Nhạc sĩ Quốc Trung: Sống mà phải “diễn” thì thật là bất hạnh

Thứ Năm, 26/06/2014, 08:00

Gai góc, và bản ngã đến độ cứng nhắc, nhạc sĩ Quốc Trung liên tục trở thành tâm điểm của dư luận. Từ những phát ngôn gây sốc về các quan điểm âm nhạc không đi theo số đông, đến bản phối Đi học trong chương trình Giai điệu tự hào mà nhiều người quy chụp cho anh là "phá hoại". Và bây giờ, là việc hủy show diễn Cầm tay mùa hè mà anh và ekip đã chuẩn bị rất công phu khi show diễn chỉ còn vài ngày. Hẳn là chua chát lắm khi phải chối bỏ đứa con tinh thần của mình. Bởi không phải ai cũng dám chấp nhận thất bại. Nhưng Quốc Trung, đối diện với tất cả bằng một thái độ điềm tĩnh của một người làm nhạc văn minh. 

Hủy show chúng tôi chỉ mất 200 triệu

- Show diễn Cầm tay mùa hè của anh vừa thông báo hủy. Đây không phải là lần đầu tiên nhà sản xuất thông báo ngừng chương trình trước giờ diễn. Và không phải ai cũng dám nhận thất bại. Phải chăng vì show ế vé?

- Có nhiều nguyên nhân khiến chúng tôi rất tiếc phải hủy show diễn này. Nguyên nhân khách quan là có quá nhiều show vào cùng thời điểm, địa điểm và có nhiều sự quan tâm khác của công chúng. Chúng tôi chủ quan về sức hút của chương trình và thói quen của khán giả. Với sự đầu tư về kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng và luyện tập dành cho chương trình rất lớn nên lượng vé bán ra không đủ chi phí. Dừng lại chúng tôi chỉ thiệt hại khoảng 200 triệu còn nếu tiếp tục thì con số đó sẽ gấp 3-4 lần. Còn có những sai lầm cá nhân nhưng tôi không tiết lộ ở đây được. Dù rất tiếc nhưng chúng tôi phải nói lời xin lỗi khán giả.

- Dám chấp nhận thất bại để cho những nỗ lực mới hơn. Anh có buồn, thất vọng thậm chí nản khi những chương trình âm nhạc tử tế lại không nhận được sự ủng hộ của số đông khán giả. Hay con đường của Quốc Trung quá khác biệt với thị trường âm nhạc trong nước.  Anh có tiếp tục với Cầm tay mùa hè?

- Tôi không cố tạo nên sự khác biệt cho Cầm tay mùa hè hay bất cứ chương trình nào. Tôi hướng tới một chương trình có chất lượng về mọi mặt, đặc biệt cá tính của các nghệ sĩ sẽ được khắc hoạ rõ nét hơn và chính điều đó sẽ làm nên sự khác biệt. Tôi không thất vọng mà sẽ nỗ lực hơn nữa chương trình đã duy trì được 3 năm chỉ bằng sự ủng hộ của khán giả vì vậy chúng tôi vẫn tự tin, kiên định đi theo con đường của mình và Cầm tay mùa hè sẽ không dừng lại.

 - Nói đến sự khác biệt và làm mới, anh đã gây bão trong dư luận bởi ca khúc Đi học. Đây không phải lần đầu tiên anh làm mới ca khúc, nhưng lại gây ra những phản ứng trái chiều. Anh nghĩ sao về điều này.

- Tôi nghĩ nó cũng là điều bình thường thôi. Tôi luôn định hướng và cố gắng đưa cá tính âm nhạc và bản sắc cá nhân của nghệ sĩ vào tác phẩm. Quan niệm của tôi bài hát luôn phải gắn với hình ảnh và cá tính của người ca sĩ và muốn như vậy thì việc đầu tiên là không được lặp lại hay giống với bất cứ hình mẫu nào. Càng khác biệt thì càng dễ có cơ hội tạo nên cá tính.

