Nhạc sĩ Quốc Trung: Làm Monsoon để tạo cảm hứng sáng tạo cho nghệ sĩ

Thứ Hai, 22/08/2016, 09:53
Một “gió mùa” (Monsoon) nữa lại đến và nó thực sự được mong chờ bởi khán giả và nghệ sĩ đều tin tưởng vào sự chọn lựa của tổng đạo diễn, nhạc sĩ Quốc Trung. Với Monsoon, anh đã thực hiện được giấc mơ của cuộc đời mình.


- Vì sao năm nay, Monsoon lại chọn chủ đề văn hóa giao thông, và anh sẽ thể hiện nó như thế nào bằng âm nhạc?

+ Suy cho cùng tất cả các hành vi của con người đều có căn nguyên từ văn hóa. Mọi thứ trong đời sống đều có mặt tốt và mặt xấu. Bia rượu có thể mang lại niềm vui, sự hứng khởi nếu sử dụng có ý thức, có văn hóa thì sẽ tốt, nếu quá đi thì ngược lại.

Thông điệp văn hóa giao thông được đưa ra để khơi gợi ý thức tham gia giao thông của mọi người, thông qua âm nhạc, mang lại không khí chia sẻ với cộng đồng, niềm vui cho mọi người, và khi cảm thấy vui, hứng khởi, họ sẽ yêu cuộc sống của mình hơn, yêu mọi người xung quanh và yêu thành phố mình đang sống.

Nhạc sĩ Quốc Trung.

Và chỉ khi có tình yêu như vậy, họ mới ý thức được việc tham gia giao thông, khi người ta tham gia một cách có văn hóa, có ý thức thì sẽ giảm được các vấn nạn.

Đây là một chủ đề khó nên chúng tôi đưa ra lộ trình 5 năm, đầu tiên là thay đổi nhận thức của mọi người, tham gia giao thông ý thức như thế nào, ứng xử với nhau thế nào. Lộ trình thứ 2 sẽ có những thay đổi về hành động và thứ 3 là những cam kết của cộng đồng về văn hóa giao thông.

- Vâng, cùng với sự đồng hành của nhãn hiệu bia Tuborg, có vẻ như Monsoon không còn ngại ngần khi song hành cùng các nhãn hàng tài trợ, phải chăng đó là một sự thỏa hiệp?

+ Chúng tôi luôn mong muốn có sự đồng hành của các đối tác, và đã xin phép UBND thành phố Hà Nội ấn định một ngày cụ thể hàng năm để có những sự đồng hành lâu dài.

Việc đồng hành của các nhãn hàng không phải là sự thỏa hiệp mà là cùng nhau mang lại những giá trị cho cộng đồng. Đó là sự cố gắng của cả hai bên.

Việc gắn tên nhãn hàng bia Tuborg tôi hy vọng không chỉ 5 năm mà còn dài hơn nữa để chúng tôi có thể mang những sản phẩm văn hóa, những bữa tiệc âm nhạc nói riêng và những giá trị tinh thần nói chung đến cho mọi người. Đó là điều chúng tôi cùng hướng tới.

- Tôi nhớ, năm ngoái, khán giả đã được thưởng thức những bữa tiệc âm nhạc, nhưng thiếu một sự tiết chế nào đó, khiến tôi có cảm giác bị phung phí. Năm nay anh có ý định điều chỉnh hay không?

+ Khó có thể nói là phung phí, về cảm xúc tôi nghĩ là chúng tôi thành công, đã mang đến nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, và khán giả thực sự cảm xúc.

Và cũng không phung phí chút nào khi sau đêm diễn, nhiều người đã tin tưởng vào sự chọn lựa của tôi. Tôi hy vọng nó mang lại niềm tin cho chúng tôi khi chọn lựa và giới thiệu những phong cách âm nhạc mới.

- Sự thành công của Monsoon là tạo ra một bữa tiệc âm nhạc đồng đều và hợp lý giữa nhạc Việt và quốc tế. Năm nay, các ban nhạc nước ngoài lấn lướt, điều đó có vẻ như không đúng với tinh thần của Monsoon là trao cơ hội cho những ban nhạc trẻ, khuyến khích những người trẻ trong nước và tạo một sân chơi cho họ?

+ Nghệ sĩ Việt năm ngoái có Lê Cát Trọng Lý, Phạm Anh Khoa, Trần Toàn K300, năm nay có Tùng Dương, Mỹ Linh, PB Nation, chỉ không có đêm ga la mà thôi.

