Nhạc sĩ Quốc Bảo: Tôi không mong nổi tiếng hơn

Thứ Ba, 13/08/2013, 14:46

Quốc Bảo xưa nay vẫn nổi tiếng là một nhạc sĩ khó gần và khó ưa với số đông. Cách mà Quốc Bảo trả lời phỏng vấn, bày tỏ quan điểm của mình có thể không hợp với số đông nhưng chẳng hề gì, quan trọng là chính Quốc Bảo cảm thấy thích thú và hạnh phúc với những quan niệm về nghề của mình.

Càng ngày càng im ắng hơn trong sự nghiệp, trừ một vài lần xuất hiện trên truyền hình với vai trò giám khảo hoặc giám đốc âm nhạc một số show truyền hình, còn lại, Quốc Bảo chăm chú với công việc phòng thu và viết lách, niềm đam mê lớn thứ hai sau âm nhạc của anh cùng với nhiếp ảnh. Và giờ, Quốc Bảo trở lại với một dự án từ thiện cầu kì, cách làm và cách tổ chức cũng khác với các show số đông. Anh từ chối gọi show của mình là "hàn lâm và xa dời khán giả" bởi vị nhạc sĩ này luôn tin thanh xướng kịch (musical) sẽ là một món ăn hấp dẫn khán giả Việt.

Sáng tác 18 ca khúc cho show từ thiện

- Ý định thành lập đêm thanh xướng kịch Lụa của anh bắt đầu từ khi nào thưa anh?

- Phác thảo đầu tiên cho thanh xướng kịch này được hình thành khi tôi và một số nhà hảo tâm muốn gây dựng một quỹ từ thiện cho các bệnh nhi hoại huyết (ung thư máu). Sáng lập thì không khó khăn, nhưng để gây dựng quỹ và nuôi nó phát triển, thì cần có xung động khởi đầu. Sẽ là gì nếu không phải là một công trình nghệ thuật nho nhỏ, đúng tài đúng sức tôi? Ý tưởng ấy được các bạn nghệ sĩ ủng hộ, sẵn lòng bỏ công sức thật nhiều và nhận thù lao tối thiểu, thế là tôi bắt tay vào viết nhạc.

- Tại sao show lại tên là Lụa? Có phải nó được xây dựng trên nền cuốn tiểu thuyết Lụa không, thưa anh?

- Đúng vậy. Cơ sở cho thanh xướng kịch lấy cảm hứng từ tiểu thuyết ngắn Lụa của nhà văn Ý Alessandro Baricco. Vì sao lại là cuốn sách ấy? Bởi vì nó ngắn, cô đọng, hàm súc như những bài thơ haiku; nó có cốt truyện đầy bi kịch; nó đẹp cả về cách diễn đạt ngôn ngữ lẫn cấu trúc; nó có tính-kịch rõ nét. Khi viết đề cương kịch bản âm nhạc, tôi gần như bị cuốn vào không khí truyện, tôi đặt mình vào bối cảnh truyện và rồi soạn nhạc trên cảm xúc của người trong cuộc. Trừ "Bình Yên" và "Lạnh" là hai bài hát tôi đã có sẵn, mười tám bài còn lại và các đoạn nhạc mở đầu, giữa các màn đều được soạn mới.

- Về tính thể loại, tôi thắc mắc sao lại là thanh xướng kịch, một thể loại có vẻ "hàn lâm" và xa lạ với công chúng Việt Nam. Anh có thể giải thích qua được không?

- Thanh xướng kịch (oratorio) là một thể loại âm nhạc/sân khấu cổ điển, được phát triển nhờ công lao của Monteverdi hồi thế kỷ 17 ở Ý. Trong các nhà thờ thời đó, thanh xướng kịch được công diễn thường xuyên với phần đệm đàn organ và bộ dây, có dàn hợp xướng phụ họa, các diễn viên chỉ đứng hát mà không làm động tác kịch, không di chuyển (khác với nhạc kịch).

Vì nội dung các bài hát đều lấy từ tích Kinh Thánh, nên khán chúng dĩ nhiên hiểu cốt truyện mà không cần diễn giải thêm. Duy nhất có Dudley Buck soạn oratorio The Light of Asia (1886) nói về cuộc đời đức Phật. Oratorio vẫn phát triển song song với opera (ca kịch) đến tận ngày hôm nay. Thế kỷ 20, Stravinsky đã công diễn thanh xướng kịch Oedipus Rex (1927) ở Pháp, Franz Schmidt dựng vở The Book with Seven Seals (1938) ở Đức. Các nhạc sĩ đại chúng cũng viết thanh xướng kịch: La Chanson du mal-aimé (1954, 1972, Léo Ferré, dựa trên thơ Apollinaire),  Liverpool Oratorio (1991, Paul McCartney).

- Một chương trình hoành tráng như vậy mà diễn tại một phòng trà nhỏ như We nghe có vẻ hơi kì lạ và khiên cưỡng, thưa anh?

- Cũng cần nói ngay để các bạn hình dung: thanh xướng kịch cần một sân khấu rộng, dàn nhạc lớn, âm thanh và ánh sáng tốt, tức là phải có một nhà hát hiện đại. Song, chờ đến khi có đủ điều kiện thì cái gánh nặng mà gia đình và xã hội phải mang vì những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo đến bao giờ mới được san sẻ? Và chính những đứa trẻ ấy, liệu chúng có chờ được không? Vậy nên tôi và các nghệ sĩ quyết tâm làm một đêm nhạc trong không gian mini của phòng trà, với dàn nhạc nhỏ tối thiểu, và tôi đã chuyển soạn các bản phối từ dàn nhạc lớn thành tổng phổ thu gọn, bỏ đi phần hợp xướng và một vài nhạc phẩm phức tạp không hợp với không gian diễn nhỏ này. Các bạn hãy nhìn nhận Lụa của đêm 28 tháng 8 sắp tới như một phác thảo, vừa là phác thảo nghệ thuật lại cũng là phác thảo dự án từ thiện. Như một khởi đầu, như một xung động nhỏ nhoi nhưng không thể bỏ qua khi ta đã hướng tới một mục đích lớn.

