Nghệ sĩ tóc Andre': "Cho đi để trở thành người giàu có"

Chủ Nhật, 09/07/2017, 17:59
Andre' chỉ nhận mình là một người thợ bình thường, nhưng từ lâu trong giới làm nghệ thuật đã gọi anh là một "nghệ sĩ tóc". Dường như đối với anh, việc làm tóc cho một người không phải đơn thuần là cắt tóc, mà nó giống với việc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật thì đúng hơn.


Tuy nhiên, con người nổi tiếng trong lĩnh vực của mình đó lại có một tâm nguyện âm thầm và anh đã thực hiện trong nhiều năm qua, bằng tất cả tâm huyết, tiền của lao động của mình, đó là làm từ thiện.

Ngày 12-7 tới đây, đêm nghệ thuật "Hoa hướng dương" khắc họa chân dung, công việc của Andre' - một người làm thiện nguyện sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhằm kết nối những tấm lòng sẻ chia yêu thương chung tay giúp những người đang trong hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các bệnh nhi ung thư.

- Sau nhiều năm âm thầm đi làm từ thiện, vì sao thời điểm này, anh quyết định thực hiện một đêm diễn nghệ thuật, lại là "Andre'- một chân dung"? Phải chăng công việc từ thiện với anh không còn âm thầm nữa?

Andre' và ca sĩ Tùng Dương trong buổi họp báo về chương trình nghệ thuật từ thiện sắp diễn ra tại Nhà hát Lớn.

+ Cái chữ "âm thầm" trong làm từ thiện có lẽ để nói về cái tâm của người làm từ thiện thì đúng hơn. Tôi không có ý âm thầm hay công khai trong việc mình tổ chức một đêm nghệ thuật gắn với công việc từ thiện này. Điều mà tôi hướng tới là sự sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái của con người với nhau.

Chúng ta đang sống trong một cộng đồng còn rất nhiều người thiệt thòi, vì nghèo khó, vì thiên tai, bệnh tật. Họ cần những cái ôm, những bàn tay, sự lắng nghe, thấu hiểu, lòng trắc ẩn cũng như sự sẻ chia của mọi người. Tôi và những người bạn của tôi đã đi đến rất nhiều nơi trên đất nước mình, để mang tấm lòng đến với những tấm lòng, nhằm làm vơi đi những thiệt thòi mà nhiều số phận đang phải gánh chịu.

Tổ chức một đêm nghệ thuật quy tụ những người bạn nghệ sĩ, chúng tôi muốn truyền một thông điệp quan trọng với cộng đồng, rằng làm từ thiện không phải là chuyện mang tiền đi cho, mà quan trọng là cách làm. Đêm diễn sẽ kết nối những tấm lòng thiện nguyện lại với nhau, theo cách đó thì tình yêu thương sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn.

- Vì anh là một người làm tóc, một nghệ sĩ tóc, nên không ít khán giả ngại rằng, đây là một chương trình mà Andre' sẽ "trưng trổ" tài nghệ làm tóc của mình trên sân khấu?

+ Tôi nhắc lại một lần nữa, đây là một chương trình nghệ thuật vì mục đích thiện nguyện, nên sẽ không có một Andre' làm tóc trên sân khấu. Tôi không có nhu cầu "khoe" bản thân mình ở đó. Tôi làm nghề đã 28 năm và vị trí của tôi trong làng tóc thì không cần bất kỳ một sự đánh bóng nào nữa cả. Chân dung của tôi có thể khắc họa thế này, làm từ thiện là phải bằng tâm của mình, tiền lao động của mình và ý tưởng cũng phải của mình.

Ngoài ra không có ý nguyện nào khác cả. Các nghệ sĩ họ đến với tôi cũng không phải vì bất cứ một điều gì khác, ngoài tấm lòng. Họ muốn cùng tôi truyền đi hơi ấm của tình người, đánh thức trái tim của khán giả, rằng sống ở đời, hãy biết cho đi, và mình sẽ trở thành một người giàu có.

