Nhạc sĩ Sa Huỳnh: Người đàn bà trẻ con

Thứ Hai, 06/08/2018, 17:30
Người đàn bà ấy có gương mặt thoáng nét trẻ thơ, dù đã gần 30 tuổi. Người đàn bà ấy viết nhạc, nổi tiếng sớm, được xem là nữ nhạc sĩ nổi bật trong thế hệ của mình. Người đàn bà ấy là tác giả của rất nhiều ca khúc có ca từ cực kỳ sâu sắc.


Người đàn bà ấy đến tận giờ này vẫn thích đọc truyện tranh, truyện thiếu nhi và đôi khi tìm kiếm cảm hứng sáng tác từ phim hoạt hình. Người đàn bà ấy không muốn lớn lên, muốn khăng khăng giữ lấy sự trẻ con của mình. Người đàn bà ấy có tên Sa Huỳnh.

Sa Huỳnh là con gái duy nhất của nhạc sĩ Triều Dâng. Từ nhỏ, cô được cha cưng chiều và hướng cho theo học âm nhạc. Trong trái tim của Sa Huỳnh, người cha có một vị trí rất lớn, một hình bóng rất lớn. Sự ảnh hưởng của cha đối với Sa Huỳnh mạnh mẽ đến nỗi, cô thú nhận khi chọn người đàn ông gắn với cuộc đời mình, thì người đó phải có những nét giống cha. 

Hơn 10 năm trước, khi chương trình “Bài hát Việt” còn tồn tại, được xem là một chương trình tìm kiếm các tên tuổi nhạc sĩ mới, những ca khúc hay có uy tín trong đời sống âm nhạc, Sa Huỳnh mới 17 tuổi. 

17 tuổi mon men vào một cuộc thi lớn, nơi mà rất nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp cũng đến chơi, Sa Huỳnh bất ngờ gây một ấn tượng khó quên với ca khúc “Về ăn cơm”. 

Người ta sớm nhận thấy bóng dáng một nữ nhạc sĩ trẻ, sẽ là nổi bật trong tương lai khi nghe ca khúc viết về một chủ đề đời thường giản dị. Bởi ở đó, Sa Huỳnh đã sớm bộc lộ tư duy âm nhạc khác biệt, cách “bắt cóc” những nốt nhạc, cách “nhả những con chữ” mang một cá tính riêng không giống ai. 

Giờ đây, sau một thập kỷ tính từ cái buổi đầu “Về ăn cơm” đó, Sa Huỳnh đã thực sự trở thành một gương mặt nữ dấu ấn trong số các nhạc sĩ trẻ tuổi dưới 30. Hàng loạt những ca khúc của cô đã nằm lòng trong công chúng. 

Nó được ví như những bài hit, nhưng phẩm chất của những bài hit này lại khác với phần lớn các bài hit trên thị trường, ở chỗ, nó không hướng nhiều đến tính giải trí, tính đại chúng. Nó cũng không cố gắng đuổi theo sự thời thượng về đề tài hay cách viết nhạc theo xu hướng, theo mốt. 

Nó là những ca khúc được viết từ thẳm sâu trái tim một người đàn bà trẻ tuổi, ngây thơ nhưng cũng không kém phần trải nghiệm, dung dị mà sâu sắc đến nỗi người ta có thể khóc. Có thể kể tên những ca khúc như “Li ti”, “Chiếc ô ngăn đôi”, “Trời cho”, “Cuộn”, “Thể đơn bào”, “Mang thai”... 

Ngoài việc thỉnh thoảng tự biểu diễn một vài ca khúc của mình ở một vài sân khấu, coi  như cuộc chơi “nhè nhẹ” với khán giả, các ca khúc của Sa Huỳnh phần lớn được chắp cánh bởi những giọng hát như Tùng Dương, Lê Cát Trọng Lý, Nguyễn Đình Thanh Tâm... 

Trong đó, giọng hát Tùng Dương được ví như một sự trùng khớp trời cho với phong cách âm nhạc của Sa Huỳnh. Đến nỗi, mỗi khi viết một bài hát mới, Sa Huỳnh đều nghĩ ngay tới việc Tùng Dương sẽ thể hiện ca khúc của mình như thế nào. 

Dường như mọi nỗi niềm, mọi tâm sự, mọi thông điệp mà Sa Huỳnh gửi gắm trong mỗi ca khúc, Tùng Dương đều có thể kể ra chính xác, qua giọng hát ma mị đầy nội lực của anh.

Đối với Sa Huỳnh, việc gặp được Tùng Dương và cuộc hạnh ngộ âm nhạc giữa hai người có thể được xem là một niềm may mắn lớn, một đặc ân, hay nói quá lên chút thì đó là một định mệnh. 

Bởi trong lịch sử âm nhạc, một người viết gặp được một người biểu diễn phù hợp, trùng khớp như trời sinh không phải là nhiều. Chúng ta từng chứng kiến một vài nhạc sĩ nổi tiếng than thở rằng, nhiều ca khúc họ viết ra vẫn đang còn “ứ lại” trong ngăn kéo, vì không thể tìm ra người thể hiện phù hợp... 

