Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Dòng sông vẫn miệt mài chảy
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Vẫn nguyên niềm lạc quan
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Viết nhạc bằng mệnh lệnh của trái tim
- Vụ nhạc sĩ Phó Đức Phương đòi nợ ở liveshow Khánh Ly: Miếng pho mát miễn phí nằm ở đâu?
Vậy mà, thời gian thật nghiệt ngã, ông ngã bệnh, những dự định và hăm hở sáng tạo đành khép lại. Bạn bè trân quý ông, một nhạc sĩ tài hoa, cả cuộc đời dấn thân lao động và cống hiến. Họ làm đêm nhạc dành tặng ông.
1.“Khúc hát phiêu ly” sẽ diễn ra vào đêm 10-7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, một đêm nhạc do bạn bè và gia đình làm dành tặng ông, trong những ngày ông đang chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Dù bệnh nặng, nhưng trong tâm hồn người nhạc sĩ ấy vẫn tràn đầy tình yêu với âm nhạc, như ông từng chia sẻ với tôi rằng: “Năng lượng sáng tạo vẫn luôn tràn đầy trong tôi, dù cuộc sống hay công việc có vất vả thế nào”. Chỉ một câu hát vang lên, là chúng ta có thể nhận ra đó là âm nhạc của Phó Đức Phương.
Trong cuộc gặp mặt nhân sự kiện đêm nhạc của ông sắp tổ chức tại Hà Nội, nhiều bạn bè văn nghệ, chủ yếu là những người trẻ, từng làm việc, gắn bó với ông chia sẻ rất nhiều câu chuyện xúc động.
Không đến được cuộc họp báo, từ giường bệnh, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã gửi lời đến mọi người: "Mình đang hết sức lạc quan, mặc dù đang trong tình trạng vô cùng hiểm nghèo và mình không ngờ nó vất vả đến thế. Mình hi vọng sẽ gặp các bạn trong chương trình khác rạo rực, dữ dội hơn".
Nhà văn Trần Thị Trường, người nhiều năm gắn bó với nhạc sĩ Phó Đưc Phương ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chia sẻ rằng bà thực sự khâm phục nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Cách đây 20 năm, khi khái niệm về bản quyền âm nhạc vẫn còn chưa định hình ở Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã dám đi vay tiền để thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
"Ông ấy tự học luật, tự học tiếng Anh, ăn cơm nhà, đi đòi tiền bản quyền cho các nhạc sĩ. Ông ấy đã hi sinh thời gian sáng tác của mình để lao vào một lĩnh vực đầy khó khăn, bị nghi ngờ đủ điều. Ông ấy làm việc rất nghiêm túc, không hề có chuyện tư túi như lời đồn”, nhà văn Trần Thị Trường nói.
Còn ca sĩ Thanh Lam, người thành công với những bài hát của ông chia sẻ: "Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng nói cuộc đời luôn phải đối diện với thử thách, bây giờ lại là một thử thách mới với chú. Khi nhìn thấy nụ cười của chú, nghe chú nói chuyện tôi tin rằng, trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm với âm nhạc sẽ thôi thúc chú vượt qua”.
Ca sĩ Mỹ Linh khẳng định, tên tuổi của nhạc sĩ đã là bảo chứng chắc chắn nhất cho đêm nhạc "Khúc hát phiêu ly". Mỹ Linh cũng thổ lộ rằng, Phó Đức Phương không chỉ là một nhạc sĩ lớn mà còn là một người sống rất chân thành, sôi nổi. Ở nhạc sĩ luôn toát ra tinh thần yêu âm nhạc tha thiết và nhiệt huyết cháy bỏng với từng câu hát.
Hơn 70 tuổi ông mới có một liveshow đầu tiên của mình. |
2. Có lẽ, sự ảnh hưởng của âm nhạc Phó Đức Phương đóng một vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc đương đại Việt Nam. Ông là một trong nhóm “Bộ tứ sông Hồng” đã viết nên những nốt nhạc đẹp nhất của âm nhạc Việt thập niên 90 của thế kỷ XX, cùng với nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Trần Tiến.
Nếu âm nhạc của Dương Thụ dịu dàng, lãng mạn và sâu lắng, nhạc của Nguyễn Cường hào hùng, khí phách, Trần Tiến ngẫu hứng và trữ tình, thì Phó Đức Phương mang đến một âm hưởng ngọt ngào của dân ca Bắc Bộ bằng những bài hát đẹp về thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, sông ngòi.
Cả 4 nhạc sĩ luôn nuôi dưỡng những giấc mơ lớn dành cho âm nhạc, mỗi người đã đóng góp một màu sắc riêng, không trộn lẫn. Và cả bốn người trong họ đều dành những yêu thương trân trọng tài năng cho nhau.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói, cuộc đời ông là những ngã rẽ bất ngờ. Ông vốn là sinh viên Toán lý Đại học Sư phạm. Năm thứ 2, ông nhận ra rằng, ông không thuộc về những con số và bài giảng, tâm hồn ông thuộc về âm nhạc và sống chết ông cũng phải đi con đường đó.
Ông nộp đơn xin thôi học và phải đến năm thứ 3 ông mới đạt được nguyện vọng. Từ bỏ con đường làm một giáo viên, Phó Đức Phương xin lên Nông trường Cửu Long một năm làm công nhân (thực ra là đi vòng để không bị sai phạm chuyển trường nọ sang trường kia).
