Nhạc sỹ Thanh Bùi: Sợ giọng hát việt nhí đã mất hồn nhiên

Thứ Ba, 16/09/2014, 08:00

Thanh Bùi là một ca sĩ người Úc gốc Việt, từng viết nhạc và bắt đầu nổi tiếng khi là người Việt đầu tiên lọt vào Top 8 của cuộc thi thần tượng âm nhạc Úc (Australian Idol) vào năm 2008. Năm 2011, Thanh Bùi chính thức về Việt Nam tham gia hoạt động nghệ thuật, anh từng là HLV của chương trình The voice kids 2013, và hiện là hiệu trưởng của Học viện Âm nhạc mang tên Soul Academy tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh thành công của sự nghiệp, Thanh Bùi đang được đồn đại là con rể của một thương gia có tiếng tại Việt Nam.

Thông qua chương trình The Voice kids 2013,  hình ảnh của Thanh Bùi đến gần hơn với công chúng, được yêu mến hơn, nhưng ở mùa giải thứ 2 anh lại chia tay chương trình. Vì sao vậy?

Vì khi làm The Voice kids sẽ mất rất nhiều thời gian, nếu đã nhận lời tức là tôi sẽ toàn tâm toàn ý 100% sức lực, từ ăn, ngủ, sống, thở đều phải cùng các em trong suốt quãng thời gian năm đến sáu tháng. Mình phải tìm từng bài hát rồi hòa âm phối khí, huấn luyện vũ đạo cho tới lựa cho các con từ bộ đồ. Như năm đầu tiên, tôi đã đưa các học trò của mình vào trước cả tháng trời trong trường của mình để dạy dỗ và chỉ bảo, bên cạnh tôi còn có cả một đội ngũ các thầy cô ở trường phụ giúp vậy mà cũng vất vả và thấy chưa thực sự thỏa mãn được hết yêu cầu mà tôi mong muốn. Tôi biết, nếu tiếp tục nhận lời mình sẽ không thể làm tốt được như năm đầu, trong khi các em xứng đáng và cần phải được quan tâm tốt nhất có thể để có những ngày tháng vui vẻ và ý nghĩa khi chúng đến với cuộc thi. Rất tiếc năm nay tôi không thể, vì lịch làm việc đã kín mít, những dự định được lên từ trước cũng tới lúc tôi phải thực hiện vì không thể chậm trễ hơn được nữa, thành ra dù rất muốn nhưng tôi phải nói lời từ chối tiếp tục tham gia.

Anh có buồn không khi không thể tiếp tục với chương trình, khi mà tâm huyết dạy dỗ và ươm mầm cho các tài năng nghệ thuật nhí luôn là điều mà anh muốn hướng tới?

(Thở dài), Tôi chỉ muốn nói một điều là tôi luôn mong các em giữ được sự hồn nhiên của chúng. Tôi muốn sự hồn nhiên phải được bảo vệ tốt nhất có thể.

Với chia sẻ của anh, thì hình như anh đang mơ hồ lo lắng một điều gì đó, dạng như đến với chương trình các cháu đã không còn giữ được sự hồn nhiên vốn có của chúng?

Thanh Bùi bên vợ và những người thân trong gia đình quyền thế.

Nhìn một vài màn trình diễn cả năm trước và sau thì tôi thừa nhận mình có lo sợ về điều đó. Các con hát rất hay, nhưng thực sự những bài hát mà các con hát nó không phù hợp. Mỗi người có quan điểm riêng của họ, riêng tôi thì đề cao sự hồn nhiên trẻ thơ của các em, vì thế khi lựa chọn bài tôi luôn muốn lựa những bài gần gũi với lứa tuổi với chúng nhất. Tại sao về giọng hát thì các bé của ta không thua kém gì những đứa bé ở The Voice kids Úc, Đức hay các nước khác, nhưng hiệu ứng chúng ta lại không có, không gây được sự bất ngờ và giữ được sự thích thú lâu khi vượt ra ngoài khuôn khổ cuộc thi. Tôi công nhận có rất nhiều bé hát hay, nhưng nó không phải là âm nhạc, nó là âm thanh. Âm thanh thì không có cảm xúc, còn âm nhạc là phải truyền tải tình cảm và chạm vào trái tim của người nghe. Âm thanh nhưng phải có cảm xúc thì mới có thể gọi là âm nhạc được. Chính vì thế tôi mới mở trường Soul và mang các chứng chỉ quốc tế về để đào tạo cho một thế hệ mới của chúng ta, để các con ngày từ bé đã hiểu khái niệm âm nhạc là gì.

Có chuyện anh không tìm được tiếng nói chung với ban tổ chức, với các thí sinh, người nhà hay ekip của mình không?

