Nhà thiết kế Cao Minh Tiến: Thời trang Việt thiếu những tiếng nói mới

Thứ Năm, 19/09/2019, 07:11
Thành danh từ rất sớm, nhưng nhà thiết kế Cao Minh Tiến lựa chọn con đường làm giảng viên đại học và hoạt động nghề "cầm chừng" theo sở thích của mình. Anh ngậm ngùi, ở Việt Nam, các nhà thiết kế thời trang chưa bao giờ được coi trọng, vì thế, chúng ta luôn thiếu những tiếng nói mới, thúc đẩy ngành thời trang phát triển.


- Ngày mới vào nghề, anh được đánh giá là một gương mặt sáng giá, nhưng có vẻ thời gian qua cái tên Cao Minh Tiến khá im hơi lặng tiếng?

+ Tôi từng là một nhà thiết kế có chỗ đứng ở Hà Nội, khách xếp hàng dài chờ mua đồ. Tôi cuốn theo công việc mải miết. Và có lúc, tôi giật mình tỉnh ngộ, tôi tự hỏi, mình đang làm gì thế này. Vì tiền bạc ư, vì danh tiếng ư. Tất cả đều không. Tôi chỉ biết mình bận tối mắt từ 8h sáng đến 12h đêm, không có thời gian dành cho gia đình. 

Tôi đã chứng kiến cảnh nhiều người ân hận, tiếc nuối khi bố mẹ qua đời mà không kịp báo đáp. Mình không thể như vậy. Tôi buộc phải lựa chọn, một tuần sẽ dành nhiều buổi tối về nhà ăn cơm, dành nhiều thời gian cho gia đình và thu hẹp công việc kinh doanh.

- Có vẻ như Cao Minh Tiến không mấy quan tâm đến cái "name" của mình chăng?

+ Nói rằng tôi không quan tâm đến việc mình ở đâu, mình là ai thì không đúng. Từ trước đến giờ tôi vẫn tâm niệm, mình không phải là số một nhưng là duy nhất. Tôi sống và làm việc theo phương châm đó. Có một câu nói tôi rất thích, hai ngày nữa thì ngày mai sẽ là ngày hôm qua, tương lai sẽ thành quá khứ, hãy sống tốt cho hiện tại, không huyễn hoặc ngày mai tôi sẽ tốt hơn, không ngồi yên mà trông chờ tương lai. 

Hiện tại tôi luôn lao động và nỗ lực, làm tất cả những gì mình thích mà không tính toán, đắn đo. Tuổi trẻ, từng có những thứ mình muốn có bằng mọi giá, nhưng có rồi lại mất luôn. Và tôi nhận ra, cuộc sống đừng cưỡng cầu, nên thuận theo tự nhiên mà sống. Bon chen trong thế giới thời trang cũng chỉ làm mình thêm mỏi mệt và mất đi những năng lượng lành mà thôi. Nên cuộc sống có những lúc rớt nước mắt mà vẫn thấy vui. Trong ngành thời trang, có nhiều cạnh tranh, nhưng tôi không muốn núp dưới cái bóng của bất kỳ ai, tự mình đi bằng đôi chân của mình.

- Anh chuẩn bị ra mắt bộ sưu tập mới trong Việt Nam Fashion week Xuân Hè 2020 tới đây và trình diễn bộ áo dài mới. Có vẻ như anh rất đa năng?

 + Có nhiều người sẽ định hình mình ở một dạng nào đó, còn tôi, tôi thích thử nghiệm ở nhiều loại sản phẩm. Tôi làm để thỏa mãn cái tôi, nếu bó buộc mình tôi sẽ rất buồn, tôi muốn được ăn nhiều món khác nhau. Tất cả các sản phẩm thời trang của tôi sẽ có một thứ kết nối bằng hình ảnh, màu sắc, kiểu dáng, đó là chữ ký biểu tượng riêng và chỉ cần nhìn vào biểu tượng đó sẽ nhận ra Cao Minh Tiến. 

"Câu chuyện của cô nàng quyến rũ" là bộ sưu tập mới nhất của tôi. Tôi vẫn theo đuổi concept là những người phụ nữ biết yêu bản thân, yêu cái đẹp, luôn muốn xây dựng cho chính họ một thương hiệu cá nhân hoàn mỹ. Hình ảnh người phụ nữ cổ điển quyến rũ sẽ là điểm nhấn trong xu hướng thời trang oversize của những thập niên 80 mà thị trường đang dần bão hoà.

