Nhạc sĩ Phú Quang: Tôi rất "sợ" khán giả của mình

Thứ Ba, 20/10/2015, 11:43
Hai người nghệ sĩ, một nhà thơ và một nhạc sĩ sẽ hội ngộ cùng nhau trong đêm thơ nhạc "Anh không muốn lạc em thêm lần nữa". Nhạc sĩ Phú Quang, người đóng vai trò vừa là nhân vật vừa kiêm giám đốc nghệ thuật của đêm diễn chia sẻ, ông sẽ thực hiện một chương trình mà khán giả đến tận lúc ra về sẽ còn phải tiếc nuối. Một cuộc ngẫu hứng của âm nhạc và thơ hấp dẫn, không phải lúc nào cũng có thể tổ chức.

- Thưa nhạc sĩ, cứ cuối thu đầu đông, như thường lệ, khán giả Hà Nội lại nhớ âm nhạc Phú Quang và chờ mong được nghe nhạc Phú Quang. Năm nay, đêm nhạc "Anh không muốn lạc em thêm lần nữa" lại có thêm phần đọc thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang. Cơn cớ nào khiến cho hai người thơ nhạc cùng tên Quang hội ngộ trong một chương trình vậy?

+ Năm ngoái Hồng Thanh Quang cũng đã làm một đêm thơ của anh ấy tại Nhà hát Lớn và có mời tôi tham gia, vì tôi có nhiều bài hát phổ thơ anh Quang. Năm nay tôi lại được mời làm chương trình này, vì đơn vị tổ chức họ nói họ muốn sự kết hợp của thơ Hồng Thanh Quang và âm nhạc của tôi.

- Nghe nói chương trình không bán vé?

+ Đúng vậy, đây là chương trình không bán vé, được làm để tri ân những khán giả đã yêu thương và ủng hộ chúng tôi, một người làm âm nhạc, một người làm thơ.

- Làm một chương trình không có áp lực về việc bán vé, chắc hẳn là dễ hơn một chương trình bán vé, thưa nhạc sĩ?

+ Tôi nghĩ là khó hơn. Vì nếu bán vé thì yêu hay ghét, hấp dẫn hay không hấp dẫn mình đo được ngay. Còn không bán vé thì khó lượng hóa những điều này. Người ta mời mình tham gia chương trình vì yêu mến mình, đấy cũng là áp lực, phải nghĩ xem làm những gì để vừa chiều mình, lại vừa chiều nhà tổ chức, lại chiều lòng khán giả nữa. Tất cả phải vui, phải hài lòng thì cuộc chơi mới thi vị. Chương trình mình làm nếu không bán hết vé thì chỉ mình thiệt thòi thôi, cảm giác nó dễ chịu hơn là việc mình để người khác thiệt thòi hay không ưng ý.

- Trong các chương trình mà nhạc sĩ tự làm, thường là ghế ngồi bao giờ cũng chật kín. Dường như chưa khi nào ế vé, và Phú Quang cũng không mấy khi phải "chịu nhận  phần thiệt thòi về mình"?

+Vâng, cũng có cái may là chương trình tôi làm chưa khi nào bị ế vé cả. Cứ làm ra là hết vé.

Nhạc sĩ Phú Quang - nhà thơ Hồng Thanh Quang.

- Sáng tác ca khúc, rồi tổ chức đêm nhạc, bán vé, đưa sản phẩm âm nhạc đến với khán giả... ba công việc ấy ông đều làm rất thành thục, rất có hiệu quả. Vừa sản xuất vừa tiêu thụ sản phẩm giỏi, có thể gọi ông là doanh nhân được chăng?

+ Nếu được gọi là doanh nhân thì tôi xin nhận mình là một doanh nhân may mắn. May mắn được nhân dân thương, chứ chẳng tài cán gì.

- Nghe không được xuôi lắm, nhiều nhạc sĩ cũng tự làm chương trình, nhưng người dân lại thường bỏ tiền mua sản phẩm của Phú Quang...