Đội ngũ năm rồi của tôi rất tốt, không hề xảy ra bất cứ chuyện gì cả. Các bé thương nhau lắm, mai mốt Ngọc Duy sẽ vào Sài Gòn sống và học tại trường của tôi, bé Đại và Tri Giao hiện cũng đang theo học tại đây. Tôi có tiếng nói có sức ảnh hưởng tới các con cũng như gia đình các bé, họ đặt niềm tin vào tôi.

Sao khi mở trường đào tạo và kinh doanh anh không hướng tới đối tượng là các ca sĩ, những người đã trưởng thành, muốn đi theo hướng chuyên nghiệp mà lại lựa chọn thế hệ thiếu nhi?

Vì người lớn chúng ta không thể thay đổi được quan điểm của họ, mà nên tôn trọng những quan điểm đó. Tôi không nói suy nghĩ mình đúng hay sai hơn ai, lịch sử của đất nước của mình với những khó khăn phải trải qua sau chiến tranh nên cần thời gian để ổn định. Nếu lựa chọn giữa bức xúc, hay bức xúc được biến thành cảm hứng để mình hành động và làm nó khác đi, tốt đẹp hơn thì tôi sẽ hành động theo hướng tích cực. Thế hệ trẻ xứng đáng để được thừa hưởng những điều hay ho, và đó là lý do tôi thích đào tạo thế hệ trẻ.

Trường Soul của anh thuần túy là nghệ thuật hay kinh doanh, anh đề cao yếu tố nào?

Nghệ thuật. Nhưng tất nhiên phải có nguồn để nuôi sống nó, mục đích lớn nhất khi mở Soul vì tôi biết trẻ con Việt Nam thiếu gì, đó là sự tự tin, sáng tạo, và cởi mở. Nước ngoài họ chú tâm xây dựng kỹ năng, Việt Nam chưa làm được điều đó. Đây cũng là nguyên nhân khiến tôi lựa nhân viên rất khó, họ thiếu kỹ năng trầm trọng vì thế tôi mở trường để các mầm non được trang bị cho cuộc sống của chúng từ những điều nhỏ nhất.

Nước ngoài họ coi trọng âm nhạc, trẻ con phải được tiếp xúc với âm nhạc, khoa học đã chứng mình âm nhạc sẽ giúp một đứa trẻ hoàn thiện hơn. Nếu được học nhạc, đứa trẻ sẽ học giỏi hơn, cởi mở và hòa đồng hơn, nhạy cảm hơn với mọi người, kết nối và có tâm hồn hơn. Tôi rất xót khi không thể so sánh trẻ con Việt Nam với con nít nước ngoài ở điểm này. Tôi ước mơ sau nhiều năm nữa những đứa trẻ Việt Nam phải được tiếp cận âm nhạc ngay khi chúng hình thành và phát triển, âm nhạc phải được đưa vào giáo dục trẻ em. Những điều tôi đang làm là để hiện thực hóa ước mơ đó, chứ không phải làm nghệ thuật để kiếm tiền cho bản thân mình, hay nổi tiếng hơn. Nói thật tôi không thích làm người nổi tiếng, đi đâu mà nhìn thấy khuôn mặt mình xuất hiện quá nhiều trên các tờ báo hay tạp chí là tôi thấy ngại, tôi không thích làm người nổi tiếng, tôi làm nghệ thuật vì tôi mê nghệ thuật. Sự nổi tiếng khiến mất tự do, và đó là điều tôi rất sợ.

Một cơ ngơi ở vị trí đắc địa tại TP HCM, được đầu tư hoành tráng thế này nhưng những đứa trẻ để đặt chân được vào đây e là chúng cũng phải có một gia thế rất "đặc biệt". Vậy còn những đứa trẻ khác, yêu âm nhạc và cũng cần có những kỹ năng sống như anh mong muốn, có cơ hội nào để chúng đặt chân vào đây?

Từ từ, cái gì cũng phải có thời gian chứ chị, tôi mới mở trường được 26 tháng, những điều chị nghi ngờ thì thời gian sẽ cho tôi để giải quyết hết những điều đó.

Điều gì khiến anh hạnh phúc nhất?

Sống  thật với bản thân không hối hận về những gì mình làm, chị biết không  đêm tôi ngủ ngon lắm luôn, và với tôi đó là hạnh phúc. Chị gặp tôi hôm nay hay ngày mai không khác gì hết. Trên tivi cũng như ngoài đời. Tôi hạnh phúc khi tôi là tôi, với âm nhạc tôi tìm được mình, tôi muốn tất cả mọi người cũng tìm thấy mình như thế. Nhiều khi người ta cứ nói rằng phải đè mình xuống để chiều lòng mọi người, nhưng tôi quan điểm hơi khác, đó là tôi phải vui thì mới làm người khác vui được, tôi phải có cảm hứng thì tôi mới lôi kéo được người khác được.

