Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Ao không tù đọng
Hôm nay tỉnh này, mai đã tỉnh khác. Đời lang thang qua những chuyến đi. Lấy đi làm lãi. Lấy đi làm niềm vui. Và xác định phải đi thì mới có cảm hứng, mới có sáng tạo. Sơn nhận mình là một cái ao thôi. Nhưng dù là một cái ao, nhỏ, nhưng nước chưa bao giờ tù đọng, vì luôn luôn được làm mới, luôn luôn được khơi thông...
Mỗi lần gặp, Lê Minh Sơn luôn có điều gì đó mới để chia sẻ. Cái mới dường như là một điều rất tự nhiên trong cuộc sống của anh. Nó đến hằng ngày, vì anh lúc nào cũng tư thế trên đường. Mỗi ngày đều gặp một cái cây, một khúc quanh, một ổ gà, một số phận, một cuộc đời nào đó. Sơn vừa hoàn thành chuyến đi diễn xuyên Việt kéo dài hai tháng, trong chuỗi đêm nhạc vì cộng đồng "Hãy hát lên". Anh là nhà tổ chức, là tổng chỉ huy nghệ thuật của 8 đêm diễn này. Anh cùng các nghệ sĩ đã đưa âm nhạc đến những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn nhất của Tổ quốc.
Ở đó, khán giả không phải là những người mặc quần áo đẹp, chân đi giày cao gót đến nhà hát. Ở đó, khán giả là những người nông dân nghèo, chân lấm tay bùn quanh năm, thưởng thức nghệ thuật trên những bãi cỏ, sân khấu ngoài trời dựng tạm. Họ nghe và xem các nghệ sĩ với một niềm háo hức, đôi khi trẻ thơ hơn khán giả thành phố. Những đêm diễn trời mưa, đèn biểu diễn tù mù, họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện. Lê Minh Sơn bảo, phải đi, phải chứng kiến những khán giả như thế, mới hiểu, mới thấu, âm nhạc cần cho cuộc sống biết nhường nào.
Rằng, đôi khi khái niệm cao sang trong âm nhạc là một thứ gì đó xa xỉ, nếu nó chỉ biết phục vụ vỏn vẹn một nhóm khán giả có tiền, mà quên đi hàng ngàn khán giả bình dân. Một sự bình dân tuyệt vời, như chính những bài hát của Sơn, về cái bờ ao, về cặp ba lá, về con chuồn chuồn, nhưng nó là cốt lõi đời sống tinh thần của bao thế hệ người Việt. Người nghệ sĩ thực sự cần những chuyến đi biểu diễn vì cộng đồng như thế, để hiểu về công chúng hơn. Đôi khi bình dân hơn để có những tinh túy hơn vậy.
Hỏi, anh đang kiêm giảng viên của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Một công việc có thể nói là hằng ngày, sao có thể đi những chuyến liên tục, dài ngày. Sơn bảo, anh may mắn vì được làm việc ở một môi trường sư phạm tuyệt vời. Ở đó, có những nhà quản lý tuyệt vời. Họ để cho con người nghệ sĩ của những nghệ sĩ làm công tác giảng dạy như anh được chắp cánh, được thăng hoa. Họ không biến người dạy học thành một cái máy. Những căn bệnh của giáo dục hiện nay mà chúng ta đang kêu ca, nó không tồn tại ở ngôi trường anh đang giảng dạy. Vì thế, anh trước tiên vẫn được sống như một người nghệ sĩ. Và cũng phải được sống như một người nghệ sĩ thì mới có thể đào tạo ra những nghệ sĩ của tương lai.