- Hình như anh chưa từng có kinh nghiệm về thể loại này thì phải? Có phải là một sự mạo hiểm không, thưa anh?

- Tám năm trước, Đêm Thần Thoại diễn ở nhà hát Hòa Bình, là một thanh xướng kịch với kịch bản chính tôi viết, dùng các ca khúc Trịnh Công Sơn làm chất liệu. Tôi cũng nhìn thấy trước tương lai của sinh hoạt văn hóa Việt ở đô thị, chắc chắn nhạc kịch đại chúng (musical) sẽ được ưa chuộng.

Tôi chủ động lui về "ở ẩn"

- Nếu tôi phản biện rằng Quốc Bảo lâu quá không có hoạt động gì mới buộc anh phải nghĩ ra một show để có cái nhắc tới tên anh và những cộng sự thì điều đó sẽ làm anh tức giận không?

- Tôi thậm chí còn muốn rút về ở ẩn, hoạt động như một người vô danh, để làm cho hết những thứ tôi thấy thích và cần. Tôi đâu mong muốn nổi tiếng hơn nữa.

- Làm trong lĩnh vực nghệ thuật mà không mong nổi tiếng nghe có vẻ không thật vì danh lợi cũng từ danh tiếng mà ra thưa anh?

- Câu trả lời của tôi là KHÔNG MONG NỔI TIẾNG THÊM. Đối với tôi, danh tiếng là thứ tự động đến sau những nỗ lực hầu hết là vô tư của nghệ sĩ. Sự nổi tiếng nếu bị xem như một mục đích, và mục đích duy nhất, thì nó thành thuốc độc phá hủy mọi sáng tạo.

- Đây có phải lần đầu tiên anh làm một show từ thiện không? Tôi quan tâm tới cách anh, làm bởi Quốc Bảo trước nay chưa từng nổi tiếng trong lĩnh vực làm thiện nguyện. Anh có sợ bị nhìn bằng những ánh mắt đầy nghi hoặc và những dấu hỏi lớn cho tính mục đích của show?

- Làm từ thiện mà vì mục đích… nổi tiếng thì chưa từ và chưa thiện. Tôi đã làm rất nhiều một cách thầm lặng và giấu tên tuổi, cho các dự án thiện nguyện lớn nhỏ. Nếu không thực tâm mong muốn giúp đỡ các cháu bé bệnh tật bằng một hành động tức khắc, tôi đã không phải vất vả chuẩn bị cho Lụa, tôi đã an nhàn làm các dự án kiếm tiền (có nhiều, tồn đọng), tôi đã đi đâu đó du lịch cho sướng thân.

- Lại là một chương trình từ thiện, anh có cảm thấy hiện nay ngày càng có nhiều chương trình từ thiện? Nhiều thì về cơ bản là tốt nhưng tính minh bạch và hiệu quả sử dụng số tiền thu được thì lại quá… mơ hồ! Tôi không cố tình có ý nghi ngờ nhưng thực tế thì lại quá khắc nghiệt buộc đôi khi người tiếp nhận phải sinh nghi, điều đó có làm anh bận tâm và buồn?

- Từ trước đến giờ, tôi đã góp công, của vào nhiều quỹ từ thiện hoặc giúp trực tiếp những ai cần giúp, tôi không phải tay mơ không biết sẽ dùng tiền vào việc gì, cho ai.

- Anh có vẻ không thích việc nghệ sĩ làm từ thiện xong lên báo khoe khoang nhỉ? Hình như điều đó khiến anh dị ứng thì phải!

- Dị ứng thì không đến nỗi. Tôi không hay để ý chuyện người khác. Chỉ biết riêng tôi, tôi không làm thế.

- Trong danh sách nghệ sĩ tham gia, tôi không thấy có những cái tên đình đám đã từng gắn với anh như Ngô Thanh Vân, Mai Khôi, Thủy Tiên, họ không phù hợp hay anh không mời hay bởi họ từ chối thưa anh?

- Đây mới chỉ là bản phác thảo của một thanh xướng kịch, các bạn ấy sẽ được mời vào các lần công diễn chỉn chu, hoành tráng hơn sau.

- Nhưng anh cũng không thể phủ nhận sự góp mặt của họ thì cũng sẽ khiến công chúng quan tâm hơn chứ! Nếu để đến những dự án sau thì e rằng chưa biết bao giờ, thưa anh. Ý kiến của anh?

- Tôi không muốn làm phiền quá nhiều người cho một mục đích thật ra nhỏ: quyên góp những đồng tiền đầu tiên cho quỹ từ thiện. Chỉ những người thực sự tâm huyết, thân tình, tôi mới mời. Còn các bạn khác, chờ dịp khác.

- Anh có nghĩ cách anh làm từ thiện bằng một show hàn lâm như vậy là xa rời thực tế và hiệu quả thu lại cũng khiêm tốn nhưng sự đầu tư lại quá lớn, ý tôi là cả về chất xám lẫn vật chất?

- Tôi không chủ trương làm nhạc khó, xa rời quần chúng đâu.

- Xin cảm ơn và chúc anh ngày càng thành công hơn với những dự án của mình!

Du Miên
.
.
.