Nhìn từ góc độ của Tùng Dương cũng có thể nói một điều tương tự như vậy. Dù cho số lượng người viết nhạc trẻ tuổi hiện nay không hiếm, số lượng người viết nổi tiếng, có thể tạo ra các bài hit như một cỗ máy sản xuất cũng không hiếm. Nhưng với biên độ giọng hát của Tùng Dương, việc tìm ra sáng tác trong số các nhạc sĩ trẻ phù hợp với chiều kích cảm xúc, kỹ thuật, văn hóa của anh cũng chẳng dễ dàng gì. 

Những sáng tác của Sa Huỳnh thực sự đã mang đến một cuộc gặp gỡ quý giá. Đến thời điểm này có thể nói, nếu không bởi giọng hát Tùng Dương, Sa Huỳnh chưa hẳn đã được công chúng chú ý đến như vậy.

Trong các ca khúc của Sa Huỳnh luôn luôn thường trực một sự quẫy đạp, một sự nổi loại, một sự bứt phá, một sự vụn vỡ. Nữ nhạc sĩ thông qua âm nhạc đã tuyên ngôn về một đời sống không chịu bằng phẳng, không chịu nhờ nhờ, nhợt nhạt, không chịu giản đơn. 

Và người ta có thể sẽ lo âu, một người viết như vậy, cuộc sống ít nhiều sóng gió. Nhưng Sa Huỳnh không phải kiểu người sáng tác thông thường đó. Cô có một đời thường bình an, nhẹ nhàng, yên ổn. Cô thậm chí còn lập gia đình khá sớm. Chồng cô, nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng, được giới trẻ biết đến với các ca khúc như “Yêu”, “Khoảng trời của bé”, “Thành thị”, “Phố cổ”... Ngoài ra, anh còn là một giảng viên guitar nổi tiếng. 
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng - Sa Huỳnh.

Có lẽ bởi đã gặp được một người đàn ông tử tế giống như mình mong muốn, một người có thể hiểu được cô và sẵn lòng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, nên Sa Huỳnh đã sớm gật đầu bước vào hôn nhân. 

Nếu ai đó lo ngại, một cuộc hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, lại sớm vướng chuyện sinh con, thì sự nghiệp của một nữ nhạc sĩ triển vọng nhiều khả năng sẽ bị chậm lại, hoặc sẽ hướng sang một lối rẽ khác. Nhưng trong từng đấy năm đã qua, Sa Huỳnh vẫn lặng lẽ sống với đời thường của một người phụ nữ có gia đình, và chưa khi nào quên công việc sáng tác. 

Cô không phải mẫu người sáng tác cần thiết có những điều kiện xa xỉ giống như cô đơn một mình, ngồi quán cà phê, đợi cảm hứng thăng hoa rồi mới viết. Sa Huỳnh, có lẽ được sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật, được cha mẹ bồi đắp và cũng là tự học được cách chắp nhặt những giá trị cuộc sống trong mọi hoàn cảnh. 

Đọc cô trả lời phỏng vấn trên truyền thông, thấy trân trọng cô ở khả năng quan sát, kiến tạo những ý tưởng để viết một ca khúc từ những hiện tượng bình thường trong đời sống quen thuộc hàng ngày. 

Những chiếc lá rơi trong gió chiều, một vài chi tiết ám ảnh trong bộ phim yêu thích, những bài học nhỏ từ cuốn truyện tranh, hay những trải nghiệm về cuộc sống làm vợ, làm mẹ của chính mình đều có khả năng “thức giấc” một suy ngẫm, một ý tưởng sâu xa về đời sống. Những “Hoạn Thư”, “Mang thai”, “Oa oa”, “Trời cho”, “Li ti”... chưa khi nào là những ca khúc “sợt” qua tai, “sợt” qua cảm xúc của người nghe. 

Với khả năng sử dụng ngôn ngữ sâu sắc, giàu tính văn học, cũng như sự siêu việt trong xử lý các cung bậc thanh âm bằng các nốt nhạc, mỗi ca khúc của Sa Huỳnh luôn “găm lại” trong người nghe một nỗi gì đó như ám ảnh. Giống như người ta bất thần gặp một bông hoa lạ trên đường đi, và người ta không thể nào bước tiếp mà không dừng lại đôi chút để nhìn ngắm nó, thưởng lãm vẻ đẹp của nó, thậm chí nhận lấy những thông điệp rõ ràng trong sự đặc biệt của nó đang “đập mạnh” vào giác quan của mình.

Sa Huỳnh dường như không vội vàng trong tuổi trẻ. Cô đi những bước khá bình thản, vui vẻ nhận lấy những điều mà cuộc sống dành cho. Và cô thực sự cũng được rất nhiều khi sớm tìm được một bờ vai tin cậy để sẻ chia, là người chồng của mình. 

Cùng làm âm nhạc bên nhau, cùng nuôi dạy con, cùng tôn trọng nhau những khoảng trời riêng trong sáng tác, cùng một quan niệm làm nghệ thuật như cuộc rong chơi, không bị những cám dỗ vật chất truy đuổi, cặp đôi đang trở thành một biểu tượng đẹp trong lòng công chúng.

Những người nghe nhạc trót yêu mến Sa Huỳnh qua những sáng tác của cô luôn mong muốn cô sẽ tiếp tục con đường mình đi bình thản như vậy. Sa Huỳnh - một người đàn bà sống đơn giản phần đời thường, nhưng mọi năng lượng được cất giữ từ trong đáy sâu, luôn chờ được bùng nổ qua những sáng tác nghệ thuật...

Vũ Quỳnh
.
.
.