Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Tự biết mình và không ảo tưởng
- Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: "Ít nhất 2 năm tới, phim Việt vẫn từ lỗ tới lỗ"
- Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Không nghĩ mình bị lãng quên!
- Những tập thơ trước của anh có số lượng phát hành "khủng". "Đi qua thương nhớ" 55.000 bản; "Từ yêu đến thương": 20.000 bản; "Sinh ra để cô đơn": 15.000 bản; "Sống một cuộc đời bình thường": 15.000 bản và "Về đâu những vết thương": 10.000 bản. Nhưng trong lần trở lại này, "Sao phải đau đến vậy" chỉ có 5.000 bản. Phải chăng cái tên Nguyễn Phong Việt đã hết "hot"?
+ Tôi nghĩ cũng có thể và chuyện đó cũng bình thường thôi. Sẽ có những người đọc Nguyễn Phong Việt và không thích Nguyễn Phong Việt nữa. Sẽ có những người đọc Nguyễn Phong Việt rồi và thấy rằng họ không cần phải mua cuốn sách vào dịp này, họ có thể mua cuốn sách vào dịp khác.
Có thể, ở một thời điểm nào đó, độc giả thấy thơ hợp với họ, nhưng giờ có khi họ thấy thơ cũng chỉ là một thứ "gia vị" mà thôi. Và có thể, họ không đọc Nguyễn Phong Việt mà đọc một ai đó khác. Cũng có nhiều tác giả mới xuất hiện, thị trường bị phân chia rồi. Tôi thấy bình thường, không có gì ngạc nhiên cả. Nhưng có một tin vui là, 5.000 bản in lần đầu đã bán hết rồi. Hiện nay đang tái bản.
- Điểm khác biệt của tập thơ lần này so với những cuốn trước nằm ở hai chữ "trưởng thành". Nhưng khi đọc, tôi thấy đó mới chỉ trưởng thành về nhận thức thôi chứ bút pháp nghệ thuật vẫn chẳng có gì mới cả?
+ Những cuốn sách của Việt, nó đều đi theo một mạch cảm xúc. Tất cả các tựa đề đều liên quan và dẫn dắt hành trình. Từ lúc bạn bị đau đớn, tuyệt vọng vì mất đi một thương nhớ; cho tới khi bạn đứng dậy, gặp một tình yêu mới, bạn nhận ra nỗi cô đơn trong cuộc đời này là đương nhiên, bạn sẽ chấp nhận nó và muốn sống một cuộc đời bình thường.
Nhưng khi sống cuộc đời bình thường, có phải thỉnh thoảng sẽ có những ngày giả sử vết thương ngày xưa đó đỡ đau thì sẽ như thế nào. Rồi bạn nhận ra giá trị đó thì bạn sẽ hỏi là, tại sao lại để mình đau đớn như vậy. Cuối cùng, như cuốn sách dự kiến Việt phát hành năm sau: "Chỉ cần tin mình là duy nhất".
- Viết thơ, yếu tố cảm xúc được đặt lên đầu. Nhưng Nguyễn Phong Việt lại rất tỉnh táo, vạch ra được hẳn lộ trình xuất bản sách, thậm chí tiết chế cảm xúc của bản thân để độc giả khi đọc cuốn thơ mới không "đau đớn" nhiều…
+ Nói một cách nào đó, đó là sự thỏa hiệp. Khi tôi viết "Đi qua thương nhớ", tôi viết cho tôi, không phải ai khác. Viết cho nỗi đau, thương tổn của mình và tôi bất chấp người ta có thích hay không thích nó. Nhưng sẽ đến lúc nhìn lại, Việt đã có 6 cuốn sách rồi, nếu nói đây là một cuộc chơi nghiệp dư thì không phải nữa. Nói để cho vui, cũng không phải nữa. Đương nhiên, với mình, viết sách mang lại niềm vui nhưng mình đã bắt đầu ý thức rằng mình phải tôn trọng và có trách nhiệm với độc giả của mình.
Còn việc tại sao, Việt cân nhắc không để nỗi đau trong cuốn sách của mình quá lớn? Cuộc đời mà, đâu phải ngày nào cũng đau đớn, tuyệt vọng. Cũng có những ngày nắng rất đẹp chứ. Những gì đau đớn mình từng viết chứ không phải không viết. Nếu mình là độc giả, họ sẽ thấy bản thân Việt đã thay đổi, cuốn sách cũng thay đổi. Họ đừng để chính mình rơi vào một bi kịch kéo dài từ năm này qua năm khác nữa. Họ phải mạnh mẽ. Cuốn sách này bằng một cách nào đó đã tiếp thêm động lực cho họ. Đó là cái cách mình thỏa hiệp.
