đèn. Không chỉ thế, chị còn thường xuyên tổ chức đưa đoàn đi diễn ở các tỉnh xa, từ miền núi phía Bắc đến tận miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long xa xôi. 

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm được nghe chính Thúy Mùi kể lại: “Hồi đó, mình ký được một hợp đồng với một tỉnh miền núi, là đoàn sẽ đến tỉnh diễn 15 đêm ở các địa điểm khác nhau. Mình tập hợp anh em nghệ sĩ, dựng vở duyệt vở xong đâu vào đấy, đến ngày thì hành quân lên đường đi diễn. Giữa đường đi, có cuộc điện thoại bên tỉnh gọi thông báo tạm dừng hoạt động của nhà hát mình lại vì bên tài chính chưa đồng ý duyệt kinh phí. Lúc đó đầu óc mình rối bời. 

Một góc của lễ hội đường phố ở Hà Nội vừa qua do NSND Thúy Mùi làm Tổng đạo diễn.

Phải làm sao đây, khi anh em nghệ sĩ họ đang vô cùng háo hức với một chuyến đi biểu diễn dài ngày như vậy. Nói anh em quay về thì lãng xẹt quá, họ sẽ rất buồn, rất thất vọng. Mình vẫn quyết định cho cả đoàn đi tiếp. Đến nơi, mình để anh em nghệ sĩ nghỉ ngơi, và mình bắt đầu điện thoại khắp nơi, liên hệ bất cứ chỗ nào mình quen biết, kết nối với các đơn vị để ký được hợp đồng biểu diễn với họ. Anh em diễn xong đêm này lại hỏi đêm mai diễn ở đâu. Thế mà cuối cùng mình cũng lo đủ 15 đêm diễn cho anh em, đúng như kế hoạch ban đầu”.

Thúy Mùi có một sự khéo léo bẩm sinh trong việc thuyết phục người khác. Đồng nghiệp kể, chỉ cần chị tiếp cận được một vị lãnh đạo, và có cơ hội nói với họ về vẻ đẹp của sân khấu, của chèo, của văn hóa truyền thống, thì gần như chắc chắn vị lãnh đạo đó sẽ khuyến khích nhân viên của mình đến với nghệ thuật. Có đợt đoàn kịch của nghệ sĩ Hồng Vân từ Sài Gòn ra Hà Nội biểu diễn, vé không bán được, rất lo lắng. 

Đưa sân khấu đến với khán giả trẻ bằng các dự án sân khấu học đường là điều mà NSND Thúy Mùi vô cùng tâm đắc.

Biết chuyện, Thúy Mùi xắn tay vào. Chị gọi điện khắp nơi đề nghị mua vé ủng hộ đêm diễn của đoàn. Chỉ trong một thời gian ngắn, số vé ứ đọng đã bán hết veo. Các nghệ sĩ phục lăn tài ngoại giao của Thúy Mùi. Hỏi, chị có bí quyết gì mà thuyết phục các “Mạnh Thường Quân” giỏi vậy, Thúy Mùi khẽ khàng: “Mình chẳng có bí quyết gì cả. Mình chỉ nói về sân khấu với mọi người bằng tất cả tình yêu sân khấu của mình. 

Mình có một niềm tin lớn lao rằng trong lòng ai cũng sẵn một tình yêu dành cho các giá trị văn hóa truyền thống. Nếu họ chưa nhiệt tình là vì chưa có người giúp họ nhìn sâu sắc vào vẻ đẹp của văn hóa truyền thống, hoặc là chính người làm văn hóa chưa tìm đến với họ, kết nối để họ có cơ hội chia sẻ. Khi người ta thấy thực sự yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống rồi, họ sẽ dễ dàng đồng hành cùng với người làm văn hóa thôi”.

“Dụ” khán giả đến rạp, đến với chèo trong thời buổi khó khăn của sân khấu, khi mà các phương tiện truyền thông giải trí đang ngập tràn không phải chuyện dễ dàng. Với Thúy Mùi, tình yêu với nghệ thuật truyền thống không phải một lời nói suông. Người ta phải thực sự đặt chân đến nhà hát, xem những vở chèo, rồi người ta sẽ yêu chèo. 