 - Nhưng vấn đề ở đây là làm mới ca khúc nhưng lại làm mất đi cả lời và nhạc nguyên gốc.

- Chúng tôi đã thể hiện đúng lời hát với văn bản của một nhà xuất bản và đúng nhạc ở lần hát đầu tiên. Để hát khác đi, chúng tôi đã nhờ BTC xin phép gia đình tác giả chứ tôi không cố tình làm mới bằng cách hát sai lời hay sai nhạc.Việc hát khác đi một số câu để tạo nên cảm xúc mới là điều hết sức bình thường khi cover lại một bài hát quen thuộc và nó không có nghĩa là người thể hiện không đủ trình độ âm nhạc hay thiếu tôn trọng tác giả.

- Anh có thể nói rõ hơn về quan điểm làm mới một tác phẩm âm nhạc?

- Trước tiên là phải mang lại sự mới lạ và tiếp đến nó phải mang phong cách âm nhạc riêng biệt của người thể hiện. Vấn đề không phải là hát được bài hát đó mà là phải trình bày bái hát đó như thế nào. Giới hạn duy nhất là năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ, tuy nhiên trong một bài hát thì cũng cần tìm phong cách phù hợp với nội dung của lời bài hát.

Có khi họ lại cho tôi là kẻ dở hơi

- Trong một lần phỏng vấn ca sĩ Thanh Lam, tôi nhớ, chị ấy cho rằng, anh cần phải tham gia nhiều hơn nữa những show game truyền hình để gần hơn với khán giả. Phải cân bằng giữa thị hiếu khán giả và rót vào tai họ những thứ mình sáng tạo. Anh nghĩ sao?

- Tôi mong muốn và chủ định rót vào tai khán giả những âm thanh chất lượng nhất mà tôi có thể làm được, điều mà đa số hiện nay còn rất ít quan tâm chứ không đi tìm những thứ họ đang thích để chạy theo, ngay kể cả điều đó phù hợp với khả năng và phong cách thì đứng về khía cạnh sáng tạo của nghệ sĩ nó đã ít đi rất nhiều và biến nghệ sĩ thành những người thợ rồi. Người làm nghệ thuật chuyên nghiệp cần quan tâm là biết đối tượng khán giả của mình là ai để đặt tác phẩm của mình đúng chỗ, đúng người. Tôi nghĩ nghệ sĩ thường có xu hướng đi lên trong sáng tạo chứ không đi xuống hay bỏ bớt những sáng tạo của mình đi để phù hợp hơn với số đông. Đôi khi đó chỉ là sự nguy biện cho những người không đủ năng lực sáng tạo. Người định hướng âm nhạc phải là nghệ sĩ chứ không phải khán giả bởi nếu như vậy âm nhạc sẽ không phát triển.

- Dạo này không thấy anh tham gia các show game. Anh chán những sự ầm ĩ đó rồi sao?

- Tôi thấy không còn hứng thú và hiệu quả đóng góp không như ý muốn thì tự rút lui thôi. Đó cũng không phải là một quyết định khôn ngoan về mặt kinh tế nhưng tôi lại thấy hạnh phúc khi được làm những điều mà mình yêu thích. Không phải tôi không cần hay không thích tiền mà chắc là thích chưa đủ mạnh.

- Anh có nhiều phát ngôn gây sốc về những quan điểm âm nhạc của mình. Nhưng nhiều người cho rằng, nhạc sĩ Quốc Trung thì đã đóng góp được gì cho âm nhạc đương đại?

- Đóng góp được gì hay chưa không liên quan gì đến quan điểm và tranh luận. Tôi không gây sốc vì chẳng có lợi gì cho bản thân từ việc đó và nó không nhằm phê phán riêng ai mà chỉ với mong muốn xây dựng đời sống âm nhạc phát triển và lành mạnh. Trong một xã hội văn minh thì sự đóng góp dựa vào chất lượng của công việc chứ không phải là hình thức. Nhạc sĩ phối khí hay nhạc công không sáng tác bài hát không có nghĩa là họ không có chuyên môn hay không có đóng góp vào dây chuyền, đời sống âm nhạc.

