Nhạc sĩ Vũ Huyền Trung: Làm khán giả xúc động là khó nhất,kỹ thuật chỉ là phương tiện

Thứ Tư, 20/02/2019, 16:46
Vũ Huyền Trung một trong những nhạc sĩ phối khí "ăn khách" nhất hiện nay, một người mà nhiều ca sĩ thuộc các thế hệ khác nhau mong muốn được hợp tác.

Vũ Huyền Trung là nhạc sĩ phối khí. Khán giả không biết nhiều về anh vì anh là người kiệm lời, ít xuất hiện, nhưng người trong nghề, đặc biệt là các ca sĩ thì luôn dành cho anh sự tôn trọng đặc biệt. Anh là một trong những nhạc sĩ phối khí "ăn khách" nhất hiện nay, một người mà nhiều ca sĩ thuộc các thế hệ khác nhau mong muốn được hợp tác.

- Anh Huyền Trung, công việc mới nhất anh đang làm là gì?

+ Tôi đang chuẩn bị làm cho chương trình liveshow "Khi xuân thức giấc" với vai trò Giám đốc âm nhạc. Đây là môt chương trình nằm trong chuỗi chương trình "Giao mùa" của các nghệ sĩ Đức Long, Minh Thu, Ánh Tuyết và Bách Nguyễn.

- Cả 4 giọng ca này đều không phải những giọng hát mang tính thị trường. Họ thậm chí khá truyền thống, vậy anh phải “làm mới” họ như thế nào để  hấp dẫn khán giả?

+ Tôi nghĩ rằng, nghệ thuật có căn bản của nó, không phải thích là vẽ ra được. Ở chương trình "Khi xuân thức giấc", với giọng hát của 4 nghệ sĩ này, phong cách âm nhạc thì vẫn là truyền thống thôi, không có gì thay đổi nhiều, còn có những nét nhạc mới hay không thì khán giả phải xem mới thấy. 

Nhiều khi tôi thấy người ta hay lạm dụng, tung hô hơi quá, kiểu như "bạn sẽ thấy những thứ rất là mới ở đây", hoặc là bạn sẽ được thưởng thức những thứ chưa từng thấy, nhưng thực ra đó chỉ là quảng cáo, đến khi mình xem thì mình thấy là nó cũng thế thôi, những cái đó nó đã diễn ra nhiều năm rồi. 

Tôi quan niệm, với các nghệ sĩ có chất giọng tốt, và cách hát cổ điển truyền thống, thì không quan trọng quá chữ mới, mà chú trọng làm những gì phù hợp với cá tính âm nhạc của họ. Khoác áo gì thì cũng phải phù hợp với từng người. Mình không làm mới quá đi để rồi người ta mất hết tập trung vào việc ca sĩ hát bài gì, chất giọng của họ ra sao. 

Sáng tạo của người phối khí dù sao vẫn phải trên cái nền căn bản. Nhưng chắc chắn tôi sẽ không đi lại lối mòn của những cách làm ca khúc quen thuộc đã có sự đồng cảm lâu với thời gian. Tôi không làm theo kiểu "nghe cái ra ngay", những ca khúc cổ điển vẫn là màu sắc của sự đầm ấm lãng mạn cũ, nhưng sẽ có cách phối kiểu như đương đại một chút, đem lại cảm nhận mới cho khán giả.

Nhạc sĩ Vũ Huyền Trung.

- Các nghệ sĩ Đức Long, Minh Thu, Ánh Tuyết, Bách Nguyễn có mong muốn mang đến cho khán giả những chương trình ca nhạc tôn vinh giọng hát là chính, không chiêu trò, không ca sĩ ngôi sao, giá vé phải chăng... Nhìn vào thị trường âm nhạc Hà Nội, anh nghĩ, với phương châm đó, chương trình của họ liệu có đi đường dài được không?

+ Tôi ủng hộ con đường của 4 nghệ sĩ đang đi, ủng hộ cách làm của họ, còn việc họ đi đường dài hay không thì tôi phải nói thật là nó sẽ rất chông gai. Chứ mình không nên lạc quan tếu. Khi mình làm những chương trình có tính chiều sâu, chuyên môn cao, không chạy theo những cái bên ngoài theo thời đại bây giờ, thì dù đúng nhưng rất khó khăn, vì nó còn phụ thuộc khán giả. 

Khán giả trong thời kỳ bùng nổ công nghệ như này, họ rất dễ bị xao lãng bởi những yếu tố không phải cốt lõi của chương trình. Nhưng chông gai mà các nghệ sĩ  vẫn đi thì đó là sự dũng cảm và tôi đánh giá cao điều đó. Tôi hy vọng rằng sự dũng cảm đó sẽ mang lại kết quả tốt cho cả nhóm. Và nếu với cách đi như vậy mà họ đi được đường dài thì đó là tín hiệu tích cực cho âm nhạc, cho các nghệ sĩ và cho khán giả, chứng tỏ rằng gu thẩm mỹ của khán giả không đến nỗi tồi.