Ban nhạc Huyền thoại Scorpion sẽ đến Việt Nam trong mùa Monsoon 2016.

Một trong những tiêu chí tôi đặt ra là làm sao thu hút được khán giả để họ chấp nhận những cái mới. Thói quen của người Việt khi nghe nhạc là tìm nghệ sĩ nổi tiếng và bài hát quen thuộc.

Hiện nay, có rất nhiều cuộc thi, truyền hình thực tế phát hiện ra những người trẻ tài năng, nhưng sau đấy họ lo chạy show, họ không có những dự án vì các dự án sáng tạo đòi hỏi nhiều về kỹ năng tổ chức, sản xuất và sự ủng hộ của khán giả.

Không phải ở đâu cũng có được không khí cởi mở để khán giả có thể đón nhận được tất cả các thể loại âm nhạc một cách dễ dàng như ở Monsoon. Vì vậy nhiều  nghệ sĩ mong muốn được đến Monsoon biểu diễn.

Như Mỹ Linh, hay Tùng Dương, họ có thể tự làm các show diễn của mình, nhưng họ vẫn thích biểu diễn ở Monsoon, bởi Tùng Dương hay Mỹ Linh nếu tự tổ chức show, họ sẽ không được hát hoàn toàn bài mới của mình đâu mà phải là nhạc xưa, nhạc tình… Bởi một dự án mới đem ra bán vé cần có thời gian thay đổi thói quen của người nghe.

Tôi cá rằng không có nghệ sĩ nào dám dại dột mang toàn bộ những bài hát mới của mình ra biểu diễn trong chương trình riêng. Nhưng ở Monsoon thì có thể, đó là điều khác biệt. Chúng tôi đã tạo được không khí cho nghệ sĩ.

Tôi muốn các ban nhạc trẻ và cả những người nổi tiếng như chị Mỹ Linh, Tùng Dương phải dũng cảm diễn những cái mới để thay đổi thói quen của khán giả. Một nền âm nhạc không có cái mới thì không thể phát triển được và chúng ta sẽ loanh quanh không ai biết đến.

- Theo như anh nói thì những người trẻ nước ta không đủ tiêu chuẩn, hay đời sống âm nhạc Việt quá nghèo nàn, không có những gương mặt?

+ Nếu chị có thể giới thiệu thêm cho tôi bất cứ tác phẩm nào, có thể biểu diễn live trong vòng 30 phút tôi sẽ sẵn sàng mời họ. Năm đầu tiên, tôi đưa ra tiêu chí, các nghệ sĩ tham gia phải có ít nhất 1 bài hát mới, năm thứ 2, ban tổ chức bỏ qua khâu ấy. Năm thứ 3, họ nói thẳng với tôi là nếu vẫn giữ nguyên tiêu chí đó thì họ không tổ chức được.

Vì thế năm ngoái có nhiều ban nhạc trẻ có album, bài hát mới, nhưng khi tôi tiếp xúc với họ thì họ sử dụng những kỹ thuật về thu âm, còn biểu diễn live lại khác hẳn so với những thứ họ đã thu trong album. Đó là điều khó khăn. Chúng tôi có một năm đi tìm những nhân tố mới, nó hoàn toàn không phải là cảm tính.

Tôi có quyền lựa chọn thế nào là văn minh, thế nào là phù hợp. Nhưng để đảm bảo một set 30 phút chơi live thì không phải ban nhạc nào cũng đáp ứng được. Nếu tôi can thiệp quá sâu, dàn dựng thì tất cả sẽ mang bóng dáng của ông đạo diễn và nó không còn sự khác biệt, phong phú nữa.

Tôi nghĩ, đây không phải là nhiệm vụ của tôi. Tôi chỉ tạo ra cảm hứng để các ban nhạc trẻ hiểu được tinh thần và thôi thúc họ sáng tạo và làm ra những dự án mới để cùng góp vào với nhau.

Đó cũng là điều các nghệ sĩ trẻ phải suy nghĩ, họ có đủ thời gian và sự bình tĩnh để theo đuổi âm nhạc dài hơi không, hay mới chỉ được một vài bài hát rồi lại lo đi chạy show…

- Năm ngoái khi các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, chúng tôi có hỏi họ có biết gì về đất nước, con người Việt Nam. Họ đều lắc đầu. Vậy tạo sao, chúng ta không chọn cơ hội này, để quảng bá âm nhạc Việt Nam bằng cách mời các nghệ sĩ nước ngoài chơi nhạc Việt?