Nói về nghề làm thầy, Lê Minh Sơn kể nhiều chuyện vui. Anh cười sảng khoái, lúc lắc cái đầu có mái tóc búi cao ngất nghểu, bảo: "Tôi có công với nhiều học trò lắm đấy nhé. Vì tôi toàn "xui" chúng bỏ nghề âm nhạc để theo nghề khác. Bạn biết đấy, tài năng trong lĩnh vực nào mà chả hiếm. Nhưng nhiều nghề người ta có thể học mà không cần đến chữ tài năng, riêng âm nhạc thì không. Tuy nhiên các bạn trẻ buổi đầu đến với âm nhạc thường không hiểu được điều này. Phần lớn vẫn là đi học vì tò mò, vì thích được trở thành nghệ sĩ, chứ không hiểu rõ mình có tài năng hay không. Tôi thường vui vẻ tiếp nhận các em thôi. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tôi hiểu rằng những em nào thì mình phải quyết liệt "xúi" bỏ học. Vì nếu các em không có tài, các em cứ bám trụ ngành này, tiêu phí tuổi trẻ vào việc học, và dù có học bao nhiêu đi nữa, các em vẫn chỉ là hạt cát trong đời sống nghệ thuật mênh mông này. Làm nghệ thuật nó có cái ma dụ. Một khi ai đó đã dấn thân vào, là mất cả cuộc đời như chơi, mà đôi khi thành quả chỉ là con số không tròn trĩnh. Bởi không có tài năng thì không sự chăm chỉ nào bù đắp được".
Lê Minh Sơn kể về một cậu học trò. Khi anh xúi bỏ âm nhạc, cậu ta buồn lắm, phản ứng quyết liệt với thầy. Nhưng thầy vẫn quyết định đánh gục ý chí học âm nhạc của cậu. Thầy bảo, em nhất định phải học ngành khác, như kinh doanh chẳng hạn, chắc chắn em sẽ thành công hơn làm âm nhạc, vì em không có tố chất thiên bẩm trong lĩnh vực này. Ngậm ngùi, nhưng cậu học trò đành chia tay trường nghệ thuật, chuyển sang theo học ngành thương mại. Và bây giờ cậu ta là một tỷ phú trẻ ở Nga, có một chuỗi cửa hàng kinh doanh rất lớn ở Matxcova. Cậu thường viết email cảm ơn thầy, vì cái cú "xúi" bỏ học của thầy khiến cậu phát hiện ra khả năng kinh doanh của mình. Và chỉ mong một ngày nào đó được đón thầy sang xứ sở bạch dương, để được có dịp cảm ơn thầy.
Lê Minh Sơn bảo: "Học trò của tôi rất ít, nhưng mà được ai là ra người đó. Vì tôi chỉ dạy những em mà tôi biết là em có tài năng. Tôi không bao giờ bỏ sót tài năng. Chẳng hạn như Hoàng Quyên Idol, tôi phát hiện ra Quyên từ năm Quyên 16 tuổi. Một giọng hát bẩm sinh từ trong máu, rất đa dạng biến hóa. Vấn đề của tôi chỉ là cung cấp cho Quyên những kiến thức, những kỹ năng cần thiết để Quyên trở thành người có thể đi xa, bền vững với nghề. Một người nghệ sĩ khi đã có cái lõi, là tài năng và kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết, thì họ có thể đi tự chủ trong lòng thế giới. Và họ có một sự nghiệp".
Nhân bàn chuyện nghệ sĩ, hỏi Lê Minh Sơn, anh có quan tâm đến câu chuyện liên quan đến phát ngôn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vừa rồi ầm ĩ trên báo chí không. Sơn bảo, đã nhiều năm nay anh không đọc báo, không xem ti vi. Các trang báo mạng anh tuyệt nhiên không đọc. Vì, ở đó, quá ít thông tin bổ ích. Nó chỉ bày ra một đời sống bát nháo của showbiz, những kẻ hợm hĩnh khoe thân thể, khoe tiền, hơn là tôn vinh những nghệ sĩ tài năng thực sự.
"Tôi không tìm thấy gì ở những chương trình nặng mùi tài trợ trên ti vi, hay những bài báo cánh hẩu, khen chê không đúng người, đúng việc trên báo mạng. Tôi ngao ngán việc người ta dùng chiêu trò, cốt để đánh bóng tên tuổi hay tìm kiếm sự "quen mặt" trên truyền thông, và nhầm lẫn rằng mình đang "nổi tiếng". Tôi tìm cảm hứng làm việc bằng đi, đọc, suy ngẫm. Có lúc rảnh một chút, chả cần phải trò chuyện với ai. Trò chuyện với một cái cây xem ra mình còn tìm thấy nhiều điều sâu sắc. Tránh xa sự ồn ào, phù phiếm, giữ cho mình sự tĩnh lặng cần thiết mới là quan trọng. Vì việc sáng tác cần sự tĩnh lặng đó, cần những cuộc hành trình lặn sâu vào tâm tưởng. Tránh xa những ồn ào, đồn thổi, đố kỵ, cũng là để giữ cho mình một sự trong sáng cần thiết. Một người làm nghệ thuật mà không trong sáng, thì tác phẩm hay vắng mặt".