Bộ sưu tập mới nhất của Nhà thiết kế Cao Minh Tiến.

- Còn những thiết kế áo dài của Cao Minh Tiến khá cách tân, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Anh quan niệm thế nào về sự cách tân?

+ Nhiều người cứ muốn giữ áo dài truyền thống, không cho nó đổi mới, phát triển. Tuy nhiên, có những áo dài cách tân khó chấp nhận vì rất phản  cảm. Áo dài vẫn phải thay đổi, chúng ta chỉ giữ lại tinh thần, hồn cốt của nó thôi chứ kết cấu, kiểu dáng có thể thay đổi theo chất liệu. Xu hướng thời trang thế giới có trào lưu phá bỏ kết cấu. 

Ở Việt Nam, mọi thứ đều bị đánh giá theo định kiến. Chẳng hạn ngày xưa, vải gấm chỉ dành cho các cậu ấm cô chiêu mặc, còn bây giờ, vải gấm lại được dùng may đồ lễ, đồ hầu đồng. Mặc nhiên, vải gấm bị tự kỷ ám thị rằng chỉ dành cho hầu đồng, và mọi người sẽ từ chối không mặc chất liệu đó dù nó được thiết kế rất đẹp.

- Trong xu hướng toàn cầu hóa, thời trang Việt đang loay hoay tìm đường và tìm bản sắc riêng cho mình. Là một nhà thiết kế, theo anh, bản sắc của thời trang Việt nằm ở đâu?

+ Tôi nghĩ, từ thời trang, hội họa, âm nhạc hay bất cứ lĩnh vực nào, điều quan trọng cần có chính là phần hồn cốt. Giống như khi chúng ta nấu ăn, muốn pha nước mắm ngon thì phải có nước cốt ngon. 

Vì thế, thời trang Việt muốn hòa nhập với thế giới phải đi tìm được cái cốt tinh túy của mình, đó là những thứ mang tính gốc rễ, truyền thống. Còn nếu bản chất của mình là lai căng, chỉ đi ra một chút sẽ nhạt nhòa. Người làm thời trang phải tự bồi đắp kiến thức và cá tính riêng, tự tạo cho mình một thư viện kiến thức, lúc đó mới nói chuyện đến phá vỡ và đi xa hơn. 

Thời trang Việt Nam đang phát triển, học hỏi và du nhập là không thể tránh được, nên việc giữ được cá tính riêng rất quan trọng. Thị trường thời trang Việt Nam đang cạnh tranh nhiều với hàng Trung Quốc, hàng hiệu thế giới, đầu vào rất lớn trong khi đầu ra chỉ có thế. Các sản phẩm của nhà thiết kế trước đây dễ dàng đến với tay người tiêu dùng nhưng bây giờ phải cạnh tranh với nhiều nguồn, rất khó khăn.

Nhà thiết kế Cao Minh Tiến trong MV về Trung Thu.

- Vậy theo anh, các nhà thiết kế thời trang Việt đã làm được vai trò dẫn dắt xu hướng và định hướng thẩm mỹ cho người Việt hay chưa?

+ Một thực tế buồn là chúng tôi chưa làm được điều đó. Ở Việt Nam, có quá ít các nhà thiết kế có phong cách riêng. Họ chưa tạo thành một đội ngũ để có thể dẫn dắt xu hướng thời trang trong nước. Đến bây giờ chúng ta cũng chỉ có vài ba cái tên như cô Minh Hạnh, Công Trí, Thụy Nguyễn... Mặt khác, muốn tạo ra trào lưu hay xu hướng còn liên quan đến khách hàng, tư duy thẩm mỹ và cả một nền văn hóa.

- Anh nói rằng, chúng ta thiếu đội ngũ các nhà thiết kế có nhiều dấu ấn, vì chúng ta thiếu tài năng?

+ Vì làm nghề thời trang ở Việt Nam quá khó khăn và khắc nghiệt. Chúng tôi luôn phải cân đối giữa bài toán kinh tế và làm nghề, vì nếu làm nhiều thứ người tiêu dùng thích đồng nghĩa với cái tôi của mình sẽ giảm đi, nhạt nhòa hơn. 

Nhưng điều quan trọng là trong tư duy của người tiêu dùng Việt Nam, họ chưa coi trọng các nhà thiết kế, thậm chí, họ không phân biệt nhà thiết kế và thợ may. 