Có thể sẽ có ai đó trách Nguyễn Phong Việt. Tôi cũng sẽ đồng ý. Tôi thấy việc đó không có gì quá ghê gớm cả. Cũng như sẽ có ai đó nói rằng, sao bạn không quyết liệt với trang viết của bạn? Không, nó là lựa chọn của tôi cơ mà. Tôi đang trân trọng quý mến độc giả của tôi. Thời buổi này, mà người ta bỏ tiền ra mua thơ thì đáng quý lắm. Người ta có thể bỏ tiền mua tiểu thuyết, mua sách ngôn tình, sách kĩ năng, chuyên môn… nhưng tại sao họ lại chọn một cuốn thơ? Ở góc nhìn chủ quan của mình, một người mua thơ thì đó là người có tâm hồn đáng quý trong những tâm hồn.
- Như anh vừa nói, anh đã có 6 cuốn sách rồi. Nếu nói đây là một cuộc chơi nghiệp dư thì không phải nữa. Chẳng lẽ, yếu tố chuyên nghiệp được định vị bằng số lượng tác phẩm ư?
+ Yếu tố nghiệp dư mà Phong Việt nói ở đây đó là: Một người viết không nên phụ thuộc quá nhiều vào cảm xúc, đặc biệt là một người viết chuyên nghiệp. Có thể mọi người thấy rằng, mỗi năm Nguyễn Phong Việt ra một cuốn sách đúng là chuyên nghiệp thật.
Ra đúng dịp Giáng sinh, đúng là chuyên nghiệp thật. Còn chuyên nghiệp theo cách nhìn của những nhà phê bình văn học, tôi không nói. Mà nói cho cùng, tôi viết vẫn phụ thuộc vào cảm xúc lắm. Thành ra, một năm, cho tới thời điểm này, tôi chỉ ra một cuốn? Một cuốn sách 60 bài thơ. 60 bài thơ chia 12 tháng? Nhiều không? Không nhiều. Chẳng qua mọi người nghe cuốn sách thấy ghê gớm.
Tôi nghĩ, những người đọc Nguyễn Phong Việt tới thời điểm này, nếu chỉ cần Nguyễn Phong Việt sử dụng câu chữ kĩ thuật, "make up" thì chắc chắn mọi người sẽ nhận ra và họ sẽ nói: "Ồ, cuối cùng Nguyễn Phong Việt là vậy hay sao?". Mình không muốn nhận lời nhận xét như vậy.
"Sao phải đau đến vậy" là tập thơ mới nhất của Nguyễn Phong Việt. |
- Nguyễn Phong Việt từng là cái tên bị kẹt lại giữa các luồng ý kiến về văn học giải trí và văn học (tạm gọi là) đích thực. Anh đã lần nào nghĩ một cách nghiêm túc về điều này chưa?
+ Bản thân tôi là một người làm báo mảng giải trí. Sau này, làm thêm những công việc liên quan tới phim ảnh, nó cũng là công việc thuần giải trí. Tâm thế của tôi rất đơn giản, rằng mình đang làm một sản phẩm và khán giả bỏ tiền ra để mua nó, vậy thì mình phải làm sao xứng đáng?
Thứ nhất là cái tên mình nằm ở bìa sách. Hai là, độc giả bỏ tiền ra mua sách, đó là một sự trao đổi. Họ bỏ tiền ra để mua một giá trị tinh thần, vậy giá trị tinh thần mà mình mang lại cho họ là gì?
Câu chuyện giải trí vẫn quan trọng nhất tại thị trường Việt Nam hiện tại. Ở đâu, cũng sẽ có những xung đột giữa nghệ thuật và giải trí và đó là cuộc chiến không phải ngày hôm nay mới có. Vậy thì, nếu bạn làm nghệ thuật, bạn cứ làm, bạn làm giải trí thì cứ làm. Chúng ta chỉ cần làm tốt công việc của chúng ta thôi.
Nếu có những người nghệ sỹ bậc thầy họ dung hòa được yếu tố giải trí và nghệ thuật thì càng tốt. Còn bản thân tôi, tôi nghĩ mình không tài giỏi như vậy. Tôi chỉ đơn giản là một người đang làm tốt công việc của mình mà thôi. Nếu ai đó nghĩ Nguyễn Phong Việt đang viết một cuốn sách giải trí thì tôi vẫn thấy bình thường, không sao hết.