Trong hoàn cảnh hiện tại, Thúy Mùi quan niệm, người làm sân khấu phải chủ động đi tìm khán giả. Ngồi chờ khán giả đến với mình thì không có đâu. Chị phân tích, lớp khán giả cũ yêu chèo thì nay đã quá già, dù muốn cũng khó có thể đến nhà hát. Vấn đề là phải nuôi dưỡng tình yêu trong khán giả trẻ. Nói là làm, chị chủ động xây dựng đề án sân khấu học đường, đưa sân khấu vào trường học. 

Nhiều năm qua, việc đưa sân khấu vào học đường đã trở thành hoạt động quen thuộc ở nhiều ngôi trường Thủ đô. Khi nghỉ quản lý ở Nhà hát Chèo Hà Nội, Thúy Mùi được mời về phụ trách Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật truyền thống sân khấu Việt Nam, trực thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Nói là cơ quan Hội cho oai, nhưng thực ra làm việc ở Trung tâm này nghĩa là phải “tự bơi”, không có lương bổng hay bao cấp nhà nước. 

Hỏi Thúy Mùi, cả đời chị đã cống hiến cho sân khấu với những thành quả đáng nể phục rồi, giờ được nghỉ ngơi sao chị vẫn tiếp tục “chiến đấu” với công việc như vậy. Thúy Mùi bộc bạch: “Thì cũng nhiều người nói mình vậy. Tại sao mình cứ ôm rơm cho mệt. Nhưng mình là loại người không quen với nhàn, không thích ngồi yên. Mình thấy sân khấu còn nhiều việc chờ những người làm nghề như mình. 

Nếu trước đây mình chỉ chuyên tâm làm chèo, thì giờ ở Trung tâm này, với tư cách là người đứng đầu, mình phải bao quát hết các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Mình sẽ mời gọi những nghệ sĩ tinh túy nhất trong các môn nghệ thuật để quây tụ về cùng nhau, làm những việc thiết thực nhất cho công tác bảo tồn, phát triển sân khấu. Các nghệ sĩ nổi tiếng nhất của sân khấu như Lê Khanh, Hoàng Dũng, Thúy Ngần, Hương Thơm, Mai Hương đều rất sẵn lòng tham gia vào các dự án của Trung tâm. 

Dĩ nhiên công việc rất bề bộn nên mình sẽ làm từ từ từng bước một. Đầu tiên muốn hoạt động phải có kinh phí. Nếu dựa vào Nhà nước thôi thì không làm được, như muối bỏ biển vậy. Mình sẽ phải huy động được nguồn vốn xã hội hóa, sau đó phải xây dựng chiến lược dài hơi, chứ không phải làm đâu bỏ đó, ăn xổi ở thì. Mình rất chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, để các thế hệ đã qua đi cảm thấy mát lòng, các thế hệ sau có điều kiện tiếp cận với nghệ sĩ lớp trước. Hiện tại Trung tâm đang triển khai công việc “số hóa” chân dung các NSND”.

Ngay khi đảm nhiệm cương vị Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống sân khấu, nữ vương của làng chèo Thúy Mùi đã dẫn quân đi biểu diễn nhiều nơi. Chị cũng triển khai các kế hoạch lớn như Lễ hội đường phố vừa diễn ra tại Thủ đô nhân 10 năm thay đổi mốc địa giới hành chính Hà Nội. 

Trung tâm phối hợp với Tổng cục Du lịch Hà Nội và các đơn vị lữ hành tổ chức biểu diễn giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống tại làng nghề và các di tích trên địa bàn Hà Nội. Đầu tiên là thí điểm biểu diễn các loại hình diễn xướng như cải lương, chèo, chầu văn, ca trù miễn phí tại làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần…

Đau đáu với công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống, NSND Thúy Mùi hy vọng chị và các cộng sự sẽ tạo được những nền móng vững chắc ban đầu để các nghệ sĩ trẻ thế hệ sau tiếp tục công việc của mình. Nghệ thuật truyền thống là một di sản quan trọng trong văn hóa truyền thống và trong cả nền văn hóa dân tộc nói chung, là thứ để mỗi người Việt Nam nói chuyện với thế giới trong thời đại hội nhập. 

Nếu lơ là công tác bảo tồn, phát triển, chúng ta có thể sẽ phải trả giá đắt trong tương lai, nếu các thế hệ con em mình không còn biết đến các loại hình nghệ thuật giá trị mà bao đời ông cha đã để lại.

Vũ Quỳnh
.
.
.