- Anh vừa nói đến câu chuyện làm từ thiện không phải chỉ là câu chuyện "của cho", mà còn là "cách cho" như thế nào nữa. Vậy anh có thể nói cụ thể hơn về điều này?

+ Trong đêm diễn 12-7 tới đây, bên cạnh các tiết mục của các nghệ sĩ nổi tiếng, sẽ có phần tôi nói về câu chuyện làm từ thiện. Nhiều năm tôi và cộng sự của mình đã đi hầu khắp các địa phương trên cả nước để đến với người nghèo, người thiệt thòi, tôi nhận ra rằng, cách làm từ thiện là vô cùng quan trọng. Đôi khi cách làm còn quan trọng hơn tiền, quan trọng hơn việc bạn có nhiều tiền để cho đi.

Andre' trong một chuyến đến với bệnh nhi ung thư.

- Anh có thể cho ví dụ?

+ Bắt đầu những chuyến đi làm từ thiện, tôi bao giờ cũng phải hiểu rõ, những người mình định giúp đỡ cụ thể là ai? Họ ốm đau, bệnh tật hoàn cảnh như thế nào? Họ cần gì? Cái họ cần gì rất quan trọng. Vì từ thiện chỉ mang ý nghĩa thực sự khi bạn đến, và mang cho người ta cái họ thực sự cần.

Chẳng hạn, khi tôi đến một trại phong ở Thái Bình, tôi phải hiểu những người sống ở đó họ thực sự đang thiếu gì. Những người đã mất tay, mất chân, mất một phần cơ thể đó họ có thể không cần đôi dép, vì họ đâu còn chân để đi. Vậy bạn đừng mang dép đến. Hay những đứa trẻ bị K trong bệnh viện.

Chúng đang phải xạ trị hoặc truyền hóa chất. Sự sống của các em phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Mỗi em một mức độ bệnh khác nhau, có thể ăn được món này mà không ăn được món kia, vậy các bạn đừng nghĩ mình cứ mang sữa hay bánh đến phân phát cho các em là được.

Cách làm của tôi là tìm hiểu kỹ càng về nhu cầu của từng người trước khi mình đến gặp họ. Làm sao để mang đến cái mà họ cần nhất lúc này. Từ thuốc thang đến đồ ăn hay các phương tiện cần thiết khác, và thậm chí là tiền. Tuyệt đối không bao giờ mang đến những thứ mà người ta không cần. Thế là phí công sức của mình mà cũng không ích gì cho người mình muốn giúp.

Để làm được như vậy, thì mình phải đặt toàn bộ cái Tâm của mình vào đó, không thể có chuyện làm qua loa cho xong. Quan niệm cứ có tiền bỏ ra từ thiện là xong là chưa đúng về từ thiện. Ngoài tiền ra, bạn phải mang tình yêu của bạn đến, một tình yêu không phân biệt sang hèn, cao thấp. Bạn phải lắng nghe, chia sẻ, và nếu có thể hãy sống cùng những người đó trong một khoảng thời gian dù là rất ngắn. Để bạn đặt mình vào vị trí của họ. Luôn luôn đặt mình vào vị trí của người cần được giúp đỡ.

- Nghe nói, nếu tham gia vào một chuyến từ thiện cùng Andre' sẽ phải tuân thủ những nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt của anh?

+ Tôi là một Phật tử, tôi luôn lấy chữ từ bi, hỉ xả lên làm đầu. Tôi quan niệm, làm từ thiện không ai bắt buộc bạn, nên một khi bạn đã làm từ thiện, thì hãy làm cho đúng nghĩa. Bạn đi giúp những người khác khó khăn thiệt thòi hơn mình, vậy đừng chọn vị trí cao hơn họ, hay tạo ra khoảng cách giữa mình và họ. Mình phải cảm thấy sự hoan hỉ thực sự khi đồng hành cùng họ.