Một năm lao động vất vả, cực nhọc nhưng mang lại cho ông nhiều trải nghiệm quý giá của cuộc sống, được sống hồn nhiên giữa thiên nhiên và những người lao động. Ông vẫn cảm ơn những ngày tháng vất vả đó đã cho ông vốn sống và những góc nhìn cuộc đời gần gụi, ấm áp hơn, hồn nhiên hơn.
Sau một năm quăng quật với cuộc sống, ông thi vào Nhạc viện Hà Nội, theo đuổi giấc mơ âm nhạc mà ông ấp ủ. Có lẽ vì mọi thứ không thuận lợi ngay từ đầu và cuộc đời ông gặp nhiều gập ghềnh nên âm nhạc của Phó Đức Phương cũng dữ dội và đầy lớp lang.
Bộ tứ sông Hồng (từ trái qua phải): Nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Phó Đức Phương. |
Sau này, khi đang ở đỉnh cao của âm nhạc, ông lại rẽ ngang sang làm Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, nhiều năm lăn lộn ngược xuôi đấu tranh cho bản quyền âm nhạc và cũng chịu không ít điều tiếng. Nhưng gia tài còn lại của nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn là âm nhạc.
Những “Trên đỉnh Phù Vân”, Chảy đi sông ơi”, “Khúc hát phiêu ly”, “Về nhà”… là những tác phẩm đỉnh cao sẽ sống mãi với thời gian của ông. Điều đáng nói là trong các tác phẩm của nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn mang đậm âm hưởng dân ca, những tuồng, chèo, cải lương.
Ông chia sẻ: “Tôi yêu vô cùng những ngôn ngữ đó, yêu và đồng hóa được nó để rồi biến thành cái của tôi. Và khi nghe nhạc của tôi, người nghe có thể gặp đâu đó hình như là của tuồng, hình như là của chầu văn, của ca trù. Đó là một hành trình không đơn giản.
Để có thể yêu quan họ, tôi đã từng lăn lộn, nghiên cứu, tìm tòi về quan họ. Thế rồi, vì yêu ca trù nên khi làm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Ca múa Hà Nội, tôi "ép" các ca sĩ đến nhà nghệ nhân Quách Thị Hồ học lấy vài làn điệu cơ bản, học cách luyến láy và cái hồn của ca trù.
Cũng thời trẻ, tôi tìm đến nhà cụ Liễu, cụ Đội Tảo để tìm hiểu về tuồng. Bởi vì những làn điệu dân gian của mình nếu chỉ nghe thoáng qua không thể hiểu được đâu, phải đến tận nơi, nghe và cảm, nó vô cùng đặc sắc, đáng yêu và cao siêu, đáng để phải nhập hồn mình vào đó”.
3. Giờ thì ông đang trong những ngày vất vả chống chọi với bệnh tật. Căn bệnh ung thư tụy đã lấy đi sức khỏe của ông khiến ông kiệt quệ. Nhưng tinh thần sống của người nhạc sĩ tài hoa vẫn rất mạnh mẽ. Ngay cả những giây phút cận kề bên giường bệnh, ông vẫn nói say mê về âm nhạc, về những dự định, về giấc mơ sau này. Bởi với ông, “đời sông không hề biết vơi đầy”.
Cứ yêu cuộc sống, lăn xả với đời, không toan tính, vụ lợi. Ông chỉ tiếc, vẫn đang còn một dự định dang dở, ông đang viết một vệt bài về những anh hùng dân tộc như Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trung, Trần Hưng Đạo.
Ông còn dự định viết tiếp về vua Quang Trung, Lý Thường Kiệt - một vệt bài về những anh hùng của đất nước nhưng không mang âm hưởng ngợi ca mà sâu lắng, chiêm nghiệm khi ông hóa thân vào họ. "...Ta bay qua thời gian, từ thuở hồng hoang/ Ta bay thấu không gian, biển rộng núi cao, đi hết cõi hữu hình/Ta vào miền vô ảnh, vẫn nặng tình nhân gian..." - đó là lời bài hát “Bài ca Thần Chim Lạc” ông sáng tác nhiều năm trước.
Âm nhạc, với nhạc sĩ Phó Đức Phương là lẽ sống. Cầu mong ông sẽ bước qua được ngã rẽ lớn nhất trong cuộc đời, qua bệnh tật để tiếp tục với giấc mơ của mình dành cho âm nhạc.
Trong chương trình này, nhạc sĩ Nguyễn Cường, một thành viên trong trong nhóm “Bộ tứ sông Hồng”, người bạn thân thiết cùng thế hệ của nhạc sĩ Phó Đức Phương và nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, thế hệ hậu sinh ngưỡng mộ tài năng của ông, sẽ dẫn chương trình. Với mong muốn sau một hành trình vất vả, ông sẽ khỏe lại vì giấc mơ âm nhạc vẫn còn đầy trong ông. "Giờ là lúc để cho cảm xúc của âm nhạc là nguồn động viên lớn nhất, sẽ là liều thuốc hữu hiệu nhất dành cho người "tráng sĩ sông Hồng" khỏe lại và tiếp tục sáng tạo, cống hiến âm nhạc trong nhịp đập rộn ràng của cuộc sống. Dù có thế nào thì "đời sông không hề tiếc vơi đầy", một đêm duy nhất "Khúc hát phiêu ly" tại Nhà hát Lớn để chúng tôi dành trọn vẹn tình cảm với ông - người bạn - người chú - người cha âm nhạc”, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ. |