Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Cần một dàn nhạc giao hưởng mang tên Bách Việt
- Giáo sư, nhạc sĩ, NSND Nguyễn Văn Thương: 100 năm vẫn tỏa bóng làng nhạc Việt
- Nhạc sĩ Trịnh Ngọc Châu: Rong ruổi cùng âm nhạc
Nhưng bản nhạc đã không được vang lên, đơn giản vì các nhạc công trong dàn nhạc cổ truyền quen với lối chơi truyền thống… Anh lặng lẽ thở dài, lại xếp bản nhạc này vào ngăn tủ.
- Anh có nhớ mình đã viết bao nhiêu bản nhạc như vậy và bao nhiêu trong số đó có cơ hội đến với thính giả?
+ Thực tế ở Việt Nam hiện nay, các nghệ sĩ trong dàn nhạc không quen chơi theo kiểu âm nhạc chuyên nghiệp của thế giới, còn âm nhạc dân gian họ đánh theo trí nhớ, lòng bản. Cả dàn nhạc chỉ có một số nốt chính và họ thêm thắt vào, cứ thế chơi thôi.
Kết cấu âm nhạc Phương Đông mang nhiều tính ngẫu hứng. Nhưng với âm nhạc chuyên nghiệp phải tuân thủ từng nốt nhạc. Vậy nên ở ta đang có khoảng cách giữa nhạc sĩ và người chơi nhạc.
Nhạc sĩ không có cách nào truyền đạt ý tưởng của mình, vì thế những bản nhạc đương đại viết cho nhạc cụ cổ truyền rất ít. Nó không đủ để khích lệ cho âm nhạc cổ truyền phát triển theo những bài bản đương đại mà chỉ chơi theo lối cũ. Tôi theo đuổi con đường này, viết khá nhiều nhưng chủ yếu là cất vào ngăn kéo.
- Vậy chúng ta thử đặt ra một câu hỏi, đời sống âm nhạc Việt Nam sẽ ra sao nếu không có nhạc cổ truyền được viết theo lối đương đại mà anh và một số nghệ sĩ đang theo đuổi?
+ Mọi người vẫn thấy bình thường thôi vì trào lưu nhạc giao hưởng tràn qua cả thế giới, mọi người thấy hạnh phúc khi nghe nhạc giao hưởng vì nó có những giá trị mang tầm nhân loại. Bên cạnh đó nhạc pop, nhạc rock, jazz cũng mang lại hạnh phúc, niềm vui cho thanh niên.
Chúng ta đang sống như người phương Tây vẫn được mà, hằng ngày đi ô tô, uống cà phê… Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những người thích mặc áo thổ cẩm, ăn bánh chưng. Tôi nghĩ, nghệ thuật phải đa dạng, phong phú và cần có bản sắc. Những vị khách nước ngoài đến Việt Nam, họ cũng muốn xem, nghe văn hóa của mình ra sao.
Chúng ta khoe âm nhạc cổ truyền như chèo, tuồng nguyên bản cũng được. Nhưng sẽ nhàm chán nếu không có những kết nối với đương đại bằng những sáng tác mới trên chất liệu truyền thống đó.
Tôi nghĩ, nếu làm được những chương trình mới như vậy nó sẽ mang lại nguồn lợi du lịch và truyền bá được thẩm mỹ âm nhạc của Việt Nam tới quốc tế để họ không bao giờ nghĩ Việt Nam giống Trung Quốc.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng làm việc với các nghệ sĩ nhạc cổ truyền. |
- Như vậy mảng âm nhạc này đóng một vai trò quan trọng, nhưng vì sao nó không được chú trọng?
+ Ở Việt Nam, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn từ khâu sáng tác. Tôi học sáng tác cổ điển có đầy đủ giáo trình, sách vở từ hàng thế kỷ nay họ đã dịch ra tiếng Việt. Nhưng sách nói về âm nhạc cổ truyền không có.
Các nhạc sĩ sáng tác đều mày mò, hệ thống lý thuyết của chúng ta chưa giải mã được. Nếu sử dụng quá nhiều yếu tố đương đại, các nhạc công lại không chơi được vì họ thường chơi theo ngẫu hứng, thói quen.
Khó khăn thứ hai là về công chúng, những bản nhạc viết theo ngôn ngữ nhạc đương đại sẽ trừu tượng, khó nghe, chính nhạc công cũng khó cảm chứ chưa nói đến công chúng. Thôi nghe nhạc pop cho dễ chịu. Như vậy, chúng ta khó khăn đủ đường, từ hệ thống lý thuyết đến công chúng. Vì thế, ở Việt Nam, ai muốn tổ chức biểu diễn loại âm nhạc đó? Rất hiếm. Nhưng nếu chúng ta có sự đầu tư dài hơi tôi tin nó sẽ mang lại nhiều giá trị cho âm nhạc và công chúng. Tôi nghĩ nó cần thiết cho tương lai.
Thực tế, Trung Quốc, Nhật Bản họ cũng đang nỗ lực cho dòng nhạc này và cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là bài toán của các nước Đông Á. Âm nhạc giao hưởng Phương Tây là một sự kỳ vĩ về âm thanh, nhạc pop của Âu Mỹ mang đến những cảm xúc hấp dẫn, thú vị. Trước làn sóng mạnh mẽ đó của thế giới tràn qua, âm nhạc của những nước Á Đông chống chọi được không? Làm gì hấp dẫn để lấy lại được mình.
Trong khi đó, các nhạc cụ truyền thống của ta âm thanh nhỏ, 10 cái đàn tranh cũng không đủ độ vang trong một phòng hòa nhạc. Sản xuất đàn thiếu khoa học, độ cộng hưởng, độ ổn định của nhạc cụ không cao. Trung Quốc, Nhật Bản áp dụng khoa học để sản xuất nhạc cụ. Còn ở ta, vẫn làm theo kiểu thủ công, truyền nghề, theo cảm tính.