Tôi không chấp nhận một người có tiền bỏ ra đi làm từ thiện, nhưng lại đứng ở thế cao hơn người khác. Nếu đi cùng tôi, họ phải ăn mặc giản dị, tự tay mang những thứ mình giúp đến trao cho người ta. Người ta đi chân đất, mình cũng có thể đi chân đất. Người ta ăn bữa cơm như thế nào, mình có thể ăn cùng với họ. Những người còn coi việc đi làm từ thiện để trưng trổ bản thân, khoe áo quần đẹp, trao quà xong ra nhà hàng ăn món sang hay ngủ khách sạn 5 sao, chụp ảnh, tôi rất khó chịu.

-  Như thế anh có cực đoan quá không?

+ Những người không thích cách làm của tôi, họ có thể làm tự thiện ở chỗ khác, theo cách khác. Nhưng tôi là như vậy. Việc đó không ai nhìn thấy, không vi phạm điều gì, nhưng tôi muốn nhìn sâu vào cái Tâm của mình và của mọi người. Làm từ thiện không tận Tâm, thì đó chỉ là cách làm hình thức.

- Một chương trình nghệ thuật cần rất nhiều tiền, anh có nhà tài trợ không?

+ Có nhiều nhãn hàng muốn tài trợ cho tôi, nhưng tôi không nhận dù chỉ một đồng của đơn vị nào. Hoàn toàn là tiền túi tôi bỏ ra. Số tiền không nhỏ, nhưng bù lại, tôi sẽ cùng với những người bạn của mình làm cầu nối để những nhà hảo tâm có thể đóng góp giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các bệnh nhi ung thư.

Khách hàng của tôi và những người quan tâm đến công việc thiện nguyện có thể mua vé đến chương trình như một hình thức đóng góp từ thiện. Tất cả những đồng tiền đó sẽ công khai trong đêm diễn và được dùng để giúp đỡ trẻ em nghèo, bệnh tật và những người có số phận không may mắn khác. Tôi cam đoan rằng không có một đồng nào sai mục đích đó.

- Ngoài 40 tuổi, anh vẫn chưa có gia đình riêng, kiếm được bao nhiêu tiền từ công việc lại lo đi làm từ thiện, giúp đỡ người khó khăn. Ý nghĩa cuộc sống của anh là gì vậy?

+ Tôi đang mang quốc tịch Canada. Tôi học nghề tóc ở Vancouver, rồi đến London, thủ phủ của thời trang tóc để học tiếp. Tôi có thể lựa chọn làm việc ở những môi trường chuyên nghiệp nhất trên thế giới, nhưng tôi đã chọn về Việt Nam, và chọn Hà Nội ở lại. Vì tôi là một người Việt. Dòng máu trong tôi là dòng máu Việt. Tôi muốn làm đẹp cho tóc của người Việt.

Trao từ thiện cho các bệnh nhân phong ở Trại phong da liễu Văn Môn, Thái Bình.

Còn về công việc từ thiện thì nếu tôi sống ở Vancouver hay London, không ai cần tôi cả, nhưng ở Việt Nam thì có nhiều người cần đến tôi. Tôi muốn đến với những người cần tôi và cảm thấy hạnh phúc khi được giúp đỡ ai đó- những người khó khăn hơn mình. Tôi rất yêu Hà Nội, từ khung cảnh đến con người. Có những đêm mùa đông lạnh, tôi không ngủ được.

Tôi lấy xe máy đi vòng vèo qua những con phố khuya khoắt. Nhìn những người vô gia cư ngủ trên hè phố, hay những đứa trẻ không nhà vạ vật trong ghế đá công viên, lòng tôi trĩu nặng. Tôi chạy mua cho họ mấy cái bánh mì, hay giúp họ chút tiền lẻ để họ đỡ đói lòng, đỡ lo âu. Đối với tôi, sống ở đời không phải để hưởng thụ, để sở hữu, mà là để cho đi. Cho đi có thể nói là giá trị lớn nhất mà chúng ta có thể làm khi hiện diện trên cõi đời này. Để có được cảm giác mình là người giàu có nhất.

- Cảm ơn nghệ sĩ tóc Andre'.

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.
.