- Với anh, khi nhận lời làm giám đốc âm nhạc cho một chương trình thì điều gì là quan trọng nhất?

+ Khi nhận lời công việc phối khí âm nhạc cho một chương trình, tôi luôn nghĩ nó có phải là điểm mạnh của mình hay không. Khi đã quyết định nhận lời rồi, thì tôi có trách nhiệm phải ghi dấu ấn được ngôn ngữ âm nhạc của mình lên chương trình đấy, nhưng không được phép vượt qua cá tính của người nghệ sĩ.

- Nghĩa là sẽ luôn có sự thỏa hiệp giữa anh và nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo tác phẩm?

+ Ở không ít chương trình, người giám đốc âm nhạc lại trở thành nhân vật chính. Họ lấy cái concert đấy làm phương tiện để họ thể hiện cái tôi của mình. Tôi đã từng tham gia nhiều show khác nhau, có show giám đốc âm nhạc họ rất kịch liệt, rất quyết đoán. Nhưng tôi không làm việc theo cách như vậy. 

Tôi bao giờ cũng có sự thỏa hiệp. Nhiều trường hợp tôi rất muốn bài hát phối theo cách này, nhưng tôi nhận ra ca sĩ họ lại thích cách khác, tôi sẽ nương theo họ và làm cho cái họ mong muốn trở nên hoàn hảo hơn. Tôi nghĩ thế này,  khi ca sĩ họ đã thích một cách phối nào đó, họ sẽ hát thoải mái nhất, và khi họ thoải mái nhất thì họ mới hát mới hay được. Đôi khi tôi phải chấp nhận hy sinh cái mình thích, để cùng tìm tiếng nói chung với ca sĩ, nhưng có những nhạc sĩ phối khí khác họ sẽ không làm thế, họ cực đoan hơn, quyết liệt hơn.

- Vậy cá tính của người nghệ sĩ phối khí phải được hiểu như thế nào, hay nói khác đi, cá tính của người nhạc sĩ phối khí có gì khác so với cá tính của người nghệ sĩ biểu diễn?

+ Đây là một câu hỏi hay. Như bạn biết, đã là một người làm nghệ thuật, một người nghệ sĩ thì cá tính đương nhiên phải có. Anh phải có cá tính thì anh mới có khách hàng. Làm một người nhạc sĩ phối khí, nghĩa là luôn đứng đằng sau các nghệ sĩ biểu diễn, "khoác áo" cho các tác phẩm âm nhạc, tôi luôn tự nhắc mình rằng, cá tính đến đâu cũng không được vượt qua ranh giới tác phẩm và ca sĩ, nếu đó là một sản phẩm cho ca sĩ hát. 

Điều này thực sự là rất khó. Tôi không được vượt qua ranh giới nhưng tôi vẫn phải là tôi. Bạn hỏi là tôi phải làm thế nào, thì thực ra tôi cũng không biết phải làm thế nào. Tôi chỉ biết trong quá trình sáng tạo các sản phẩm âm nhạc, tôi tự cảm nhận như thế nào là vừa. Cái này rất khó để diễn đạt, nó hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc của mình. Nếu mà may mắn, sự cảm thụ đó vừa với cảm thụ của người hát, của khán giả, thì đó sẽ là thành công. Còn nếu cảm thụ của tôi bị quá lên chẳng hạn, thì sẽ bị "vênh" với khán giả, với nghệ sĩ.

- Như vậy người nhạc sĩ phối khí phải là người tỉnh táo nhất?

+ Phối khí là công việc mang tính khoa học rất cao. Nhưng phối khí cũng cần đến sự đắm say của người nhạc sĩ. Cả hai, tính khoa học và tính tâm hồn đều phải ngang nhau. Đây là lý do tôi rất yêu công việc này, và thấy may mắn khi mình được làm nghề này, được kiếm tiền từ nó, nhận được sự trân trọng của người trong giới. Có thể hình dung nhạc sĩ phối khí như một người có khả năng giữ thăng bằng tốt.

Nhạc sĩ Vũ Huyền Trung trong vai trò phối khí CD mới nhất của ca sĩ Đức Tuấn (hát nhạc Phú Quang).

- Vậy còn cảm xúc, cái cốt lõi để tạo ra nghệ thuật và cũng là cái cốt lõi để nghệ thuật lan tỏa đến công chúng, anh phải ứng xử với cảm xúc của mình ra sao?