- Vậy theo anh, chúng ta có cơ hội để xây dựng một dàn nhạc cổ truyền theo hướng đương đại hay không?
+ Đây là vấn đề lớn của đất nước chứ không phải chỉ là nỗ lực của một vài cá nhân. Đó là câu chuyện của văn hóa, của bản sắc. Chúng ta cần những Mạnh Thường Quân, không phải những người nhiều tiền mà những người có trí tuệ, có văn hóa và tình yêu đối với văn hóa truyền thống họ mới đóng góp vào sự phát triển, họ đủ sức ảnh hưởng để quy tụ những các nhà khoa học, nghệ sĩ.
Cần một tổ chức hoạt động trong nhiều năm chứ không phải chỉ là mong mỏi, tự phát của một vài nghệ sĩ. Sớm hay muộn chúng ta cũng phải làm chuyện đó. Khi kinh tế giàu có lên, chúng ta nghĩ là cần một dàn nhạc giao hưởng đẳng cấp quốc tế, phát triển âm nhạc cổ điển.
Nhưng sâu sắc, giàu có hơn nữa không chỉ về vật chất mà tinh thần, chúng ta sẽ cần có dàn nhạc cổ truyền mang nhiều màu sắc, giá trị thẩm mỹ của Việt Nam. Hiện tại, chúng ta đang mang biên chế của dàn nhạc giao hưởng Trung Hoa vào dàn nhạc cổ truyền nhưng tôi cho rằng, nó không hiệu quả trong việc khai thác thẩm mỹ bản địa của văn hóa Việt Nam.
- Vậy theo anh, bản sắc của âm nhạc Việt Nam là gì?
+ Đã có khá nhiều dự án khởi động tìm kiếm bản sắc của âm nhạc Việt như nghệ sĩ Nhất Lý từng làm. Chúng ta cần tìm lại giá trị của Bách Việt. Tại sao chúng ta không có một dàn nhạc cổ truyền Bách Việt.
Ở đó tìm lại những chất liệu, lối kết cấu, thẩm mỹ âm nhạc của đồng bào Việt Nam. Chúng ta cần sự chung tay của các nhà nghiên cứu, các nhà vật lý âm thanh học, các nghệ sĩ trẻ biết đọc nốt nhạc, chơi nhạc theo lối hiện đại bỏ công sức đi học các nghệ nhân. Rồi tổ hợp những nhạc sĩ sáng tác khí nhạc trong và ngoài nước cùng nhau tìm kiếm phương hướng, tìm ra mấu chốt của vấn đề để tạo ra một dàn nhạc, một lối chơi nhạc, lớn hơn là một thẩm mỹ riêng.
Từ đó sẽ sinh ra các tác phẩm âm nhạc, các chương trình đủ thể loại, nhạc phim, kịch, hoạt hình trên chất liệu âm nhạc đó. Đến một lúc nào đó, người Á Đông, sau khi bị một cú sốc về âm nhạc phương Tây, họ sẽ dần hồi tỉnh và nhận ra, âm nhạc Phương Tây hay và đẹp nhưng âm nhạc Á Đông cũng có cái hay, cái đẹp riêng. Cái hay, cái đẹp của chúng ta có thể tạo nên một giá trị mà khoảng trống của âm nhạc Tây Âu không chạm tới được. Tại sao không phát triển nó.
Tôi biết nhiều người muốn làm điều đó nhưng rất khó khăn. Họ lặng lẽ làm dù không được cổ vũ. Chúng ta cần có những người tiên phong mở đường cho một cuộc hành trình mà tôi nghĩ sẽ rất thú vị. Tôi thích thú với chất liệu, màu sắc của âm nhạc dân tộc thiểu số, nó rất khác lạ với những gì chúng ta nghe trên thế giới và của người Kinh và nó chạm tới những vùng cảm xúc không phổ thông.
- Tôi nhớ, gần đây nhất có show diễn của Tân Nhàn mà anh giữ vai trò là giám đốc âm nhạc đã tạo ra một không gian âm nhạc khác biệt, kết nối giữa Đông và Tây. Anh có cho rằng, đó là một dấu hiệu khả quan cho con đường mà anh đang đi?
+ Tôi rất ấn tượng với Tân Nhàn, cô ấy yêu âm nhạc cổ truyền và lặn lội đi tìm hiểu, học hát chèo, xẩm từ các nghệ nhân. Hình như ở ta chưa có tiền lệ thì phải. Một ca sĩ hát opera, hát dân gian trở về với truyền thống, khó lắm.
Tôi ấn tượng với khát khao đam mê nghệ thuật mạnh mẽ của Nhàn, cô kéo tôi vào cuộc. Và tôi cũng bị choáng ngợp trước một thế giới quá rộng. Làm thế nào đây, để kết nối âm nhạc cổ truyền với đương đại. Thôi đành bắt chước người Phương Tây, làm cái thuyền ra biển đi thám hiểm.
Cảm giác đó cũng rất thú vị. Làm thế nào với dàn nhạc hiện đại và truyền thống trong sự kết hợp của giao hưởng, pop, jazz. Có thể tôi chưa đưa ra được một chuẩn mực nào đó nhưng nó đã mang lại những cảm xúc mới mẻ cho khán giả. Âm nhạc dân gian có nhiều cách, vô lượng cách.
Đó không phải là cách đúng và duy nhất, nhưng nó góp phần làm nên vườn hoa đa sắc màu của âm nhạc truyền thống. Bởi điều còn lại của âm nhạc là mang đến những cảm xúc cho con người, những buồn vui, hoan hỉ, hạnh phúc hay khổ đau.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.