+ Là đôi khi có thể nhân dân chưa công bằng thì sao (cười).  Tôi nói đùa cho vui chút thôi. Chứ câu chuyện bán vé hay làm thế nào để đưa âm nhạc mình đến với công chúng tôi phải nói thật thế này. Đôi khi một số nhạc sĩ ở ta chưa thực sự trân trọng khán giả. Họ chưa đánh giá hết tầm quan trọng của khán giả. Tôi phải nói thật, tôi là một nhạc sĩ rất sợ khán giả. Không phải nói thế để nịnh khán giả đâu, nhưng tôi thường nghĩ nếu không có khán giả tôi làm âm nhạc cho ai, tôi có lý do gì để tiếp tục công việc của mình. Muốn được khán giả thương thì mình phải trân trọng họ. Trong mọi khâu, từ sáng tác đến tổ chức biểu diễn mình phải tỉ mỉ cẩn trọng, hiểu khán giả muốn gì mà chiều chuộng họ. Cái sự chiều chuộng ở đây đừng đánh đồng với việc mình chạy theo khán giả. Chiều chuộng trong sự hiểu khán giả cũng có nghĩa là mình phải tận cùng mình. Mình làm cái từ đáy sâu lòng mình thích, mình ưng ý thì nhiều khả năng mình sẽ gặp được khán giả của mình.

- Chỉ là tận cùng mình thôi, chứ không phải Phú Quang có "mánh"  gì?

+ Thì đấy, tôi đã nói, phải biết sợ công chúng. Viết một bài hát, làm một bài thơ, anh phải nghĩ rằng cái anh làm ra, viết ra là hay nhất, hài lòng nhất, thì may ra anh mới được khán giả yêu quý. Sự uy quyền của khán giả bộc lộ ở chỗ, nếu anh làm những thứ hời hợt, nhạt nhẽo tức là anh coi thường khán giả, họ sẽ bỏ anh mà đi ngay. Khán giả không bao giờ được đứng thấp hơn người sáng tác. Họ đứng ngang bằng, thậm chí là cao hơn người sáng tác. Nếu trong lúc sáng tác anh nghĩ anh là vua, thì khi mang sản phẩm ra thị trường, hãy đặt mình vào khán giả, hãy nghĩ khán giả là vua mà suy xét mình nên đưa những gì phục vụ họ.

Ca sĩ Phương Anh - người có duyên với một số ca khúc của Phú Quang.

- Cho dù ông phân tích như vậy, tôi vẫn có cảm giác là ông "vuốt ve" khán giả của mình quá. Một người sáng tác không "quên" khán giả đi trong lúc viết, có thể họ là một người nệ khán giả, dễ chạy theo những nhu cầu của khán giả, chứ không phải của mình?

+ Hãy nghĩ lại chữ làm vua của tôi, khi tôi nói mình sáng tác thì mình làm vua. Tôi tận cùng tôi trong khi viết, thì tôi còn có thể quan tâm đến ai. Nhưng nếu khi đem tác phẩm ra công chúng, anh vẫn cứ oách như vua thế thì không ổn. Thường khi viết xong một tác phẩm tôi hào hứng lắm, thấy nó hay vô cùng. Nhưng tôi không bao giờ nôn nóng mang tác phẩm đó đến ngay với công chúng. Tôi bỏ nó vào ngăn bàn, quên nó đi một thời gian, cho cảm xúc về trạng thái cân bằng, rồi tôi mới giở lại nó để xem và nghe. Tôi nghe rồi vài người bạn thân nữa nghe. Nếu thấy ổn tôi mới đưa nó vào đời sống. Khi tôi đã quyết định đưa 1 tác phẩm vào đời sống, vai trò làm vua của tôi chấm dứt. Tác phẩm của tôi đi phục vụ khán giả mà.

- Trong giới nhạc sĩ, Phú Quang nổi tiếng là một "tay" ghê gớm, khi cần thì đanh đá không ai bằng. Đó có phải là cách ứng xử khôn ngoan chăng, một cách để những kẻ không ưa mình phải dè chừng chăng?