Sơn kể, khi mới vào nghề, anh mất 3 năm loay hoay tìm con đường cho mình. Anh thường đi câu cá một mình, cứ ngồi với chiếc cần câu, nhìn xoáy vào mặt nước, tự hỏi và tự đáp, tìm một hướng để đi. "Thời cuộc bây giờ đáng sợ nhất, là khi chúng ta tan vỡ một cuộc tình, chúng ta không có thời gian để buồn, vì sẽ có ngay một cuộc tình mới thay thế. Cuộc sống lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp những thứ ta cần một cách nhanh nhất. Nó biến chúng ta thành cái ao, nông dần mỗi ngày, vì nhiều thứ trút xuống mặt nước. Tôi không muốn một cuộc đời như vậy. Một cuộc đời trôi qua với muôn vàn vạn thứ, rất ôm đồm hổ lốn, mà dường như chẳng cái gì là của riêng mình, mang dấu vết của mình. Toàn những thứ rởm, nhái, nửa vời, thì chán. Mà lúc tỉnh ra, thì có khi mình đã nằm trong bệnh viện, trong viện dưỡng lão, và chờ đợi cái chết đến mang mình đi. Tôi sợ một cuộc sống như vậy, nhạt phèo".
Sau cái vẻ ngang tàng của Lê Minh Sơn, tôi luôn nhìn thấy một sự trải đời của một kẻ đã chịu lăn mình qua nhiều trạng huống khác nhau. Một người ý thức rất mạnh về cái Tôi cá nhân khi làm nghệ thuật. Một người không khoan nhượng với sự đèm đẹp nào đó. Sơn bảo, anh may, là nhờ 3 năm ngồi câu cá, anh nhìn chính xác một điều cốt tủy ở đời, rằng mọi việc phải làm cho tử tế, thì mới có thể lâu dài. Những chộp giật sẽ qua rất nhanh, và thường vô tăm tích sau đó. Con người trong xã hội hiện đại có xu hướng sống hời hợt hơn. Những yêu thương trao gửi ít đi, niềm tin ngắn lại. Cái gì cũng nhanh, cũng gấp gáp, cũng nôn nóng.
"Tôi sợ nhất câu slogan "Sống là không chờ đợi". Làm sao có thể sống mà không chờ đợi được. Một thứ quả phải đợi ngày mới chín. Một cái cây phải đợi tháng năm mới cho bóng mát. Một tài năng cũng phải đợi thời điểm mới có thể tỏa sáng. Vì chúng ta không muốn chờ đợi, nên phải chăng chúng ta mới tự gây họa cho nhau bằng thuốc làm chín trái cây chỉ sau một đêm, rau trồng ngoài vườn có thể hái chỉ sau vài ngày nhờ kích thích, và nhiều người thì thành ra người nổi tiếng cũng chỉ sau một cuộc bán mua, một phen hở áo lộ hàng, một câu phát ngôn gây sốc. Không biết chờ đợi tức là đã tự tước đi khả năng cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống của mình. Vì cuộc sống, xét đến cùng, hạnh phúc là trên đường đi, chứ không phải là điểm đến".
Sau chuyến đi biểu diễn xuyên Việt, về lại với công việc giảng dạy thường ngày, Lê Minh Sơn vừa lên lớp với học trò, vừa bắt tay chuẩn bị cho hai đêm nhạc của riêng anh vào giữa tháng 11 tới đây. Anh chia sẻ, tổ chức live show nhạc riêng mà không có tài trợ thì chỉ xác định lỗ, nhất là trong thời điểm khủng hoảng này. "Nhưng nếu tôi không làm, thì sẽ không có tiếng nói thế hệ vang lên. Một năm, chúng ta chỉ thấy những chương trình của các nhạc sĩ thế hệ trước, như Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Phú Quang. Còn thế hệ tôi, rất hiếm hoi. Dù chúng tôi là một thế hệ có tiếng nói riêng, được công chúng chú ý. Nhưng có lẽ vì mải nhiều công việc nhỏ lẻ riêng tư khác, mà các nhạc sĩ thế hệ tôi chưa ý thức về câu chuyện thế hệ. Đời sống luôn cần những gương mặt, để nói với công chúng về sự tiếp nối..."