- Công việc anh làm rất lặng lẽ, nhưng đang tạo nên những sắc màu mới của âm nhạc đương đại Việt Nam. Nhìn dài về phía trước, anh thấy con đường đi của mình sẽ đến đâu?

- Từ sự nghèo nàn về màu sắc và lạc hậu nên chúng tôi mới hướng tới tương lai và mong muốn mang xây dựng nền âm nhạc văn minh, hội nhập với đời sống âm nhạc thế giới. Đi đến đâu thì không biết nhưng luôn phải hướng về phía trước và không được dừng lại.

- Liệu anh có cái nhìn lạc quan vào đời sống âm nhạc Việt khi nó đang đầy rẫy những thứ scandal, những chiêu trò, những đạo nhạc, pop rock màu mè, rẻ tiền?

- Nếu đã coi những điều đó là rẻ tiền thì nó chẳng thể nào lại ảnh hưởng đến đời sống của mình. Cần phải biết mình hướng tới điều gì và điều gì làm mình vui và hạnh phúc. Có thể với những người mà bạn cho là rẻ tiền thì họ lại đánh giá tôi và bạn là những kẻ dở hơi vớ vẩn bởi họ hơn chúng ta về sự giàu có, nổi tiếng và đôi khi cả số đông.

Quốc Trung và các con.

Chỉ giận chứ không trách Thanh Lam

- Có lần anh từng nói rằng, tôi chưa đạt được giấc mơ của mình. Bây giờ thì sao ạ. Hình hài của những giấc mơ đó ra sao thưa anh?

- Nó vẫn dang dở và tôi vẫn mơ về nó. Sẽ rất khó miêu tả hay hình dung về nó nếu không có những trải nghiệm ở những nền âm nhạc phát triển.

- Nhà thơ Phan Huyền Thư, người bạn thân của anh nói rằng, lúc nào anh cũng giấu bản thân mình, và hình ảnh "đã hết ngồi nhìn mãi bóng đêm" - sự im lặng dông bão rất Quốc Trung. Hình như anh trút tất cả vào âm nhạc?

- Trầm lặng như vậy mà còn hứng đầy dông bão với gạch đá đấy... Âm nhạc mang cho tôi niềm vui và tôi hạnh phúc được làm việc và sống bằng âm nhạc. Vì vậy nên mọi thứ chỉ nên gói trong âm nhạc. Tôi là người không thích thể hiện và cũng ít nói nhưng nếu nói ra những suy nghĩ và quan điểm của mình mà còn phải "diễn" hay giả dối thì cuộc sống thật là bất hạnh.

- Anh có khi nào nghĩ về một mái ấm khi các con anh đã trưởng thành và bắt đầu tự lập?

 - Tôi vẫn luôn luôn có một mái ấm cho mình và nhiều tình yêu. Đến khi các con trưởng thành thì còn nghĩ gì đến chuyện rẽ ngang rẽ dọc nữa. Cố gắng đi đến hết con đường mình chọn là hạnh phúc lắm rồi.

- Có bao giờ, chỉ một chút thôi, anh trách giận Thanh Lam khi anh phải một mình nuôi hai con?

- Với Thanh Lam thì vẫn thường phải giận chứ trách thì không. Giận vì Lam hay đón con và đi chơi về sai hẹn chứ việc nuôi con là sự thống nhất của chúng tôi để có điều kiện học tập tốt cho hai con. Thanh Lam cũng phải hy sinh nhiều trong việc không được gần con và còn chịu nhiều điều tiếng về việc đó nữa. Nói chung là giận phụ nữ thì chỉ thiệt thân và cũng không nên trách họ, nhất là khi họ lại là "phụ huynh" của con mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh

Khánh Linh
.
.
.