+ Khi tôi nói nghệ sĩ phối khí là một người tỉnh táo nhất thì không có nghĩa là tôi xem nhẹ cảm xúc. Thậm chí cảm xúc đối với tôi còn rất quan trọng, quan trọng hơn cả kỹ năng, kỹ xảo, kiến thức. Hai việc này tưởng như mâu thuẫn nhưng thực ra không hề mâu thuẫn đâu. 

Tôi làm việc với rất nhiều ca sĩ, cả thế hệ già lẫn thế hệ trẻ, tôi luôn cố gắng hiểu người nghệ sĩ. Tôi hiểu cách nghe nhạc của người lớn tuổi, cách nghe nhạc của người trẻ tuổi. Tôi thấy rằng, nếu mình làm gì mà chạm được vào cảm xúc của họ thì họ sẽ thích. Khi phối một ca khúc, tôi luôn đặt mình vào vị trí của người hát, cũng như vị trí của người nghe, cố gắng tưởng tượng nếu mình là họ thì mình có thích ca khúc này hay không. Tôi luôn đứng về phía người biểu diễn và người nghe, đồng hành cùng với họ, hòa cùng cảm xúc của họ. 

Kỹ thuật, trình độ, tay nghề rất quan trọng, nhưng trong nghệ thuật nó đều đứng dưới cảm xúc. Nhạc sĩ Dương Thụ từng nói một câu rất hay: "Trong phối khí thì đừng có cố gắng trưng trổ, vì anh có trưng trổ thì người nghe cũng không biết đâu. Hãy làm sao các để bản phối cho các ca sĩ phải hiệu quả, mà cái hiệu quả đó phải mang tính tâm hồn nhiều". Tôi rất thấm thía điều đó trong âm nhạc. 

Có nhiều nhạc sĩ phối khí rất giỏi, nhưng nghe nhạc của họ lại bị nặng về vấn đề tư duy, lý trí. Họ đưa rất nhiều kỹ thuật vào, họ muốn thể hiện mình có cái này có cái kia, mình làm được kỹ thuật này, kỹ năng kia. 

Chính vì duy lý trí mà họ mất quên cảm xúc đi,  nên người nghe sẽ thấy có một cái gì đó bị vênh. Bởi nghệ thuật cuối cùng vẫn phải là cảm xúc. Nó phải đập vào trái tim của khán giả, chứ nếu mà chỉ đập vào lý trí thì xem ra vẫn chưa phải là nghệ thuật, nó vẫn là một cái gì đó đứng dưới. Nó giống một bài học, một bài tập, chứ không phải là tác phẩm. Khi đã là âm nhạc, là sản phẩm rồi thì đâu còn đúng sai. 

Khán giả không cần biết anh dùng cái gì để đạt tới hiệu quả đó, miễn họ thấy hay, họ xúc động. Tôi nghĩ việc làm khán giả xúc động là khó nhất, còn kỹ thuật chỉ là phương tiện, chỉ để phục vụ thôi, đừng tung ra để cho thấy người ta thấy mình giỏi cỡ nào.

- Có khi nào anh nhận lời phối khí cho một sản phẩm rồi không làm được, hay chậm "trả hàng" vì thiếu cảm xúc chẳng hạn?

+ Gần như những gì tôi nhận lời thì tôi làm được, chứ không bỏ dở. Tuy nhiên có cái làm dễ dàng và có cái vất vả. Có những sản phẩm tôi làm mà cảm giác giống như vượt qua một quả núi vậy. Còn việc chậm trễ thì căn bệnh kinh niên không chỉ của tôi mà của nhiều nhạc sĩ phối khí khác rồi. Chẳng hạn như câu chuyện với ca sĩ Tấn Minh. Tôi và Tấn Minh đã hợp tác làm một đĩa nhạc đầu tiên rất ưng ý, lọt vào đề cử giải Cống hiến. Chúng tôi tiếp tục hợp tác đĩa thứ 2 khởi động từ năm 2013. Đến nay đã 6 năm mà nó vẫn chưa bắt đầu. 

Có lúc cảm hứng của tôi lên cao, chuẩn bị bắt tay vào làm, rồi lại bị phân tán việc khác, Minh thì bận làm quản lý. Tiền Minh đưa tôi cũng đã tiêu hết. Minh không giận, thỉnh thoảng gặp vẫn nhắc sẽ phải làm. Đấy, tôi luôn có những món nợ như vậy, do cảm xúc cả đấy, đâu phải mỗi kỹ thuật, kỹ năng mà xong.

- Cảm ơn nhạc sĩ Vũ Huyền Trung về cuộc trò chuyện!

Hội Quân (thực hiện)
.
.
.