+Tôi nghĩ cách đó chẳng khôn ngoan gì, nếu không muốn nói là dại. Thói đời người ta vẫn thích những lời ngọt ngào, dễ nghe, hơn là những lời nói nặng nề, khó nghe, cho dù nó là sự thật đi nữa. Người sống đến tầm tuổi này như tôi, lại cũng không đến mức ngu si đần độn, sao không hiểu được rằng người ta đang ngứa chỗ nào để mà "gãi" cho trúng. Gãi đúng chỗ ngứa của người khác, nhiều khi được lợi to lắm, bổng lộc to lắm, nhưng tôi không làm được. Tôi chịu. Tôi cứ phải nói những lời thật lòng tôi suy nghĩ, cho dù nó có thể đụng chạm đến ai. Vì bản tính của tôi là như vậy rồi. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng, những lời nói thẳng lúc đầu khó nghe, sau khi người ta đã hiểu ra, đã nhận ra các giá trị rồi, người ta lại quý mình, muốn gần gũi mình. Sự chân tình bao giờ cũng có phần thưởng đấy.

- Trở lại với câu chuyện thơ ca. Vì chương trình sắp tới là sự kết hợp giữa nhạc Phú Quang và thơ Hồng Thanh Quang- một nhà thơ có nhiều tác phẩm được ông phổ nhạc. Ông thích thơ Hồng Thanh Quang ở điểm nào?

+Tôi nghĩ thơ Hồng Thanh Quang mộc mạc, giản dị. Anh không cầu kỳ lắm trong thơ. Những bài thơ của anh luôn có một điều gì đó để tôi khai thác, tạm ví như quặng vậy. Có thể đó là một câu, một ý còn thô vụng, nhưng tôi cảm nhận có thể phát triển nó thành một ca khúc. Tôi rất thích đọc những bài thơ mà đọc xong thì tôi cảm nhận nó giống như một chất liệu, để tôi có thể biến nó thành âm nhạc.

Ca sĩ Tấn Minh.

- Trên truyền thông gần đây đang lình xình mấy vụ đạo thơ chưa có hồi kết. Bên âm nhạc, nạn đạo nhạc cũng nóng không kém phần. Ông có quan tâm câu chuyện này không và ý kiến của ông về việc này như thế nào?

+ Cái chuyện ăn cắp nhạc, đạo nhạc, thuổng nhạc không những ít đi mà nó còn nhiều lên, công khai trắng trợn nữa chứ. Nhưng tôi nói thật là tôi không quan tâm đâu. Nhiều nhà báo cũng gọi điện hỏi tôi vụ mấy anh ca sĩ trẻ thuổng nhạc, tôi nói, tôi còn nhiều việc phải làm lắm, không hơi đâu bận tâm mấy vụ này. Bởi vì trước hay sau thì những câu chuyện này cũng sẽ biến mất. Nó có là gì đâu, chỉ là rác rưởi trong đời sống âm nhạc. Mà rác rưởi bọt bèo thì sẽ bị cuốn phăng đi hết. Không có giá trị giả hay ảo nào đứng lâu được với thời gian, vậy cứ bình tĩnh mà làm việc của mình. Người sáng tác càng cần phải bình tĩnh. Nếu anh làm ra các giá trị thật, thì anh quan tâm làm gì nhiều đến truyền thông, chiêu trò, mánh lới hay phải may đo trang phục lấp lánh làm gì.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện.

Chương trình đêm Thơ nhạc của nhạc sĩ Phú Quang- nhà thơ Hồng Thanh Quang diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 21 -10 - 2015 gồm các bài hát nổi tiếng của Phú Quang, các bài hát Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang và những bài thơ của Hồng Thanh Quang. Các nghệ sĩ tham gia gồm: ca sĩ Tấn Minh, ca sĩ Phương Anh, NSƯT Quang Lý, NSƯT Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, ca sĩ Hồng Nhung, Saxsophone Trần Mạnh Tuấn. Dẫn chương trình: MC Thụy Vân. VietinBank đồng hành cùng chương trình.
Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.
.