Chị đi ra ngoài đường thấy nhiều tiệm may đo gắn biển thiết kế thời trang. Rất nhiều người tiêu dùng có quan niệm đồ may công nghiệp mới tốt, mới "nồi đồng cối đá" và đồ làm thủ công lại không tốt. 

Thời trang Việt Nam từng phát triển nhưng bây giờ đang đi xuống. Cách đây chục năm đồ may đo rất phát triển, nhiều người có thói quen đi mua vải ra tiệm may đồ. Giờ đâu đâu cũng hàng Trung Quốc, hàng một giá pha loãng cả thời trang. Rồi tình trạng bán hàng online tràn lan, không kiểm soát, hàng hiệu vào Việt Nam, giá cả cạnh tranh, đồ thiết kế không "đọ" lại được.

- Vậy, so với thế giới, theo anh thời trang Việt đang ở đâu?

+ Chúng ta mới chỉ có một vài nhà thiết kế thời trang bước ra thế giới với tư cách là các tác giả, các cá tính sáng tạo. Còn lại, chủ yếu chúng ta đi theo diện giao lưu văn hóa. Thời trang muốn phát triển phải kéo theo hàng loạt các thứ khác phát triển như âm nhạc, hội họa, điện ảnh và kinh tế. 

Không nói đâu xa, chúng ta chỉ nhìn sang Hàn Quốc, trong khoảng 10 năm gần đây, họ đã tạo ra một bản sắc văn hóa riêng mang tên Hàn Quốc, từ âm nhạc, điện ảnh sang thời trang. Và trong từ điển thời trang có thêm một phong cách đó là phong cách Hàn Quốc. Việt Nam chưa bao giờ mơ đến mấy chữ phong cách Việt Nam. Chúng ta còn rất nhiều thứ phải làm, thứ thiết yếu nhất là sự đồng bộ về văn hóa.

- Có vẻ như các nhà thiết kế thời trang để sống được với nghề và nuôi dưỡng đam mê của mình ở Việt Nam rất khó khăn?

+ Trên thế giới, thời trang là 1 trong 5 nghề hái ra tiền, nhưng ở Việt Nam thời trang là nghề xa xỉ và nếu để chơi một cuộc chơi xa xỉ mấy ai chịu được. Chưa kể các nhà thiết kế chịu ảnh hưởng bởi khách hàng. Làm cái mới mà không ai mặc thì làm sao có tiền. Đó là một vòng luẩn quẩn. 

Tôi bây giờ làm công tác giảng dạy ở trường Cao đẳng Công nghiệp, vì thế, tôi nung nấu thực hiện một cuốn sách về thời trang, lưu giữ lại những hình ảnh của lịch sử thời trang, sau này những người khác có thể dùng làm tư liệu. Tôi muốn làm một người lưu trữ, giống như một thư viện. Ví dụ bạn nhìn vào bộ ảnh áo dài có thể thấy được chiều dài của lịch sử áo dài, thấy câu chuyện của truyền thống và sự thay đổi của áo dài theo thời gian.

- Năm ngoái, Cao Minh Tiến kỷ niệm 15 năm làm nghề bằng một triển lãm tranh, còn năm nay lại là một MV về Trung thu, với mong muốn làm mới những giá trị truyền thống. Sắp tới anh còn đóng phim nữa. Có vẻ như anh đang chán thời trang và lấn sân sang những lĩnh vực khác chăng?

+ Tôi hạnh phúc vì được làm những thứ mình thích. Tôi muốn khám phá bản thân trong lĩnh vực ca hát, muốn được tự sản xuất MV của mình xem khả năng của mình đến đâu. 

Với MV "Trống cơm", tôi tự tay thu xếp mọi việc, từ việc đạo điễn, lên ý tưởng nội dung, phục trang, đạo cụ… Tôi làm theo ý thích và khả năng kinh tế cho phép. Nhưng, nếu nói ra MV để đi hát chuyên nghiệp thì chắc chắn không rồi, tôi không đủ dũng cảm và bản lĩnh để đứng trên sân khấu như một ca sĩ chuyên nghiệp. 

Ngoài chuyên môn là nhà thiết kế thời trang, tôi mong muốn có điều kiện để tiếp tục thực hiện ước mơ làm mới nhiều hơn nữa những bài dân ca của Việt Nam, kỳ vọng góp sức để các em nhỏ không quên dân ca Việt Nam, từ đó tôn vinh văn hoá truyền thống Việt.

- Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.