+ Tôi nghĩ chúng ta không nên giữ quan niệm đó trong giao lưu văn hóa. Nghệ sĩ đến để trình diễn cho khán giả những gì họ có, chứ không phải để mua vui cho khán giả bằng cách hát những bài hát của đất nước này.

Tất cả các nghệ sĩ, ban nhạc nổi tiếng của thế giới, họ chưa bao giờ đến nước này thì hát bài của nước này, đến nước kia thì hát bài nước kia.

Có chăng chỉ một sự giao lưu rất ít ỏi thôi. Ở đây có tôi, anh Tùng Dương, chị Mỹ Linh, và chúng tôi mới là người có trách nhiệm mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới chứ không phải của các nghệ sĩ nước ngoài. Việc họ đến đây và chưa biết gì về âm nhạc Việt Nam là trách nhiệm của chúng tôi chứ không phải của họ.

- Một điểm nhấn của Monsoon năm nay là anh đã mời được ban nhạc huyền thoại Scorpion đến Việt Nam. Điều này hẳn không dễ dàng thưa anh?

+ Ngay từ năm đầu tiên tôi đã nghĩ đến việc mời những nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có  Scorpion. Năm đầu tiên tôi đã tìm được đại diện của họ nhưng họ từ chối vì bận lịch diễn, mà một festival chưa có uy tín thì họ không mạo hiểm. Năm thứ 2 chúng tôi cũng mời, nhưng họ chưa nhận lời.

Cho đến năm nay, chúng tôi đã liên lạc và đặt lịch từ rất sớm và nhận được câu trả lời của họ, với điều kiện chúng ta phải đáp ứng những yêu cầu về tài chính và kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng của họ. Nhất là kỹ thuật là một bài toán khó.

Những thiết bị đó phải thuê từ nước ngoài về. Làm việc với những ban nhạc hạng A trên thế giới đòi hỏi một sự chuyên nghiệp, tức là phải book lịch sớm, phải trả 100% tiền. Nếu họ không diễn thì sẽ trả lại, còn mình có trực trặc là mất luôn. Đây cũng là một điểm dừng chân trong tour vòng quanh châu Á của họ.

- Cảm ơn nhạc sĩ Quốc Trung. Và chúc một mùa Monsoon thành công.

Ca sĩ Mỹ Linh: Mong lễ hội là sự kiện thường niên

Tôi tự hào lây với anh Quốc Trung, tất cả những gì chúng ta đang nhìn thấy chỉ là phần nổi, còn phần chìm là anh và các cộng sự của mình đã vượt hết chướng ngại vật này đến chướng ngại vật khác để đưa Monsoon trở thành một sự kiện văn hóa của Hà Nội. Từ trước tới nay, tất cả festival âm nhạc thường do các bạn bè quốc tế tổ chức, nhưng bây giờ nó được tổ chức bởi những người yêu âm nhạc, làm âm nhạc Việt Nam, điều đó rất có ý nghĩa đối với chúng tôi. Chúng tôi muốn đóng góp sự quan tâm, niềm  mơ ước và hy vọng của mình để lễ hội này thực sự trở thành lễ hội thường niên của Hà Nội, nhận được sự quan tâm của công chúng. Quốc Trung đã thực hiện được một giấc mơ rất lớn trong cuộc đời mình.

Ca sĩ Tùng Dương: Điểm sáng trong nền âm nhạc Việt

Tôi có duyên với nhạc sĩ Quốc Trung từ 2007, khi tôi tham dự festival âm nhạc ở Đan Mạch, lúc đó tôi còn rất trẻ. Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một lễ hội âm nhạc lớn và hiểu được tầm vóc của một festival. Ngày hôm nay, anh Quốc Trung đã thực hiện được giấc mơ của mình. Chúng tôi rất trân trọng khi anh thực hiện festival này. Trong tình hình âm nhạc đang loạn như thế này, từ đạo nhạc, đến sự xô bồ, bấp bênh của đời sống âm nhạc, những gì đang diễn ra rất thiếu định hướng cho giới trẻ, thì những hoạt động như thế này sẽ là một điểm sáng trong nền âm nhạc Việt Nam.

Việt Hà
.
.
.