- Kể cả khi người ta nói thơ Nguyễn Phong Việt là thứ thơ rẻ tiền?
+ Không vấn đề gì hết. Mình không xem mình là một người tài năng, thì cũng đừng ai đó áp đặt cho mình một sứ mệnh nào đó, hay một thiên chức nào đó quá lớn. Hơn nữa, nói thật, mình cũng không kiếm sống từ viết thơ. Đây là một niềm vui của mình. Và may mắn, mình chia sẻ được điều đó tới mọi người. Nguyễn Phong Việt không tham vọng chia sẻ với tất cả mọi người, chỉ mong chia sẻ tới những người đồng điệu với mình. Tham vọng đó là điều quá sức và không nằm trong tưởng tượng của mình.
Nguyễn Phong Việt kí tặng sách cho độc giả. |
- Nhưng người ta lại nói rằng, khi làm sáng tạo, bạn đừng nên thỏa hiệp…
+ Mọi người thường nói, khi bạn làm sáng tạo, bạn đừng thỏa hiệp. Nhưng mình nghĩ, ở trong một thị trường mà tính giải trí quá mạnh, mình cũng phải thỏa hiệp. Cái thỏa hiệp đó tốt cho mình. Có thể với những người viết khác, những người làm nghề khác, họ thấy đó là một điều không nên. Nhưng hơn ai hết, chỉ có mình mới hiểu được mình có thể làm gì nhất. Không phải Nguyễn Phong Việt không có tham vọng, ước mơ nhưng Việt hiểu rõ giá trị bản thân mình, biết mình làm được gì. Mình không ảo tưởng. Các bạn có thể đặt ra ước mơ cho bạn nhưng xin lỗi, khả năng của Nguyễn Phong Việt chỉ đến đó thôi.
- Khả năng đến đó hay do Nguyễn Phong Việt lười biếng?
+ Không phải lười biếng. Tôi đã từng thử viết một đề tài khác, từng thử thay đổi một cấu trúc… Nhưng rồi khi mình đọc lại, nhận thấy đó không phải là mình. Nó chắc chắn không phải là mình. Tôi tự hỏi, tại sao mình lại đi làm một thứ khác mình, tại sao mình không làm một thứ mà mình có thế mạnh nhất, có cảm xúc nhất. Nói cho cùng, chúng ta vẫn phải quay lại câu chuyện văn chương vẫn là câu chuyện bản thể. Tôi cho rằng, với một người viết văn, bạn phải nhận thức được bạn làm được gì và bạn đi tới đâu.
- Nguyễn Phong Việt từng được gọi là "hiện tượng" xuất bản với "Đi qua thương nhớ". Nếu một ngày, anh không phải là một hiện tượng nữa thì sẽ ra sao?
+ Có rất nhiều lí do để người ta gọi tôi là hiện tượng. Có thể thị trường lúc đó thiếu một cuốn sách như vậy. Có thể, cuốn sách đó vô hình trung ra mắt trong thời điểm đó chạm được vào cảm xúc của quá nhiều người. Có thể vào thời điểm đó, "sao may mắn" chiếu mệnh Nguyễn Phong Việt. Tự nhiên thiên thời địa lợi nhân hòa, mình tỏa sáng. Cuộc đời người nghệ sỹ cũng vậy. Không có người nghệ sỹ nào mãi mãi đứng trên hào quang cả. Vào thời điểm năm 2012, Nguyễn Phong Việt có một cuốn sách ra đúng thời điểm, tự nhiên cuốn sách trở thành một hiện tượng. Nhưng đó là thời điểm năm 2012, chứ không phải bây giờ. Bây giờ không còn là hiện tượng nữa, điều đó cũng là bình thường.
Tôi nghĩ, cho tới thời điểm này, những cuốn sách mà tôi phát hành không dưới 10.000 bản. Nhưng nếu một ngày rớt xuống còn 500 cuốn, tốt nhất mình nên dừng lại. Tôi hiểu, thời của mình đi qua rồi. Khi tấm màn nhung khép lại, mình lủi thủi đi vào, sẽ có một lúc, không ai đi theo bạn cả. Sẽ có một ngày, tấm màn nhung kia sẽ khép lại trước mắt của Nguyễn Phong Việt chứ. Nhưng không có gì bất ngờ cả.
- Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Phong Việt!