Thanh Bùi thăng hoa cùng học trò Ngọc Duy trên sân khấu The Voice.

Sau 26 tháng có cơ ngơi hoành tráng ngay trung tâm Sài Gòn, với những trang thiết bị hiện đại và tiện nghi bậc nhất, tôi xin lỗi hơi tò mò, nguồn lực ở đâu để anh có được ngôi trường này?

Tôi đã mở 2 trường ở Úc, dạy học từ năm 19 tuổi, tôi là người khó tính và thẳng thắn. Người ta nói gì tôi không quan tâm, không phải chỉ nói mồm mà thực tâm tôi luôn nghĩ cũng như hành động như vậy. Bên Úc tôi mở trường ở 2 thành phố là Sydney và Melbourne, với hàng trăm học sinh theo học, nhưng rồi tôi tự hỏi ở Úc có cần trường không, và câu trả lời là không. Vì thế tôi quyết định về Việt Nam để mở trường. Tiền thì đương nhiên phải đầu tư, nhưng tôi có sự trợ giúp từ bạn bè, người thân, quan trọng hơn nữa là mình đã kinh doanh ở nước ngoài được rồi thì mình cũng có tiềm lực để kinh doanh tại Việt Nam.

25 tuổi tôi đã mua được căn nhà đầu tiên, tôi luôn cảm ơn ba mẹ vì đã bắt tôi học và tốt nghiệp đại học. Đây là nền tảng cực kỳ quan trọng,  giúp tôi có thể làm mọi việc để kiếm tiền… tất cả những điều đó là vốn liếng và sự chuẩn bị cho ước mơ của tôi về việc mở trường đào tạo và kinh doanh sau này. Đây được coi là tiềm lực và nội lực của tôi.

Còn những cộng sự, họ giúp tôi không phải chỉ tiền mà là tìm hiểu về thị trường, về luât pháp cũng như  nhiều sự trợ giúp khác nữa. Giỏi mấy thì cũng phải có cộng sự thì mới có thể phát triển được. Tôi có hàng trăm người quản lý và trợ lý cho mình ở Thái Lan, Úc và ở tại Việt Nam. Họ đều là những người cực kỳ tài năng.

Thiên thời địa lợi nhân hòa, Thanh Bùi giỏi, có tài, lại may mắn nhưng anh ấy còn may mắn hơn khi là một chàng "rể cưng" của một gia đình có số má trong giới kinh doanh ở Việt Nam? Anh cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ chứ, và đổi lại phải chấp nhận những nguyên tắc gì khi sống trong gia đình đó?

Tôi không hiểu câu hỏi của chị nhưng nói thế này, từ ngày bước chân tới Việt Nam tôi không bao giờ nói về gia đình mình hết. Vì gia đình tôi kín đáo nên tôi tôn trọng sự kín đáo đó. Việt Nam và thế giới có nhiều người giầu lắm, nhưng tôi cảm nhận có bao nhiêu tiền cũng không mua được hạnh phúc, tài năng, tâm huyết. Tiền cần nhưng không phải tất cả, tôi may mắn khi được thương và được cho phép làm những điều mình thích.

Chị nói không sai, khi bước vào những gia đình như nhà vợ tôi thường phải có những nguyên tắc khắt khe nhưng trái lại, nhà tôi rất tôn trọng tôi, họ cho tôi làm những điều mà mình thích, cái quan trọng nhất là thái độ tôi đối xử với vợ mình thế nào kìa.

Tôi sẽ hành động để chứng tỏ cho bản thân mình chứ không nói nhiều về gia đình mình, những đam mê của tôi và thành quả sẽ trả lời cho tôi sống thế nào.

Mới hơn hai năm ở Việt Nam mà sao giờ anh khôn khéo quá vậy, hết hồn nhiên kiểu Tây rồi?

Tôi có khôn đâu, chỉ là không muốn dùng những cái riêng tư để PR cho công việc của mình. Chuyện tôi làm là việc của tôi không ai có quyền động chạm vào, vì có khi tôi bức xúc, tôi mệt chị đâu giúp tôi hay khán giả đâu có giúp tôi, là gia đình tôi và vợ tôi chia sẻ với tôi, nên tôi cần phải bảo vệ họ hết mức, bảo vệ như chính cuộc sống của mình vậy.

Xin cảm ơn anh!

Hải Ngọc
.
.
.